Singapore phê duyệt thêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 29/9, vaccine Comirnaty phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi tại Singapore.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS), phác đồ tiêm chủng cơ bản ở nhóm tuổi này sẽ bao gồm 3 liều 3 microgram – 2 liều đầu tiên được tiêm cách nhau 3 tuần và liều thứ 3 được tiêm sau liều thứ 2 ít nhất 8 tuần.
Trong một tuyên bố, HSA cho biết cơ quan đã xem xét cẩn thận các dữ liệu lâm sàng và tham khảo ý kiến các chuyên gia thuộc Ủy ban Cố vấn về dược phẩm và Hội đồng Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm để đưa ra đánh giá rằng lợi ích của việc sử dụng vaccine Comirnaty ở trẻ em trong độ tuổi này vượt trội so với rủi ro.
Video đang HOT
Cơ quan chức năng cho biết dữ liệu lâm sàng mà họ xem xét bao gồm một nghiên cứu được hãng Pfizer thực hiện với khoảng 1.800 trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi tham gia. Kết quả cho thấy đáp ứng miễn dịch ở trẻ nhỏ được tiêm 3 liều vaccine tương đương với phản ứng miễn dịch ở người lớn từ 16 đến 25 tuổi được tiêm 2 liều cao hơn, là 30 microgam. Do đó, có thể suy ra rằng 3 liều vaccine ở trẻ nhỏ có thể cung cấp mức độ bảo vệ tương đương với 2 liều ở người lớn.
HSA cũng cho biết dữ liệu thực tế ở trẻ em từ 5 – 11 tuổi đã được tiêm 2 liều vaccine của hãng Pfizer tại Singapore cho thấy hiệu quả chống lại các biến thể phụ Omicron là khoảng 40% và giảm tới hơn 80% khả năng phải nhập viện. Theo cơ quan này, các tác dụng phụ của vaccine ở trẻ nhỏ tương tự như các tác dụng phụ được báo cáo ở người lớn, từ mức độ nhẹ đến trung bình như đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi và nhức đầu. HSA cho biết những phản ứng này có liên quan đến việc tiêm chủng nói chung và được cho là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể để xây dựng khả năng miễn dịch chống lại COVID-19.
Tuy nhiên, HSA cũng khuyến cáo những người chăm sóc trẻ nhỏ nên theo dõi các dấu hiệu và các triệu chứng của bệnh viêm cơ tim như đau ngực và khó thở, cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm các hoạt động thể chất mạnh sau khi trẻ được tiêm chủng.
Đây là loại vaccine thứ 2 được HSA cấp phép sử dụng tại Singapore cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi, sau vaccine Spikevax của hãng dược phẩm Moderna. Vaccine Spikevax đã được HSA cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 17 tuổi vào ngày 24/8 vừa qua.
EMA phê chuẩn sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 25/11 đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11, mở đường cho việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên dành cho trẻ trong độ tuổi này, trong bối cảnh các nước trong khối đang đối phó với làn sóng lây nhiễm ngày một tăng.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: THX/TTXVN
Theo EMA, trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 sẽ được tiêm 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech, có tên thương mại là Comirnaty, vào bắp tay. Mỗi liều 10 microgram, cách nhau 3 tuần. Liều vaccine của Pfizer/BioNTech dùng để tiêm cho người lớn là 30 microgram. EMA nhấn mạnh lợi ích của vaccine Comirnaty đối với trẻ trong độ tuổi từ 5-11 cao hơn rủi ro, đặc biệt là đối với những trẻ có nguy cơ mắc COVID-19 diễn tiến nặng.
Thông báo của Pfizer/BioNTech cho thấy trong thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ trong độ tuổi từ 5-11, vaccine Comirnaty có thể phát huy hiệu quả bảo vệ tới 90,7%.
Tháng 5 vừa qua, EU cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17.
Theo quy định, Ủy ban châu Âu là cơ quan ra quyết định phê duyệt cuối cùng việc sử dụng vaccine, song thông thường cơ quan này thường thông qua đề xuất của EMA.
Trong khi đó, một quan chức của EU cho biết dự kiến trong ngày 25/11, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đề xuất giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 có hiệu lực trong 9 tháng sau khi đã tiêm chủng đầy đủ.
Theo quan chức trên, quyết định trên được đưa ra sau các cuộc thảo luận kéo dài về việc giấy chứng nhận tiêm chủng nên có hiệu lực trong 8 hay 9 tháng. Giấy chứng nhận của những người tiêm mũi tăng cường vaccine sẽ được tự động gia hạn. Đề xuất trên không mang tính ràng buộc nhưng được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất giữa các quốc gia EU trong vấn đề giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng dự kiến đưa ra đề xuất về việc tiêm mũi tăng cường vaccine cho công dân EU nếu muốn đi sang nước khác trong cùng khối vào mùa hè năm 2022.
Ủy ban châu Âu muốn hài hòa các quy tắc trên toàn khối nhằm cho phép người dân tự do di chuyển, song hiện các nước trong khối đang phải đối mặt với những hạn chế mới trong bối cảnh các ca nhiễm ở mức cao kỷ lục.
Ngày 24/11, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine cho tất cả người trưởng thành, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi. Đây được coi là một sự thay đổi lớn so với hướng dẫn trước đó về đề xuất tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi hơn và những người suy giảm hệ miễn dịch.
Thế giới ghi nhận 470,2 triệu ca mắc, trên 6 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 thế giới đã ghi nhận tổng cộng 470.217.763 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6 triệu ca tử vong. Hiện còn 62.072 ca điều trị tích cực trong khi hơn 400 triệu ca đã bình phục. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện ghi nhận hơn 169,9 triệu ca mắc...