Sinh viên lần đầu xa nhà: Những ánh đèn và ba
Từ lúc là sinh viên lần đầu xa nhà đến nay, tôi và anh trai vẫn đang đi dưới những ánh đèn nhỏ bé, giản dị mà ba đã thắp lên như thế.
Với tôi và anh hai, ánh đèn bàn là hy vọng, là ước mong về tương lai – Trần Thanh Thảo
Làm sinh viên lần đầu xa nhà lên Sài Gòn, với tôi thành phố về đêm thật đẹp bởi những ánh đèn lấp lánh. Đèn ở Sài Gòn sáng lung linh hơn ở quê. Và cũng từ những ngọn đèn ấy làm tôi lại nhớ về những ngày tháng ở quê, những ánh đèn bàn học hay đèn đường làng, nó theo ký ức tuổi thơ tôi đã bao năm rồi.
Ánh đèn bàn học là thứ gắn liền cả quá trình học tập của tôi và anh hai tôi. Hồi còn nhỏ, nhà tôi chỉ có một cái đèn bàn ba mua cho. Lúc anh hai học bài xong thì tới tôi học. Cứ vậy cho tới năm tôi lên lớp 8 thì tôi được ba mua cho một cái đèn khác. Tôi đã mong chờ cái đèn nhỏ nhoi này suốt nhiều năm trời.
Có lẽ chiếc đèn học ba mua là niềm may mắn giúp tôi và anh hai theo đuổi những con chữ. 5 năm trước, anh tôi cũng dưới ánh đèn ấy mà vui mừng cầm giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Một năm trước, ngày tôi tra kết quả vẫn dưới ánh đèn ấy và tôi khóc khi mình thi đậu vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Với tôi và anh trai, ánh đèn ấy là hy vọng, là ước mong của hai anh em về một tương lai tươi sáng. Với ba tôi, chắc hẳn nhìn vào đó, ông trao gửi niềm mong mỏi lớn nhất cả đời này cho hai đứa con của mình.
Xa nhà, tôi nhớ những ánh đèn khác nữa, dù không hào nhoáng và lấp lánh. Tôi nhớ những ngày ba hay ngồi trước sân đợi tôi đi học về dưới ánh đèn đường trước nhà. Đợi tôi vào nhà rồi ba mới yên tâm. Ánh đèn đường ở quê vàng vọt, hiu hắt, in bóng ba hằn lên cả tuổi thơ tôi.
Có lẽ bởi hoài niệm về những ánh đèn, ngày vào ĐH, nhìn đèn ở phòng ký túc xá (KTX), tôi nhớ ba da diết. Tôi nằm dưới ánh đèn, nhớ cả những kỷ vật ba từng tặng tôi. Chiếc đồng hồ trên tay tôi mà ông tặng đã theo tôi từ lớp 7 đến năm nhất ĐH. Có lẽ tôi giống ba về tính cách, về sở thích chụp ảnh, đọc sách…
Video đang HOT
Cũng hai năm rồi kể từ ngày ba mất. Khi ngồi học trong KTX, nhìn chiếc đèn bàn, tôi luôn nhớ chiếc đèn bàn năm nào ba dành tiền mua cho anh em tôi. Chúng tôi nhìn vào chiếc đèn bàn, lại nhớ đến niềm mong mỏi của ba gửi gắm. Anh tôi còn một năm nữa là thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ. Còn tôi thì sẽ tiếp tục học thật tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Từ lúc là sinh viên lần đầu xa nhà đến nay, tôi và anh vẫn đang đi dưới những ánh đèn nhỏ bé, giản dị mà ba đã thắp lên như thế.
Theo Thanh niên
Sinh viên lần đầu xa nhà: 'Chợ chiều chưa rẻ bằng chợ tối'
Thời sinh viên luôn có nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ những ngày đầu xa nhà, xa quê lên thành phố học tập là khoảng thời gian đáng nhớ nhất với mỗi người.
Tân sinh viên làm thủ tục nhận chỗ ở tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM năm học 2019-2020 - Lê Thanh
Lạ lẫm và choáng ngợp trước Sài Gòn
Có những câu chuyện, hình ảnh, kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên không bao giờ phai mờ trong tâm trí của nhiều người. Anh Võ Đình Thành, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Từ vùng quê nghèo của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào TP.HCM học tập những ngày đầu thời tân sinh viên niên khóa 1997-2001. Lúc ấy, tôi cảm thấy mọi thứ đều lạ lẫm và hơi choáng ngợp trước một Sài Gòn rộng lớn".
Anh Thành kể: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không dám ăn cơm tiệm nên mỗi ngày tôi phải đi chợ để tự nấu cơm ăn. Người ta thường hay nói 'rẻ như chợ chiều', nhưng với tôi chợ chiều cũng chưa rẻ mà phải là chợ tối. Vì vậy, để mua được đồ ăn rẻ thì ngày ấy tôi thường hay đi chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh lúc 6, 7 giờ tối. Mà hễ thấy đồ ăn rẻ là tôi hay mua nhiều để dành ăn mấy ngày liền. Đi chợ mua đồ nhiều là phải lục đục nấu thức ăn đến hơn 10 giờ tối mới xong, mà thời ấy sinh viên khó khăn như mình làm gì có tiền mua bếp ga nấu, toàn nấu bằng bếp lò xô (bếp dầu) không à".
Tân sinh viên nên tham gia các hoạt động kỹ năng để nhanh bắt nhịp vào cuộc sống môi trường học đại học - Lê Thanh
Đi từ sáng đến chiều mới tìm được phòng trọ
Anh Dương Bá Thuật (quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cựu sinh viên của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhớ lại: "Cuối tháng 8.1997, tôi từ quê lên TP.HCM kiếm nhà trọ để chuẩn bị làm tân sinh viên. Lần đầu tiên lên Sài Gòn, đường sá không rành nên trên tay lúc nào cũng cầm cái bản đồ thành phố. Tôi và một người bạn đèo nhau trên chiếc xe đạp sườn ngang cứ chạy một đoạn thì dừng lại lấy bản đồ ra xem phương hướng rồi mới đi tiếp. Tôi nhớ hôm ấy đi từ sáng đến gần 15 giờ chiều mới tìm được phòng trọ. Đó là một khu nhà trọ dạng như một ký túc xá tư nhân ẩn mình dưới một vườn dừa xanh trên đường Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận".
Theo anh Thuật, khu nhà trọ ấy không tiện nghi gì cả "nhưng sở dĩ mình chọn là có đông sinh viên ở và giá cả nơi này so với những nơi khác rẽ hơn rất nhiều. Mình nhớ hồi đó mỗi phòng trọ có 2 cái gường tầng, ở 4 người. Mỗi người đóng 60.000 đồng/tháng (chủ đã bao điện nước). Do khu nhà trọ nằm gần bờ kênh Nhiêu Lộc, ngày ấy con kênh này chưa được nạo vét nên dòng nước còn đen xì và bốc mùi hôi dữ lắm chứ không được sạch sẽ như bây giờ... Ở đó được 2 năm thì khu vực này bị giải tỏa nên tất cả sinh viên ở đây mỗi người mỗi hướng".
Anh Thuật, cho biết: "Tròn 20 năm, nhưng mỗi lần có dịp đến TP.HCM tôi luôn tranh thủ thời gian để ghé lại chỗ trọ những ngày đầu thời tân sinh viên bởi nó có quá nhiều kỷ niệm, mặc dù khung cảnh ở đây bây giờ đã khác xưa".
Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực miền Trung được tặng vé xe về quê đón tết năm 2019 - Lê Thanh
Đạp xe hơn 100 km về quê vì nhớ
Nhớ nhà là luôn là nỗi thường trực của tân sinh viên. Anh Lê Nhật Hùng, cựu sinh viên của Trường ĐH Lao động xã hội tại TP.HCM, chia sẻ: "Thời ở quê thì ít khi nào mình muốn ở nhà, nên mỗi khi cơ hội là đi chơi với bạn bè quên luôn giờ cơm của gia đình. Nhưng giai đoạn những ngày đầu rời quê về TP.HCM học tập cái cảm giác nhớ nhà kinh khủng. Cứ chiều chiều đi học về là mình hay ngồi hình dung, rồi tưởng tượng và nhớ đến ba má, nhớ khung cảnh quen thuộc ở quê nhà như: cây khế, đàn gà, con chó, con mèo... Rồi nhiều khi bật khóc ngon lành...".
Lần đầu xa quê đến TP.HCM học tập, sinh viên luôn đối diện với nỗi nhớ nhà - Lê Thanh
Rồi anh Hùng kể: "Có lần, buổi chiều mình đi học về phòng trọ buồn quá. Mà trong túi chỉ còn có vài ngàn không đủ tiền để đón xe đò về quê. Thế là mình xách chiếc xe đạp chạy thẳng từ quận 12, TP.HCM về nhà ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn. Khi về đến nhà gọi má ra mở cửa là hơn 12 giờ đêm. Trải qua lộ trình đạp xe hơn 100 km không có tiền để ăn cơm mà chỉ đủ tiền mua trà đá uống giải khát. Đó là một kỷ niệm thời sinh viên mà mình không thể nào quên".
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lần đầu xa nhà, nhất là các bạn tân sinh viên khi năm đầu tiên lên thành phố nhập học. Và khi đối diện với môi trường sống mới, với bao điều mới mẻ sẽ khiến các bạn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn...
Rồi những đêm thức trắng vì nhớ nhà, những lần lạc đường vì chưa phải là "thổ địa", những gói mì tôm nấu vội thay cơm để kịp giờ làm thêm... tất cả trở thành kỷ niệm một thời sinh viên không thể nào quên phải không các bạn?
Những trải nghiệm lần đầu xa nhà của một thời sinh viên đáng nhớ đó, các bạn có thể chia sẻ và gửi về chuyên mục Sinh viên lần đầu xa nhà theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên chuyên mục Sinh viên lần đầu xa nhà của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Theo Thanh niên
Tìm thấy thi thể nam sinh 17 tuổi nhảy cầu tự tử trên đường đến trường Lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng người thân, người dân đã tìm thấy thi thể nam sinh 17 tuổi nhảy cầu tự tử trên đường đến trường. Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, chiều tối 28/8, ông Dương Kim Mậu, Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng người thân,...