Sinh viên nôn nao trở lại ký túc xá để… lấy đồ
“SV năm cuối trở lại TP tìm trọ để làm việc mà như SV năm nhất mới vào. Không có đủ quần áo, không có đồ dùng cá nhân vì KTX chưa cho lấy đồ” – một SV nói.
Từ ngày 1 đến ngày 10-12, Ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP.HCM cho phép SV trở lại KTX lấy xe máy nhưng chưa được lấy đồ dùng cá nhân. Nhiều SV mong có thể lấy đồ dùng sinh hoạt và nhiều giấy tờ quan trọng.
Không nghĩ sẽ phải rời đi…
Sau khi KTX trở thành bệnh viện dã chiến, bạn TQT (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM) dự định chỉ ở tạm nhà người quen vài tháng, sau đó sẽ ở tiếp tại KTX để tiết kiệm chi phí. Với tâm lý sẽ tiếp tục ở KTX và thời gian chuyển đi gấp rút nên T. không đem theo nhiều đồ dùng cá nhân mà chỉ đóng thùng để lại phòng.
“Không may, tôi lại nằm trong danh sách SV năm cuối không thể ở lại KTX. Trước đó, tôi không nghĩ mình sẽ phải rời khỏi KTX vì có nhiều anh chị đã tốt nghiệp vẫn ở đây. Giờ tôi phải chuyển ra trọ nhưng không có đủ đồ dùng sinh hoạt. Nếu mua lại thì rất tốn kém do công việc chưa ổn định, gia đình tôi ở quê cũng không có thu nhập vì dịch nên không thể hỗ trợ nhiều” – Q.T. trải lòng.
Hiện tại, T. cũng cần nộp bằng Tiếng Anh và Tin học để bổ sung hồ sơ xin việc. T. cho biết mình đã tiêm đủ hai mũi vaccine và mong có thể sớm trở lại KTX để lấy giấy tờ và đồ dùng sinh hoạt.
Nhiều sinh viên chỉ mang ít đồ về quê. Ảnh: KHÁNH CHI
Cùng hoàn cảnh như T., bạn Nguyễn Thu Hiền (SV trường ĐH Nông Lâm) cũng có tâm lý sẽ tiếp tục ở lại nên không mang theo đồ dùng sinh hoạt khi về quê. Như năm trước, khi KTX thành khu cách ly, tất cả quần áo, giày dép và nhiều dụng cụ khác của Hiền đều được đóng thùng gọn gàng để lại phòng.
Hiền nói: “Tôi chia nhỏ các chìa khóa, chỉ đem chìa khóa phòng và thẻ sinh viên về mà quên chìa khóa xe. Giờ KTX cho vào lấy xe tôi cũng không thể lấy đem đi sửa. Nghĩ tới cảnh nộp tiền giữ xe trong 6 tháng và tiền sửa xe đã thấy xót”.
Hiền hi vọng KTX sẽ thông báo sớm thời gian lấy đồ, ít nhất là một tháng trước khi bắt đầu học kỳ hai. “Mong là đến Tết Tây, KTX cho SV không ở nữa vào lấy đồ, tránh lu bu cho tân SV năm nhất lên nhận phòng. Nếu chờ đến đầu học kì hai thì sẽ trùng lịch với tân sinh viên, tập trung đông rất mất thời gian. Lúc đó tôi cũng phải vừa tìm trọ vừa dọn đồ, vừa thi trực tiếp” – Hiền trải lòng.
Chỉ mong lấy được giấy tờ
Dù được KTX cho phép quay trở lại lấy xe máy, nhưng nhiều SV bất cẩn để chìa khóa tại phòng nên cũng không thể trở lại lấy xe. Một số bạn khác vì quê ở xa nên mong muốn KTX có thể gom hai đợt lấy xe và lấy đồ thành một để tiết kiệm chi phí di chuyển.
Nguyễn Phạm Đông Hồ (SV trường ĐH Kinh tế Luật) dự định về quê vài ngày rồi trở lại thành phố nên không cầm theo đồ dùng cá nhân và những giấy tờ quan trọng.
Hiện tại, Đông Hồ cần một số giấy tờ để xét tốt nghiệp và bổ sung hồ sơ cho nơi làm việc nhưng KTX vẫn chưa có thông báo cho SV trở lại lấy đồ. Hồ chỉ mong có thể lấy những giấy tờ quan trọng, còn quần áo và đồ đạc thì có thể đợi đến khi tình hình dịch ổn hơn.
Video đang HOT
“Đợt dịch này bất ngờ quá, mọi người không lường trước được. Biết là KTX cũng gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng trong tình trạng gấp rút, không có giấy tờ thì sẽ tốt nghiệp muộn và lỡ mất cơ hội việc làm” – Hồ cho hay.
Sinh viên dọn phòng sau khi biết KTX thành khu cách ly. Ảnh: KHÁNH CHI
Còn Lê Nguyễn Hoàn Mỹ (trường ĐH Kinh tế Luật) lại có đợt thực tập vào tháng 12 năm nay. Giống như Hiền, Mỹ cũng bất cẩn để quên chìa khóa tại phòng. Do đó, Mỹ mong muốn KTX có thể cho phép SV vào lấy xe và lấy đồ cùng lúc để kịp tìm trọ và đi thực tập.
Lo lắng quay trở lại lấy đồ dùng phải tập trung đông nhưng Mỹ cho rằng KTX sẽ có quy định đảm bảo an toàn cho SV. Mỹ cũng sẽ đến lấy đồ vào những giờ ít người như sáng sớm hoặc giữa trưa để tránh tụ tập và sát khuẩn liên tục khi nhận đồ.
Nam sinh Học viện Cảnh sát Nguyễn Vương Anh: Sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc
Nguyễn Vương Anh - sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân luôn quan niệm: "Tuổi trẻ đẹp nhất là tuổi trẻ cống hiến cho Tổ quốc".
Nguyễn Vương Anh (sinh năm 1997, quê Sơn La), hiện đang là sinh viên năm cuối, ngành trinh sát cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1, Vương Anh được về công tác tại Công an huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng trong quá trình công tác và ôn luyện kiến thức, anh chàng may mắn đỗ hệ liên thông - (Hệ liên thông là học trực tiếp trong trường thêm 2 năm để có bằng đại học - PV) của Học viện Cảnh sát nhân dân.
Vương Anh chia sẻ: "Mình luôn mong muốn có thể đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân, bởi đây là một môi trường năng động, chính quy và tinh nhuệ. Đáng tiếc, mình đã không thi đỗ và học hệ Cao đẳng.
Tuy nhiên, khi kết thúc quá trình rèn luyện về công tác thực tế, mình luôn cố gắng vừa thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ, vừa ôn luyện kiến thức để đăng ký dự thi hệ liên thông của Học viện Cảnh sát Nhân dân. May mắn đã mỉm cười với mình khi mình đã thi đỗ và chính thức trở thành sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân vào năm 2019".
Để có thể sống lại quãng thời gian sinh viên lần thứ hai là may mắn không phải ai cũng có được. Chính vì vậy, 9x không hề cảm thấy bỡ ngỡ hay e dè mà luôn cố gắng tận dụng từng giây phút học tập, rèn luyện tại Học viện để cống hiến, tận hưởng và cố gắng tạo ra nhiều kỷ niệm để có quãng thời gian sinh viên thật đáng giá này.
Gia đình có truyền thống kinh doanh, cả bố và mẹ đều không công tác trong các cơ quan nhà nước. Nhưng Vương Anh lại có lòng nhiệt huyết cháy bỏng đối với sắc xanh áo lính, rất mong muốn được rèn luyện trong môi trường kỷ luật, rèn cho bản thân sự bản lĩnh tự tin. Một lòng quyết tâm đứng vào hàng ngũ của lực lượng Công an Nhân dân và trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.
Ngay từ khi còn học THPT, Vương Anh đã được tin tưởng giao trọng trách làm Bí thư Chi đoàn và được gắn bó cho tới tận bây giờ. Không những vậy, chàng trai năng động này còn là "tàu trưởng" đội SV Học viện Cảnh sát nhân dân và trở thành đội giành chức Quán quân.
Bí thư Chi đoàn Vương Anh còn vinh dự khi là học sinh tiêu biểu được ghi danh "bảng vàng" tại trường THCS và THPT. Đây là một niềm vinh dự lớn lao nhất trong quãng thời gian học trò của anh chàng.
Vương Anh (ở giữa) cùng các thành viên đội SV Học viện Cảnh sát nhân dân.
"Từ bé tới giờ mỗi khi trở thành "tàu trưởng" của đội tuyển nào đó, mình luôn nghĩ là do mình có ngoại hình to lớn hơn hẳn các bạn. Tuy nhiên cái duyên đến với SV và trở thành đội trưởng có lẽ là do sự nhìn nhận của các thầy cô phụ trách và thành viên toàn đội với những gì mình tích lũy và thể hiện. Làm đội trưởng đội tuyển SV là một áp lực vô cùng lớn đối với bản thân mình.
Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân là đội tuyển với những thành viên xuất sắc nhất mình từng được góp mặt, họ có bản lĩnh, cái tôi nghệ thuật và quan điểm rất riêng, mỗi người đều có một thế mạnh rất riêng. Chính vì vậy mình luôn tự nhận thức được vai trò của mình chính là kết nối các thành viên lại với nhau, một đội hình mạnh không phải là đội có nhiều người giỏi nhất, mà là đội đoàn kết nhất.
Sân chơi SV có lẽ là cuộc thi mình dành nhiều tâm huyết, sức lực nhất và cũng là kỷ niệm để lại cho mình nhiều cảm xúc nhất. Tất cả chúng mình đều cảm thấy rất "đã" và "đáng" khi tuổi trẻ được tham gia SV.
Kỷ niệm mình nhớ nhất có lẽ là những đêm toàn đội thức đến 3- 4 giờ sáng để tập luyện và chuẩn bị cho cuộc thi. Đội hình sân khấu thì học thoại miệt mài, say sưa cãi nhau để tìm ý tưởng, đội kỹ thuật thì vắt óc suy nghĩ, vò đầu bứt tai để tìm hướng đi cho phần hiệu ứng, vất vả không kém chính là đội ngũ "hậu phương" lấm lem hết không biết bao nhiêu bộ quần áo để vẽ, kẻ, trang trí, xây dựng mô hình đạo cụ dự thi.
Một tháng trước trận chung kết toàn quốc, cả đội tuyển hầu như chỉ ngủ 3 tiếng/ ngày. Sáng học, chiều họp, tối tập và chia tay nhau về phòng khi đồng hồ đã điểm 3h sáng. Sự gắn bó và quyết tâm ấy chính là điều làm mình nhớ nhất cho đến tận bây giờ", Vương Anh bộc bạch.
Chia sẻ về quá trình học tập, Vương Anh nhấn mạnh: "Thực sự thì việc học tập tại Học viện rất là nghiêm túc và quy củ, vì đó chính là những gì mình sẽ phải va chạm và làm việc trong thực tế. Lượng kiến thức rất nặng và đậm tính chuyên ngành phân theo từng lĩnh vực và xen kẽ với đó là việc rèn luyện không ngừng nghỉ của các môn thể chất, bắn súng, võ thuật.
Chính vì vậy mỗi học viên phải tự sắp xếp cho mình thời gian biểu hợp lý. Ngoài giờ tự học theo quy định, mình thường lựa chọn khoảng thời gian sáng sớm và chiều muộn, sau khi tập thể thao để tự ôn lại kiến thức, mình cảm giác sau khi vận động khiến mình học tập, tiếp thu hiệu quả hơn".
Với Vương Anh, khi đã đi học xa nhà từ những năm học THPT nên về cơ bản không gặp quá nhiều khó khăn với việc thích nghi. Là sinh viên trong môi trường vũ trang nên việc học tập, sinh hoạt, rèn luyện rất quy củ. Mỗi một sự hy sinh đều sẽ có những thành quả xứng đáng, là một người lính thì dường như đã quen và cảm thấy rất may mắn khi có điều kiện rèn luyện trong môi trường như vậy.
Mỗi giai đoạn khác nhau, lý tưởng sống của 9x sẽ có sự thay đổi nho nhỏ. Tuy nhiên một tinh thần xuyên suốt từ trước tới nay của anh chàng đó chính là "sống và cống hiến.
"Sống mà không có sự cống hiến chỉ là tồn tại, sống và biết cống hiến mới là sống. Mọi người đừng nghĩ rằng sự cống hiến ở đây là điều gì quá to tát. Đôi khi chỉ cần làm tốt công việc của mình, như học tập thật nghiêm túc, làm công việc của bản thân tận tâm hết trách nhiệm đã là một sự cống hiến rất đáng trân trọng. Và đối với mình thì tuổi trẻ đẹp nhất là tuổi trẻ cống hiến cho Tổ quốc", Vương Anh cho hay.
Khi hỏi về một người thầy để lại trong lòng biết bao kỷ niệm, Vương Anh cho hay: "Người thầy có ảnh hưởng lớn nhất đối với mình có lẽ là cô giáo dạy môn Ngữ Văn từ ngày học THCS. Cô tên Hà Thị Thu Hà, có lẽ mình vô cùng may mắn khi được cô dạy dỗ và khai phá những năng lực tiềm tàng của bản thân. Cô luôn là nguồn cảm hứng, là động lực và luôn tạo ra nguồn năng lượng tích cực để mình tự tin trước mọi thử thách. Câu nói mình nhớ nhất của cô đó là: Em dám đứng trên sân khấu nhảy dưới mưa, cô dám bỏ ô một mình đội mưa cổ vũ em biểu diễn".
Không chỉ nỗ lực rèn luyện phấn đấu trở thành một chiến sĩ cảnh sát nhân dân tốt, Vương Anh cũng cố gắng trau dồi thêm ngoại ngữ cho bản thân. Bởi: "Trong xu thế hiện tại, mọi ngành nghề đều sẽ cần đến ngoại ngữ. Cảnh sát cũng như vậy, trong chương trình học của mình thì môn ngoại ngữ cũng chiếm một thời lượng và điểm số tích lũy đáng kể. Mình từng là một người khá yếu về ngoại ngữ, tuy nhiên thì mình luôn tự ý thức, cố gắng rèn luyện và tích lũy vốn ngoại ngữ từng ngày.
Từ một người thi trượt tiếng Anh 6 năm trước, cho đến hôm nay khi được tin tưởng giao trọng trách đại diện tham dự cuộc thi "Giọng hát Tiếng Anh hay dành cho cán bộ Đoàn, Hội toàn quốc năm 2021" của tuổi trẻ Bộ Công An, đối với mình đó là một sự ghi nhận cho những nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian qua. Và chắc chắn trong thời gian tới mình sẽ không ngừng học tập để nâng cao khả năng ngoại ngữ của bản thân hơn nữa".
Anh chàng rất thích chơi các môn thể thao có tính tập thể, vừa rèn luyện sức khỏe và tăng tính đoàn kết. Là thành viên đội tuyển bóng chuyền của khóa và thường xuyên tập luyện điền kinh, ngoài ra một môn thể thao yêu thích đó chính là nhảy, chính vì thế 9x đã đăng ký tham gia casting và trở thành thành viên khóa Liên thông đầu tiên của CLB Dân vũ Học viện CSND.
Thầy Vũ Văn Thuận (Bí thư Đoàn thanh niên, Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho hay: "Nguyễn Vương Anh là một sinh viên xuất sắc của Học viện Cảnh sát nhân dân, luôn năng động trong tất cả những hoạt động của Đoàn thanh niên, của Học viện. Ngay từ khi trở thành học viên của trường, Vương Anh luôn nỗ lực cố gắng, dám nghĩ, dám làm trong mọi suy nghĩ và công việc. Mọi thứ đều cho thấy, khi tốt nghiệp ra trường Vương Anh sẽ trở thành một chiến sỹ công an nhân dân tốt và nhiệt huyết".
Mình là một người thích "xê dịch". Bật mí nho nhỏ là nếu không trở thành một chiến sỹ Cảnh sát, ắt hẳn mình sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để làm việc trong ngành hàng không. Sau học viện Cảnh sát thì ước mơ thứ hai của mình là Học viện hàng không Epic Flight Florida. Mỗi khi rảnh rỗi thì việc đầu tiên mình nghĩ tới là du lịch, việc xách balo lên, đi và trải nghiệm đôi khi sẽ dạy bạn những bài học giá trị không có trong sách vở.
Nếu có thêm nhiều cơ hội mình chắc chắn sẽ quảng bá nhiều vẻ đẹp của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Trên mảnh đất hình chữ S có quá nhiều cảnh đẹp và vô vàn điều tự hào mà mình muốn giới thiệu. Và thực tế mình vẫn đang làm điều đó mỗi ngày, mình thường giúp các bạn sinh viên Cảnh sát Lào, Campuchia du học tại Việt Nam học tập kiến thức, tiếng Việt, thông qua đó mình luôn lồng ghép, giới thiệu những cảnh đẹp, tinh hoa văn hóa và những điều tự hào của Việt Nam tới các bạn cảnh sát trong khu vực.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2021) và 16 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2021), chúc cho Nguyễn Vương Anh sẽ luôn nỗ lực học hỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành một chiến sỹ công an nhân dân "Trung với Đảng, hiếu với dân".
270.000 học sinh Quảng Ngãi nghỉ học Học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ngãi nghỉ học từ trưa 5/6 để phòng Covid-19, kế hoạch thi học kỳ dự kiến tổ chức trước ngày 12/5 phải hoãn. Động thái này được Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đưa ra ngay sau khi xác định ca nghi nhiễm nCoV đầu tiên trong năm nay. Ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở...