Sinh viên nộp phí muộn 1 ngày, cũng bị KTX thu thêm tiền
Theo thông báo của Ban quản lý ký túc xá (BQLKTX), Trường ĐH Giao thông Vận tải ( số 99 đường Nguyễn Chí Thanh- quận Đống Đa), 18-2 là ngày cuối cùng để sinh viên nộp phí nội trú. Tuy vậy, không ít trường hợp chỉ nộp muộn 1 ngày cũng bị thu thêm 90.000 đồng…
Nhiều sinh viên cho biết, do đây mới là thời điểm kết thúc kỳ nghỉ Tết nên không kịp nộp phí đúng hạn. Tuy nhiên, khi các bạn thắc mắc về số tiền phải nộp thêm thì không được đại diện BQL giải thích cặn kẽ. Vậy số tiền này sẽ được sử dụng và mục đích gì và ai được hưởng? Bạn L.Đ.H – sinh viên năm cuối trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, do học kỳ 2 các sinh viên năm cuối sẽ đi thực tập và làm đồ án tốt nghiệp nên đến thời điểm hiện tại hầu hết đều chưa quay lại trường. Tuy vậy, khi các sinh viên này nhờ người nhà hoặc các em sinh viên khóa dưới nộp hộ phí nội trú thì lại không được chấp nhận với lý do “không chính chủ”.
Có mặt tại nhà A5 KTX Trường ĐH Giao thông Vận tải sáng 21-2, chúng tôi thấy vẫn có khá nhiều sinh viên đến đây để nộp phí nội trú và làm thủ tục xin vào ở nội trú. Không ít sinh viên tỏ ra lo lắng vì phải nộp thêm tiền đến chậm. Có sinh viên dù đang ở nội trú song do quá hạn nộp tiền nên vẫn phải làm lại các thủ tục như sinh viên mới nhập trường.
Nhiều sinh viên chăm chú đọc nội quy nộp phí nội trú
khi lên nhập học sau Tết (ảnh chụp sáng 21-2)
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Thân Văn Trung – Trưởng BQLKTX Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, theo kế hoạch học tập năm 2012-2013, để phục vụ sinh viên về quê ăn Tết Quý Tị và đón sinh viên vào KTX học kỳ II được thuận lợi, BQLKTX đã gửi thông báo tới các em sinh viên hiện đang ở nội trú với nội dung: Sinh viên tại các phòng phải đăng ký danh sách ở nội trú kỳ sau theo mẫu, ký bản cam kết cá nhân và nộp cho tổ quản lý sinh viên chậm nhất là 15h ngày 22-1. Sinh viên nào, phòng nào không làm thủ tục đăng ký, ký cam kết hoặc nộp sau ngày 22-1 thì coi như không có nhu cầu ở nội trú kỳ sau, KTX không chịu trách nhiệm về sự chậm trễ.
KTX làm thủ tục đón sinh viên sau tết bắt đầu từ 9h ngày 15-2 (mùng 6 Tết) đến 16h ngày 18- 2 (tức ngày mùng 9 Tết). Sau thời hạn trên, KTX không tổ chức đón sinh viên nữa, sinh viên nào không đến làm thủ tục, coi như không có nhu cầu ở nội trú. KTX không chịu trách nhiệm và sẽ dồn dịch phòng, giải quyết cho sinh viên ở ngoại trú vào ở nội trú. Bên cạnh đó, trước khi đăng ký về quê nghỉ Tết, mỗi sinh viên nội trú đều phải ký vào bản cam kết, trong đó nêu rõ “sinh viên có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện quy chế, nội quy KTX, có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành việc sắp xếp chỗ ở theo quy định của KTX.
Cho đến thời điểm hiện tại số sinh viên trở lại trường trước ngày 18-2 và nộp tiền nội trú cho Ban quản lý KTX khoảng 1000/1700 sinh viên nội trú. Đối với những sinh viên đã đăng ký về quê nghỉ Tết mà sau ngày 18-2 mới đến làm thủ tục thì BQLKTX sẽ giải quyết như sinh viên mới. Cụ thể, ngoài số tiền nội trú 600.000 đồng/kỳ/sinh viên, các em sẽ phải đóng thêm 90.000 đồng (bao gồm tiền khấu hao rác, hồ sơ và đăng ký tạm trú).
Ông Trung cũng cho hay, nếu người nộp hộ xuất trình được thẻ nội trú, thẻ sinh viên của sinh viên vắng mặt thì BQLKTX mới thu tiền. Còn nếu không xuất trình được những giấy tờ này, các em vắng mặt phải có đơn gửi BQLKTX trình bày rõ lý do để được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nộp tiền muộn, trước mắt BQL vẫn giải quyết theo hướng như sinh viên mới, tức là ngoài khoản tiền nội trú các em sẽ phải nộp thêm 90.000 đồng. Sau này, khi các em đã ổn định chỗ ở, BQL sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu em nào có lý do chính đáng, BQL sẽ trả lại số tiền này cho các em. Ông Trung cũng khẳng định, việc làm trên có mục đích xiết chặt việc quản lý sinh viên ở nội trú, nhằm giúp các em nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định chung, tránh tình trạng sinh viên lên muộn sau Tết, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và học tập
Theo ANTD
Tân sinh viên gian nan tìm nhà trọ
Hà Nội lại bước vào thời kỳ cao điểm mùa nhập học. Các tân sinh viên khấp khởi mang theo giấy báo trúng tuyển vào trường nhưng kèm theo đó là nỗi lo kiếm tìm chỗ trọ khi ký túc xá trong trường chỉ đủ cho diện chính sách.
Mối lo về phòng trọ năm nào cũng ám ảnh các tân sinh viên
Ngày đầu nhập học đã mất ví
"Nhiều phụ huynh, học sinh ở quê lên thành phố lần đầu cho con nhập học nên nhà trường đã cẩn thận hướng dẫn đầy đủ ngày giờ, nơi làm thủ tục, giấy tờ. Chúng tôi cũng đặc biệt nhắc nhở về vấn đề an ninh trật tự, tránh trường hợp bị thất lạc giấy tờ, rơi tiền hay bị chèo kéo bởi các dịch vụ tư nhân ngoài nhà trường. Vậy mà ngay ngày đầu đã có học sinh làm mất toàn bộ giấy tờ, ví tiền. May mà rơi trong trường nên tìm lại được..."- ông Dương Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết.
Tại hội trường nơi làm thủ tục đăng ký nhập học của trường ĐH Nội vụ Hà Nội, nhiều tân sinh viên cùng gia đình mang theo đồ đạc chăn màn, nồi cơm, quạt điện để chuẩn bị cho cuộc sống tự túc sắp tới. Chị Nguyễn Thị Hồng, đưa con đến nhập học khoa Quản trị Văn phòng cho biết, dù đã hoàn thành mọi thủ tục đăng ký nhưng chưa dám rời khỏi trường vì được họ hàng dặn dò kỹ là phải chờ trong trường, đợi người nhà đến dẫn đi tìm chỗ trọ. "Bên ngoài rất nhiều người chào mời tìm chỗ trọ, hỏi han xem đã có nơi ở chưa vì biết chúng tôi ở quê lên mà trường thì rất ít sinh viên được ở ký túc xá. Mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh, lại chỉ có 2 mẹ con lần đầu lên thành phố, chưa biết đường đi lối lại đã rất lúng túng, lại được phổ biến là không nên tiếp xúc thông tin bên ngoài nhà trường nên tôi dặn con cứ ở trong trường cho yên tâm." - chị Hồng cho biết.
"Nhập học xong rồi nhưng lo nhất lúc này là kiếm được chỗ trọ cho con. Với mức giá 1,5 đến 1,8 triệu đồng/phòng trọ là khoản lớn với gia đình nông thôn như chúng tôi, vậy mà kiếm được chỗ như vậy quanh khu vực trường ĐH Sư phạm Hà Nội rất khó" - anh Đỗ Văn Phúc, Hà Nam đưa con nhập học khoa Sư phạm Toán ngao ngán.
Khan hiếm chỗ ở nội trú
Đang là thời điểm ăn nên làm ra của các "cò" tại các khu vực tập trung đông trường ĐH như khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm, Hà Đông. Rất nhiều tân sinh viên đã phải lang thang ở Hà Nội nhiều tuần nay để tìm chỗ trọ bên ngoài nhà trường. Tình trạng này ngày càng phổ biến bởi hệ thống ký túc xá trong các trường đang trong tình trạng quá tải trầm trọng. ĐHQG Hà Nội có tới 25.000 sinh viên, tuy nhiên nhu cầu nội trú chỉ được đáp ứng cho khoảng 12% sinh viên có nhu cầu may mắn trong diện ưu tiên. "4.000 chỗ ở tại các khu ký túc xá lúc nào cũng quá tải. Chúng tôi chỉ có thể dành suất ở nội trú cho sinh viên thuộc diện hộ nghèo hay con thương binh, liệt sĩ. Hiện ban quản lý ký túc xá còn gặp không ít khó khăn khi phát sinh quá nhiều trường hợp được địa phương cấp chứng nhận hộ nghèo..." - ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, ĐHQG Hà Nội cho biết.
ĐH Nội vụ Hà Nội có tổng cộng 2.400 chỉ tiêu riêng năm nay cho tân sinh viên hệ ĐH và CĐ. Tuy nhiên, chỗ ở ký túc xá chỉ 200-300 suất. "Chỉ có đối tượng chính sách đặc biệt mới được giải quyết ở nội trú. Kể cả là con em dân tộc, miền núi nhà trường cũng không thể giải quyết được" - ông Dương Mạnh Hùng cho biết. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 30.000 sinh viên với 2/3 số đó có nhu cầu ở kí túc nhưng mới chỉ đáp ứng được 4.000 chỗ. Trường ĐH Nông nghiệp có 12.000/14.000 sinh viên có nhu cầu ở kí túc xá nhưng cũng chỉ đáp ứng được hơn 3.000 chỗ. Cá biệt, như ĐH Ngoại thương được chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu nội trú, ĐH Dược chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Có được một phòng trọ như thế này là mơ ước của đa số tân sinh viên
"Bộ sẽ phối hợp để hạn chế tăng giá trọ"
Trước tình trạng khan hiếm chỗ ở nội trú tại các thành phố lớn, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT chia sẻ, thực tế số lượng trung bình các trường ĐH tạo điều kiện ở nội trú chỉ từ 10-20%. Hiện Hà Nội có hơn 120 cơ sở đào tạo, số học sinh-sinh viên đang theo học tại các trường là hơn 800.000 sinh viên. "Rất nhiều khó khăn với sinh viên trong việc tìm chỗ trọ trong thời gian học. Với 80% sinh viên phải ở ngoại trú, hiện Bộ đang tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc quản lý các điểm cho thuê trọ tập trung của người dân để hạn chế tình trạng tăng giá đột ngột vào những lúc cao điểm như hiện nay" - ông Ngũ Duy Anh cho biết.
"Về lâu dài, Hà Nội đang có dự án cung cấp 300.000 chỗ ở trong các khu ký túc xá tập trung cho các trường" - ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ GD-ĐT cho biết. ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đang cùng Sở Xây dựng Hà Nội hoàn thiện 2 tòa nhà trong dự án Ký túc xá Mỹ Đình để có thêm 3.000 chỗ ở cho sinh viên. Ngoài ra, khu nhà ở SV tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng đang được thành phố xúc tiến xây dựng với tổng diện tích sàn 210.000 m2, đáp ứng được chỗ ở cho gần 22.000 sinh viên.
Theo ANTD
Lương điều dưỡng viên tại Đức 55 triệu đồng/tháng Ngày 9-1, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, theo chương trình đã thỏa thuận, Cục sẽ tuyển chọn 120 ứng viên để đào tạo về tiếng Đức tại Hà Nội (trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 3-2013) để chọn ra 100 điều dưỡng viên đưa sang học chương trình chăm sóc...