Singapore dự định lập tòa án thương mại quốc tế
Bộ Luật pháp Singapore ngày 3.12 cho biết họ hoan nghênh ý tưởng thành lập Tòa thương mại quốc tế (SICC) để xét xử những vụ tranh chấp thương mại xuyên quốc gia.
Các thẩm phán Tòa án tối cao Singapore trong lễ phục truyền thống. Khi xử án, họ phải mặc áo thụng màu đen. Sắp tới, Tòa tối cao Singapore sẽ có thêm Tòa thương mại quốc tế (Ảnh: Supreme Court)
Thông cáo của Bộ Luật pháp (MinLaw) cho biết ý tưởng này được Ủy ban SICC – được thành lập hồi tháng 5, gồm 19 thành viên – đệ trình hôm 29.11.
Sự ra đời của SICC sẽ đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý được tin là sẽ tăng mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh hoạt động thương mại và đầu tư nhộn nhịp đã và đang làm gia tăng số lượng và độ phức tạp của các tranh chấp xuyên biên giới, thông cáo cho biết.
Theo đệ trình của ủy ban này, về mặt tổ chức, SICC sẽ là một bộ phận của Tòa tối cao.
Video đang HOT
Tòa tối cao (High Court) – nơi hiện chỉ giải quyết các vụ kiện dân sự có mức tranh chấp hoặc đòi bồi thường từ 250.000 SGD (200.000 USD) trở lên và những vụ hình sự đặc biệt quan trọng – là một bộ phận của Tòa án tối cao Singapore (Supreme Court).
Supreme Court còn gồm Tòa phúc thẩm tối cao (Court of Appeal).
Tòa cấp thấp (Subordinate Courts) xử những vụ án còn lại.
Hướng tới khách hàng quốc tế
Theo đề xuất, SICC sẽ xét xử những vụ kiện mà đương sự các bên đồng ý trực tiếp đưa đơn vào đây hoặc những vụ kiện từ Tòa tối cao chuyển qua theo quyết định của Chánh án Tối cao.
Những vụ kiện này có thể nằm dưới sự điều chỉnh của luật pháp Singapore cũng như luật pháp nước ngoài.
Phán quyết của tòa SICC có thể được kháng nghị lên Tòa phúc thẩm tối cao của Singapore.
Khác với các tòa hiện nay, hội đồng thẩm phán của SICC sẽ có cả những “thẩm phán nổi tiếng của quốc tế”, và trong một số trường hợp, luật sư nước ngoài sẽ được tham gia tranh tụng tại các phiên tòa SICC, thông cáo dẫn đề xuất của Ủy ban SICC.
Thông cáo cũng cho hay, một bộ nguyên tắc và thông lệ về thủ tục tố tụng sẽ được thiết lập trên tiêu chí “nhạy cảm với các nhu cầu của người tìm đến SICC và tuân theo những thông lệ tốt nhất trên thế giới trong giải quyết tranh chấp thương mại”.
Theo thẩm phán Tòa phúc thẩm tối cao Singapore V.K.Rajah, “SICC có thể thu hút những vụ kiện không có mối liên hệ nào với Singapore”, đặc biệt là trong khu vực châu Á.
Theo ông, đương sự trong các vụ tranh chấp xuyên quốc gia ở châu Á nếu chọn Singapore làm nơi giải quyết thì sẽ có được “sự nối kết gần gũi về địa lý” thay vì “lựa chọn ngẫu nhiên theo truyền thống” những tòa án nằm ngoài châu lục.
“Hệ thống pháp lý chặt chẽ và thân thiện với kinh doanh, nền tư pháp được kính trọng và sự hiện diện đông đảo của đội ngũ luật sư thương mại cả trong và ngoài nước sẽ là nền tảng cho phép SICC cung cấp một dịch vụ độc đáo với những khách hàng bên ngoài Singapore”, Quốc vụ khanh cao cấp của MinLaw, bà Indranee Rajah, nói.
Chưa rõ thời điểm SICC có thể chính thức ra đời, nhưng thông cáo cho biết Bộ trưởng MinLaw K.Shanmugam và Chánh án Tối cao Sundaresh Menon “đánh giá cao” đề xuất của Ủy ban SICC.
“MinLaw và Tòa án tối cao sẽ xem xét kỹ lưỡng các đề xuất của Ủy ban”, đồng thời tổ chức lấy ý kiến công chúng từ ngày 3.12.2013 – 31.1.2014 trước khi tiến hành thực hiện, thông cáo cho biết.
Theo TNO
WTO điều tra tranh chấp ôtô nhập khẩu Trung-Mỹ
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 23/10 lập một nhóm chuyên gia để điều tra về khiếu nại của Mỹ liên quan tới những khoản thuế mà Trung Quốc đánh vào ôtô nhập khẩu từ Mỹ.
(Nguồn: AFP)
Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk hoan nghênh quyết định trên của WTO. Trong tuyên bố, ông Kirk nói: "Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc lạm dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại và đẩy người Mỹ vào nguy cơ mất việc làm".
Một nguồn tin thân cận với WTO cho biết Mỹ coi các hành động của Trung Quốc là "những sai sót nghiêm trọng về mặt thủ tục".
Theo phái đoàn Mỹ, các khoản thuế của Trung Quốc cũng vi phạm các điều luật thương mại quốc tế. Phía Washington cho rằng việc Trung Quốc đánh thuế ảnh hưởng tới hơn 80% lượng ôtô của Mỹ xuất sang Trung Quốc.
Đáp lại, Trung Quốc biện luận rằng họ lấy làm tiếc trước đề nghị của Mỹ về việc thành lập ủy ban giải quyết tranh chấp ở WTO, bởi Bắc Kinh vẫn luôn tuân thủ các chỉ dẫn của WTO, đồng thời hy vọng hai bên sẽ tự giải quyết vấn đề này.
Trong một tuyên bố, phía Trung Quốc nhấn mạnh loại phương tiện đang trong vòng tranh cãi "đã được bán phá giá ở thị trường Trung Quốc và được Mỹ trợ giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của Trung Quốc".
Trước đó hồi tháng 12/2011, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với các xe có dung tích xilanh từ trên 2,5 lít nhập khẩu từ Mỹ, khoảng 50.000 chiếc/năm vào thời gian đó.
Hiện Mỹ đang theo đuổi 10 vụ kiện Trung Quốc tại WTO, thể hiện phần nào nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ.
Phía Trung Quốc cũng phàn nàn về đạo luật Mỹ đưa ra hồi tháng 3 vừa qua, cho phép Washington thực hiện các biện pháp chống phá giá nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Bắc Kinh khẳng định đạo luật này không phù hợp với quy định của WTO vì cách thức tính toán của Mỹ khi áp dụng các biện pháp này.
Theo Vietnamplus