Sinh viên chưa học ngày nào vẫn bị trừ hơn 20 triệu đồng học phí, vì sao?
Đến trường ĐH nhập học, đóng tiền học phí là 104 triệu đồng. Sau vài ngày, phụ huynh quay lại xin rút hồ sơ thì được trường trả lại 83,2 triệu đồng.
Chưa tìm hiểu kỹ về học phí nên nộp xong xin rút lại
Mới đây, chị H. (ngụ Q.11, TP.HCM) gửi đơn phản ánh lên Báo Thanh Niên: “Ngày 21.8, tôi đưa con đến Trường ĐH B. nộp hồ sơ nhập học và đóng 104 triệu đồng tiền học phí. Ngày 26.9 tôi xin rút hồ sơ, rút tiền lúc đó trường chưa khai giảng năm học mới, con tôi cũng chưa đi học ngày nào, thì trường trừ phí mất 20% trên số tiền 104 triệu đồng, kế toán chỉ chuyển trả 83,2 triệu đồng”.
Khi nhập học, cán bộ tuyển sinh của các trường sẽ tư vấn cụ thể mọi thông tin cần thiết M.Q
Chị H. cho biết thêm: “Con tôi trúng tuyển vào ngành y đa khoa của trường. Lúc đầu hỏi thăm thì tôi nghe nói mỗi năm học phí là khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng khi đi đóng học phí tôi mới biết học phí một năm là hơn 200 triệu đồng. Tôi đã đóng trước một học kỳ là 104 triệu đồng. Khi về nhà, tôi cảm thấy mức học phí này quá sức với gia đình nên tôi đã suy nghĩ lại”.
Theo chị H., gia đình sẽ không thể kham nổi mức học phí trên trong suốt 6 năm học. Chính vì thế, chị H. quyết định đến trường xin rút hồ sơ để nộp vào ngành dược của một trường ĐH công lập có chi phí thấp hơn.
“Một phần là lỗi của tôi vì không tìm hiểu kỹ về học phí của trường trước khi nhập học. Nhưng nếu như lúc đầu cán bộ của trường tư vấn về việc nếu rút hồ sơ sẽ bị giữ lại 20% thì tôi đã không nhập học và không đóng tiền”, chị H. cho hay.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện của Trường ĐH bị phản ánh cho biết: “Việc sinh viên xin rút hồ sơ sau khi nhập học đã có trong quy định của trường. Khi phụ huynh tới trường đóng tiền, cán bộ tuyển sinh đã thông báo về các trường hợp trong quy định này và bất cứ thí sinh nào nhập học cũng đều được cung cấp thông tin như vậy. Sau vài ngày, phụ huynh lên trường yêu cầu rút hồ sơ do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Xét theo quy định, trường hợp này được hoàn trả 80% với số tiền là 83,2 triệu đồng”.
Tuy nhiên ngày 11.11, phụ huynh lại gửi đơn tới trường nêu lý do gia đình gặp khó khăn, không đủ điều kiện cho con học tại trường nên xin trường hoàn nốt 20.800.000 đồng.
“Xét hoàn cảnh và sự tha thiết của gia đình, ban giám hiệu đã họp và quyết định dùng quỹ học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập để hỗ trợ cho sinh viên một suất học bổng trị giá 10.400.000 đồng, tương đương 10% học phí học kỳ 1 ngành y đa khoa, dù cho bạn ấy chưa học ngày nào. Gia đình đã vui vẻ đồng ý. Hiện nhà trường đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ…”, đại diện nhà trường cho hay.
Theo vị đại diện này, trường có quy định rõ trường hợp nào rút hồ sơ thì được hoàn 100% học phí, trường hợp nào 50% và trường hợp nào 80%. “Khi thí sinh tới trường nhập học, rất nhiều bộ phận đã dành thời gian tiếp đón, tư vấn, làm thẻ sinh viên, xếp lớp… Chưa kể rút hồ sơ như vậy là trường bị trống một chỉ tiêu. Nếu không có quy định ràng buộc, em nào cũng rút hồ sơ thì các trường ĐH sẽ rất lộn xộn và không đảm bảo được chỉ tiêu cho ngành học”, đại diện nhà trường cho biết.
Video đang HOT
Các trường ĐH quy định ra sao?
Hiện nay, Bộ GD-ĐT không có quy định nào về việc thí sinh nhập học muốn rút hồ sơ thì học phí được rút như thế nào, mà mỗi trường có một cách xử lý riêng. Nhưng hầu hết các trường đều giữ lại khoảng 10-20% và đây được xem như là chi phí quản lý.
Các trường có quy định và công bố công khai về những trường hợp hoàn trả học phí ĐÀO NGỌC THẠCH
Trên phiếu nộp học phí của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có ghi “Nhà trường không hoàn tiền sau khi đã nộp”. Còn Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quy định trong 7 ngày từ ngày đóng học phí sinh viên sẽ bị trừ 20% và sau 7 ngày thì trường không giải quyết.
Thạc sĩ Tô Ngọc Hoàng Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Năm 2022 trường quy định sinh viên sẽ được hoàn 80% học phí đã nộp. Sau thời gian bắt đầu học kỳ hoặc lễ khai giảng, trường sẽ không tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn và rút phí. Điều này các em được thông báo ngay khi làm thủ tục nhập học và đồng ý cam kết”.
Tại Trường ĐH Gia Định, thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Trường có quy định cụ thể. Theo đó, người học trong các trường hợp bị mất tích, tử vong, bị tai nạn nghiêm trọng, thương tật nặng hoặc mắc bệnh nan y, bệnh tâm thần… dễn đến không thể tiếp tục theo học, được động viên vào lực lượng vũ trang sẽ được hoàn trả 100% học phí. Người học gặp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp qua đời hoặc thiên tai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình hoặc định cư nước ngoài, sẽ được hoàn 80% học phí. Mức hoàn tối đa 50% đối với người học nộp hồ sơ trong vòng 30 ngày kể từ khi học kỳ bắt đầu”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin trường hợp sinh viên xin rút học phí, trường sẽ xem xét hoàn trả cho một số trường hợp đặc biệt như sinh viên thi hành nghĩa vụ quân sự (có giấy báo nhập ngũ), bệnh nặng không thể tiếp tục học (có xác nhận của bệnh viện), tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng (có minh chứng). Đối với những lý do khác, trường hoàn trả 75% học phí trong vòng 10 ngày kể từ ngày đóng tiền.
“Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy quy định sinh viên có quyền được nghỉ học tạm thời, tạm ngừng học, học theo tiến độ chậm; tuy nhiên không quy định đối với trường hợp sinh viên muốn thôi học và muốn rút học phí khi đã làm thủ tục nhập học và đóng học phí. Do đó, với trường hợp sinh viên muốn thôi học và rút học phí thì cần làm đơn và tùy thuộc vào quy định của trường đại học đã trúng tuyển sẽ được giải quyết”, tiến sĩ Quốc Anh chia sẻ.
Đường đời chông chênh của cô bé nghèo xa cha mẹ
Bị nhà nội chối bỏ khi mới tượng hình trong bụng mẹ, cô bé ra đời và sống dựa vào bà ngoại, ngần ấy năm bền bỉ với hành trình đến trường để bước tới hôm nay vừa trở thành tân sinh viên.
Diễm Qùynh thuê trọ gần trường để tiện vừa đi học vừa đi làm thêm - Ảnh: B.D.
Những ngày cuối tháng 10, sau hơn một tháng nhập học, cô sinh viên Nguyễn Vy Diễm Qùynh tìm đến các hàng quán ven Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (Đà Nẵng) kiếm việc làm thêm.
"Tiền ăn trưa và tối mỗi ngày 30.000 đồng, bữa sáng không dám ăn vì sợ chóng hết tiền lại phải xin ngoại" - Qùynh cúi mặt, nói lí nhí.
Đi làm được trả mấy trăm ngàn là phải quần quật từ sáng tới tối, mà đâu phải ngày nào cũng được vậy. Mình thèm được học, ra trường và đi làm. Nếu lúc trước chọn bỏ học thì giờ chắc mình đang bán bánh ngoài chợ. NGUYỄN VY DIỄM QUỲNH
Ngoại là ba, cũng là mẹ
Qùynh dáng nhỏ người nhưng khá chững chạc và đầy nghị lực dù mới bước vào đời sinh viên. Khu trọ Qùynh ở là dãy nhà cấp 4 ẩm mốc, chật bưng, nằm kế bên trường bạn theo học.
Cô bé là kết quả của cuộc tình giữa mẹ với một quân nhân, nhưng gia đình nội chối bỏ. Khi con gái lên 4 tuổi, mẹ Qùynh nuốt nước mắt gửi con lại cho bà ngoại rồi xuôi vào Nam làm công nhân.
Qùynh có khuôn mặt sáng với nước da trắng, nhưng đôi mắt ướt dễ làm người khác mủi lòng. Cô sinh viên ấy cân nặng 43kg, sống với ngoại từ nhỏ trong cái làng quê nghèo xã Bình Minh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Bà ngoại nhận quần áo cũ về may vá để nuôi cháu lớn khôn. Ngày trước, quần áo người dân gửi sửa nhiều nên bà cháu cũng đỡ nhưng càng ngày càng vắng khách, vì sắm đồ mới có khi còn rẻ hơn đi sửa. Hai bà cháu có khi chỉ ăn cơm trắng, cả tháng không có miếng thịt cá nào.
Cô tân sinh viên kể từ năm 4 tuổi tới nay đã không có cảm giác được mẹ ôm ấp, vỗ về. Mẹ đi làm công nhân ở Sài Gòn, có giai đoạn quá khó khăn đến mức bặt tăm, 2-3 năm mới liên lạc về nhà.
Mỗi lần như thế, bạn cũng cố dò tìm mẹ nhưng không có đầu mối nào. Mãi cho tới khi mẹ gọi về mới biết mẹ đau yếu, làm không dư được gì nên chọn cách im lặng tự chịu đựng để ở quê thôi lo lắng.
Làm thêm để phụ mẹ nuôi em
"Ba có bao giờ liên lạc với em không?". Nhận câu hỏi, Qùynh cắn móng tay, im lặng rồi nước mắt lăn dài trên gò má.
"Hồi nhỏ em không biết, chỉ nghe bà và mẹ bảo rằng ba là quân nhân. Ba mẹ quen nhau, xác định cưới nhưng nhà nội không cho nên ba phải cắn răng chấp nhận. Sau khi lấy người khác, cuộc sống của ba cũng rất cực, có lần em tò mò lấy điện thoại gọi theo số mà mẹ cho nhưng chỉ nghe ba nói vài câu rồi tắt máy. Đó là lần đầu tiên em cảm nhận về cha mình. Thỉnh thoảng em có nhắn tin, gọi điện nhưng ba bảo cuộc sống cực quá, hãy tha lỗi cho ba" - Qùynh kể.
Cuộc sống chật vật cùng ngoại già yếu khiến cô bé lanh lẹ trước tuổi. Hồi lớp 6 đã biết đi làm thêm, ai mướn gì cũng làm. Con bé nhỏ thó cứ lăn lóc hết đồng ruộng rồi tiệm bán bánh vệ đường.
Nhiều người thấy tội nên lúc nào cũng cho thêm chút ngoài tiền công. Qùynh đưa hết cho ngoại đong gạo, mua quần áo. Cũng vì vậy mà suốt những năm đi học, nhà trường và thầy cô giáo gần như lo sách vở, học phí cho hết.
Qùynh nói giai đoạn khó khăn nhất là lúc vào lớp 10. Ngoại quá mệt mỏi, dù biết cháu vừa đậu vào cấp III nhưng vừa ôm cháu vừa khóc vừa kêu hay thôi con lên Đắk Lắk bán bánh ở chợ phụ dì ruột.
Qùynh cũng òa khóc, nói ngoại cố sống, cố rướn cho con học hết lớp 12, đừng để đời con cũng luẩn quẩn như mẹ.
Nhưng cô bé còn có nỗi khổ khác: luôn thắc thỏm, âu lo về mẹ. Ít nhất hai lần mẹ đã bặt tăm mà cô đành bất lực. Cô bé nghèo ở quê thi xong THPT đã tất tưởi đi phụ bán hàng kiếm tiền đi học.
Gọi cho mẹ, mẹ nói lấy người chồng công nhân nhưng hay nhậu nhẹt, bỏ bê vợ con nên phải nghỉ việc, "cắm" chiếc xe máy lấy 1 triệu đồng mua sữa cho đứa con non nớt.
Qùynh nói đứa em bị suy dinh dưỡng nặng, mẹ kể đã thiếu thốn lại hay bị chồng đánh. Cô bé xin chủ tiệm ứng cho 2 triệu, dự tính 1 triệu để mẹ mua vé xe về quê sống cùng hai bà cháu, 1 triệu còn lại chuộc chiếc xe đã cầm.
Mẹ nhận rồi mấy hôm sau chuyển trả lại 1 triệu và nói ở lại chứ không muốn làm khổ ngoại thêm nữa.
Không chọn ngành yêu thích vì quá nghèo
Qùynh đăng ký học quản trị kinh doanh, chuyên ngành tài chính số, và bảo đó chưa phải là ngành bạn tâm huyết nhất nhưng dẫu sao vẫn là lựa chọn hợp lý.
"Mình đăng ký vào ngành kế toán (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng), nhưng vì thấy học phí bên đó cao quá, gia đình quá nghèo khó kham nổi, trong khi bên trường đang học khoảng 12 triệu đồng/năm nên mình chọn theo học" - Qùynh nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Sinh viên xài thẻ tín dụng chống vay 'cắt cổ' Lãi suất "cắt cổ", bị quấy rối khủng bố tinh thần, bị đe dọa tính mạng của bản thân và gia đình, thậm chí bỏ học dang dở... là mẫu số chung của không ít sinh viên khi tìm đến các app vay tiền để rồi vướng vào bẫy của tín dụng "đen". Sinh viên tìm hiểu về thẻ tín dụng và các...