Sinh viên “đại gia” ở làng cờ bạc
Tệ nạn đánh bạc đang trở thành căn bệnh trầm kha ở làng đại học Thủ Đức. Nhiều sinh viên lao vào đỏ đen mà buông xuôi việc học.
Sát phạt khắp nơi..
Đánh bạc đã trở thành trò tiêu khiển biến tướng của một bộ phận sinh viên trong những lúc rảnh rỗi. Các sòng bạc xuất hiện nhan nhản trong từng ngóc ngách ở làng Đại Học Quốc Gia (đóng tại quận Thủ Đức) , từ quán cà phê cho đến các dãy nhà trọ, ở đâu cũng có thể thấy sinh viên nướng tiền vào các sới đỏ đen.
Một số sinh viên cho biết ở làng đại học muốn sát phạt theo “thể loại” nào cũng được từ: “tiến lên” miền Nam, “phỏm” miền Bắc cho đến xì dách, bài cào, binh xập xám…
Từ ngã ba 621, ngã ba đại cương trở vào bên trong làng đại học hiện nay có khoảng 30 quán cà phê lớn, nhỏ phục vụ sinh viên. Trong đó, nổi trội nhất quán B.B. và quán S.R. (nằm ngay trước cổng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), là nơi sinh viên thường xuyên lui tới để đánh bạc. Việc sát phạt đỏ đen của sinh viên ở các quán này diễn ra như “cơm bữa”.
12h trưa, chúng tôi có mặt tại quán cà phê B.B., nơi được “giang hồ” đồn đại là đánh lớn và uy tín. Đập vào mắt chúng tôi là 3 sòng bài đang “hoạt động” rất sôi nổi, thấy chúng tôi chủ quán đon đả ra mời nước. Sau một hồi nói chuyện, chúng tôi được bà chủ quảng cáo: “Tụi nó toàn là sinh viên, đánh bài chơi vài 3 trăm ngàn với nhau thôi, công an hơi đâu mà vào bắt quả tang”. Nhưng theo quan sát của chúng tôi các con bạc đang sát phạt nhau để ăn tiền lên đến hàng triệu đồng chứ không đơn giản như lời bà chủ quán.
Kinh nghiệm của giới sinh viên tại làng đại học cho thấy, họ thường tìm đến các sòng bạc của dân địa phương. Theo chân các con bạc khát nước hẹn nhau tại quán Bi-da N.H chúng tôi tìm đến dãy nhà trọ tại khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, nơi một sòng tài xỉu có tiếng hoạt động rầm rộ.
Video đang HOT
Ngay trước khoảng sân nhỏ của dãy nhà, gần 30 sinh viên đang tụ tập dán mắt vào sới bạc. Khi người cầm cái bắt đầu lắc, các con bạc sinh viên thi nhau đặt tiền. Có người thua nhiều quá, rít thuốc lá như điên để lấy bình tĩnh khi nhà cái mở chén xí ngầu. Chỉ trong vòng 30 phút, trên dưới 10 lần có sinh viên quăng vào sới bạc một lúc từ 3 đến 4 triệu đồng.
Sinh viên ăn chơi như đại gia đã trở thành “chuyện thường ngày” ở làng đại học
Nhìn sang góc trái của sòng bạc, chúng tôi nhận ra N. (năm 3 khoa Kinh tế Đại học quốc gia), là một tay chơi đã nhẵn mặt ở nhiều sòng bạc trong làng đại học. Lúc nào trên tay cũng cầm điếu thuốc Caprie, vẻ mặt đăm chiêu suy như một tay chơi chuyên nghiệp, khi nhà cái chuẩn bị cho lần lắc tiếp theo, N. móc bóp rút ra 4 tờ polime mệnh giá 200 ngàn quăng ngay qua bên cửa tài.
Tiếng lốc cốc của 3 hột xí ngầu vừa dừng lại, nhà cái bắt đầu khui: “3,4,1…9 điểm là xỉu”. 800 ngàn cuối cùng của N. đã bay theo lần “khát bạc” này. Nhưng với “đẳng cấp” là một con bạc “đại gia” trong giới sinh viên, N. móc ngay điện thoại gọi cho “chiến hữu”: ” Mày đang ở đâu đó, mang 3 chai qua sòng tài xỉu của bà Loan cho tao. Sáng giờ tao đen quá, mất đứt 4 chai (triệu) rồi”.
Để tìm hiểu rõ hơn về tệ nạn cờ bạc ở đây, chúng tôi tìm đến một số phòng trọ sinh viên. N.N.T. (sinh viên năm nhất khoa Công nghệ thông tin, trường Khoa học tự nhiên) cho biết: “Trước Tết vài ngày đã xuất hiện tình trạng đỏ đen và tiếp diễn đến bây giờ, không biết khi nào chúng em mới thoát khỏi cảnh bất an này”.
“Chơi từ chiều đến tận khuya, hết la ó rồi lại nói tục, đánh nhau, tụi em không thể nào nghỉ ngơi được. Có đêm mấy tay giang hồ địa phương kéo đến đòi nợ một ai đó trong dãy phòng trọ xách theo cả mã tấu khiến ai cũng hoảng hồn”, T. kể lại.
Sinh viên trở thành… con nợ
Bắt đầu từ những ván bài chủ yếu để giải trí, cá cược nhau đi uống cà phê hay ăn sáng, sinh viên lại bị cuốn vào tệ nạn đánh bạc ăn tiền. Tiền sinh hoạt gia đình chu cấp cho hàng tháng, các vật dụng cá nhân như điện thoại, máy tính xách tay, xe máy… lần lượt “đội nón ra đi” theo những cơn “khát bạc”.
Như trường hợp của H. (sinh viên trường đại học KHXH&NV), sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Sau khi đậu vào đại học, hành trang H. mang theo là số tiền ít ỏi của cha mẹ dành dụm.
Chỉ vì đam mê trò may rủi, H. đã vay mượn bạn bè và người thân gần chục triệu đồng. Càng thua đánh muốn gỡ, càng gỡ càng thua, H. rơi vào tình trạng “kiệt quệ” cả về sức khỏe lẫn tinh thần không chú ý gì đến chuyện học tập. Hậu quả là H. bị đuổi học, và nổi tiếng trong giới sinh viên về kỷ lục nợ nần tràn lan, không thể trả.
Sòng tài xỉu tại nhà trọ bà Loan thu hút gần trăm con bạc sinh viên mỗi ngày
“Cao tay” hơn H. là Tùng (sinh viên năm 3 trường đại học Khoa học tự nhiên) mỗi ngày “nướng” vào sòng bạc không dưới 1 chai. “Chiến tích” lớn nhất của T. là mượn một lúc 2 chiếc xe máy của bạn học cùng trường đem đi cầm cố.
Vì là con một trong gia đình thuộc vào hàng khá giả ở Đồng Nai, nên T. tự hào rằng mình có lý do để “xài tiền”. Chỉ đến khi T. rơi vào nợ nần cùng quẫn, cha mẹ T. hay tin đã phải lên đến tận nơi chuộc xe cầm cố, và nhận thêm tờ giấy báo đình chỉ học tập của con mình.
Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận được đến 5 điểm chuyên cầm đồ, hầu hết là “phục vụ” sinh viên đánh bạc. Tuy nhiên, những tiệm cầm đồ này có đặc điểm riêng khác với nhiều tiệm cầm đồ thông thường: không treo bảng hiệu nhưng có thể nhận cầm cố bất thứ thứ gì. Có trường hợp chủ tiệm cầm đồ còn đến thẳng sòng bạc cầm điện thoại, xe máy, nhẫn, dây chuyền cho con bạc.
Một thực trạng nhức nhối, “hậu” cờ bạc là việc sinh viên viện đủ lý do để xin tiền cha mẹ như đóng tiền học thêm, mua dụng cụ học tập… nhưng thực chất, đem tiền nướng vào sới bạc.
Khi được hỏi về thực trạng này, Phó GS-TS Nguyễn Văn Tiệp trường Đại học KHXHNV xác nhận: “Hiện nay, đánh bạc trở thành tệ nạn nhức nhối tại làng đại học Thủ Đức. Tôi thấy có nhiều điểm đánh bạc công khai hoạt động ngay tại quán cà phê nhưng không hề thấy sự can thiệp của cơ quan chức năng”.
Theo Vietnamnet