Singapore ủng hộ quan điểm của Việt Nam ở Shangri-la
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen ngày 2/6 tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi của Việt Nam về việc các quốc gia cùng kí thỏa thuận “không sử dụng vũ lực trước tiên” để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN diễn ra ngày 7/5 ở Brunei, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã đề xuất 10 nước thành viên ASEAN cùng thông qua thỏa thuận “ không sử dụng vũ lực trước tiên”.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-La – Ảnh: IISS
Theo báo Strait Times, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore – và cũng là một Bộ trưởng quốc phòng châu Á đầu tiên – công khai thể hiện sự ủng hộ trên của Việt Nam tại phiên bế mạc Hội nghị An ninh châu Á Đối thoại Shangri-La ngày 2/6.
Phát biểu trước các quan chức quốc phòng trong khu vực, từ châu Âu và Mỹ, Bộ trưởng Ng Eng Hen nhấn mạnh đề xuất của Việt Nam là một “giải pháp thực tiễn” mà các quốc gia ASEAN và những đối tác đối thoại của khối này có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Theo người đứng đầu quốc phòng Singapore, ngân sách quốc phòng châu Á đã tăng từ 207,4 tỉ USD năm 2008 lên 287,4 tỉ USD năm 2012.
Video đang HOT
Riêng năm 2012, thì số tiền chi cho quốc phòng của châu Á vượt cả châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng đề xuất quân đội các nước châu Á cần xây dựng lòng tin lẫn nhau như biện pháp hạ nhiệt căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Theo Hãng tin Kyodo, Bộ trưởng Ng Eng Hen đã bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng tại biển Hoa Đông và biển Đông, cụ thể là những cuộc đụng độ định kỳ giữa tàu của các quốc gia ở Biển Đông mà gần đây nhất là vụ Philippines bắn chết một ngư dân Đài Loan.
Ông cảnh báo vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các láng giềng châu Á của nước này có thể cản trở việc phát triển kinh tế trong khu vực.
Theo ông Ng Eng Hen để giải quyết các tranh chấp này, điều đầu tiên các quốc gia cần phải tăng cường hợp tác thiết thực, nhất là ở lĩnh vực quân sự, để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau.
“Chúng ta phải tiến tới những hợp tác thực tiễn, đặc biệt giữa các quân đội, để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau” – Bộ trưởng Ng Eng Hen phát biểu. Ông thúc giục các quốc gia châu Á “nhanh chóng thành lập kênh thông tin liên lạc và các cơ chế hợp tác ở các cấp để ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ căng thẳng leo thang” trên Biển Đông.
Theo Bộ trưởng Ng, hải quân các nước trong khu vực cũng cần tăng cường chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn và quy trình triển khai hoạt động trong trường hợp xảy ra sự cố trên biển.
Ông Ng Eng Hen cho biết ý tưởng này đã được thảo luận ở Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần 7 diễn ra hồi tháng rồi.
Tại hội nghị này, các bộ trưởng bày tỏ ủng hộ cam kết của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 22, làm việc tích cực với Trung Quốc để sớm đi đến ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Singapore cũng ủng hộ ý tưởng thành lập “đường dây nóng” của Brunei để nhanh chóng xoa dịu căng thẳng trên biển.
Theo vietbao
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói gì tại ADSOM+?
Việt Nam đề nghị các nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực trong hành xử đối với ngư dân và những người lao động hòa bình trên biển.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phát biểu như vậy tại Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN mở rộng (ADSOM ), diễn ra tại Brunei ngày 4/4.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng đoàn Việt Nam tại hội nghị khẳng định: "Là một quốc gia có bờ biển dài ven Biển Đông, Việt Nam luôn quan tâm và có trách nhiệm trong đảm bảo hòa bình, ổn định ở đây.
Việt Nam cam kết và đề nghị các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp đối thoại hòa bình, trên cơ sở công khai minh bạch, tôn trọng các điều ước quốc tế và khu vực trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông năm 2012 và cùng nhau nỗ lực để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cố gắng cao nhất để đảm bảo tự do, an toàn và an ninh hàng hải quốc tế trên các vùng biển và khu vực thềm lục địa do Việt Nam quản lý. Việt Nam đề nghị các nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực trong hành xử đối với ngư dân và những người lao động hòa bình trên biển."
Phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam đã được hội nghị đồng tình và nhiều đại biểu đánh giá cao.
Các trưởng đoàn tại Hội nghị
Bàn về vấn đề tranh chấp chủ quyền, tài nguyên trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc, Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng khẳng định: "Thỏa thuận để đạt được COC là yếu tố then chốt trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông."
Trong khi đó, trưởng đoàn Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Lippert phụ trách về châu Á-Thái Bình Dương phát biểu "Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và lưu thông trên biển, ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc"...
Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN mở rộng (ADSOM ) có sự tham dự của thứ trưởng, tổng thư ký quốc phòng, đại diện từ 18 quốc gia thành viên ADMM (10 quốc gia thành viên ASEAN và 8 quốc gia đối tác đối thoại của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Australia và New Zealand) cùng Đại diện Ban Thư ký ASEAN.
Hội nghị tập trung trao đổi về tình hình quốc phòng-an ninh trong khu vực, nghe báo cáo kết quả hoạt động của 5 nhóm chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa an ninh biển quân y chống khủng bố và gìn giữ hòa bình trong giai đoạn 2011-2013.
Hội nghị cũng xem xét đề xuất sáng kiến hợp tác mới của Việt Nam về thiết lập Nhóm chuyên gia Hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ ADMM , xem xét việc chuyển giao đồng chủ trì của các nhóm chuyên gia và trao đổi về các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các hoạt động của ADMM và Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF).
Đánh giá về tình hình an ninh khu vực, các đại biểu đều cho rằng hòa bình, ổn định vẫn là xu hướng chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tuy nhiên, khu vực cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ từ các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Ngoài bàn về tranh chấp chủ quyền, tài nguyên trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông, hội nghị đã nhấn mạnh đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, quan ngại những vấn đề về an ninh, an toàn hàng hải...
Các đại biểu đánh giá cao kết quả hợp tác của ADMM kể từ khi được thành lập vào tháng 10/2010 tại Hà Nội, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và mong muốn tiến trình hợp tác này tiếp tục được tăng cường và thúc đẩy mạnh mẽ.
Hội nghị đã đồng thuận ủng hộ sáng kiến mới của Việt Nam về thiết lập Nhóm chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo, nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của ADMM lần thứ hai và ủng hộ Việt Nam cùng Ấn Độ đồng chủ trì để triển khai sáng kiến này trong những năm tới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thay mặt Đoàn Việt Nam cảm ơn sự ủng hộ của các nước đồng thời mong muốn các nước sẽ tham gia tích cực và có đóng góp hiệu quả vào hoạt động trong lĩnh vực này khi Nhóm chuyên gia được thiết lập.
Trong khuôn khổ diễn ra hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng đoàn Việt Nam đã có các buổi tiếp xúc trao đổi song phương với Trưởng đoàn các nước Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, nước chủ nhà Brunei... nhằm thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam với các nước trong thời gian tới.
Theo vietbao
VN đề nghị tuyệt đối không dùng vũ lực với ngư dân Việt Nam đề nghị các nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực trong hành xử đối với ngư dân và những người lao động hòa bình trên biển. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phát biểu như vậy tại Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN mở rộng (ADSOM ), diễn...