Sinh con gái được thưởng tiền: Bất bình đẳng
Đề án “sinh con gái được thưởng tiền sẽ không khả thi (Ảnh minh họa)
Mất cân bằng giới tính tập trung chủ yếu ở những gia đình khá giả, có trình độ học vấn cao nên đề án “sinh con gái được thưởng tiền” vừa được Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đưa ra có thể sẽ không khả thi.
Đề án này quy định những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt khi lớn lên, đứa trẻ thứ hai sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế và học phí. Ngoài ra, những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn.
Tạo bất bình đẳng về giới
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng đây được coi là giải pháp có tác động mạnh đến những gia đình sinh con gái một bề, đặc biệt là các gia đình khó khăn, từ đó dần xóa bỏ định kiến của xã hội về việc sinh con một bề là gái bởi gốc rễ của mất cân bằng giới tính là tâm lý thích con trai đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người dân.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), nếu đề xuất này được thực hiện sẽ nảy sinh bất bình đẳng về giới vì bé gái được hỗ trợ tiền, còn bé trai lại không. Trong khi đó, kết quả điều tra dân số ở những gia đình có kinh tế khá giả cho thấy tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao. Ở nhóm dân số nghèo nhất, tỉ lệ trẻ trai/gái là 105/100, còn nhóm dân số giàu nhất thì tỉ lệ này là 112/100. Đặc biệt, trong nhóm giàu nhất, ở lần sinh thứ ba, tỉ lệ lên đến 133/100. “Điều này có nghĩa càng giàu thì khát khao có con trai càng lớn. Như vậy, động lực kinh tế không có ý nghĩa đối với họ và nếu có sẽ rất yếu” – GS-TS Cử nhận định.
Video đang HOT
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, cho rằng việc đưa ra vấn đề tiền bạc để rút ngắn tình trạng mất cân bằng giới tính là không có ý nghĩa. “Thực tế, có nhiều gia đình sinh đến 5 con gái nhưng vẫn cố sinh con trai do sức ép của dòng tộc” – ông Thiên dẫn chứng.
Anh Phạm Huy Tuấn (ngụ quận Đống Đa – Hà Nội) cho biết vợ chồng anh có 2 con gái nhưng chưa khi nào nghĩ đến việc sinh thêm con trai dù điều kiện gia đình hoàn toàn cho phép. “Chính sách trên làm nảy sinh tâm lý coi việc sinh con gái là bất thường và gián tiếp củng cố tư tưởng trọng nam khinh nữ, thậm chí có phần xúc phạm những gia đình có 2 con gái” – anh Tuấn bất bình.
Chế tài có cũng như không!
GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng trước bối cảnh mất cân bằng giới tính như hiện nay, cần có những liệu pháp gây sốc, tạo sự chú ý và có thể làm thức tỉnh dư luận trước quan niệm trọng nam khinh nữ đã tồn tại từ hàng ngàn đời nay. Tuy nhiên, cũng sẽ khó lay chuyển khi tâm lý thích sinh con trai với những quan niệm “có nếp có tẻ”, “nối dõi tông đường” không chỉ ăn sâu vào tâm tưởng của phần đông người Việt mà còn tạo nên áp lực đối với người phụ nữ. Vì thế, cho dù phạt tiền, cách chức, kỷ luật… nhưng nhiều người vẫn chấp nhận để sinh cho kỳ được
con trai.
Theo GS-TS Cử, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng là việc xử lý các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi chưa quyết liệt. “Luật cấm nhưng không có giám sát nên cũng như không” – GS-TS Cự nhận định.
Ông Dương Quốc Trọng thừa nhận Việt Nam đã có quy định nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi như sàng lọc tinh trùng, siêu âm, chẩn đoán, phá thai vì lý do giới tính… Song thực tế, những sai phạm này vẫn diễn ra và hầu hết không xử lý được vì thiếu bằng chứng.
Theo 24h
Sinh 2 con gái được hỗ trợ: Chuyên gia sốc
Trao đổi với PV bên lề cuộc họp của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội hôm nay (29/1), nhiều chuyên gia sốc với đề án "sinh hai con gái được thưởng tiền".
Xem xét
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, ông "hơi sốc" khi biết dự thảo này. Nếu thực hiện, sẽ nảy sinh bất bình đẳng, vì bé gái được hỗ trợ tiền, còn con trai lại không. Tuy nhiên, trên tình thế sự mất cân bằng về giới tính đang tăng lên, các giải pháp mang tính chất đột phá như vậy là rất cần thiết.
"Nhưng, tôi nghĩ, đây chắc chắn chỉ là giải pháp tạm thời", ông Cử nói.
"Về góc độ kinh tế, tôi chưa biết cụ thể mức hỗ trợ bao nhiêu và kéo dài bao lâu. Nếu hỗ trợ ít và ngắn, tác động sẽ có nhưng không đáng kể; hỗ trợ nhiều, nền kinh tế không có khả năng gánh đỡ", ông Cử nói thêm.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Việt trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân
Vị nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề Xã hội cũng cho rằng, thực tế hiện nay, những người theo đuổi sinh con thứ ba thường khá giả, nên không khéo, chính sách này không tác động đến đối tượng chính. Vì thế, tính hiệu quả cần được đặt ra xem xét bài bản.
"Tôi ủng hộ"
Theo ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Trước hết, trên góc độ quản lý, đây là sáng kiến về dân số và cả gia đình. Các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới cần phải được cụ thể như thế.
Ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Thực trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam rất đáng lo ngại, với bình quân tỷ lệ 112,6 bé trai trên 100 bé gái. Vì vậy, chính sách này sẽ giải quyết được một phần tình trạng mất cân bằng giới đó.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, tôi ủng hộ. Nếu chính sách này được ban hành và thực thi, nó sẽ tác động tới một bộ phận người dân, gia đình đang sinh hai con gái, hoặc các gia đình trẻ.
Mất cân bằng
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tại Hà Nội, khẳng định: Tôi không tin vào việc cấp tiền cho các gia đình sinh con một bề (nữ) lại góp phần mang lại sự cân bằng giới tính. Mặt khác, nó sẽ gây nên sự mất cân bằng và mất công bằng khác.
Tôi cho rằng, chúng ta cần tránh việc lập ra đề án mà không mang lại hiệu quả thực tế. Số tiền sử dụng cho đề án này sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, tức là tiền của người dân. Nếu không quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, nó sẽ đổ ra sông ra bể.
Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc CSAGA
Ngày 25/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 của ngành dân số, Tiến sĩ Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, Tổng cục đang đề xuất lên Chính phủ đề án can thiệp giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo đó, những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1 - 2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt. Bé gái (con thứ 2) khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí.
Ngoài ra, những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn.
Theo 24h
Nam sinh đi bụi và nước mắt người mẹ giáo viên Mẹ em đã khóc, buồn rất nhiều và đã phải quyết định một cách đau đớn khi em bỏ đi: gọi công an đến bắt con trai mình. Cô giáo Nguyễn Thị Thắm (Vĩnh Phúc) - người kể câu chuyện này cho biết bản thân chị và các giáo viên đang cố gắng để đưa cậu học trò cá biệt thay đổi. Chị...