Sính ngoại
Ốc than phiền: Bác Nghêu ạ, sao bây giờ người ta “sính ngoại” thế nhỉ? Thích sử dụng hàng ngoại, xơi trái cây ngoại, kẻ biển hiệu chữ ngoại, giao tiếp bằng tiếng ngoại, thậm chí chữ viết, câu cú nửa ta nửa ngoại. Em chẳng biết đâu mà lần.
- Hì hì… chú mày không nhớ ta đã hội nhập với thế giới rồi à?
- Hội nhập là xu thế tất yếu của thời đại, nhưng hội nhập không có nghĩa là ta…thành ngoại.
Nghêu gật gù:
Video đang HOT
- Chú mày là lớp trẻ, có suy nghĩ như thế là rất tốt. Người Việt Nam có văn hóa Việt, bản sắc Việt mắc mớ gì phải làm cho nó…giống ngoại?
- Nói thật với bác, em rất dị ứng với những cửa hàng trương biển hiệu nửa tây nửa ta hoặc “tây” một trăm phần trăm. Nó rất khó chịu.
Trùm Sò cười khì:
- Khốn nỗi, người ta thích lấy tên tây cho có vẻ sang, nói tiếng tây để cho giống người nước ngoài. Thậm chí bước vào nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị mà nói tiếng tây thì mấy cô nhân viên rất nể trọng, đón tiếp rất nồng nhiệt còn nói tiếng ta là bị… ngó lơ ngay.
Nghêu thở dài:
- Các bác mắt sáng, nghe người ta nói tiếng nước ngoài còn phân biệt người nói là ta hay tây chứ tớ mù đặc, nghe mà không nhìn được thì cứ ngỡ là tây thôi. Hóa ra đang sống ở nước mình mà cứ ngỡ ở bên tây à?
- Bác nghe nói đã tức, thế bác đã nghe hát nhạc nửa tây nửa ta chưa?
- Nói chung là tớ không thích nghe cái loại nhạc được gọi là dành cho tuổi teen, ngay cái tên tuổi teen cũng nửa tây nửa ta rồi.
Trùm Sò gật gù:
- Đúng là hiện giờ có phong trào hát nhạc “tuổi teen”, lời lẽ rập khuôn theo nước ngoài, lắp ghép nửa tây nửa ta, nửa nạc nửa mỡ nghe rất dị ứng. Nếu giới trẻ không được định hướng thẩm mỹ thì dễ chệch hướng, đáng lo lắm.
- Vấn đề là giáo dục văn hóa, khuynh hướng thị trường đã làm lu mờ bản sắc văn hóa. Sống, ăn, mặc, nói, giải trí… lai căng thì nguy lắm.
Ốc:
- Em thấy trong khi cổ xúy, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì cũng nên cổ xúy, vận động người Việt… sống như người Việt chứ đừng giống người nước ngoài. Đáng lo lắm các bác ạ.