Sinh lý đàn ông cần biết
Sự nhạy cảm, kích cỡ và độ cương cứng của “cậu nhỏ” không những là chỉ báo về sức khỏe tình dục mà còn dấu hiệu sức khỏe chung của cơ thể.
Ở nam giới, “cậu nhỏ” khỏe mạnh là tối quan trọng quyết định tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng chuyện chăn gối trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là 8 sự thật về “cậu nhỏ” mà các quý ông nên biết để theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe của mình.
1. Cậu nhỏ co lại ở nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng
Tinh trùng được sản sinh mạnh ở nhiệt độ thấp hơn không đáng kể so với nhiệt độ bình thường của cơ thể. Nam giới thường nhận thấy khi bị lạnh, dương vật sẽ co lại. Điều này là do các mạch máu ở đây co lại khi gặp nhiệt độ lạnh và nó có thể giãn trở lại kích thước bình thường khi máu lưu thông. Việc thay đổi từ nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể tới tăng 2-3 hoặc 4 độ có thể ảnh hưởng xấu tới việc sản sinh tinh trùng và testosterone. Nam giới nên giữ cho bộ phận sinh dục thoáng mát bằng cách tránh mặc quần lót chật và ngâm mình trong bồn nước nóng trước khi “hành sự” nếu vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai.
2. Tắc tuyến tiền liệt
Hội chứng “quả bóng xanh”, y học còn gọi là tắc tuyến tiền liệt xảy ra ở nhiều nam giới, nhất là khi quan hệ tình dục không đạt tới cực khoái. Cảm giác đau đớn kéo dài ở tinh hoàn là do máu lưu thông không đều dẫn tới tăng thể tích máu bị nghẽn lại trong cơ quan sinh dục. Điều này khiến cho dương vật cương cứng và tinh hoàn căng lên cho đến khi thể tích máu trong cơ quan sinh dục giảm, dương vật và tinh hoàn trở lại kích thước bình thường.
Ảnh: medicaldaily.
3. Uống rượu và khả năng cương cứng
Uống quá nhiều rượu không chỉ có hại cho gan mà còn làm giảm khả năng cương cứng của “cậu nhỏ”. Mất nước do uống rượu khiến thể tích máu giảm và tăng angiotensin, loại hormone liên quan tới rối loạn chức năng cương dương. Tuy nhiên, ở một số người, đặc biệt là thanh niên, uống nhiều rượu có thể làm giảm sự lo lắng và tăng khả năng cương dương.
4. Hút thuốc và động mạch “cậu nhỏ”
Video đang HOT
Có một thực tế đã được biết đến là hút thuốc lá góp phần phát triển chứng xơ vữa động mạch. Thuốc lá làm tắc nghẽn động mạch của tim và cũng làm “cậu nhỏ” nghẽn máu khi cương cứng. Các hóa chất độc hại trong thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu dẫn tới rối loạn chức năng cương dương (theo Bệnh viện Y khoa nam giới Quốc gia, Mỹ). Hút thuốc cũng có thể gây tổn thương mô dương vật, ảnh hưởng tới khả năng “chinh chiến” của “cậu nhỏ”.
5. Độ nhạy của “cậu nhỏ” giảm theo tuổi
Sự suy giảm độ nhạy của “cậu nhỏ” là hoàn toàn bình thường khi tuổi tác tăng lên, mặc dù vẫn chưa xác định được mức suy giảm là bao nhiêu. Độ nhạy của “cậu nhỏ” được đánh giá bằng mức độ kích thích tối thiểu mà người đàn ông có thể cảm thấy. Theo Khoa Tâm thần, ĐH Texas ở Austin, Mỹ, sự suy giảm ham muốn tình dục do tuổi thường do sự suy giảm nồng độ testosterone và những thay đổi ở độ nhạy cảm thụ thể với androgen. Độ nhạy của “cậu nhỏ” bắt đầu suy giảm từ tuổi 25 và suy giảm mạnh nhất ở độ tuổi 65-75.
6. Cương cứng giúp duy trì kích thước “cậu nhỏ”
Cương cứng thường xuyên giúp “cậu nhỏ” giữ nguyên được vóc dáng. Cơ của dương vật cần nhận được oxy thường xuyên qua lưu thông máu để có thể cương cứng. Ở quý ông không có khả năng cương cứng thường xuyên, mô dương vật trở nên ít đàn hồi và co lại, điều này có thể khiến cho dương vật ngắn đi 1-2 cm.
7. Thắt ống dẫn tinh vẫn xuất tinh
Nam giới có thể thắt ống dẫn tinh để ngăn ngừa sự giải phóng tinh trùng khi xuất tinh nhằm loại trừ khả năng thụ thai hoặc vì những lý do cá nhân khác. Theo tạp chí Medline Plus, sau thủ thuật này, số lượng tinh trùng bắt đầu giảm dần, từ 2 đến 3 tháng sau sẽ không còn tinh trùng trong tinh dịch. Vì vậy, nam giới cần lưu ý, cho đến khi bác sĩ xác nhận tinh dịch của bạn không còn tinh trùng, hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ.
8. Dương vật – môi trường chứa nhiều vi khuẩn
Da của dương vật là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, nhưng số lượng vi khuẩn phụ thuộc vào việc nam giới có được cắt bao quy đầu hay không. Một nghiên cứu trên tạp chí American Society for Microbiology cho biết vi khuẩn xuất hiện ít hơn ở dương vật của nam giới đã được cắt bao quy đầu so với của những người chưa được cắt.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ cho biết có một số nghiên cứu cho thấy cắt bao quy đầu làm thay đổi sinh thái học vi khuẩn của dương vật. Điều này có thể giải thích tại sao cắt bao quy đầu làm giảm nguy cơ nhiễm HIV. Giả thuyết đằng sau điều này là ở “cậu nhỏ” chưa được cắt bao quy đầu, các vi khuẩn kỵ khí – loại vi khuẩn không sống và phát triển trong môi trường có oxy – có thể khiến cho hệ miễn dịch phản ứng theo cách khiến các tế bào dễ bị lây nhiễm HIV.
Theo Hải Ngân
VnExpress/medicaldaily
Bé 22 tháng có nên nong bao quy đầu
Bé trai nhà em 22 tháng. Lúc mới sinh, bé bị tinh hoàn ẩn, nhưng đến 12 tháng thì tinh hoàn tự xuống, nhưng tới giờ bé vẫn bị hẹp bao quy đầu.
Xin hỏi chuyên gia ở độ tuổi này có nên đưa bé đi nong bao quy đầu không? (Ngoc Bich)
Trả lời:
Chào bạn,
Vấn đề tinh hoàn của bé đã xuống lúc 12 tháng xem như ổn. Vấn đề hẹp bao quy đầu có cần nong không và lúc nào thuận lợi nhất khiến bạn đang băn khoăn.
Thông thường, thấy bao quy đầu của các cháu hẹp hay bị căng phồng trước khi tiểu, đôi khi mỗi lần tiểu lại thấy trẻ khóc thét thường là mối bận tâm của các bậc phụ huynh trong một thời gian dài. Chúng ta cần hiểu rõ, ở các bé trai sơ sinh, lớp trong bao quy đầu hợp nhất với phần quy đầu, dần dần các lớp tách biệt rõ ràng để quy đầu không còn bị dính, lớp biểu mô tách cùng phần nước tiểu đọng có thể hình thành các lớp bựa trắng gọi là "Smegma".
Một vài trường hợp có thể thấy nổi gờ lên hoặc vùng màu trắng dưới vùng khất của quy đầu, đây là quá trình sinh lý bình thường ở trẻ đến 3-4 tuổi. Khi lớn lên theo tuổi, phần da sẽ tự động lật bung ra từ từ tạo điều kiện vệ sinh dễ dàng và tránh sự ứ đọng nước tiểu gây nhiễm trùng. Khi trẻ lớn hơn 5 tuổi mà tình trạng vẫn không đổi, trẻ sẽ dễ bị thương tổn nặng hơn gây khó chịu như:
- Kích ứng tại chỗ và ngứa do chất bựa.
- Đi tiểu khó khăn.
- Khi đi tiểu vùng da bị phồng lên như trái banh nhỏ rồi mới tiểu ra được.
- Nhiễm trùng tại chỗ gây viêm quy đầu và da quy đầu.
- Nhiễm trùng tiểu thường xuyên.
Ảnh minh họa: Babyphotospictures.com.
Khi các trẻ đã xuất hiện triệu chứng trên, tốt nhất các bà mẹ nên cho bé đi khám với bác sĩ chuyên khoa nhi, khoa niệu hoặc nam khoa để được đánh giá mức độ thắt nghẹt, mức độ nhiễm trùng, hướng dẫn cho người thân cách vệ sinh, chăm sóc.
Khi trẻ không có các biểu hiện trên, nhưng người nhà lo lắng liệu có bị hẹp bao quy đầu không để ngừa trước, thời điểm nào nên lật da quy đầu, thời điểm nào nên mổ, thì theo chúng tôi, đối với các trẻ sơ sinh và nhũ nhi, đừng cố gắng tụt da bao quy đầu lên vì thao tác này không có lợi cho các bé. Đến năm 3-4 tuổi có quá trình cương tự nhiên trong lúc ngủ và thỉnh thoảng trong ngày sẽ bắt đầu thúc cho dương vật nong dần phần da bao, để da bao nở dần và tiến tới tụt lên xuống dễ dàng khi tiểu hoặc vệ sinh.
Qua 5 tuổi, nếu thấy da bao còn quá chít hẹp hay gây khó khăn cho các cháu khi tiểu hay vệ sinh, có thể tập cho cháu thói quen mỗi lần tiểu lật nhẹ da quy đầu xuống rồi tiểu để hạn chế nước đọng lại nhiều trong bao quy gây nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu được, có thể rửa nước sau mỗi lần tiểu. Nếu cháu bị đau hay nứt da có thể cho cháu thoa các loại kem phù hợp với trẻ em (theo chỉ định của bác sĩ) để cho cháu đỡ khó chịu. Dần dần, các cháu sẽ thao tác dễ dàng thành một thói quen hằng ngày.
Trường hợp phụ huynh thấy khó khăn hay khó kiểm soát vấn đề nhiễm trùng lặp đi lặp lại, hãy mau chóng cho các cháu gặp bác sĩ chuyên khoa để hỗ trợ tốt nhất.
Trong các trường hợp không đáp ứng với cách thông thường, bác sĩ có thể lên phương án nong hay cắt rộng da quy đầu để tránh nhiễm trùng và tiện việc chăm sóc cho bé. Ở các bé nhỏ chưa đủ hợp tác, nên phẫu thuật hoặc nong dưới gây mê hay tiền mê tại phòng mổ để tránh xảy ra sang chấn tâm lý khi thấy bản thân bị nhiều người tạo áp lực, gây đau đớn.
Chúc bạn và bé luôn vui, khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Tuấn
Trưởng khoa niệu-nam khoa, Bệnh viện quốc tế Thành Đô
Cắt bao quy đầu trễ làm tăng nguy cơ biến chứng Cắt bao quy đầu là an toàn cho bé trai sơ sinh, nhưng có thể nguy hiểm ở trẻ lớn, một nghiên cứu mới tiết lộ. Các nhà nghiên cứu tại ĐH Washington, Mỹ, nghiên cứu trên dữ liệu hơn 1,4 triệu nam giới đã cắt bao quy đầu ở mọi độ tuổi. Kết quả cho thấy chỉ 0,4% bé trai gặp biến...