Singapore cấm điện thoại ở trường học
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, nước này đang chuẩn bị công bố các biện pháp giải quyết tình trạng sử dụng thiết bị điện thoại ở các trường học trong những tháng tới nhằm tăng cường sự tập trung, khơi dậy lại sự tương tác xã hội của học sinh.
Một lớp học ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa thời gian sử dụng màn hình điện thoại thông minh và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, những năm gần đây các trường học tại Singapore đã tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng điện thoại thông minh.
Singapore không phải là quốc gia duy nhất thực hiện các quy định này. Các nước khác như Pháp, Phần Lan và Trung Quốc cũng đã cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học.
Vào năm 2023, Liên hợp quốc đã kêu gọi lệnh cấm điện thoại trong trường học trên toàn cầu với lý do chúng có thể làm gián đoạn việc học và ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh của học sinh.
Theo đó, Bộ Giáo dục Singapore dự kiến sẽ sớm đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng đó. Phát ngôn viên của Bộ này cho biết các trường học có nhiều quy định và thói quen quản lý riêng đối với việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học của học sinh, phù hợp với từng cấp học.
Video đang HOT
Hiện các quy định của nhiều trường bao gồm nơi cất điện thoại di động chuyên dụng trong lớp học hoặc tại địa điểm được quy định để học sinh gửi điện thoại trước khi bắt đầu giờ học.
Tại trường Trung học Queensway, học sinh phải cất điện thoại di động trong “tủ khóa” vào đầu giờ học và không được sử dụng điện thoại khi bài học cuối cùng kết thúc. Tủ đựng đồ chung được đặt ở phía trước lớp học và giáo viên đảm bảo rằng tất cả học sinh đều giữ điện thoại di động ở đó cho đến khi rời trường.
Trước đây, học sinh tại trường có thể bật điện thoại và mang theo trong giờ học. Từ cuối tháng 6, nhiều trường đã yêu cầu học sinh phải tắt điện thoại di động trong giờ học và không được phép sử dụng điện thoại khi ra chơi hoặc nghỉ trưa.
Quy định mới này được cho là giúp học sinh chú ý hơn trong lớp học. Học sinh thường bị phân tâm bởi điện thoại, dù để chế độ rung, vì “cần phải kiểm tra các thông báo dù không khẩn cấp”.
Vào tháng 7, tại trường Trung học Swiss Cottage, một nhóm học sinh lớp 4 đã xếp chồng điện thoại của mình vào giữa bàn ăn trong giờ ra chơi nhằm khuyến khích trò chuyện trực tiếp với nhau thay vì nhìn vào điện thoại.
Bộ Giáo dục Singapore cho biết thêm rằng các trường có thể hạn chế việc sử dụng thiết bị di động ở những khu vực hoặc thời gian được chỉ định, như trong giờ ra chơi, sau giờ học hoặc ở tiền sảnh.
Khi việc sử dụng đồng hồ thông minh phổ biến hơn, Bộ Giáo dục cho biết học sinh sẽ phải bật chế độ không làm phiền hoặc chế độ máy bay của loại đồng hồ này trong giờ học.
Theo Bộ này, các quy định và thói quen quản lý của trường được chia sẻ với phụ huynh thông qua các nền tảng như buổi gặp gỡ phụ huynh và qua thư.
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Singapore cho biết: “Chúng (các quy tắc và thói quen) nhằm mục đích giúp học sinh học được các giá trị và kỹ năng tự quản lý, cũng như khuyến khích tham gia vào các cơ hội học tập ngoài việc sử dụng các thiết bị, chẳng hạn như tìm hiểu thực hành, khám phá thực tế và trải nghiệm ngoài trời”.
Một số giáo viên có chung quan điểm rằng các quy định liên quan việc cấm điện thoại di động ở trường học đã thay đổi cách học sinh tương tác với nhau. Trước đây, học sinh sẽ nói chuyện với nhau nhiều hơn, có nhiều trò chơi và tương tác trực tiếp. Hiện nay, học sinh thường nói chơi trò chơi điện tử trực tuyến và thường xuyên trò chuyện về chủ đề liên quan.
Cũng có quan điểm cho rằng không thể cấm đoán hoàn toàn việc sử dụng điện thoại, sẽ khiến học sinh tụt hậu trong thế giới công nghệ cao và nhịp độ nhanh ngày nay. Nhưng chắc chắn Singapore có thể kiểm soát, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại.
Giáo sư Michael Chia, Viện Giáo dục Quốc gia, cho biết các trường học nên nuôi dưỡng những thói quen lành mạnh như cân bằng thời gian dành cho việc học và thời gian không dùng màn hình: “Nếu trẻ em và thanh thiếu niên được phép sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị khác ở trường, các cháu sẽ bị thu hút và sử dụng quá mức. Điều đó có thể không còn thời gian cho bất cứ điều gì khác, đặc biệt là hoạt động thể chất và mọi hình thức hoạt động xã hội và tương tác có nhịp độ khác với màn hình.”
Ông Michael Chia nói thêm rằng: “Trẻ em và thanh thiếu niên cần trân trọng hơn nhịp sống thực tế, dành thời gian cho mơ ước, vui chơi, dành thời gian cho bạn bè và dành thời gian cho cuộc sống ngoài học tập”, tầm quan trọng của việc này thường bị đánh giá thấp.
Mỹ: Số vụ nổ súng tại trường học gia tăng trong niên khóa 2023-2024
Theo báo cáo công bố ngày 16/8 của tổ chức Everytown for Gun Safety và Cơ sở dữ liệu về các vụ nổ súng học đường K-12, số vụ nổ súng tại các trường học ở Mỹ đã tăng 31% trong niên khóa 2023-2024 so với niên khóa trước đó.
Lực lượng thực thi pháp luật Mỹ được triển khai tại hiện trường vụ nổ súng ở Đại học Nevada, Las Vegas ngày 6/12/2023. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN
Kết quả nghiên cứu cho thấy niên khóa 2023-2024 là năm ghi nhận số vụ nổ súng tại trường học cao thứ hai trong hơn 1 thập kỷ qua, kể từ khi Everytown for Gun Safety - tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc kiểm soát vũ khí có trụ sở tại New York (Mỹ) - bắt đầu theo dõi tình trạng bạo lực súng đạn học đường.
Cho đến nay, niên khóa 2021-2022, thời điểm các trường học mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, là năm ghi nhận số vụ bạo lực súng đạn học đường cao nhất.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét những thông tin trên phương tiện truyền thông về vấn nạn xả súng tại học đường tại Mỹ và thấy rằng trong niên khóa vừa qua, đã có ít nhất 144 vụ bạo lực súng đạn. Mọi tình huống có tiếng súng nổ trong khuôn viên trường học đều được liệt vào diện bạo lực súng đạn học đường. Vấn nạn này đã khiến 36 người tử vong và 87 người bị thương, trong đó có 46 trẻ em.
Nhà nghiên cứu David Riedman - người sáng lập Cơ sở dữ liệu về các vụ nổ súng học đường K-12 - cho rằng số vụ nổ súng ngày càng gia tăng là do người dân "dễ dàng tiếp cận vũ khí", trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu các biện pháp kiểm soát an toàn nghiêm ngặt tại trường học và cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi là yếu tố khiến các em mang súng đến trường.
Báo USA Today nhận định: "Những dữ liệu này cho thấy chúng ta nên xem xét bức tranh toàn cảnh hơn về mức độ ảnh hưởng của súng đạn tới các trường học và việc trẻ em tiếp xúc với súng, chứ không chỉ là những vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến tử vong và thương tích".
Hàn Quốc: Các trường học quyết giữ lệnh cấm điện thoại di động Ngày 16/8, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc cho biết khuyến nghị dỡ bỏ lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học của cơ quan này đã vấp phải sự phản đổi của các trường học, vì cho rằng đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ học sinh. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul,...