Sinh tử lẽ thường, nhưng còn sống hãy đối tốt với nhau
Mẹ bảo: Con à. Bốn mươi rồi. Tính chuyện vuông tròn đi thôi. Nghe xong, gật đầu rồi để đấy. Chẳng phải lần đầu tiên, nên con cũng chai lì. Bởi hơn ai hết, con biết bản thân cần gì và phải làm gì.
Con chẳng còn ngây thơ để sốc nổi nữa mẹ ạ. Cái ngông nghênh, cái bất cần của một thời tuổi trẻ cũng vậy. Rồi càng đi, con càng thấm thía qua mỗi câu chuyện cuộc sống. Có cả nỗi đau cùng sự mất mát, nhưng con không buồn, hoặc nản lòng. Con lấy đó để rút ra bài học cho chính mình.
Có trải những thử thách, gian nan mới biết và hiểu được giá trị thật của cái được gọi là hạnh phúc. Nhờ nhìn nhận và suy nghĩ được như vậy, qua những tháng ngày tự lực, con đã biết mình lớn thêm, khôn thêm.
Tâm bình mới thấu lẽ đục trong – Ảnh minh họa
Con còn nhớ, những ngày đầu sống xa gia đình. Bình thường thì không sao, nhưng đến khi ốm đau, tật bệnh, con lại thèm được sự quan tâm, săn sóc của người thân. Đã có những lúc con khóc ròng vì sự cô đơn, nhưng cũng may, những người bạn xung quanh con, đã dang tay và ôm con vào lòng. Họ chia sẻ với con hết mực. Con mới cảm sốt nhè nhẹ, họ đã quýnh lên lo thuốc thang.
Lần lần, con cảm thấy mình là người thật may mắn, vì trong số triệu người quen đã có những… người thân.
Thời gian trôi mãi. Như mẹ nói, ngày nào còn tuổi đôi mươi, ngoảnh mặt lại con đã bốn mươi. Con chưa biết, bến đỗ cuộc đời của mình sẽ dừng ở điểm nào. Nhưng con biết, hiện tại con đang đi tìm cho mình một trú xứ bình an. Chẳng cần phải nhà lầu, xe hơi, nên cuộc sống của con cũng khá giản đơn, bình dị. Sáng, xách xe đi làm. Trưa, bù khú với anh em, bạn bè. Tối về an trú với bản thân. Mọi thứ với con như vậy là quá đủ đầy.
Tương lai chưa đến, nên ở hiện tại, con chỉ mong cuộc sống được bình an. Mẹ, anh chị, các cháu và người thân sống vui, sống khỏe. Sinh tử lẽ thường, sống nay thác mai, cho nên còn tồn tại, thì nên đối xử tốt với nhau. Còn duyên thì còn vun vén. Hết duyên cũng chẳng vì thế mà chuốc oán, thêm thù.
Thứ nữa, những người đi qua trong cuộc đời, có thể nhớ, có thể quên. Nhưng phải dặn lòng rằng: hờn giận, yêu ghét phải rõ ràng. Đừng rơi vào vực thẳm của việc: yêu thì lấp liếm cho qua, còn ghét thì qua loa cũng xé thành chuyện tày trời.
Hạnh phúc, khổ đau lòng nhủ lòng
Vui buồn theo nước đổ ra sông
Đạo đời nhớ câu Nhân và Quả
Tâm bình mới thấu lẽ… đục trong!
Video đang HOT
Viên Quang
Theo giacngo.vn
Khi mẹ muốn ở một mình...
Bên cạnh phần lớn những phụ nữ có tuổi thích sống cùng con cháu, vẫn có một số trường hợp chọn sống một mình.
Có dịp nghe người trong cuộc trải lòng mới thấy không phải các cô không muốn gần gũi người thân, mà do sự khác biệt về suy nghĩ, thói quen của nhiều thế hệ trong gia đình, nên khi sống chung, ít nhiều cũng xảy ra va chạm. Để giữ hòa khí, các cô chấp nhận thiệt thòi, ở riêng, không muốn làm phiền con cháu. Cũng có cô muốn ở một mình để có thời gian tận hưởng những sở thích mà trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Dẫu sống riêng hay chung thì người lớn tuổi rất cần được con cháu quan tâm, yêu thương, chăm sóc...
Khi có sự chủ động về thời gian, cuộc sống riêng, nhiều phụ nữ lớn tuổi thường tìm niềm vui trong du lịch, họp mặt bạn bè, sinh hoạt các câu lạc bộ, thể dục... Trong ảnh: Các cô tập dưỡng sinh tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều.
Chồng mất sớm, cô T.L., 79 tuổi, ở quận Ninh Kiều, bươn chải nuôi 2 con trai học hành đỗ đạt. Cô tích cóp cất căn nhà lớn, dự định các con lập gia đình sẽ ở chung. Nhưng mọi việc không như dự tính. Cưới vợ cho con trai lớn chừng 4 năm, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu phát sinh. Con dâu không chịu được tính quá tiết kiệm và sở thích nuôi chó, mèo trong nhà của mẹ chồng nên thường đi ăn bên ngoài. Mẹ chồng không chịu thuê người giúp việc mà dâu quá bận rộn không thể mỗi buổi chiều đi làm về phụ dọn dẹp hoặc sáng dậy sớm đi chợ... nên cô L. cho ra riêng.
Đến phiên con trai út cưới vợ thì mẹ chồng nàng dâu khắc khẩu. Dâu hay chưng diện, mua sắm phóng tay, mẹ chồng góp ý thì giận. Cuối tuần, thay vì chăm sóc con nhỏ, đưa đi chơi nhưng dâu chỉ thích tập thể dục, cà phê với bạn, khoán cháu cho bà nội lo, nhưng lại hay cằn nhằn bà không chịu ép ăn nên cháu ốm. Mấy lần nói dâu không nghe mà cãi lại, con trai lại bênh vợ, cô L. đề nghị "để mẹ ở một mình cho yên".
Mới đó mà hơn 5 năm. Các con ở cùng quận, thường dẫn cháu về thăm nên cô L. phần nào khuây khỏa. Những lúc con có việc đột xuất thì các cháu qua nội ăn cơm, chơi cả ngày. Ít chung đụng nên đỡ căng thẳng, nhờ vậy mà mẹ chồng nàng dâu quan tâm đến nhau hơn. Một đêm khuya giữa tháng 11, cô L. bị lên huyết áp, con trai thì đi công tác. Hay tin, con dâu lớn qua nhà túc trực với mẹ tới sáng; hôm sau dâu út thay phiên, rồi chở mẹ đi khám bệnh, nấu thức ăn bồi bổ. Cô L. tâm sự: "Sống chung hay riêng không quan trọng, miễn sao mọi người thương yêu nhau là được. Ở chung không hợp tính dễ phát sinh chuyện không hay. Các con cũng cần có không gian riêng để tự do, không thể buộc theo ý mình".
Không muốn ảnh hưởng hòa khí gia đình, 2 năm nay, cô Nguyễn N.T., 73 tuổi, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, quyết định ở riêng. Cô mê cải lương, hay ngủ sớm, không thích ồn ào trong khi 2 đứa cháu nội sinh đôi 13 tuổi khoái nhạc trẻ, xem phim hành động, hay giành ti vi với bà nội. Tụi nhỏ còn thức khuya, bày bừa nhà cửa lộn xộn, con trai cô lại thường làm ca tối, về lục đục nấu ăn nên cô bị mất ngủ. Nhiều lúc cô T. la rầy cháu thì con dâu lẫy "bà nội khó quá!".
Khi biết mẹ muốn ở một mình, năn nỉ không được, con trai cất cho mẹ căn nhà nhỏ xinh xắn kế bên, mua sắm đầy đủ tiện nghi. Có không gian thoải mái, cô T. tổ chức lại cuộc sống riêng, bài trí theo ý thích. Cô đi du lịch, mời bạn trong nhóm dưỡng sinh về nấu ăn, sinh hoạt, xem cải lương... rất vui. Cô còn tham gia lớp yoga phục hồi chức năng, sức khỏe dần tốt hơn. Mỗi khi trái gió trở trời, con trai cô qua ngủ với mẹ cho yên tâm. Dù ở riêng nhưng con cháu kính trọng, thường hỏi ý kiến việc nhà nên cô T. vẫn như chủ gia đình.
Không phải trường hợp nào ở riêng cũng may mắn được con cháu quan tâm như trên. Mấy tuần nay, cô B.P., 70 tuổi, ở quận Cái Răng, đi thuê nhà trọ ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều để ở. Trước nay, cô P. sống cùng vợ chồng con gái ruột. Năm rồi, cô gom tiền dành dụm phụ con sửa lại căn nhà cho tươm tất, rồi làm giấy tờ sang tên cho con.
Từ đó, con rể bắt đầu lời ra tiếng vào, than nhà chật, đông miệng ăn... Cô P. đã chọn giải pháp ra đi để không ảnh hưởng hạnh phúc con gái. Hôm gặp cô tại nhà trọ, nhìn cô lủi thủi sắp xếp quần áo, kêu thợ vào lắp cái tivi cũ người bạn mới tặng mà xót xa. Nghe đâu con gái có gọi điện kêu về nhưng cô P. không chịu. Với lương hưu hiện tại, cô đủ chi tiêu cho cuộc sống riêng của mình mà không cần phải mang tiếng "nhờ con".
Cô Hoàng Thị Việt Chi, 63 tuổi, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, chia sẻ: "Khi hai con của tôi quyết định lập nghiệp tại Sài Gòn, tôi định bán nhà để lên ở chung. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định ở lại.
Một đời vất vả, đây là thời điểm thích hợp chăm sóc bản thân mình vì không còn bận rộn chuyện con cái. Con được thoải mái sống theo ý chúng nó mà mình cũng không phải bận tâm phiền lòng vì khoảng cách, lối sống. Tôi du lịch, thăm bạn bè, người thân, làm những gì mình muốn và đang thử nuôi yến xem kết quả thế nào. Ở xa nhưng mẹ con thường xuyên trò chuyện nên không thấy buồn".
Tuổi già là một trong những giai đoạn quan trọng trong cuộc sống con người. Sau một đời hy sinh, tâm lý chung của những bậc cha, mẹ là thường mong được ở cùng con cháu. Vì nhiều lý do, nếu như người lớn không ở chung thì con cháu vẫn có thể giữ gìn tình cảm, bày tỏ sự hiếu thảo thông qua cách nói chuyện, lắng nghe, chia sẻ, giúp các cụ bớt lạc lõng, cô đơn. Những liều thuốc tinh thần sẽ khiến các cụ thêm sống vui, sống khỏe.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH
Theo baocantho.com.vn
Bí mật của chồng sau khoản 400 triệu mang đi trả nợ hộ bố chồng Chuyện qua đi 1 tháng thì bố mẹ chồng ở quê lên chơi. Tôi chưa hết giận bố chồng nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra bình thường. Tháng trước, chồng đột ngột về nhà bảo tôi cùng ra ngân hàng rút sạch 400 triệu trong sổ tiết kiệm của 2 vợ chồng. Tôi hỏi chồng cần số tiền lớn thế làm gì? Anh...