Sinh viên ngành y góp sức chống dịch COVID-19
Khi diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng trở nên phức tạp, hàng trăm sinh viên ngành y chung tay hỗ trợ cho công tác chống dịch.
Trưa cuối tuần, căn phòng nằm ở dãy lầu 6 của Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC, quận 8, TP.HCM) vẫn sáng đèn.
Bên trong, 36 sinh viên của Khoa y tế công cộng (ĐH Y Dược TP.HCM) đang căng mình để thu thập, xác nhận thông tin, hoàn thành các báo cáo cho kịp tiến độ báo cáo ngày về tình hình dịch COVID-19.
Nhiệt huyết, tinh thần của sức trẻ
Cả tuần nay, từ 8 giờ sáng, căn phòng thuộc Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm HCDC luôn ở trong không khí bận rộn, có khi căng thẳng. Đây là nhóm sinh viên của Khoa y tế công cộng (Trường ĐH Y Dược TP.HCM). Họ tình nguyện đến hỗ trợ trung tâm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ở ngay góc cửa ra vào, tiếng chuông điện thoại reo. Thu Thảo, sinh viên năm cuối Khoa y tế công cộng (ĐH Y Dược TP.HCM), bắt máy: “Alô, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật HCDC nghe ạ!”.
Cạnh đó, nhiều nhóm nhỏ sinh viên vẫn tập trung vào màn hình máy tính. 36 bạn đưa chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm gồm ba bạn đảm nhận một công việc.
Từ 14 giờ 30, nhịp độ công việc bắt đầu dày hơn.
BS giảng viên Đoàn Duy Tân, Bí thư đoàn Khoa y tế công cộng, cho biết: “Khoa đã tổ chức tuyển sinh viên tình nguyện để hỗ trợ cho trung tâm. Điều bất ngờ là sau 24 giờ đăng tải thông tin, đã có hơn 200 bạn sinh viên đăng ký”.
Công việc trước mắt của các bạn tình nguyện viên là trực đường dây nóng, hỗ trợ thống kê số liệu ở các khoa, phòng, cụ thể ở Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm; làm báo cáo định kỳ, báo cáo ngày, báo cáo tuần hay báo cáo đột xuất, xử lý các thông tin, theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm ở TP.HCM, theo dõi các thông tin chuyến bay, cập nhật thông tin chuyến bay, hỗ trợ nhập liệu, cập nhật xét nghiệm tại tám khu cách ly trên địa bàn TP.HCM.
Tất cả sinh viên tình nguyện đều đã được tập huấn về dịch bệnh COVID-19 trước khi bước vào công việc. 36 sinh viên được chọn trong đợt 1 này là sinh viên năm thứ năm hoặc năm cuối của khoa. Công việc sẽ bắt đầu từ thứ Hai đến Chủ nhật. Các nhóm sinh viên sẽ được luân phiên nhau để làm việc.
Lê Thanh Truyền (SV năm thứ năm, Khoa y tế công cộng) đã cùng một vài người bạn của mình đăng ký tình nguyện.
Sinh viên Khoa y tế công cộng của Trường ĐH Y Dược TP.HCM làm các công việc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN
Truyền chia sẻ bản thân là sinh viên của khoa, khi nghe khoa tổ chức tuyển sinh viên tình nguyện đã không ngần ngại mà đăng ký ngay.
“Thời điểm này, sinh viên trường y chúng mình vẫn đi học. Mình không nghĩ đó là thiệt thòi mà là một cơ hội để trải nghiệm thực tế từ công tác phòng, chống dịch, gắn liền với công việc sau này của tụi mình. Tham gia vào công việc chống dịch, đó là trách nhiệm của bản thân mình cũng như các bạn sinh viên trường y” – Truyền nói.
Truyền còn bảo rằng áp lực công việc là phải có vì đòi hỏi sự trách nhiệm, ý thức làm việc tốt và mọi thứ phải nhanh, chính xác, không được lơ là. “Nhưng khi làm, mình cảm thấy có thể san sẻ được với anh chị ở trung tâm nên thấy rất vui. Mình đã góp sức vào việc chống dịch, dù chỉ là những việc nhỏ nhưng thấy rất phấn khởi” – Truyền hào hứng.
Hết dịch bệnh mới hết việc tình nguyện
Giảng viên Đoàn Duy Tân cho biết công việc tình nguyện này sẽ kết thúc khi dịch bệnh hoàn toàn chấm dứt. Các bạn sẽ làm cho đến khi trung tâm hết việc, dịch bệnh qua đi.
Trưởng thành, có trách nhiệm hơn
Để có thể tham gia vào công việc tình nguyện, bản thân các bạn sinh viên của trường đã phải tự mình cố gắng rất nhiều. Vừa hoàn thành việc học tập ở trường, ôn tập bài vở để thi, lại phải đảm bảo hoàn thành công việc được giao tại trung tâm.
“Nhiều bạn đầu tắt mặt tối, sáng mai thi nhưng chiều nay còn ở lại làm đến hơn 21 giờ mới xong. Về nhà là các bạn ôn tập bài vở để sáng mai đi thi, chiều lại vào trung tâm làm tiếp” – Bí thư Đoàn Duy Tân cho biết.
Sáng cuối tuần rồi, Giang Hương (sinh viên năm thứ sáu, ngành y học dự phòng) cũng vừa hoàn thành xong môn thi rồi chạy xe máy qua trung tâm, bắt đầu tiếp nhận công việc.
Hương nhận nhiệm vụ trực đường dây nóng. Công việc này mang lại cho Hương nhiều trải nghiệm. Những thắc mắc của người dân xoay quanh dịch COVID-19 cứ liên tục gọi về, lúc nào cũng dồn dập khiến Hương cũng như những người bạn của mình không thể ngơi tay.
“Người dân thường gọi đến trung tâm để hỏi thông tin về các khu cách ly. Có người dân thì hỏi về những triệu chứng của bản thân rồi nhờ tư vấn nên làm như thế nào, có người còn hỏi thăm cho người thân ở nước ngoài vì lo lắng…” – Hương kể.
Tất cả vấn đề đó, người đảm nhận công việc phải trả lời được cho người dân. Đôi khi các bạn còn trở thành người xoa dịu nỗi lo, tâm lý bất an để người dân có thể an tâm hơn.
Hương bảo rằng áp lực công việc rất lớn. “Mình cảm thấy trở nên gần gũi hơn với người dân dù chỉ qua điện thoại. Đó cũng sẽ là sự động viên để mình cùng các bạn là sinh viên trường y có thêm động lực để làm nghề sau này, để trưởng thành hơn trong nghề” – Hương nói.
Công việc của Đỗ Thị Hà (sinh viên năm thứ tư, Khoa y tế công cộng) là thu thập, nhập thông tin vào hệ thống lưu trữ thông tin của trung tâm.
Hà nói nếu đứng ngoài nhìn vào thì thấy công việc không có gì nhiều. Khi bắt tay vào làm mới cảm nhận rõ áp lực lớn đến mức nào.
“Số ca đang tăng từng ngày, một ca dương tính phải thu thập thêm thông tin của nhiều người khác, phải cập nhật từng ngày, từng giờ vì đó là nguồn để cung cấp thông tin chính xác cho người dân” – Hà chia sẻ về trải nghiệm của mình.
Chính áp lực đó đã rèn cho Hà ý thức, trách nhiệm với công việc của mình. Hà bảo bản thân đã thực sự tham gia chống dịch cùng mọi người. “Đó là một trải nghiệm khó quên” – Hà cười.
Vừa trông con vừa làm việc
Kể từ khi nhóm sinh viên của Trường ĐH Y Dược TP.HCM tình nguyện thực hiện công tác hỗ trợ cho trung tâm, chị Văn Thị Ngọc Thịnh, nhân viên của Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) được phân công làm điều phối viên chính.
Kể từ đó, chị cũng bám lại trung tâm để hướng dẫn, hỗ trợ công việc cho các bạn sinh viên. Chị Thịnh có con nhỏ hơn ba tuổi. Mùa dịch nên chị phải chăm con ở nhà. Thời điểm dịch bệnh phức tạp, chị phải ôm con đến trung tâm để vừa làm vừa trông con. Có khi làm đến 20-21 giờ, chị cũng ở lại cùng các bạn.
THANH TUYỀN
Đón 14.000 SV học trở lại, Trường ĐH Y dược TPHCM chuẩn bị gì?
Trong lúc dịch Covid-19 đang phức tạp, gần 14.000 sinh viên trường ĐH Y dược TPHCM vẫn đi học trở lại. Nhà trường làm gì để đảm bảo an toàn cho sinh viên là điều mà các phụ huynh quan tâm.
Đón 14.000 sinh viên học trở lại, ĐH Y dược TPHCM chuẩn bị gì?
PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng trường ĐH Y dược TPHCM đã chia sẻ về các phương pháp nhà trường triển khai khi cho sinh viên, giảng viên quay lại dạy và học.
"Mỗi sinh viên hôm nay đều đã làm bảng khảo sát online để phân loại, chỉ sinh viên có sức khoẻ đảm bảo mới đi học. Ngoài ra, 3 tuần nay nhà trường cũng xây dựng nhiều biện pháp và truyền thông để sinh viên, giảng viên biết cách phòng ngừa. Đồng thời, các phòng học và ký túc xá đã được khử khuẩn hết nhiều lần. Thống nhất giảng đường không mở máy lạnh. Trường cũng đã chuẩn bị sẵn nước rửa tay ở thang máy, trước phòng học và cả nhà vệ sinh. Mỗi sinh viên của trường được cấp một chai xịt rửa tay 60ml, khi hết thì gặp trưởng khối để lấy thêm", ông Tuấn nói.
Nhà trường khuyến cáo sinh viên không tụ họp thành nhóm đông và không bố trí số lượng lớn sinh viên tập trung tại một khu vực
Cấp phát miễn phí cồn khử khuẩn, mỗi em một chai
Nếu dùng hết dung dịch cồn, sinh viên liên hệ phòng công tác học sinh- sinh viên để tiếp thêm
Tuyên truyền phòng chống dịch bằng nhiều hình thức
Cùng nhau vượt khó, chống dịch với giảng đường không có điều hòa
Các cửa thang máy đều bố trí nước rửa tay khô
Các bạn sinh viên thường xuyên đến đây lấy dung dịch rửa tay sát khuẩn
Đối với vấn đề khẩu trang thì mỗi sinh viên đăng ký mua trường hỗ trợ nguồn, riêng sinh viên ở ký túc xá được phát miễn phí 4 cái khẩu trang vải. Toàn bộ giảng viên cũng được phát miễn phí. Tuy nhiên, đây chỉ là dự phòng chứ không sử dụng lúc này.
"Vì căn cứ lý do y học thì theo hướng dẫn của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) và Bộ Y tế cũng đều khuyến cáo không đeo trong môi trường này; còn lý do về mặt phòng chống và kinh tế nếu đeo khẩu trang lúc này thì lúc đỉnh điểm dịch lấy đâu ra, lúc đó nguồn cung cấp nguy cơ không đủ", ông Tuấn lý giải.
Các sinh viên đa phần không đeo khẩu trang khi tham gia học trên giảng đường
Ông Tuấn cũng nói thêm, trường không khuyến khích sinh viên đi thang máy.
"Nếu lên tầng 5 trở nên mới sử dụng, còn lại sử dụng thang bộ. Trong lúc đi thang máy thì không được nói chuyện, vào lớp học sẽ phân theo nhóm ngồi và được chụp hình lại. Điều này để giám sát trong trường hợp em nào bệnh sẽ khoanh vùng phát hiện các bạn xung quanh có nguy cơ. Tất cả các tay nắm cửa đều được trường vệ sinh 2 lần/ngày. Micro của giảng viên sau khi giảng xong đều được thu lại để lau chùi bằng dung dịch y tế", ông Tuấn cho biết.
Trường Đại học Y dược TPHCM khuyến cáo sinh viên không dùng thang máy nếu di chuyển từ 4 tầng trở xuống
Vị trí ngồi của sinh viên là cố định để tiện theo dõi
PGS.TS. BS Ngô Thị Quỳnh Lan - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, ở phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt (nha khoa) bình thường có đông sinh viên thực học. Bởi đây là khu vực điều trị dành cho đào tạo, sinh viên tham gia vào công tác điều trị cho bệnh nhân đã qua giai đoạn tiền lâm sàng. Nhưng theo yêu cầu của nhà trường, trong thời điểm đang có dịch bệnh thì cố gắng giãn cách ra, tránh đông sinh viên cùng lúc.
Giảng viên khoa Răng - Hàm - Mặt (mũ vải xanh) đang hướng dẫn sinh viên (phân biệt bằng mũ vải trắng) trên bệnh nhân
Thời điểm đang có dịch bệnh, nhà trường cố gắng giãn cách ra, tránh tập trung đông sinh viên cùng lúc
"Hôm nay (9/3), 100% sinh viên quay lại tuy nhiên chúng tôi chỉ đạo chừng nào có bệnh nhân đến các em mới vào khu điều trị, không để mật độ sinh viên tập trung quá đông", bà Quỳnh Lan nói.
Khi nào có bệnh nhân đến, các sinh viên mới vào khu điều trị
Cũng theo bà Lan, ở khu vực này, sinh viên nào ngồi vị trí em đó. Khoa có hồ sơ lưu lại vị trí ngồi của sinh viên để bất kỳ sự cố nào xảy ra thì có thể nhanh chóng truy ra. Mỗi ngày sinh viên sẽ đăng ký vị trí ngồi vào danh sách.
Lưu lại vị trí ngồi của sinh viên để bất kỳ sự cố nào xảy ra thì có thể nhanh chóng truy soát
Bà Lan cho biết thêm, tại khu điều trị này, ngoài các bệnh nhân mới thì vẫn có những bệnh nhân cũ điều trị từ trước Tết. Lịch học của sinh viên là tịnh tiến, nghỉ tuần nào sẽ bù tuần đó, còn lịch điều trị của bệnh nhân ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lúc sinh viên nghỉ không tham gia điều trị thì thầy cô của khoa trực và đảm bảo tiến độ điều trị cho bệnh nhân.
Trong tuần lễ này, trường chỉ tập huấn cho sinh viên về phòng chống dịch, hiểu và biết cách phòng chống Covid-19, bảo vệ cộng đồng, không thực hành tại bệnh viện. Phần lý thuyết học bằng e-learning, nếu bắt buộc phải học ở trường thì chia nhóm nhỏ và giảm thiểu tối đa số lượng người tập trung cùng lúc. Các khoa đều rải ra khắp nơi chứ không tập trung về cơ sở chính của trường để tránh sinh viên cùng lúc học quá đông.
Lê Phương - Phạm Nguyễn
Theo Dân trí
Sinh viên y xuyên đêm chống dịch: 'Mọi người đều vất vả, chúng em có sá gì' Khi được điều động tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19, Hằng đã chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng "lên đường". Với Hằng, đây vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để học tập và cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. 4 ngày kể từ khi tham gia vào công tác phòng chống dịch, Hà Thị Hằng (Sinh...