Singapore trở thành trung tâm thu hút giới siêu giàu Ấn Độ và Trung Quốc
Văn phòng đa gia đình Farro Capital có trụ sở tại Singapore cho biết họ đã huy động được hơn 1 tỷ USD tài sản quản lý chỉ 4 tháng sau khi ra mắt.
Đây là ví dụ phản ánh sự trỗi dậy của “Đảo quốc Sư tử” đóng vai trò như một trung tâm thu hút các gia tộc giàu có.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Văn phòng đa gia đình là tổ chức thường làm việc với các gia đình giàu có giúp lập kế hoạch thuế và bất động sản, quản lý rủi ro, quản lý đầu tư, lối sống và dịch vụ trợ giúp đặc biệt, chiến lược từ thiện… Văn phòng đa gia đình sẽ cung cấp một nhóm chuyên gia để làm việc với gia đình khách hàng.
Farro Capital được thành lập vào tháng 10/2022 bởi cựu lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Singapore Hemant Tucker, cựu CEO của Maitri Asset Management là Manish Tibrewal và ba người khác. Ông Tucker cho biết phần lớn cơ sở khách hàng hiện tại là người gốc Ấn Độ và phần còn lại đến từ châu Âu và các khu vực khác của châu Á.
Tốc độ tích lũy tài sản nhanh chóng của Farro Capital cho thấy sức hấp dẫn không ngừng của Singapore đối với giới siêu giàu, bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm tăng thuế tài sản và đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn đối với giảm thuế.
Trong những năm gần đây, Singapore ghi nhận làn sóng quan tâm từ nhiều gia đình giàu có Trung Quốc, và với mức thuế thấp cùng sự ổn định tương đối, quốc gia Đông Nam Á này đang thu hút cả các nhà tài phiệt thế giới.
Video đang HOT
Ông Manish Tibrewal chia sẻ: “Chúng tôi đang nhắm mục tiêu đến các gia đình trên khắp khu vực từ Nhật Bản đến Anh và Mỹ – bất kỳ ai muốn tiếp cận châu Á với Singapore là trung tâm. Chúng tôi đang xem xét thêm 50 gia đình khác trong vòng 18 đến 24 tháng tới, với mức đóng góp trung bình cho Tài sản được quản lý (AUM) là 30 triệu USD mỗi gia đình”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết, tính đến cuối năm 2021, tại Singapore có đến hơn 700 văn phòng gia đình- tổ chức quản lý cuộc sống và công việc của giới siêu giàu. Đến nay có thêm nhiều văn phòng gia đình được thành lập mặc dù kể từ tháng 4/2022 Singapore đã áp dụng các quy định chặt chẽ hơn.
Người giàu nhất châu Á Mukesh Ambani đã mở một văn phòng gia đình ở Singapore vào năm 2022, theo bước chân của người đồng sáng lập Google – ông Serge Brin, tỷ phú Ray Dalio và doanh nhân James Dyson cùng những người khác.
Trụ sở của Farro Capital nằm ở trung tâm Singapore là văn phòng đơn giản với một phòng họp duy nhất. Farro Capital đặt mục tiêu đến cuối năm nay có 20 nhân viên, những người có thể làm mọi việc, từ thu xếp các khoản vay gia đình cho đến đàm phán phí ngân hàng và các thỏa thuận tìm nguồn cung ứng. Phí được tính dựa trên mức độ yêu cầu của công việc.
Một trong những mục tiêu chính của Farro Capital là các văn phòng gia đình có tài sản đủ lớn để thuê một số chuyên gia tận tâm nhưng lại chưa đạt tầm để thuê một nhóm dịch vụ đầy đủ. Farro Capital nhắm đến mục đích lấp đầy khoảng trống, cung cấp mọi thứ từ cơ hội đầu tư đến thu xếp quỹ đầu tư ủy thác.
Bà Nirbhay Handa, người đứng đầu bộ phận khách hàng tư nhân tại châu Á thuộc công ty Henley & Partners chuyên hỗ trợ khách hàng giàu có cư trú và đầu tư trên toàn thế giới, cho biết “Khi sự giàu có tăng lên, nhìn chung bạn sẽ thấy nhiều gia đình tìm đến một nơi như Singapore để xây dựng cơ cấu tài sản của họ”. Theo bà Handa, các doanh nhân giàu có gốc Ấn Độ vẫn quan tâm nhiều đến việc chuyển tài sản hoặc chuyển đến Singapore, mặc dù tỷ lệ này không tăng cùng tốc độ với các đại gia Trung Quốc.
Xung đột Nga - Ukraine phủ bóng Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Ấn Độ
Ấn Độ muốn G20 năm nay tập trung vào các vấn đề như xóa đói giảm nghèo và khí hậu, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine và những tác động của nó vẫn chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự.
Tuần trước, một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 tại Ấn Độ đã không thống nhất được một tuyên bố chung sau khi Nga và Trung Quốc không kí vào biên bản đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có mặt tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 1/3 cùng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để tham dự cuộc họp G20, khi xung đột ở Ukraine và căng thẳng với Trung Quốc có thể làm lu mờ nỗ lực của nước chủ nhà Ấn Độ nhằm củng cố sự đoàn kết giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một cuộc gặp song phương giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga được cho là khó xảy ra, vốn đã không ngồi cùng phòng họp kể từ cuộc họp G20 ở Bali vào tháng 7 năm ngoái.
Ông Blinken và Lavrov gặp nhau lần gần đây nhất vào tháng 1/2022, vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Mặc dù họ có một số cuộc điện đàm kể từ đó, nhưng về các vấn đề khác chứ không phải xung đột.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov đã đến Ấn Độ vào cuối ngày 28/2 - quốc gia không chỉ trích Moskva vì xung đột ở Ukraine - và sẽ tận dụng sự tham dự tại G20 để nói chuyện với phương Tây.
"Chính sách phá hoại của Mỹ và các đồng minh đã đặt thế giới bên bờ vực thảm họa, gây ra sự thụt lùi trong phát triển kinh tế xã hội và làm trầm trọng thêm tình hình của các nước nghèo nhất", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
Tương tự, nghi ngờ bên lề cuộc họp G20 kéo dài 2 ngày ở New Delhi lần này là cuộc gặp giữa ông Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương. Ông Blinken đã có "cuộc chạm trán nảy lửa" với quan chức hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước tại Đức sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Bắc Kinh trên bờ biển phía Đông nước này vào ngày 4/2.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vụ việc đã khiến ông Blinken hủy bỏ một chuyến thăm hiếm hoi tới Trung Quốc, chỉ trích "sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền của Mỹ và luật pháp quốc tế" và "không bao giờ được xảy ra nữa".
Bắc Kinh, vốn cũng tức giận trước lập trường của Washington liên quan đến vấn đề Đài Loan, phủ nhận việc họ sử dụng khinh khí cầu do thám và nói rằng phương tiện này là để nghiên cứu thời tiết.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 lần này, ông Blinken cũng dự kiến sẽ gặp những người đồng cấp trong nhóm "bộ Tứ" (Quad - Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) - được coi là "bức tường thành kiềm chế Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Trong khi Ấn Độ muốn tận dụng trên cương vị Chủ tịch luân phiên G20 năm nay tập trung vào các vấn đề như xóa đói giảm nghèo và khí hậu, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine và những tác động của nó sẽ chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự.
Tuần trước, một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Ấn Độ đã không thống nhất được một tuyên bố chung sau khi Nga và Trung Quốc không kí vào biên bản kết luận về cuộc xung đột ở Ukraine.
Việc tổ chức các cuộc họp của G20 đặt Ấn Độ vào một vị trí khó khăn, bởi vì trong khi nước này chia sẻ những lo ngại của phương Tây về Trung Quốc, thì New Delhi cũng là khách hàng mua vũ khí lớn của Nga và đã tăng cường nhập khẩu dầu mỏ.
Đức lôi kéo Ấn Độ chống Nga? Ấn Độ không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Với chuyến thăm Ấn Độ lần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn tìm cách "lôi kéo" Ấn Độ đứng về phía phương Tây. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Olaf Scholz tại thủ đô...