“Sính” bằng cấp đang thành đại dịch
Sở Y tế Thanh Hóa phát hiện 20 bác sĩ, y sĩ, dược sĩ… sử dụng bằng giả. Còn tại Trường ĐH Y Dược Hải Phòng đúng ngày thi tốt nghiệp có 22 sinh viên bị đình chỉ với lý do cần phải làm rõ văn bằng, chứng chỉ của họ. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) phân tích về nạn bằng giả dưới góc nhìn chuyên môn.
GS Phạm Tất Dong: “Học thật làm việc còn khó…”
PV: Thưa giáo sư, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
GS Phạm Tất Dong: Theo quy định khi tuyển dụng viên chức, cơ quan tuyển dụng phải dựa trên văn bằng, chứng chỉ để xác định chuyên môn nhằm sắp xếp “đúng người đúng việc”. Nếu như văn bằng, chứng chỉ ấy là thật, nghĩa là người có nó học thật, được đào tạo đúng chuyên môn như vậy thì không có gì phải bàn. Thế nhưng nếu là giả, ngay cả trong trường hợp bằng thật, nhưng học giả cũng coi là giả thì coi như người sử dụng là gian dối, đúng hơn nữa là lừa đảo cơ quan tuyển dụng.
GS Phạm Tất Dong.
PV: Và đương nhiên những người ấy không làm được việc nếu như không muốn nói là “vô tích sự” trong trường hợp họ được tuyển dụng phải không thưa ông?
GS Phạm Tất Dong: Trong ngành sư phạm, bao nhiêu sinh viên ra trường, nhưng có phải sinh viên nào cũng có thể đứng trên bục giảng giảng dạy cho học sinh một cách hiệu quả được đâu. Hay bác sĩ cũng vậy, sau 5 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, ra trường không phải 100% sinh viên đều có thể chữa trị cho các bệnh nhân. Bởi học và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau, cần hội tụ nhiều yếu tố nữa như kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức ngoài chương trình… thì mới làm được.
PV: Nhưng có ý kiến cho rằng, cũng có thể học từ thực tế ngoài đời để thực hiện công việc được giao, ông có đồng tình không?
GS Phạm Tất Dong: Phải tùy từng ngành nghề và tùy từng trình độ thì mới có thể làm được theo kiểu “trăm hay không bằng tay quen”. Chứ không phải nghề nào cũng có thể học như vậy mà làm được đặc biệt là đối với những ngành liên quan trực tiếp đến con người như y tế, giáo dục.
Đối với những ngành nghề ấy, bắt buộc phải đào tạo bài bản trước khi học hỏi thực tế hay trang bị kỹ năng trên cơ sở đã có kiến thức cơ bản. Còn “đốt cháy giai đoạn” là không làm được việc. Như đã nói ở trên, đến học bài bản ra mà còn không làm được việc huống hồ không học chút nào. Cho nên phải học theo đúng “quy trình” từ kiến thức cơ bản đến kiến thức thực tế và đó là cách học tốt nhất cho những người muốn làm việc hiệu quả.
Còn người chỉ sử dụng bằng giả thì không thể học được như vậy do không có “gốc”.
PV: Như vậy thì thực sự nguy hại không chỉ cho cơ quan, cơ sở nơi họ làm việc mà còn cho cả xã hội?
GS Phạm Tất Dong: Đúng vậy. Và bài học nhãn tiền vẫn còn đấy, chắc hiếm ai quên trường hợp cô nuôi dạy trẻ ở Trường Mầm non tư thục Phương Anh, ở TP Hồ Chí Minh đã dìm đầu trẻ vào phuy nước khi trẻ không ăn, đánh đập dã man như tra tấn khi trẻ không nghe lời; Hay việc nhục mạ học sinh của một số giáo viên hiện nay mà báo chí đã lên án…
Nguyên nhân của những vụ việc ấy tôi cho rằng họ đã học giả và thậm chí cả bằng giả cũng nên. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả ngoài việc làm tổn thương thể xác còn làm hỏng cả một thế hệ về tâm hồn, về cách ứng xử giữa người với người, về sự nhân văn, bao dung vẫn được coi là truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Còn nếu ở ngành y thì hệ lụy thấy ngay: Chết người!
Đối với hệ thống công quyền, nếu “lọt” người sử dụng bằng giả vào thì rõ ràng toàn bộ hệ thống yếu đi do chất lượng công việc không hiệu quả. Tóm lại, sử dụng bằng giả dẫn đến hệ lụy rất lớn cho xã hội.
PV: Vậy theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng dùng bằng giả?
Video đang HOT
GS Phạm Tất Dong: Nguyên nhân trực tiếp theo tôi là “tiền”! Vì bằng cấp quyết định mức lương, thu nhập, vị trí công tác nên nhiều người, dù không có năng lực vẫn bằng mọi giá phải có bằng cấp để đạt được mục tiêu này. Và xin lưu ý trong đó có cả người làm lãnh đạo, quản lý tại công sở, doanh nghiệp… Do đó dẫn đến tình trạng sử dụng bằng giả. Nhưng theo tôi, nguyên nhân lớn nhất và mang tính quyết định đối với tình trạng sử dụng bằng giả là ý thức của con người. Nhiều người đang có xu hướng gian dối và chấp nhận sự gian dối ở trong tất cả mọi việc. Vì vậy cũng đã làm cho tình trạng dùng bằng giả gia tăng.
Danh sách cán bộ Thanh Hóa dùng bằng giả.
PV: Có người cho rằng, “sính” bằng cấp cũng là nguyên nhân của tình trạng này, ông có ý kiến như thế nào?
GS Phạm Tất Dong: Bằng cấp chắc chắn phải được coi trọng. Vì nó thể hiện trình độ, năng lực của người được cấp. Nhưng với điều kiện đó phải là bằng thật. Còn tình trạng bằng giả hiện nay cũng xuất phát từ việc chú trọng nhưng lại chỉ chú trọng về hình thức, nghĩa là chỉ quan tâm đến tấm bằng ấy màu gì, nội dung ra sao. Còn chất lượng của cái bằng ấy là thực lực, quá trình học tập… của người được cấp như thế nào lại không được quan tâm.
PV: Để giải quyết triệt để vấn đề này, ông có giải pháp nào dưới góc độ chuyên môn của mình?
GS Phạm Tất Dong: Thứ nhất là, đối với vấn đề này cần có sự chung tay giải quyết của các bộ, ngành và toàn xã hội. Nhưng riêng đối với ngành giáo dục – đào tạo cần trọng trách hơn trước hết vì đây là “cái nôi” của các loại bằng cấp và quản lý bằng cấp. Tiếp đến là nơi giáo dục ý thức của con người. Mà ý thức quyết định hành vi. Cho nên để giải quyết tình trạng sử dụng bằng giả thì ngành giáo dục phải đẩy mạnh hơn nữa giáo dục ý thức, đạo đức cho học sinh để căn bản, các em không gian dối và chấp nhận sự gian dối dù dưới hình thức nào.
Thứ hai là quan tâm đến chất lượng đào tạo để bảo đảm giá trị thực sự của bằng cấp nhằm đánh giá đúng năng lực của người được cấp và thứ ba về phía xã hội cần một sự minh bạch, công bằng trong tuyển dụng, đề bạt… và thắt chặt quản lý cán bộ, hồ sơ… để loại trừ hành vi sử dụng bằng giả khỏi xã hội…
Thượng tôn pháp luật
PV: Thưa tiến sĩ, vấn nạn bằng giả bắt đầu từ nguyên nhân nào?
TS Trịnh Hòa Bình: Đúng! Sử dụng bằng giả hiện nay đang là “vấn nạn” của xã hội và vấn nạn này bắt đầu từ nguyên nhân “sính” bằng cấp. “Sính bằng cấp” lại xuất phát từ chủ nghĩa hình thức, một “căn bệnh” không hề nhẹ trong xã hội hiện tại nên dù trong công việc gì, lĩnh vực nào như thăng thưởng, bổ nhiệm, lương bổng… đều dựa trên bằng cấp, “thượng tôn bằng cấp”.
TS Trịnh Hòa Bình.
PV: Theo ông, “thượng tôn bằng cấp” đã thể hiện như thế nào?
TS Trịnh Hòa Bình: Nhiều người có bằng cấp được tôn vinh thái quá trong khi chất lượng của bằng cấp ấy không được xác nhận. Thế là nhìn những cảnh ấy, người ta đổ xô đi tìm bằng cấp, có được bằng cấp với bất cứ giá nào. Nghe vậy thì có vẻ thấy “bác” chuyện coi trọng bằng cấp nhưng thực tế đây là tình trạng coi trọng bằng cấp thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng sử dụng bằng giả tràn lan.
Bạn đã bao giờ chứng kiến cảnh người không biết nửa chữ bẻ đôi ngoại ngữ lại được đi học ở nước ngoài chưa? Bạn đã bao giờ thấy cảnh thuê người đi học hay mua – bán luận văn, tiểu luận… như ở chợ chưa v.v… Đấy, cũng là chuyện làm bằng giả đấy nhưng chỉ khác với bằng được in giả là được hợp thức hóa.
PV: Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ra sao?
TS Trịnh Hòa Bình: Đã có cơ quan quản lý hợp thức hóa bằng giả thì bảo sao xã hội không đua nhau làm điều này để được “tôn vinh”, để được đề bạt… Để triệt tiêu vấn đề này từ cơ quan đầu tiên là ngành giáo dục đào tạo cần phải thắt chặt quản lý công tác đào tạo, chất lượng đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ…
Bên cạnh đó, xã hội phải nói “không” với bằng giả đồng thời đối với những cơ quan tuyển dụng nên có bộ phận độc lập để đánh giá năng lực thực tế nhằm tuyển đúng người đúng việc. Nhưng trên hết tất cả những điều ấy, phải “thượng tôn pháp luật” từ ý thức đến hành vi ở tất cả mọi đối tượng trong xã hội.
Theo Tú Anh
PetroTimes
Thuỷ điện Lai Châu "chạy nước rút" cho hạn tích nước, phát điện
Ngày 28/1, dẫn đầu đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng có cuộc làm việc, kiểm tra thực tế công tác thi công trên công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu.
Vết nứt thân đập không đáng ngại
Hoạt động thi công phía hạ lưu, khu vực xả nước, phát điện của nhà máy thuỷ điện Lai Châu.
Báo cáo với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đại diện chủ đầu tư dự án - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh cho biết, công trình đang được tích cực được triển khai thi công. Khối lượng công việc các gói thầu chính đạt tiến độ.
Hiện tại, công trình đã hoàn thành đào hố móng 100%, đổ bê tông thường đạt 88%, đổ bê tông đầm lăn đạt 79%, khoan phụt gia cố và chống thấm đạt 68%; và lắp đặt thiết bị đạt 33%.
Trong năm 2015, công trình dự kiến hoàn thành 2 mốc tiến độ cơ bản là đóng cống tích nước hồ chứa vào tháng 6 và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12 (tiến độ cũ là tháng 3/2016).
Hiện tại, 2 phần việc đang được tập trung triển khai là hoàn thành di dân giải phóng toàn bộ lòng hồ vào tháng 4/2015 để tích nước cho thuỷ điện; hoàn thành lắp đặt đường dây 500 kV đến nhà máy vào tháng 10/2015 để đóng điện, chuẩn bị phát điện lên hệ thống truyền tải điện quốc gia. Hiện EVN đang đôn đốc TCTy truyền tải điện để có thể hoàn thành việc này chậm nhất vào 28/10/2015.
Cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ những phần việc này, Phó Tổng GĐ EVN cũng khẳng định, đến thời điểm này, qua quan trắc, chất lượng thuỷ điện cũng đảm bảo, dù có một số hạng mục công trình phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế. Qua các lần kiểm tra, những yêu cầu, của Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã được chủ đầu tư, các nhà thầu tiếp thu, tuân thủ.
Các vết nứt trên thân đập được khẳng định đang khép dần, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Báo cáo thêm về tình hình 4 vết nứt trên thân đập thuỷ điện, ông Nguyễn Tài Anh cho bết, đến nay, xu hướng các vết nứt này đều đang dần khép lại, đảm bảo chất lượng. Quá trình thi công cũng không xảy ra sự cố, khiếm khuyết chất lượng nào.
Chỉ một phần việc hiện đang chậm tiến độ là hoạt động thi công tuyến đường 127 phục vụ việc di dân, tái định cư. Đáng ra phần việc này phải hoàn thành vào tháng 12/2014 vừa qua nhưng do điều kiện khó khăn về địa hình, thời tiết mưa gió nhiều nên đến nay, EVN đang tập trung để "trả nợ" đầu việc này vào tháng 3 năm nay.
Hiện tại, trên công trường có 6.500 lao động làm việc 3 ca liên tục (trong đó hơn 4.000 công nhân chuyên nghiệp của các nhà thầu lớn). Không khí lao động trên công trường rất khẩn trương.
GS.TS nguyễn Chiến - Tổ trưởng Tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho biết, đến nay Hội đồng đã có 9 đợt kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình. Hội đồng đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục một số vấn đề còn tồn tại như: Công tác an toàn lao động; thi công bê tông đầm lăn cần đảm bảo chiều dày san, dải lớp bê tông; chú ý thi công khe nhiệt và các tấm cách nước để tăng cường chống thấm; Kịp thời lắp đặt các thiết bị quan trắc, đo đạc, thu thập đầy đủ số liệu để đánh giá trạng thái làm việc của công trình trước khi tích nước; chú ý xử lý đứt gãy địa chất tại nền vai phải và vai trái đập...
Sớm 1 năm lợi 4.000 tỷ đồng
Dự kiến tổ máy số 1 của nhà máy sẽ phát điện vào tháng 12/2015, sớm hơn kế hoạch đề ra.
Lần kiểm tra thứ 10 do Chủ tịch Hội đồng - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, GS.TS Nguyễn Chiến lưu ý, 2 tiến độ lớn đặt ra theo hồ sơ dự án là có tính khả thi nhưng cần lưu ý 2 khâu găng nhất là việc thi công 2 khoang tràn ở phía cống tích nước và lắp thiết bị cả van, cửa đóng mở, phải vạch kế hoạch chi tiết để đảm bảo việc hoàn thành.
"Vấn đề kiểm soát sạt lở bờ hồ chứa và thượng lưu, vì thời hạn tích nước từ nay đến tháng 6 rất gấp nên phải hoàn thành công tác mô tả khảo sát điểm sạt lở để có đủ thời gian xử lý" - Tổ trưởng Tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu nhà nước nhấn mạnh.
Còn về tình hình các vết nứt, ông Chiến nhận xét, nhà thầu đa xử lý theo đúng bài bản thiết kết, quá trình theo dõi Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng ghi nhận diễn biến các vết nứt đã từ từ khép lại, đánh giá thực tế tiến triển là tốt.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh ý nghĩa của thuỷ điện Lai Châu là một công trình trọng điểm quốc gia mà Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư, là 1 trong 4 công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà (cùng với thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình), nhằm đáp ứng yêu cầu rất lớn về điện năng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần trị thuỷ trên hệ thống sông Đà, sông Hồng, giúp hạn chế sức tàn phá của thiên nhiên, đảm bảo an toàn vùng hạ du.
Đánh giá cao những nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu để đảm đương nhiệm vụ quan trọng được giao cũng như chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương để công trình triển khai được một cách suôn sẻ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận xét, thuỷ điện Lai Châu thể hiện nhiều ưu việt, được rút kinh nghiệm từ quá trình thi công thuỷ điện Sơn La.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiểm tra hoạt động thi công trên mặt đập thuỷ điện.
Bộ trưởng ghi nhận, việc hoàn thành, phát điện sớm hơn kế hoạch ban đầu 1 năm giúp tiết kiệm lớn chi phí đầu tư dự án, nhanh chóng mang lại những giá trị quan trọng về khai thác tài nguyên khi mỗi năm phát điện mang lại lợi ích hơn 4.000 tỷ đồng.
Dù vậy, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư thường xuyên quan tâm, không được lơ là, chủ quan trong bất cứ thời điểm nào để quản lý chặt chẽ chất lượng công trình trong suốt quá trình triển khai dự án, khai thác sử dụng... Bột rưởng Xây dựng lưu ý việc xử lý các khe nhiệt, các tấm cách nước, các vết nứt, xử lý chống thấm, công đoạn lắp máy...
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng nhắc lại chi tiết tại hầm ngang cao độ 265m vai trái có hiện tượng nước thấm chảy khá mạnh và đề nghị chủ đầu tư có biện pháp khoan phụt vữa và khoan tiêu thoát nước ngầm; làm máng đo lưu lượng nước thấm để theo dõi diễn biến và xử lý triệt để.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhắc các nhà thầu tập trung đảm bảo an toàn thi công, an toàn cho người lao động vì vấn đề liên quan đến sinh mạng con người, không thể lơ là, chủ quan. Chất vấn cụ thể về tình hình đời sống người lao động, Bộ trưởng lưu ý nhà thầu đảm bảo vấn đề lương thưởng Tết, tổ chức cho công nhân ăn Tết tại công trường vui tươi, lành mạnh, sớm trở lại công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Bộ trưởng Xây dựng cũng đề nghị lãnh đạo địa phương phối hợp triển khai công tác tái định cư với nguyên tắc làm sao để người dân tái định cư có cuộc sống ổn định hơn, có việc làm, có đời sống khá hơn trước chứ không chỉ là có ngôi nhà ở đẹp hơn, khang trang hơn.
P.Thảo
Theo Dantri
5 năm tới, ngành xây dựng tăng trưởng 9-14%/năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2020. Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển...