Sinh viên “toát mồ hôi” vì điện nước đầu hè
Hết quay cuồng vì bão giá, giờ đây sinh viên lại đang phải đối mặt với một cơn “bão” mới, đó là tình trạng thiếu điện thiếu nước đầu mùa hè.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”
Hà Nội mới bước vào đợt nóng đầu tiên của hè nhưng nóng không khác gì chảo lửa miền Trung. Cuộc sống của người dân hoàn toàn bị đảo lộn, nhưng có lẽ khổ nhất là sinh viên, hết quay cuồng trong cơn bão giá, giờ lại phải đối diện với cảnh mất điện, thiếu nước. Bão giá, điện nước đang “vắt kiệt” sức lực sinh viên.
Điện nước mới đầu mùa nóng mà “đỏng đảnh” vô cùng. Điện thì cắt xì xoẹt, nhất là từ 8h sáng đến 12h trưa, hoặc buổi tối. Tháng 5 lại là tháng cao điểm cho học sinh, sinh viên ôn thi đại học. Thế nên, mất điện thì máy tính không dùng được, cơm không thể nấu… Chủ nhà trọ còn có máy phát điện, bình tích điện. Còn sinh viên thì chỉ có quạt giấy và ngồi trong phòng trọ quạt phành phạch cả ngày để học bài, ôn thi.
Bão giá, điện nước đang “vắt kiệt” sức lực sinh viên, ảnh minh họa, nguồn:vietbao
Điện nước không ổn định kéo theo bao nhiêu sự lình xình khác mà sinh viên là người phải gánh chịu.Bài ca “điện chập chờn, nước nhỏ giọt” là bài ca muôn thuở khiến sinh viên lao đao.
Xóm trọ của Hoa ( Dịch Vọng, Cầu Giấy) có tổng cộng 8 phòng, dùng chung một bể nước bé tí. Nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày như tắm giặt, nấu ăn thì vừa đủ. Bước vào mùa nóng, cả xóm lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng.
Đi nắng về, người nhớp nháp mồ hôi mà không tắm thì không chịu được. Thế nhưng, cả ngày nhà chủ bơm được mỗi một lần vào buổi sáng thì không đủ nước để dùng. Đã thế, bà chủ còn đang đánh tiếng sẽ tăng tiền điện, tiền nước nữa khiến cho cả xóm méo mặt.
Hoa cười như mếu kể lại cách đây một tháng, bà chủ nói với cả xóm trọ: ” Bão giá rồi các cháu ơi, nhưng lương cũng tăng rồi, thu tiền trọ như cũ thì bà đi chợ chẳng mua được gì”. Thế là quyết định tăng tiền phòng lên 100 nghìn/ phòng.
“Lương người đi làm tăng chứ sinh viên bọn mình lấy đâu ra lương mà tăng”. Mỗi tháng bố mẹ cho 1 triệu rưỡi. Đó là số tiền quá lớn đối với gia đình ở quê. Tiền phòng với tiền điện nước đã hết một nửa, còn lại là tiền ăn, cầm tiền đi chợ mà không biết mua gì. Cô bạn thở dài. Đúng là trăm dâu đổ đầu tằm, trăm khoản đổ lên đầu sinh viên. Không biết còn lao đao trong cơn “bĩ cực” này đến khi nào nữa.
Video đang HOT
Tự ý tăng tiền điện nước là tình trạng chung của các khu trọ. Trong đợt bão giá, hầu hết các phòng trọ đều tăng từ 100 nghìn đến 200 nghìn, tiền điện tăng từ 500 đồng đến 1 nghìn/ số, nước thu thêm 10 nghìn đến 20 nghìn/ người. Giờ đây lại đang rục rịch tăng nữa. Đối với các khu vực có nhiều trường đại học tập, lượng sinh viên trọ học đông như Cầu Giấy, Phùng Khoang, Láng thì giá điện, nước ở các khu trọ nhích hơn các khu khác.
“Nếu mà tăng tiền điện nước nhưng đảm bảo cho bọn mình yên tâm học hành thì mình cũng chấp nhận, nhưng không phải thế”. Dũng ( Chùa Láng, Đống Đa) bức xúc nói.
Chủ nhà trọ của Dũng mới thông báo tăng tiền điện lên 5 nghìn/ số và nước lên 80 nghìn/ người. Nhưng xóm trọ của Dũng chỉ được dùng nước giếng khoan mà không được dùng nước máy.
Nếu có kêu ca với nhà chủ thì chỉ nhận được một câu xổ toẹt :” Ở được thì ở, không ở được thì chuyển”. Bức xúc lắm nhưng vẫn phải cam chịu ở lại vì thời gian này đang ôn thi, với lại tìm phòng bây giờ rất khó.
Ngoại trú đã vậy, sinh viên nội trú cũng không khá khẩm hơn là mấy. Hãy nhẩm tính mà xem, một phòng có từ 8 người đến 10 người, kí túc xá có hơn 1000 người với ngần ấy máy tính, quạt điện. Giờ cao điểm mà số máy tính, quạt điện kia hoạt động hết công suất thì việc cháy nổ do sử dụng điện quá tải là chuyện thường xuyên xảy ra.
Kí túc xá HV Báo chí Tuyên truyền có lần thiếu nước trầm trọng. Mất điện, thiếu nước, kéo theo đó là cả một ” hệ lụy” quanh chuyện nước nôi, đảo lộn mọi sinh hoạt của sinh viên nội trú.
Hà – sinh viên nội trú cho biết: “Ngủ dậy, đến nước đánh răng, rửa mặt cũng không có. Lại í ới gọi nhau đi xuống bể nước tập trung”. Đến nỗi bể nước cũng quá tải, hàng ngày nước bể tràn trề nhưng mấy hôm nay luôn trong tình trạng cạn nhìn thấy đáy. Thế là phải hứng từng xô nước tắm, rồi lại mang chai lọ đi tích nước về đánh răng, rửa mặt.
Lo tắm giặt hết cả buổi tối, bê được chậu quần áo từ tầng 1 lên tầng 5 thì mệt lử người, mồ hôi lại vã ra như tắm, vào đến phòng là nóng như nung, không còn tinh thần mà học hành nữa.
Một số kí túc xá khác số lượng sinh viên đông hơn, như kí túc các trường công an 10 người/ phòng, kí túc xá ĐH Lao động – Xã hội 12 người đến 20 người/ phòng thì không biết còn khổ sở thế nào với cảnh nóng đầu hè này.
10 nghìn đồng/ 1 lần bơm nước
Trời nóng cũng làm cho người nóng tính hơn. Thanh – sinh viên nội trú chia sẻ: “Đi học, đi làm cả ngày về mệt mà không có nước tắm thì không chịu nổi”.
Thanh kể có hôm về muộn, nước chỉ chảy có nửa bể, mọi người trong phòng phải chia nhau nước để tắm. Có khi mỗi người chỉ hơn nửa chậu nước. Ở tập thể và với điều kiện điện nước thiếu thốn, nếu không nêu cao tinh thần tiết kiệm nước với ý thức nhường nhịn của mỗi người thì cãi nhau hay hậm hực với nhau vì chuyện điện nước là bình thường.
Có phòng thiếu nước nhưng có thành viên lại hay tắm, mỗi lần đi đâu về là tắm giặt thoải mái không tiết kiệm nước khiến mọi người trong phòng rất bức xúc. Mất nước đến nước đánh răng cũng không có, phải đi xin nước ở các phòng khác, có khi lấy cả nước uống để đánh răng, rửa mặt, phiền hà vô cùng.
“Nhiều khi phải hứng chịu những ánh mắt không bằng lòng của các bạn phòng khác khi mình đến xin nước, vì họ cũng sống trong cảnh nước nôi không nhiều nhặn gì cho cam”. Hà – (KTX HV Báo chí – Tuyên truyền) cho biết.
Khi đó, các bạn lại phải xuống bể nước tập trung và xếp hàng dài đợt được tắm giặt. Thậm chí, có bạn đi tắm về còn bị nổi mẩn ngứa khắp người. Hỏi ra mới biết do nước ở bể tập trung là nước giếng khoan, vài tháng mới thau bể một lần, nước múc lên đầy cặn thì tắm bị ngứa là chuyện bình thường.
“Mình nghe nói Sở điện lực Hà Nội đang có kế hoạch cắt điện để sửa chữa tới ngày 15/5 mới xong. Nếu tình trạng điện nước như thế thì không biết chống đỡ sao với những ngày nắng nóng tiếp theo đây” – Hà lo lắng.
Cả xóm trọ của Hoa kêu ca vì không đủ nước để dùng. Tiền nhà, tiền nước, tiền tiện đã tăng “kịch trần” rồi. Thế là chủ lại nghĩ ra một khoản tiền vô lý nữa: tiền bơm nước. Nếu muốn bơm nước thêm vào buổi chiều thì mỗi người phải đóng thêm 10 nghìn/ tháng. “Cứ như là bóp cổ sinh viên vậy” – Hoa bức xúc.
Cãi nhau với chủ chán, cuối cùng thì Dũng cũng quyết định chuyển phòng trọ mặc dù đang giai đoạn thi cử ” nước sôi lửa bỏng” và nhà trọ thì khan hiếm.
“Phòng có một cái laptop, một cái quạt với nồi cơm điện, đèn thắp sáng thì dùng loại tiết kiệm điện, thế mà không hiểu sao, cuối tháng chốt số điện phòng mình lên đến 100 số liền”. Hôm chủ nhà đi vắng, Dũng tắt hết thiết bị điện rồi chạy xuống xem công -tơ phòng mình. Lạ thay, công- tơ vẫn… chạy đều đều.
Mang thắc mắc nói với chủ nhà thì ông chủ… cáu lên rồi bảo Dũng: ” Đã gian giảo lại còn già mồm”. Đến nước này thì không thể chịu nổi, hai bên cãi nhau một trận , ngay ngày hôm sau Dũng tìm khu trọ mới để chuyển.
Tình trạng mất nước dù mới đầu mùa nóng là chuyện thường ngày ở huyện. Và khi không biết kêu ai, sinh viên chỉ còn biết lên diễn đàn…kêu với nhau. Ở khắp các trang mạng của sinh viên như truongxua.vn, facebook, đâu đâu cũng là những lời than thở của sinh viên về tình trạng điện nước đầu mùa nóng.
“Sinh viên kinh tế đã từng làm clip về bão giá, có lẽ cộng đồng lại sắp được đón nhận thêm clip với bài ca về điện nước cũng nên” – Dũng cười méo mó
Theo VietNamNet
Bi kịch sinh viên "mưu sinh" bằng bẫy cờ bạc
Sẽ là không quá khi nói rằng bão giá đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp trong đời sống xã hội. Chưa bao giờ khái niệm bão giá lại được dùng nhiều đến như vậy! Giá điện, giá xăng tăng rồi liên tiếp các mặt hàng tiêu dùng khác tăng theo.
Trong câu chuyện của các sinh viên, khái niệm bão giá đã quá thân thuộc, bởi hàng ngày, hàng giờ họ vẫn phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống xa nhà khác. Không thể tránh được bão giá, nhiều sinh viên đã tìm cách để đối mặt như đi làm thêm, chi tiêu tiết kiệm hơn... Tuy nhiên, đã có không ít các sinh viên vì thiếu tiền đã lao vào đỏ đen để rồi gào thét, vẫy vùng trong vòng xoáy đó.
Những ván bài thâu đêm
Sống xa nhà, không đi làm thêm, không rèn luyện bài vở... như đại đa số bạn bè cùng trang lứa, nhiều bạn sinh viên đang lao vào con đường "đỏ đen", cờ bạc thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày khác.
Hậu quả của những cuộc "ăn thua" đỏ đen là những sinh viên này phải dốc hết túi tiền, thậm chí vay mượn thêm để tham gia vào những canh bạc đêm khuya kéo theo đó là học hành sa sút, cuộc sống trượt dốc...
Nhiều bạn sinh viên đang lao vào con đường "đỏ đen", cờ bạc thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày khác (Ảnh minh họa - Nguồn vietbao)
Rất dễ để bắt gặp những đám đông tụ tập trong các xóm trọ sinh viên chơi bài tiền, xóc đĩa,... Họ tụ tập hằng đêm để đánh bài. Hàng chục nam sinh viên cởi trần, ngồi túm tụm trong một phòng trọ trật hẹp bỏ mặc cái nóng nực của mùa hè đánh bài với nhau.
Những quân bài hạ xuống có kẻ khóc, người cười. Họ là những sinh viên của các trường đại học ở Hà Nội, sống trong cảnh nghèo đói, túng thiếu nên đã tìm đến đỏ đen làm chỗ dựa. Đối với những sinh viên này đỏ đen giống như một bức tường để họ dựa vào. Liệu rằng bức tường đó có vững chắc hay đến một ngày nó sẽ đổ sụp vào chính người dựa vào nó
Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên năm cuối Đại học GTVT chia sẻ: "Mình sống trong một khu trọ chủ yếu là sinh viên thuê. Những tưởng mọi người đều ngoan ngoãn học hành chăm chỉ. Thế nhưng có đến mới biết, ban ngày xóm trọ yên ắng, vắng vẻ chứ đến đêm mọi người lại tụ họp gọi chân cho đủ rồi đánh bài thâu đêm. Những tiếng cười nói ầm ĩ, tiếng đánh bài vang vọng khiến cho những thành viên còn lại của xóm đều thở dài ngao ngán"
Không chỉ có vậy, chính Dũng (bạn cùng phòng của Tuấn) viện lý do: "Từ ngày bão giá, mình lâm vào tình trạng thiếu tiền trầm trọng nhưng không thể xin thêm tiền bố mẹ được. Thấy mấy anh bạn trong xóm trọ đêm nào cũng tụ tập đánh bài mình cũng tham gia. Ban đầu cũng hơi ngại nhưng sau vài hôm được tiền, mình đã thường xuyên chơi hơn".
Theo lời Tuấn thì Dũng khá ham mê đỏ đen, luôn cháy hết mình cho mỗi ván bài. Khi hết tiền Dũng sẵn sàng đi vay mượn bạn bè để có tiền chơi hằng đêm.
Do ham mê chơi bài hằng đêm mà Dũng quên nhiệm vụ chính của mình là lên thành phố để học tập. Vì ham mê cờ bạc, Dũng đã nghỉ học từ ngày này qua ngày khác. Có khi cả tuần chỉ đi học có một buổi. Chính vì vậy, kì thi này Dũng đã bị cấm thi 3 môn trong khi các kì trước nợ môn vẫn chưa trả. Đỏ đen nguy hại đến mức nào đối với bất cứ ai chót dính vào nó, đặc biệt là các bạn sinh viên chân ướt, chân ráo lên thành phố học tập đã phải chịu những hệ lụy và vùng vẫy trong những ván bài hằng đêm
Đồ đạc lần lượt "đội nón ra đi"
Đúng như tên gọi của nó "đỏ đen". Người chơi tất sẽ có thắng, có thua. Thế nhưng thắng chưa thấy đâu đã thấy nợ nần chồng chất, học hành dở dang. Không ít bạn sinh viên đã vướng phải lời nguyền của những ván bài đỏ đen.
Đừng vì bão giá, túng quẫn mà các bạn sinh viên sa vào lưới cờ bạc để rồi vùng vẫy thoát khỏi vòng xoáy chết người đó (Ảnh minh họa - Nguồn Vietbao)
Nguyễn Văn Cường, sinh viên Đại học Công Nghiệp Hà Nội đang ở trọ ở khu Nguyên Xá (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: " Ở xóm trọ của mình có Minh, sinh viên năm 2 học cùng trường mình đã bỏ học dở dang bởi quá đam mê đỏ đen. Vì đã lao vào vòng xoáy đỏ đen nên Minh học hành sa sút, thi rớt lại học lại triền miên...".
Cường còn kể thêm, Minh còn đi vay mượn tiền khắp nơi để có chân ngồi trong mỗi đêm. Thua lại càng thua, càng thua càng đánh để gỡ, đến giờ Minh đã nợ gần 20 triệu đồng. Vì sợ nợ nần cộng với áp lực gia đình, Minh đã bỏ học và chạy trốn đi nơi khác.
Một trường hợp khác cũng vướng vào đỏ đen để rồi chịu những hệ lụy không thể lường trước. Trần Thế phương, một con nghiện đỏ đen thời sinh viên đau đớn kể lại: " Trước đây tôi đã từng là sinh viên của trường Trung cấp Kinh tế đối ngoại. Vì thiếu tiền, túng quẫn tôi đã sa vào đỏ đen mà không sao dứt ra nổi.
Bao vật dụng bố mẹ mua cho: máy tính, xe máy... cứ lần lượt đội nón ra đi. Không những vậy một kết cục bi thảm là tôi đã phải nghỉ học đi làm trả nợ cho thời sinh viên mải mê với những ván bài hằng đêm". Hiện tại, Phương đang làm xe ôm chạy quanh khu vực Cầu Giấy, Hà Nội.
Nguyễn Thu Thủy, sinh viên trường CĐ Thương Mại Du lịch HN đang ở trọ trong khu Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy than thở: "Từ ngày nạn đỏ đen hoành hành trong xóm trọ, mọi người không còn hồn nhiên chơi với nhau nữa. Thay vào đó là những cái nhìn cảnh giác. Đặc biệt từ khi, trong xóm trọ liên tục xảy ra các vụ mất laptop, điện thoại di động...không rõ nguyên do".
Trò cờ bạc mà sinh viên lao vào luôn để lại kết cục trắng tay. Cái mất thực tế nhất là thời gian, tiền bạc, sức lực và cái mất mà sinh viên chưa kịp nhìn thấy, vì nó còn đang ở phía trước do bỏ bê học hành. Đã đến lúc vấn nạn này cần được các cơ quan chức năng, gia đình tích cực cảnh báo và mỗi sinh viên phải ý thức tác hại của nó để phòng tránh, giữ gìn bản thân trước tương lai...
Đừng vì bão giá, túng quẫn mà các bạn sinh viên sa vào lưới cờ bạc để rồi vùng vẫy thoát khỏi vòng xoáy chết người đó.
Theo VietNamNet
Xóm ve chai lao đao trong bão giá Nếu mấy năm trước nghề buôn bán phế liệu (ve chai) ở Huế đem lại thu nhập ổn định cho những người dân nghèo thì hiện nay lượng người hành nghề này ngày càng ít bởi lợi nhuận mang lại chẳng tăng được bao nhiêu. Buồn, vui chuyện nghề Người đầu tiên chúng tôi may mắn gặp được là chị Thắm (47 tuổi)...