Singapore: Hành trình từ vũng lầy tới con rồng châu Á
50 năm trước, Singapore là quốc gia nhỏ bé với phần lớn diện tích bị đầm lầy bao phủ, nhưng đất nước này đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế hàng đầu khu vực.
Mô phỏng quang cảnh Singapore trong thời kỳ hoang sơ. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Singapore
Sáp nhập rồi lại tách khỏi Liên bang Malaysia, Singapore phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, thách thức khi hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên. Bùn lầy bao phủ phần lớn diện tích hòn đảo. Tuy nhiên, theo BBC, những chính sách của chính quyền Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa vùng đất trở thành nền kinh tế hàng đầu khu vực, với những tòa nhà chọc trời mọc lên san sát.
Cuộc sống khó khăn nơi đầm lầy
Khi người Anh đặt chân tới Singapore năm 1819, nó chỉ là khu rừng rậm rạp mọc trên đầm lầy, nhưng vùng đất này nằm trên tuyến đường giao thương hàng hải tấp nập giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên nó nhanh chóng trở thành một thương cảng tấp nập. Singapore thu hút người nhập cư từ khắp châu Á, nguồn lực quan trọng giúp quốc đảo sư tử phát triển.
Người dân Singapore từng trồng chuối để đánh dấu lãnh thổ. Ảnh: BBC
Ban đầu, cuộc sống của những người nhập cư gặp muôn vàn khó khăn. Người lao động phải ở trong những ngôi nhà chật chội, bẩn thỉu. Có thời điểm, 1 triệu người phải sống trong những ngôi nhà gỗ tạm bợ nằm trên khắp hòn đảo. Nó khác xa với những con phố sạch đẹp, văn minh mà du khách có thể chiêm ngưỡng ngày nay.
Sharanjit Leyl là một người sinh ra và lớn lên khi Singapore đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, câu chuyện của những thế hệ trước trong gia đình giúp Leyl hình dung được cuộc sống khó khăn ở vùng đất này. Trước ngày Singapore độc lập, ông bà nội, bố và các cô chú của Leyl sống ở khu vực “Red Hill” tại trung tâm Singapore. Họ khẳng định quyền sử dụng đất bằng cách trồng những cây chuối xung quanh nơi ở. Tán cây chuối giúp mảnh đất của họ không bị người khác xâm lấn.
Nhưng ngôi nhà của đại gia đình có 8 người con đơn sơ như một túp lều. Toàn bộ người dân trên đảo sống trong cảnh thiếu nước sạch triền miên. Tuy nhiên, họ đã nương tựa vào nhau để vượt qua khó khăn. Cuộc sống giản đơn với mục tiêu duy nhất là cùng tồn tại đã giúp những cư dân đầu tiên của đảo tồn tại.
Singapore chuyển mình dưới thời Lý Quang Diệu
Video đang HOT
Cảnh sát đảm bảo an ninh trong cuộc đụng độ giữa các nhóm người. Ảnh: Getty
Năm 1959, Anh thực hiện bước đi đầu tiên trong lộ trình trao trả tự do cho Singapore bằng cách cho vùng đất này quyền tự trị. Ông Lý Quang Diệu cùng Đảng Nhân dân Hành động giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên. Những người dân không cùng ngôn ngữ đã đổ dồn xuống đường, tham dự một cuộc mít tinh quy mô lớn.
“Chúng tôi chẳng hiểu ông ấy nói gì nhưng chúng tôi nghĩ những điều ông nói ra khá quan trọng vì mọi người đều rất quan tâm. Họ luôn vỗ tay sau mỗi lời ông ấy nói. Chúng tôi cũng bắt chước theo”, một người cô của Leyl kể lại khoảnh khắc ông Lý ghi dấu ấn trong lòng người dân Singapore.
Tháng 8/1963, Singapore gia nhập Liên bang Malaysia. Tuy nhiên, mối liên kết này nhanh chóng rạn vỡ khi các bên không đạt được thỏa thuận phân chia quyền kiểm soát tài chính Singapore. Căng thẳng chủng tộc dẫn tới bạo loạn giữa các nhóm người vào năm 1964. Một năm sau, Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia.
Những ngôi nhà chung cư phục vụ nhu cầu ăn ở của người dân Singapore. Ảnh: BBC
Quyết định này khiến Singapore đương đầu hàng loạt khó khăn trong thời kỳ đầu độc lập. Nhiều người tin rằng quốc đảo này sẽ không thể tồn tại. Tuy nhiên, niềm hi vọng to lớn vào tương lai cùng chính sách lãnh đạo sáng suốt của chính phủ Lý Quang Diệu giúp Singapore bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng cơ sở hạ tầng cho tương lai thành phố.
Người dân bán đất để chính phủ xây dựng những kiểu nhà đặc thù, phù hợp với nhu cầu thiết yếu. Những dự án này do Bộ phát triển quốc gia Singapore quản lý nhằm đảm bảo chủ trương mỗi người dân Singagapore đều được chính phủ hỗ trợ mua nhà. Dạng nhà này giúp nâng cao điều kiện sống của cả xã hội.
“Các bậc thầy về hoạch định” của Singapore đã tạo ra các thị trấn dạng này. Nó giải quyết chỗ ở cho hàng chục nghìn người từng phải sống trong các khu ổ chuột hoặc nhà cũ. Trong thập niên 1970 và 1980, người dân Singapore được sống trong các công trình có nước sạch và nhà vệ sinh kiểu mới, tạo ra một cuộc cách mạng cho vùng đất từng là đầm lầy.
Năm 1985, Thủ tướng Lý Quang Diệu khẳng định, Singapore không còn người vô gia cư, không còn cảnh lấn chiếm đất đai hay những khu nhà ổ chuột. Đảo quốc sư tử cũng không còn những cộng đồng người sống theo chủng tộc. Những người gốc Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ đều sống hòa bình bên cạnh nhau với suy nghĩ họ cùng là người Singapore.
Công cuộc xây dựng đất nước kiểu mẫu ở Singapore chưa dừng lại. Chính phủ phát động các chuyến dịch tuyên truyền về lịch sự, ngăn ngừa khạc nhổ nơi công cộng hay ném rác xuống từ các tòa nhà cao tầng. Khẩu hiệu “kẻ xả rác sát nhân” xuất hiện khắp nơi nhằm cảnh báo người dân sống trên các tầng cao của nhà chung cư không ném rác vì chúng có thể làm bị thương những người sống phía dưới.
Singapore ngày any. Ảnh: BBC
Tuy nhiên, chiến dịch “dừng lại ở hai con” của Singapore trong những năm 1960 và 1970 cũng phát huy hiệu quả quá mức cần thiết. Nó làm giảm tỷ lệ sinh ở nước này. Giới chức Singapore ban hành quyết định thay thế trong thập niên 1980 nhưng quá muộn. Quốc gia này đang duy trì tỷ lệ sinh thấp nhất châu Á, buộc nhà chức trách phải đưa ra những chính sách về nhập cư.
Tới thập niên 1980, mọi vấn đề lớn của Singapore đều đã được chính phủ Lý Quang Diệu giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đảo quốc Sư tử đã giảm xuống mức không đáng quan ngại trong khi tỷ lệ tội phạm cũng rất thấp. Tuy nhiên, Singapore vẫn áp dụng biện pháp tử hình với những kẻ buôn ma túy nhằm giảm thiểu loại tội phạm này.
Theo Tri Thức
Xa quê, nhớ món canh dưa môn muối của mẹ
Mỗi một vùng miền thôn quê Việt Nam đều có những món ăn đặc trưng của từng vùng miền đó. Nhưng với món dưa môn thì không có gì xa lạ với bất cứ ai đã từng sinh ra và lớn lên nơi làng quê nghèo khó. Cây môn gần gũi, thân thương đậm tình quê và là nguồn thực phâm lành tính, mang đặc trưng của vùng nông thôn...
Ở miền Trung quê tôi, môn còn gọi là dọc mùng hay môn ngọt, vì nó không ngứa, thân mềm như bạc hà thường được trồng dưới mương, rạch, bờ sông, bờ ao, đầm lầy nơi có nước quanh năm, dùng chế biến thức ăn khi còn tươi hoặc sau khi muối chua.
Cây môn, quê tôi còn gọi là dọc mùng
Cũng như các loại dưa muối khác, dưa môn dễ muối thôi, nhưng không phải ai cũng muối ngon. Dưa môn có màu vàng rộm, dai giòn, thanh chua, mùi thơm dễ chịu. Người muối phải có một chút "hiền tay", nếu không hũ dưa môn sẽ bị "mềm nhũn" và nghe mùi "hôi nước" rất khó chịu, không thể ăn được.
Bèn cây môn cắt về, dùng tay tước sạch lớp da bên ngoài, rửa sạch, cắt ngắn chừng 5 cm rồi dùng dao bén chẻ làm đôi, hoặc làm tư tùy độ lớn của ruột môn. Vắt ráo nước, phơi nắng cho héo rồi cho vào hũ sành, sứ hay hũ thủy tinh, nấu nước muối pha loãng để thật nguội sau đó đổ ngập mặt môn, lấy vỉ bằng tre ép chặt mặt trên để dưa luôn được ngập nước.
Muốn cho dưa thơm ngon và mau chua, mẹ tôi thường pha thêm chút nước cơm, khoảng ba bốn ngày sau, dưa môn ngả sang màu vàng, mở nắp hũ đã dậy mùi chua là ăn được.
Môn muối chua
Đối với người dân nông thôn, dưa môn là một món ăn quen thuộc, là nguồn nguyên liệu để chế biến những món ăn ngon như dưa môn xào, kho tấp với các loại cá đồng như cá giếc, cá rô, cá lóc... hay nấu canh với cá biển, cá sông, cá đồng cũng rất "hợp" và ngon. Dưa môn nghe có vẻ mộc mạc nhưng là một món ăn ngon, bình dị, hiền hòa như tính cách của người nông dân luôn "an phận" trong cảnh đồng quê thanh bình.
Qua sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người phụ nữ, cây môn đã trở thành một món ăn rất đỗi thân quen và kích thích vị giác. Dưa môn không chỉ là món ăn khoái khẩu của người địa phương mà thời gian gần đây còn rất được ưa chuộng tại các quán ăn bình dân.
Mẹ tôi thường nấu món canh chua dưa môn với cá trê, cá lóc ... vào những bữa ăn trưa, bố con tôi đi làm đồng về vừa bước vào ngưỡng cửa đã biết ngay là mẹ nấu món mà cả nhà "ưa thích" vì mùi thơm của nồi canh dưa môn khá đặc trưng, hấp dẫn vị giác và độc đáo đến lạ, chứa đựng cả một nghệ thuật ẩm thực với chua, cay, mặn, ngọt...
Môn muối chua
Dưa môn dù là nấu canh với cá biển hay cá nước ngọt, con cá phải thật tươi thì hương vị của canh chua mới ngon, mới ngọt. Để giữ nguyên cái vị vừa chua chua vừa ngọt ngọt, mẹ tôi không cho thêm bất cứ thứ gì ngoài dưa môn và cá tươi. Khi nhắc nồi canh xuống chỉ sử dụng chút ít hành, ngổ, ớt trái xắt lát để rắc lên. Khi thưởng thức, ai cũng cảm thấy ngon miệng và ăn được rất nhiều cơm, bởi không chỉ ăn bằng miệng mà còn ngửi bằng mũi nhờ hương thơm sực nức của mùi dưa muối chua không lẫn với bất kỳ một mùi hương nào khác tỏa ra đậm đà quyến rũ.
Vào những hôm trời mưa, mẹ lại dùng dầu phụng thứ thiệt phi hành tỏi cho thơm rồi xào dưa môn ăn với cơm nóng cũng ngon không chê vào đâu được. Vào mùa bố "tát đìa", mẹ chọn một "mớ" cá rô hay cá giếc "kho tấp" với dưa môn, bên ngoài trời mưa "rả rích" chỉ một loáng nồi cơm đã sạch nhẵn, cái bụng cũng no lắm rồi nhưng sao cái miệng vẫn còn "thòm thèm"...
Tô canh Môn muối chua
Miền Trung quê tôi, cuộc sống người nông dân vùng nông thôn luôn gắn liền với ruộng lúa nương khoai, cánh đàn ông ra đồng đi kèm là "con trâu cái cày", cánh phụ nữ vào bếp là phải có "hũ dưa, hũ cà, hũ nhút". Thế mới biết rằng, những món ăn này chẳng phải giá trị hay cao sang gì ! chỉ là món ăn hết sức bình thường, dân dã chốn đồng quê nhưng thật ngon và nói lên được nhiều "ý nghĩa". Vì nó cũng là một sản phẩm đặc thù đã phần nào phản ánh được văn hóa ẩm thực của miền quê một thời nghèo khó, thiếu thốn cơ cực và cuộc sống của người nông dân vô cùng vất vả nhưng vẫn chăm chỉ, cần cù lao động, luôn chịu thương chịu khó...
Trong "sâu thẳm" bây giờ tôi mới thấm thía được tận cùng sâu xa của "nỗi nhớ" khi xa quê, mới cảm nhận được thế nào là giá trị cuộc sống khi được ở bên người thân trong tình quê hương xứ sở, tình "cật ruột" và được thưởng thức những món ăn quê nhà.
Theo Mỹ Nhân (Dân Việt)