Sinh viên đua nhau lập “sòng” cuối năm
Đánh bài ăn tiền được xem là trò “giải trí” khá phổ biến trong giới sinh viên thì những ngày này, nhiều trường đã nghỉ học, thêm không khí… sắp Tết nên ở nhiều nơi có thể thấy sinh viên vào “sòng”.
Xóm trọ thành “sòng”
Nhiều dãy trọ sinh viên (SV) những ngày cuối năm trở nên rôm rả hẳn vì nhiều “sòng” được lập, không chỉ một hai phòng mà có dãy nhiều phòng cùng trở thành “ tụ điểm” để SV sát phạt nhau.
Tại khu trọ trên đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp, TPHCM) nơi tập trung SV các trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Văn Lang…, từ sáng sớm, những tiếng lẻng xẻng của quân cờ cá ngựa lai vang lên tại phòng trọ của cậu SV tên L. Lâu nay, chơi cá ngựa ăn tiền đã là thú vui của L. và cậu bạn trong phòng cùng một số thanh niên ở trong xóm thế nhưng những ngày này thì mật độ chơi dày đặc và số tiền đánh cũng cao hơn.
Xóm trọ cuối năm có đủ kiểu “sòng” của SV.
Mọi ngày, họ thường bê bộ bàn ghế nhựa ngồi đánh ngay lối đi lại của dãy trọ, nhiều SV khác cũng vây lại xem như đang theo dõi một trò giải trí thì bây giờ L đã thu “sòng” vào phòng, chốt kín cửa. Cậu nói: “Bọn mình chỉ đánh cho vui nhưng mấy hôm nay phòng nào cũng chơi, chơi nhiều tiền nên cẩn thận vẫn hơn”.
Từ sáng đến tối, 3 – 4 ổ bạc dần dần được lập lên tại khu trọ này, ngoài cá ngựa SV còn đánh tiến lên, phỏm… Cùng với những lá bài thắng thua những tiếng chửi thề, chửi tục của SV cũng dễ dàng được tuôn ra mỗi khi đi lỡ bước bài.
“Từ sáng đến xuyên đêm, hôm nào cũng có phòng đánh bài. Có bạn chơi nguyên ngày, chỉ mua vài cái bánh vừa ăn vừa đánh rồi hôm sau ngủ vật ra, tỉnh dậy lại chơi tiếp. Mê gì mà mê khiếp!”, Trần Thị Bình, SV một trường CĐ sống tại khu trọ này cho hay.
Phòng trọ là nơi được SV lập “ổ bạc” nhiều nhất vào dịp cuối năm. Nhưng bên cạnh đó các quán cà phê, quán trà sữa… cũng là địa điểm “họp mặt” lý tưởng của nhiều người.
Video đang HOT
Quán nước cũng là nơi “họp mặt” sát phạt của nhiều SV.
Tại một quán cà phê trên đường D2 (Q. Bình Thạnh), từ tầm trưa các nhóm SV đến từ nhiều trường ĐH, CĐ kéo nhau vào chơi bài. Hay tại quán trà sữa H. ở đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) cũng là điểm “gặp gỡ cuối năm” của SV một số trường như ĐH Tôn Đức Thắng, Thủy lợi… Không chỉ nam nhi mà còn có sự góp mặt của nhiều nữ sinh. Họ không hề kém cạnh, cũng ngồi dạng chân, gác đùi, cười xả láng… với những quân bài.
Những tờ giấy treo nội dung “Không đánh bài dưới mọi hình thức” được treo ở các quán nước này dường như chỉ là hình thức nhắc nhở bằng lời, khách hàng cứ thoải mái với tiến lên, phỏm… nước nôi vẫn được phục vụ tận tình.
Chơi cho vui, thua tiền triệu
Hầu hết lý lẽ của SV khi đánh cờ bạc, nhất là dịp áp Tết là chơi cho vui, cho có không khí. Quả thật, ngoài những SV chơi bài có “số má”, sát phạt nhau tiền triệu thì không ít cô cậu nhập cuộc với kiểu chơi mà giới cờ bạc gọi là “cò con”. Chơi mấy ngàn lẻ giải trí, nghĩ chẳng thấm tháp vào đâu nhưng không ít SV điên cuồng lao vào vòng quay từ vài ba ngàn đó.
Cờ bạc là tệ nạn phổ biến trong giới SV nhưng SV lại cho rằng chơi để… giải trí.
Những người trong phòng của Thanh Thảo – SV Trường CĐ Bách Việt vẫn chưa tin nổi việc cô bạn trong phòng tên Nhân chơi tiến lên cho vui với mấy chị trong xóm nhưng đến giờ đã thua mấy triệu đồng. Cô đã vay tiền tiền hết mọi người trong phòng, vay thêm bạn bè… để hy vọng gỡ lại vốn trước khi về quê.
Thanh Thảo cho biết, chơi mỗi ván chỉ 2 – 4 nghìn nhưng ván nào úng heo (hai), úng “hàng” (tứ quý hoặc ba đôi thông) hay bị đối phương chặt heo thì thua đến mấy chục ngàn. “Hôm đầu nó thắng hăng lắm, hôm sau đẩy số tiền đánh cao hơn, không ngờ thua triền miên, có đêm hết gần cả triệu bạc. Bảo nghỉ đi nó không chịu, cay cú lắm còn nói phải uýnh kiếm bằng được ít tiền về ăn Tết”, Thanh Thảo lắc đầu.
Với “món” cờ bạc, nhiều SV ban đầu đều nghĩ đánh vui thế nhưng khi đã dây vào thì rất khó dứt ra vì người thắng không chỉ muốn thắng tiếp mà còn khó nghỉ vì sợ mang tiếng “chuồn”. Còn người thua thì chẳng bao giờ muốn nghỉ vì hy vọng còn đánh còn gỡ lại vốn. Thế nên không ít SV khi thua thì xoay xở mọi cách như vay mượn, cầm đồ… để có tiền chơi tiếp.
ThS Phan Thị Luyện (ĐH Luật Hà Nội) cho hay đánh bài ăn tiền là một tện nạn được coi là phổ biến trong giới SV, không chỉ SV các trường ĐH, CĐ khác mà ngay cả SV trường Luật được trang bị kiến thức pháp luật cũng tham gia. SV coi đây là trò tiêu khiển những lúc nhàn rỗi nên các tụ điểm chơi cờ bạc của SV cũng xuất hiện nhan nhản nhiều nơi.
Đặc biệt, nhiều SV không tham gia cờ bạc nhưng vẫn cho rằng hành vi này là bình thường vì họ thường xuyên nhìn thấy hành vi này ngay xóm trọ, nơi công cộng và cho rằng SV chơi cho vui. “Chúng ta cần tạo môi trường văn hóa xã hội lành mạnh phục vụ cho hoạt động học tập và rèn luyện, vui chơi cho SV; cần nhiều địa điểm hoạt động sinh hoạt, các câu lạc bộ, nhóm… thu hút SV hơn nữa”, giảng viên này nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM), thực trạng đạo đức SV đang cần phải nhận diện và khắc phục. Tuy nhiên lâu nay, ở trường học giảng viên chủ yếu tập trung việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, chưa coi trong việc giáo dục đạo đức cho SV hoặc nếu có thì nặng về hình thức, lý thuyết suông…
Bên cạnh “kẽ hở” từ nhà trường, nhiều người cho rằng, ở bậc phổ thông sự quản lý của gia đình với con cái chặt chẽ hơn thì khi vào đại học, cuộc sống, các em ít được gia đình quản lý, quan tâm đến việc học và sinh hoạt hàng ngày. Mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Chưa kể trong môi trường sống trọ, SV xa nhà cũng dễ bị lôi kéo, rủ rê tham gia các tệ nạn.
Hoài Nam
Theo dân trí
Casino... sinh viên
Không khó để bắt gặp từng nhóm sinh viên nam nữ đánh bài công khai ở các quán nước ngay trước cổng trường ĐH-CĐ. Họ sát phạt nhau bằng những đồng tiền mà cha mẹ ở quê đã dành dụm cho con đi học...
"Bác thằng bần"
Những quán cà phê nằm trên con hẻm 83 Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TPHCM) - nơi tập trung rất đông sinh viên (SV) của Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn, ký túc xá ĐH Văn Lang... đã trở thành "casino SV". Hầu hết các quán đều cho phép SV đánh bài, thậm chí nhiều chỗ còn chuẩn bị sẵn bộ bài tây ở mỗi bàn để phục vụ các "thượng đế" SV. Chiều 7/1, đến quán nước ngay trước cổng vào Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn, một nhóm SV nữ mặc đồng phục ngang nhiên chơi bài tiến lên kèm theo những tiếng cười nói xôm tụ, bất chấp con mắt hiếu kỳ của người lạ mặt. Nhóm "đỏ đen" được vài giờ thì bị một nhân viên của trường phát hiện, nhắc nhở và tịch thu bộ bài. Thầy vừa quay lưng, một nữ SV liền lấy trong cặp ra bộ bài mới quăng xuống bàn cho cả nhóm chơi tiếp. Khu vực làng ĐH Thủ Đức, đoạn đường Lê Văn Việt (Q.9) gần trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở II... cũng tấp nập cảnh SV chơi bài ăn tiền công khai.
Nổi tiếng có quy định khá nghiêm, nhưng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM gần như "bó tay" trước thực trạng SV đánh bài nhan nhản quanh trường. Vừa rời cổng trường, một nhóm bốn SV nam kéo nhau vào quán nước không tên đối diện cổng sau của trường "mở sòng". Chẳng ngại bảo vệ, thầy cô hay bạn bè bắt gặp, nhóm SV này sà vào chiếc bàn ngay mặt tiền quán để "tính sổ" nhau trên 52 lá bài.
Q.D., SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM kể, quán cà phê SV ở cạnh trường là tụ điểm đánh bài thường xuyên của các bạn. Ban đầu là đánh để uống nước, ai thua thì bao chầu nước chưa đến 100k (100.000đ). Mấy tháng gần đây, các bạn chuyển qua chơi ăn tiền theo giá 2k-4k/ván và đậm hơn là 5k-10k/ván. Rất nhiều SV giữa tháng đã thua sạch tiền dành cho cả tháng, phải ăn mì gói cầm cự chờ đợt tiền tháng sau.
Thực trạng SV mê trò đỏ đen ngày càng nhiều, không ít SV đã trở thành "bác thằng bần" khi trót nướng cả số tiền học phí, phải đối mặt với nguy cơ cấm thi. Tại một hội thảo bàn về vấn đề đạo đức của SV hiện nay, ThS Phan Thị Luyện, giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Một khảo sát tệ nạn xã hội trong SV ở trường cho thấy có trên 53% SV thừa nhận từng chơi lô đề, cờ bạc, đây là tệ nạn xã hội phổ biến nhất trong giới SV.
Sinh viên đánh bài tại quán cà phê đối diện cổng trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM.
Sinh viên trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn đánh bài ngay trước cổng trường.
Nhà trường "nói mãi" vẫn không xong
Hầu hết các trường đều có quy định cấm SV đánh bạc, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho SV... nhưng kết quả gần như vô vọng, bởi SV thì quá đông mà lực lượng phụ trách công tác HSSV chỉ đếm trên đầu ngón tay. ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nói: Trường đã nhiều lần phối hợp với tổ dân phố và công an khu vực để xử lý nhưng thực sự là không giải quyết hết... Ông Phạm Quang Dũng, Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: "Vừa rồi, chúng tôi có làm việc với công an phường Tân Chánh Hiệp (Q.12) đề nghị họ phạt thật nặng và ghi tên, lập biên bản những SV vi phạm để gửi về trường kỷ luật mạnh tay hơn". Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông của Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM than: Địa bàn của trường còn có SV của Trường Giao thông vận tải TP.HCM nên rất khó phân biệt, chỉ còn cách phối hợp với công an, dân phòng thường xuyên kiểm tra. Sau khi làm việc, một số quán chịu cam kết và thông báo "Không được đánh bài trong quán" nhưng cũng không kiểm soát xuể.
Bàn về thực trạng và giải pháp giáo dục đạo đức cho SV các trường ĐH-CĐ kỹ thuật, ThS Diệp Phương Chi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: Mối quan hệ giữa giảng viên - SV trở nên lỏng lẻo hơn so với thời học phổ thông. Việc giáo dục đạo đức cho SV thông qua các môn học phụ thuộc chủ yếu vào nghệ thuật sư phạm chủ quan của từng giảng viên. Mặt khác, giảng viên không có thời gian quan tâm SV trong khi các em đang sống xa nhà, luôn chịu sự cám dỗ của môi trường xã hội chung quanh.
Nhiều nhà giáo dục cho rằng, nên đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống để trang bị bản lĩnh cho SV. Ngoài ra, các phong trào Đoàn Hội ở trường ĐH-CĐ cần thiết thực hơn để thu hút SV tham gia và tránh xa các tệ nạn xã hội.
Theo Tiêu Hà - Phương Lê
Phụ nữ TPHCM
Thành lập cụm liên kết ANTT Văn Quán Ngày 17-1, Cụm liên kết đảm bảo ANTT khu vực phường Văn Quán với sự tham gia của 56 cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn đã được thành lập. Đây là mô hình liên kết được phát triển, mở rộng từ kế hoạch phối hợp tuần tra kiểm soát giữa CAP Văn Quán và Học viện ANND, nhằm mục...