Síp đồng ý cho hải quân Nga sử dụng cảng
Quốc đảo Síp đã ký một thỏa thuận với Nga cho phép hải quân nước bạn có quyền vào các bến cảng tại hòn đảo lớn thứ ba ở Địa Trung Hải này.
Tàu của Nga từng cập cảng CH Síp trước đây. (Ảnh: BBC)
Hãng thông tấn BBC tối 25/2 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được thỏa thuận trên sau khi thương thuyết với người đồng cấp CH Síp Nicos Anastasiades nhân chuyến thăm Mátxcơva.
Thỏa thuận mới được đánh giá là chính thức hóa tình trạng hải quân Nga sử dụng cảng tại CH Síp trước đây. Mátxcơva cũng từng rót nhiều khoản đầu tư vào quốc đảo này.
Ngoài ra, Tổng thống Anastasiades cũng tiết lộ rằng hai nước đang bàn thảo về khả năng Nga có thể sử dụng một căn cứ không quân tại CH Síp để phục vụ cho các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo.
Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây đang gia tăng nhanh chóng sau những diễn biến phức tạp tại vùng chiến sự tại đông Ukraine.
BBC dẫn lời Tổng thống Nga trấn an các nước khác không nên lo lắng bởi hải quân Mátxcơva cập bến tại đảo Síp chủ yếu để phục vụ hoạt động chống khủng bố và cướp biển.
Video đang HOT
Trên thực tế, Anh cũng đang có các căn cứ quân sự tại quốc đảo nằm ở phía đông Địa Trung Hải, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ này.
London một ngày trước đó đã tuyên bố sẽ cử quân đến Ukraine để huấn luyện cho binh lính chính phủ, đồng thời cảnh báo sẽ tăng trừng phạt Nga nếu phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine tiếp tục lấn tới, chiếm thêm các lãnh thổ.
Dù hiện quan hệ Nga và châu Âu rất căng thẳng, người đứng đầu điện Kremlin cho hay ông không lo ngại rằng thỏa thuận sử dụng cảng tại Síp sẽ bị hiểu một cách sai lệch.
“Mối quan hệ hữu nghị của Nga và CH Síp không nhằm vào bất kỳ nước nào. Bởi vậy tôi không cho là các nước khác sẽ lo lắng về thỏa thuận mới”, Tổng thống Putin nói.
Thoa Phạm
Theo Dantri/BBC
Thỏa thuận hòa bình Ukraine: Mong manh như đèn trước bão
Sau 16 giờ đàm phán căng thẳng, cuối cùng nhóm "Bộ tứ Normandie" cũng đã ký được một thỏa thuận hòa bình toàn diện cho Ukraine, trong đó việc ngừng bắn ở miền Đông. Tuy nhiên, với những mâu thuẫn cốt lõi giữa các bên, tương lai của văn kiện này chẳng khác gì ngọn đèn trước bão.
Lãnh đạo 4 nước đàm phán tại Minsk (Ảnh: AP)
Việc lãnh đạo nhóm "Bộ tứ Normandie" - gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande - đạt được giải pháp tổng thể dài hạn cho cuộc khủng hoảng Ukraine được xem là một thành công vượt mong đợi của các bên. Thành công đó có được nhờ quyết tâm chính trị rất lớn của Nga và Ukraine, cùng sự trung gian hiệu quả của hai "anh cả" châu Âu là Đức và Pháp.
Trong "Tuyên bố chung" ký sau cuộc họp, lãnh đạo 4 nước khẳng định hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, coi giải pháp hòa bình là phương thức duy nhất cho cuộc xung đột đang diễn ra, ủng hộ văn kiện "Tổng thể các biện pháp thực thi các thỏa thuận Minsk" được "Nhóm tiếp xúc về Ukraine" thông qua cùng ngày và thiết lập cơ chế giám sát thực hiện văn kiện này.
Văn kiện được "Nhóm tiếp xúc về Ukraine" ký (từ đây gọi tắt là "văn kiện tổng thể") quy định rõ các bên xung đột ở Ukraine phải ngừng bắn toàn diện tại một số khu vực ở Donetsk và Lugansk từ 00h00 ngày 15/2 theo giờ Kiev (tức 5h00 cùng ngày ở Việt Nam).
Các bên cũng sẽ rút tất cả vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự với khoảng cách 50 km đối với hệ thống pháo cỡ nòng 100 mm trở lên, 70 km đối với hệ thống rốc-két đa nòng và 140 km đối với hệ thống rốc-két Tornado-S, Uragan, Smerch và hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U.
Đường cơ sở để binh sĩ Ukraine rút vũ khí hạng nặng được tính từ giới tuyến giao tranh hiện tại, trong khi đối với lực lượng ly khai là giới tuyến cũ quy định trong Bản ghi nhớ Minsk ký ngày 19/9/2014 (hai giới tuyến này cách nhau khoảng 50 km do trong 5 tháng qua, phe ly khai đã đẩy lùi quân chính phủ lui dần về phía Kiev).
"Văn kiện tổng thể" cũng ấn định việc rút vũ khí hạng nặng phải được triển khai trong vòng 2 ngày kể từ khi lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực và kết thúc trong vòng 14 ngày sau đó. Ngoài ra, chính quyền Ukraine phải tiến hành cải cách hiến pháp, thực thi quy chế đặc biệt cho hai vùng Donetsk và Lugansk, đồng thời khôi phục đầy đủ các chương trình phúc lợi xã hội và trao quyền tự quản nhiều hơn cho người dân vùng Donbass.
Có thể nói việc cả "Tuyên bố chung" và "Văn kiện tổng thể" được ký gần như đồng thời tại Belarus tại hai cuộc họp của nhóm "Bộ tứ Normandie" và "Nhóm tiếp xúc về Ukraine" đã tháo được ngòi nổ cho thùng thuốc súng Ukraine. Trước đó, thế giới gần như "ngồi trên đống lửa" khi Mỹ và NATO đã gần như nghiêng về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để có thể đảo ngược cục diện trên chiến trường đang nghiêng về phía quân ly khai.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những kết quả trên bàn đàm phán chưa đủ để mở "cánh cửa hòa bình lâu dài" cho Ukraine chừng nào quan điểm và cách nhìn của các bên về thỏa thuận mới vẫn còn nhiều cách biệt. Các bên chắc hẳn vẫn chưa quên việc "Bản ghi nhớ Minsk" đã bị vô hiệu hóa ngay khi chưa ráo mực hôm 19/9 năm ngoái.
Chính vì vậy, trong phản ứng đưa ra sau khi các thỏa thuận mới được ký kết, cả Mỹ và Ukraine đều có những tuyên bố khá thận trọng, đặc biệt khi cả hai nước này đều chưa tin tưởng Nga và các văn kiện lại có những điều khoản có lợi cho Nga và phe ly khai ở Đông Ukraine nhiều hơn.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: "Thỏa thuận là một bước tiến đáng kể có khả năng hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và khôi phục chủ quyền của Ukraine. Tuy nhiên, Nga phải ngừng tiếp tay cho lực lượng ly khai, rút binh lính và thiết bị quân sự của mình ra khỏi miền Đông Ukraine".
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thậm chí còn tỏ ra hoài nghi hơn khi ông nói rằng "không có gì đảm bảo thỏa thuận mới sẽ được thực thi". Theo nhà lãnh đạo Ukraine, cuộc đàm phán đã rất khó khăn nhưng quá trình thực thi thỏa thuận còn khó khăn hơn nhiều.
Ở góc độ nào đó, những tuyên bố trên cũng không hẳn không có cơ sở. Để thỏa thuận được thực thi hiệu quả, một trong những yếu tố cốt yếu là Nga và phương Tây phải sử dụng ảnh hưởng của mình để ép các bên xung đột ở Ukraine tuân thủ chặt chẽ các điều khoản đề ra, đồng thời xúc tiến nhanh các thỏa thuận hợp tác năng lượng và thương mại để đặt nền móng cho tiến trình phát triển và hòa bình lâu dài.
Nhưng với cơ chế can dự xung đột đa tầng hiện nay, dù muốn nhưng Nga và phương Tây cũng sẽ khó có thể đảm bảo chắc chắn rằng mọi diễn biến trên thực địa tới đây sẽ không đi chệch hướng. Đơn cử, Nga có thể ép lực lượng ly khai tạm thời rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự nhưng không có gì đảm bảo Kiev sẽ cải cách hiến pháp theo hướng cân bằng (một điều kiện tiên quyết đối Mátxcơva).
Về phía phương Tây cũng vậy, Mỹ và châu Âu có thể ép được chính quyền Kiev chấp nhận nhượng bộ một phần trước các yêu sách tự quản của vùng Donbass, nhưng lại không dám chắc về việc phe ly khai có ngừng ý đồ mở rộng diện tích lãnh thổ kiểm soát ở miền Đông Ukraine hay không. Tương tự, trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, dù hai bên cùng chẳng có lợi ích gì khi Ukraine ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng song những chiến lược tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mỗi bên đang khiến cho đối thủ và cũng là đối tác phải dè chừng, cảnh giác.
Chính sự nghi ngờ và thận trọng dò xét lẫn nhau đó đã khiến cho việc tuân thủ các thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn và mong manh. Các thỏa thuận vừa mới được ký cũng không ngoại lệ. Việc giao tranh tại miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn ác liệt ngay khi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Belarus và sau khi các thỏa thuận mới đã được ký càng làm tăng thêm những quan ngại về tương lai mịt mờ của các thỏa thuận này.
Đức Vũ
Theo Dantri
Putin được gì từ lệnh ngừng bắn? Hội nghị ngừng bắn cho Ukraina với sự góp mặt của lãnh đạo bốn nước Đức, Pháp, Nga, Ukraina tại Minks khép lại sau gần 17 giờ 'cân não đấu trí', hay còn được gọi là 'cuộc chạy đua marathon chính trị'. Hy vọng cho hòa bình trở lại miền đông Ukraina nhen nhóm sau khi thỏa thuận cho hay lệnh ngừng bắn...