Singapore cân nhắc bảo tồn nhà riêng của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu
Ngày 24/10, Bộ Văn hóa và Cộng đồng Singapore cho biết hội đồng di sản nước này đang cân nhắc việc đưa ngôi nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trở thành di tích quốc gia.
Nhà riêng của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Reuters
Quyết định này được đưa ra sau khi người con trai út của cố Thủ tướng, ông Lý Hiển Dương, nộp đơn xin phép phá dỡ theo đúng di nguyện của cha mình.
Việc bảo tồn hay phá dỡ ngôi nhà gỗ một tầng nằm trên đường Oxley đã trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi giữa các thành viên trong gia đình sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời vào năm 2015.
Ngày 21/10 vừa qua, ông Lý Hiển Dương – con trai út của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu – đã nộp đơn xin phá dỡ ngôi nhà theo di nguyện của cha mình. Trong khi đó, người anh cả – cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – muốn giữ lại ngôi nhà và coi đây là một di sản của người cha quá cố.
Việc bảo tồn như một di tích quốc gia sẽ cho phép hội đồng di sản ngăn chặn mọi hành động có nguy cơ phá hủy, làm hư hại hoặc thay đổi ngôi nhà. Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn hóa và Cộng đồng Singapore Edwin Tong cho biết Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng tất cả các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong di chúc, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng chia sẻ mong muốn ngôi nhà sẽ được phá dỡ sau khi ông qua đời, vì lo ngại nó sẽ xuống cấp và mất giá trị nếu mở cửa cho công chúng tham quan.
Trước đó, nhiều nguồn dư luận tại Singapore mong muốn biến ngôi nhà của đại gia đình ông Lý Quang Diệu thành viện bảo tàng hoặc di tích văn hóa, lịch sử nhằm phục vụ du khách tham quan.
Ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của Singapore, điều hành nước này từ năm 1959 đến 1990. Ông được ca ngợi là người đã biến Singapore từ thuộc địa cũ nghèo của Anh thành một trong những xã hội giàu mạnh, ổn định nhất thế giới.
Ông Lý Hiển Long là Thủ tướng thứ ba của Singapore, là con trai cả của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi. Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu cho biết người con cả luôn có hứng thú với tình hình chính trị Singapore và thường xuyên theo chân ông tới các buổi diễn thuyết kể từ năm 1963.
Con út của ông Lý Quang Diệu xin tị nạn chính trị
Ông Lý Hiển Dương, con trai út của người sáng lập đất nước Singapore hiện đại Lý Quang Diệu, hôm 22.10 thông báo trên Facebook rằng ông đang xin tị nạn chính trị ở Anh theo Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.
Ông Lý Hiển Dương. ẢNH: REUTERS
Trên Facebook, ông Lý Hiển Dương, em trai cựu Thủ tướng Lý Hiển Long, cho hay nước Anh đã xác định ông đối mặt nguy cơ bị chính quyền Singapore đàn áp và không thể an toàn quay về nước.
"Tôi phải dùng đến biện pháp bảo vệ cuối cùng là nộp đơn xin bảo hộ tị nạn. Tôi vẫn là công dân Singapore và hy vọng một ngày nào đó có thể an toàn quay về quê hương", theo ông.
Chính quyền Singapore bác bỏ cáo buộc cho rằng ông bị đàn áp, theo Channel News Asia.
Ông Lý Hiển Dương đã rời Singapore ngày 15.6.2022 sau khi cảnh sát yêu cầu ông và vợ là bà Lý Học Phân hỗ trợ điều tra và từ đó chưa về nước.
Cao ủy Anh Quốc ở Singapore chưa bình luận về thông tin trên.
Ông Lý Hiển Dương và chị gái Lý Vỹ Linh, vừa qua đời hôm 9.10, vẫn bất hòa với anh cả Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore từ năm 2004 đến tháng 5.2024, về cách thức xử lý ngôi nhà chung của cha khi ông Lý Quang Diệu qua đời năm 2015.
Vì sao vợ chồng em trai Thủ tướng Singapore bị cảnh sát điều tra?
Ông Lý Hiển Dương cho biết đã xin bảo vệ tị nạn từ năm 2022 và không thể quay về dự tang lễ của chị gái vì sợ rắc rối.
Tuần trước, ông cho hay sẽ nộp đơn xin phá hủy nhà của ông Lý Quang Diệu theo di nguyện của cha.
Chính phủ Singapore thông báo sẽ cân nhắc vấn đề liên quan đến bất động sản trên trong thời gian tới.
Quân đội Hàn Quốc cân nhắc đáp trả động thái mới nhất của Triều Tiên? Yonhap hôm nay 29.11 dẫn một số nguồn tin tiết lộ quân đội Hàn Quốc đang xem xét khôi phục một trạm gác đã được giải trừ vũ khí ở mặt trận phía đông. Việc quân đội Hàn Quốc cân nhắc khôi phục trạm gác nói trên nhằm đáp trả động thái mới nhất của CHDCND Triều Tiên tái triển khai vũ khí...