Sinh viên tình nguyện đăng ký chống dịch
Nhà trường tuyển tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19, Dương Thu Hương 22 tuổi, đăng ký đầu tiên.
Hương, sinh viên năm 4 trường Đại học Y tế Công cộng. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, Hương nhắn tin rủ bạn bè tham gia. Cô chia sẻ: “Không chỉ riêng mình mà các sinh viên của trường đều rất mong muốn góp sức cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh”.
Quyết định tham gia tình nguyện của Hương nhận được sự ủng hộ của gia đình.
“Mình cực kỳ háo hức”, Hương nói. “Nếu như các bác sĩ về hưu tham gia tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi, truyền thông… thế hệ trẻ như bọn mình sẽ tận dụng mạng xã hội để tích cực lan tỏa”.
Hương mong muốn sẽ phối hợp với trung tâm y tế: báo cáo thống kê số người đi về từ vùng dịch, thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe đối tượng F1, F2, F3, F4, truyền thông đến cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
“Mình sẵn sàng cho cả tình huống phải cách ly”, cô sinh viên chia sẻ.
Dương Thu Hương trong buổi tập huấn sinh viên tình nguyện chống dịch Covid-19 tại UBND quận Bắc Từ Liêm, ngày 21/3. Ảnh: Thúy Quỳnh
Cùng khóa với Hương, Nguyễn Ngọc Sơn khi biết thông tin tuyển tình nguyện viên từ nhà trường đã rủ thêm 3 người bạn ký túc xá cùng đăng ký.
Là sinh viên năm 4 Đại học Y tế Công cộng, Sơn tự tin được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phòng chống bệnh tật. Anh nắm rõ khuyến cáo của Bộ Y tế với những người sinh hoạt chung tại ký túc xá, nhắc nhở các bạn vệ sinh phòng ở thường xuyên, lau bề mặt đồ vật, sàn nhà. Nhà trường cũng chuẩn bị nước rửa tay đặt ở những nơi đông người và địa điểm dễ nhìn thấy.
“Lúc viết đơn, mình rất hồi hộp”, Sơn bộc bạch. “Đến khi được tham gia tập huấn rồi thì háo hức”. Dự kiến tình nguyện viên sẽ tham gia chống dịch một tháng. Tuy nhiên nếu dịch bệnh kéo dài, cần nhiều nhân lực, Sơn sẵn sàng dành thời gian.
Bố mẹ Sơn ở Thanh Hóa đều làm trong ngành y, ủng hộ con trai.
Video đang HOT
Nguyễn Ngọc Sơn là sinh viên năm cuối, đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch Covid-19. Ảnh: Thúy Quỳnh
Khi dịch bệnh mới bắt đầu, nhiều trường đại học cho sinh viên nghỉ. Riêng Đại học Y tế Công cộng vẫn học bình thường. Thầy giáo phát khẩu trang cho từng sinh viên, nói: “Đã là sinh viên trường y thì phải nhận thức rõ về bệnh hơn sinh viên khác”.
Từ lúc đó, hàng ngày lên thư viện, Sơn có thêm công việc mới là tìm hiểu tài liệu chuyên ngành về chủng virus mới, bên cạnh việc hoàn thành khóa luận sinh viên năm cuối.
Chỉ trong một buổi chiều, trường Đại học Y tế Công cộng nhận 252 đơn sinh viên đăng ký tham gia tình nguyện. Không chỉ sinh viên năm cuối, mà còn có sinh viên năm 3, năm 2, năm nhất.
Ông Đoàn Ngọc Tiến Minh, Phòng Công tác Sinh viên, trường Đại học Y tế Công cộng, cho biết nhà trường chọn 40 sinh viên từ 252 đơn đăng ký, tiến hành tập huấn.
“Rất cảm ơn tinh thần hăng hái của mọi người. 40 bạn đều là những sinh viên nòng cốt, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phòng chống bệnh tật”, ông Minh nói.
Chu Thị Duyên (thứ hai từ trái sang) cùng 3 thành viên khác của nhóm đều là sinh viên năm 3, Đại học Y tế Công cộng. Ảnh Thúy Quỳnh
Chu Thị Duyên là sinh viên năm 3, dẫn đầu nhóm 4 sinh viên, sau khi đăng ký và tập huấn được phân công vào hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm. Cô học năm 3 nên có nhiều thời gian hơn các anh chị khóa trên, tinh thần chống dịch cũng vì thế dâng cao. Cô đặt khẩu hiệu cho nhóm mình là: “ Quyết chiến, quyết thắng”.
Buổi tập huấn diễn ra ngày 21/3 tại UBND Quận Bắc Từ Liêm. Hương, Sơn, Duyên cùng 37 sinh viên chăm chú nghe giảng để ứng dụng vào thực tế. Nụ cười giấu sau chiếc khẩu trang, tay làm hành động quyết tâm, bốn bạn hô to khẩu hiệu của nhóm mình: “Quyết chiến, quyết thắng”.
Sinh viên Y khoa tham gia chống dịch
Trang nhận được thông báo huy động sinh viên đi chống dịch vài ngày trước, vội vàng lên trường, lòng lo lắng vì chưa rõ công việc cụ thể là gì.
Là một trong những sinh viên Đại học Y tế Công cộng có mặt sớm nhất, Đinh Thu Trang, 20 tuổi cùng bạn bè ai cũng tò mò về công việc sắp được giao. "Có người nói chỉ đi sắp xếp bàn ghế, người nói đi phát tờ rơi, có người nói đi chống dịch Covid-19... Không ai giấu được sự hồi hộp và lo lắng", Trang nhớ lại.
Công việc chính của nhóm Trang là hỗ trợ giám sát y tế hành khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Nhóm sẽ xác định những người phơi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, gọi điện thoại liên lạc tới các hành khách đi trên chuyến bay có người nhiễm; thông báo, hướng dẫn tự cách ly ban đầu và liên hệ với cơ quan y tế địa phương để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm...
"Công việc khá mới mẻ và gấp gáp", Trang nói, nhưng cô sinh viên năm hai cũng tự tin mình có thể làm tốt.
Trang cho biết, để tham gia công tác tình nguyện, các sinh viên phải có đủ các tiêu chí như đang là sinh viên năm thứ hai trở lên, có kiến thức chuyên môn nhất định đủ để đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ đạo.
Trường Đại học Y tế Công cộng đào tạo các chuyên ngành lĩnh vực liên quan kiểm soát y tế bảo vệ sức khỏe ở cộng đồng. Đào tạo về dịch tễ học, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khoanh vùng dịch tễ F1, F2... Đặc biệt, đối với bệnh truyền nhiễm, công tác dự phòng giúp khoanh vùng đối tượng, điều tra dịch tễ nên rất rộng và không phải ai cũng dễ dàng điều tra ra được.
Đinh Thu Trang, 20 tuổi, sinh viên năm 2 trường Đại Học Y tế công cộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
10h sáng, 23 sinh viên được lựa chọn đến Bộ Y tế để được hướng dẫn, đào tạo chi tiết công việc, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Sau khoảng 2 tiếng làm quen, nhóm sinh viên bắt nhịp với công việc, hoàn thành việc hỗ trợ thông tin cho 200 hành khách trong chuyến bay đầu tiên có người dương tính.
Hôm đó, Trang và các bạn trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo của Bộ Y tế đến trao đổi công việc, trong đó có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch. "Khi bác Đam xuất hiện, tất cả sinh viên tình nguyện cảm xúc vỡ òa vì khoảng cách thu hẹp còn năng lượng thì như được tăng lên 200%", Trang cười nói.
Cuối ngày, mọi người ở lại nhận xét ưu khuyết điểm của nhau, lựa chọn 14 người tiếp tục tham gia công việc vào ngày hôm sau.
Tối hôm đó trở về phòng, cô gái sực nhớ chưa nhắn tin về gia đình. Dòng tin nhắn "xin phép đi chống dịch" được gửi đi, Trang nhận lại lời động viên ngắn và câu dặn dò "cẩn thận" của mẹ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (áo xanh, ở giữa) chụp hình kỷ niệm cùng tổ công tác chống dịch, trường Y tế công cộng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong những ngày chống dịch, Trang nhớ nhất là tối 18/3, Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc mới Covid-19, là hành khách trên các chuyến bay mới về nước. Khi đó, cô và kíp trực tuy đã hết thời gian làm việc vẫn tiếp tục ở lại để hoàn thiện.
"Cứ mỗi khi có ca dương tính mới là quá trình làm việc với mỗi chuyến bay lại bắt đầu từ đầu", cô nói. Thông thường mỗi chuyến bay có khoảng 250-300 hành khách, nên nhiều khi làm việc quên cả thời gian.
"Trong công tác chống dịch, một cuộc gọi chỉ cần nhanh vài giây thôi cũng đủ giảm thiểu nguy cơ lây lan cho cộng đồng".
Tham gia chống dịch tại sân bay còn có sinh viên đến từ trường Đại học Y Hà Nội. Công việc chia thành hai ca, ca ngày và ca đêm, chia đều hai trường, đảm bảo công việc diễn ra đúng quy trình, cố gắng không bỏ sót chuyến bay nào.
Trang (áo đen) cùng các thành viên trong Tổ công tác chống dịch đang gọi điện cho hành khách trên chuyến bay, khoanh vùng dịch tễ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kể từ khi dịch bùng phát, hầu hết sinh viên đều nghỉ học, trừ các trường y. Sinh viên năm cuối vẫn tiếp tục đi trực ở bệnh viện. Điều khác biệt nhất là công tác vệ sinh, khử khuẩn trở nên nghiêm túc hơn. Tất cả đều đeo khẩu trang khi đi lâm sàng thay vì chỉ đeo khi học ở các khoa có yếu tố truyền nhiễm như trước.
"Sinh viên y mà nghỉ học vì dịch nghe có vẻ hơi buồn cười. Mình tin ai đã chọn ngành y thì luôn xác định bản thân phải chủ động cống hiến, nhất là khi đất nước cần sự chung tay để đẩy lùi dịch bệnh", Trang cho biết.
Khép lại mỗi ngày chống dịch cùng cả nhóm, Trang tiếp tục tìm đọc và theo sát thông tin trên trang báo để theo sát diễn biến dịch. Điện thoại luôn được để chuông lớn nhất, sạc đầy pin để không bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào.
"Cuộc chiến này còn dài, ai cũng có những mỏi mệt riêng nhưng vì đất nước, vì sức khỏe toàn dân, xin đừng ai đứng ngoài cuộc", Trang chia sẻ.
Thùy An
'Con lên đường chống dịch, bố mẹ ở nhà yên tâm nhé' Sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá đã về hưu, thanh niên tình nguyện... sẵn sàng lên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh COVID-19. Giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM tập huấn cho sinh viên tình nguyện tham gia đội hình hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 hôm 18-3 - Ảnh: TRƯƠNG ĐẠT Ban đầu gia đình cũng rất lo...