Sinh vật Trái đất sống được ở vũ trụ
Một nhà tự nhiên học người Mỹ đã dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu kỹ hơn về “ gấu nước” – loài sinh vật kỳ lạ, được mệnh danh là “dẻo dai nhất Trái đất” nhờ khả năng sống sót được trong mọi điều kiện khắc nghiệt nhất, kể cả ngoài không gian vũ trụ.
Mike Shaw là một người đàn ông trầm tính, khiêm tốn và có tình yêu vô hạn với thế giới thiên nhiên hoang dã. So với người bình thường, ông biết nhiều hơn đáng kể về loài tardigrade hay còn gọi là “gấu nước” – sinh vật được cho là “dẻo dai nhất” và gần như bất tử trên Trái đất.
Theo trang New Scientist, “gấu nước” thuộc nhóm sinh vật không xương sống, di chuyển chậm như rùa và “bà con” với họ chân đốt. Loài vật tí hon này có chiều dài cơ thể thường không quá 1mm với hình thù kỳ lạ, có 4 ngấn trên lưng, 8 chân mũm mỉm, móng nhỏ xíu và đầu luôn cúi xuống như đang tìm kiếm vật gì đó. Tên gọi của chúng có thể xuất phát từ ngoại hình giống như gấu.
Dù có kích thước cơ thể tí hon, với chiều dài không quá 1mm, “gấu nước” là sinh vật đầu tiên trên Trái đất có khả năng sống sót trong môi trường vũ trụ mà không cần thiết bị bảo vệ. Ảnh: New Scientist
Tuy nhiên, “gấu nước” được biết đến nhiều hơn nhờ khả năng gần như “bất khả tổn hại”. Chúng không chết ngay cả khi bị đun sôi, đông đá, nén lại trong áp suất cực cao hay thậm chí bị sấy khô.
Giới khoa học phát hiện, “gấu nước” hiện diện gần như trong tất cả hệ sinh thái trên thế giới, nhưng sống chủ yếu dưới nước hoặc trong rong rêu. Điểm độc đáo của loài sinh vật này là chúng có thể sống sót trong tình trạng thường xuyên khô héo và có thể mất gần như toàn bộ lượng nước trong cơ thể. Khi bị mất nước, chúng chuyển sang trạng thái ngủ, khi đó cơ thể teo lại và hoạt động trao đổi chất tạm dừng. Trong trạng thái ngủ như chết như vậy, “gấu nước” vẫn duy trì các cấu trúc trong tế bào cho đến khi có nước để “đánh thức” các tế bào. Nhờ đó, chúng có thể tồn tại trong tình trạng khô cứng hoàn toàn trong nhiều năm liền và sau đó hồi sinh trở lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Bắt đầu từ năm 2007, các nhà sinh vật học đã chứng minh được rằng, “gấu nước” đủ khả năng chống chọi với môi trường khắc nghiệt của vũ trụ. Họ đã gửi các con “gấu nước” sấy khô tới trạm không gian quốc tế (ISS) và phát hiện, môi trường chân không trong vũ trụ, các tia phóng xạ vũ trụ cũng như những tia bức xạ Mặt trời với cường độ mạnh hơn 1.000 lần so với tia bức xạ trên Trái đất không thể gây tổn hại cho “gấu nước”. Nhờ đó, “gấu nước” trở thành sinh vật đầu tiên sống sót trong môi trường vũ trụ mà không cần có thiết bị bảo vệ.
Sự dẻo dai phi thường của “gấu nước” cũng được chứng minh qua nhiều thử nghiệm: Chúng vẫn “bình an vô sự” trong môi trường áp suất lớn hơn 6.000 lần so với áp suất trong bầu khí quyển, “vững vàng” trước các tia X-quang và hồi sinh sau khi bị đông lạnh đến -273,15 độ C – nhiệt độ được cho là lạnh nhất.
Quay trở lại với Mike Shaw, ông đã quyết định rằng, chúng ta – loài người – cần phải biết rõ nhiều hơn nữa về “gấu nước”. Ông đã dành một năm rưỡi nghiên cứu chuyên sâu về loài sinh vật kỳ lạ này ở New Jersey và gửi kết quả công trình nghiên cứu của mình tới một nhà tự nhiên học danh tiếng chuyên về tardigrade. Trong khi chờ thẩm định, ông Shaw tiếp tục di chuyển tới Virginia, lặng lẽ săn tìm và giao tiếp với các con “gấu nước” trong rừng.
Theo 24h