‘Siêu ứng dụng’ WeChat: Tích hợp nhiều tính năng chưa từng có, từ Elon Musk đến Mark Zuckerberg đều ôm mộng ấp ủ
Siêu ứng dụng là gì và tại sao lại thu hút các gã khổng lồ công nghệ đến vậy?
Siêu ứng dụng là gì và tại sao nó lại thu hút các gã khổng lồ công nghệ đến vậy?
Các siêu ứng dụng, đúng như tên gọi, đã được xây dựng trong khoảng thời gian dài để có thể thỏa mãn người dùng. Nhiều công ty công nghệ mới nổi đang tiếp thu ý tưởng này, từ Uber, Spotify, PayPal, Snap đến ứng dụng Block của Jack Dorsey. Tỷ phú Elon Musk cũng đã đề cập đến khái niệm siêu ứng dụng trong bài phát biểu về kế hoạch thâu tóm nền tảng mạng xã hội Twitter.
Theo WSJ, định nghĩa “siêu ứng dụng” hiện còn mờ nhạt. Nó được các công ty và nhiều nhà lãnh đạo sử dụng để mô tả trạng thái nhồi nhét thật nhiều các tính năng trong cùng một ứng dụng và chúng khác biệt hẳn so với những chức năng cốt lõi.
Ví dụ, một siêu ứng dụng công nghệ tài chính có thể bắt đầu bằng các khoản thanh toán hoặc mua ngay trả sau… Đối với các phương tiện truyền thông xã hội, đây có thể là nơi tích hợp nhiều tính năng mua sắm. Còn trong lĩnh vực giao hàng và gọi xe, siêu ứng dụng lại ám chỉ các phương thức vận tải và hàng hóa mới.
Lịch sử đã chứng minh được rằng không một công ty nào có thể xây dựng thành công một siêu ứng dụng có thể thực hiện tất cả các chức năng, song những nỗ lực này được cho là có thể định hình lại cách hàng triệu người dùng tương tác. Siêu ứng dụng cũng có ý nghĩa sâu sắc đối với bản thân công ty đó, cách nó tạo ra doanh thu cũng như xây dựng mô hình kinh doanh.
Đối với nhiều thương hiệu, việc xây dựng siêu ứng dụng nhằm mục đích duy trì tăng trưởng, bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại và sự đổi thay trong cách tạo ra doanh thu. Đây cũng chính là cách để các ông lớn giành được lợi thế trong cuộc đua thu hút người dùng, với mong muốn chiếm được nhiều thời gian, sự chú ý và tiền bạc nhất có thể.
WeChat được mệnh danh là một siêu ứng dụng nguyên mẫu
Các siêu ứng dụng đa chức năng giúp người dùng tiếp cận nhiều tiện ích. Chúng cũng có thể củng cố hơn nữa quyền lực các tập đoàn công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử và dữ liệu.
NGUỒN GỐC
WeChat, được ra mắt vào năm 2011 bởi gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent, được coi là một siêu ứng dụng nguyên mẫu. Đây là sự giao thoa giữa ứng dụng nhắn tin và phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm gọi xe, thanh toán di động đến các dịch vụ chính phủ. Hiện tại, WeChat sở hữu gần 1,3 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc.
Theo Kevin Shimota, cựu Giám đốc tiếp thị toàn cầu và quan hệ đối tác tại WeChat, ngay từ đầu, nền tảng này không hề đặt ra mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng. Bản thân WeChat chỉ trở nên nổi tiếng thông qua việc bổ sung thêm nhiều tính năng, bắt đầu bằng thanh toán trực tuyến. Một nền tảng cho “các ứng dụng nhỏ” trong chính WeChat cũng ra đời, và vào thời điểm đó, không ai biết liệu chúng có thành công hay không.
Video đang HOT
Ngày nay, WeChat chiếm lĩnh thị trường ngách với hơn một triệu ứng dụng có thể truy cập. Đây được coi là hình mẫu để các ứng dụng tại châu Á học tập, song cho đến nay, vẫn chưa có cái tên nào thực sự thành công, từ Alipay (Trung Quốc), Gojek-Grab (Đông Nam Á) đến Line (Nhật Bản). Sự thống trị khiến các giám đốc điều hành công nghệ Mỹ vô cùng ghen tị.
WeChat hiện đang chiếm lĩnh thị trường ngách với hơn một triệu ứng dụng có thể truy cập
Nhiều giả thuyết đã được đặt ra, rằng tại sao một siêu ứng dụng lại không xuất hiện ở phương Tây, bởi thời điểm các công ty như Tencent còn đang bước những bước đi chập chững, những quốc gia thuộc khu vực này đã có một hệ sinh thái phát triển tốt, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau.
Tại Trung Quốc, trải nghiệm đầu tiên của hầu hết người dùng đối với Internet là trên thiết bị di động. Theo Feifei Liu, nhà nghiên cứu thuộc công ty tư vấn trải nghiệm người dùng Nielsen Norman Group, người dùng khi đó không hề kỳ vọng về một siêu ứng dụng, song sự bùng nổ của WeChat cũng như những chiếc điện thoại thông minh tại đại lục đã làm nên kỳ tích.
GIẤC MƠ SIÊU ỨNG DỤNG
Để đuổi kịp WeChat, các công ty công nghệ Mỹ và châu Âu đang biến những ứng dụng của họ thành một siêu ứng dụng toàn năng.
Hồi tháng 6, Elon Musk tuyên bố tham vọng biến Twitter trở thành một siêu ứng dụng như WeChat. Ý tưởng này được nhiều chuyên gia đánh giá cao, trong đó có Giám đốc điều hành Evan Spiegel của Snap. Trước đó, Giám đốc điều hành của Block, Nick Molnar cũng chia sẻ kế hoạch biến sự kết hợp giữa ứng dụng tiền mặt và dịch vụ mua ngay trả sau trở thành một siêu ứng dụng. Tham vọng này cũng được Giám đốc điều hành PayPal ấp ủ.
Theo Yoram Wurmser, chuyên gia phân tích công nghệ tại Insider Intelligence, rất nhiều công ty đã công bố thêm nhiều tính năng hoặc kế hoạch đối với việc xây dựng các siêu ứng dụng toàn năng, trong đó có Meta. Tập đoàn này đang tích cực bổ sung các tính năng mới cho Instagram, giúp người dùng có thể mua sắm ngay trên ứng dụng. Mạng xã hội Facebook cũng có động thái tương tự khi ra mắt tính năng Trò chơi (hồi năm 2018), Hẹn hò (hồi năm 2019) và Podcast (hồi năm 2021).
Meta được coi là một ví dụ điển hình cho nỗ lực xây dựng tiện ích cho siêu ứng dụng
Theo WSJ, Meta được coi là một ví dụ điển hình cho nỗ lực xây dựng tiện ích cho siêu ứng dụng. Gã khổng lồ này chưa bao giờ có ý định tích hợp Instagram hoặc WhatsApp vào mạng xã hội Facebook và kết quả là, cả 3 đã tiếp tục phát triển nhanh chóng và thu hút được một lượng đông người dùng trẻ và người dùng quốc tế. Vào năm 2014, Facebook thậm chí còn tách ứng dụng nhắn tin Messenger khỏi nền tảng. Tập đoàn này không chỉ muốn tạo ra một mà là thật nhiều siêu ứng dụng, trong đó, các tính năng mới ngày càng khiến chúng trở nên giống WeChat hơn.
Trong khi đó, đối thủ TikTok đang thử nghiệm tính năng Shop tại một số quốc gia và cho phép người dùng gửi tiền trực tiếp cho người sáng tạo nội dung. Những đổi mới này có thể dẫn đến một số hình thức thanh toán mới và tính năng thương mại điện tử.
Uber mới đây cũng tuyên bố kế hoạch tạo ra một siêu ứng dụng ở Anh bằng cách tích hợp vé tàu, xe buýt và máy bay và tiền thuê xe hơi. Tại Mỹ, Uber cũng bổ sung thêm tính năng cửa hàng tạp hóa và cung cấp thuốc theo chỉ định bác sĩ.
“Tôi nghĩ một siêu ứng dụng chắc chắn có thể hoạt động ở Mỹ, ông Shimota, cựu Giám đốc điều hành WeChat cho biết, đồng thời khẳng định sẽ mất khá nhiều thời gian để những ứng dụng này phát triển và đợi người dùng thích ứng.
Điều này đúng với WeChat khi ứng dụng đã phải trải qua một khoảng thời gian dài đánh giá và thử nghiệm. Dần dần, nó mới được coi là một siêu ứng dụng tích hợp nhiều tiện ích mà một nền tảng mạng xã hội phân mảnh và ứng dụng truyền thống không thể làm được.
Hành trình 11 năm của WeChat: Siêu ứng dụng tạo ra 'phép màu' tăng trưởng từ 0 lên hơn 1 tỷ người dùng, sẵn sàng 'khô máu' với TikTok để chiếm lĩnh thị trường
Thành công của WeChat cũng đã giúp Tencent trở thành công ty lớn bậc nhất ở châu Á.
Nhắc đến WeChat, có lẽ không người Trung Quốc nào là không biết. Đây là siêu ứng dụng do gã khổng lồ công nghệ Tencent phát triển cách đây 11 năm. Chuyên gia pháp lý 30 tuổi - Chen Channing (hiện sinh sống và làm việc tại Thâm Quyến) là một trong số hàng tỷ người Trung Quốc gần như không thể sống thiếu WeChat mỗi ngày.
Sau khi thức dậy, Chen kiểm tra tin nhắn trên ứng dụng. Sau đó, anh đi làm bằng tàu điện ngầm và dùng chức năng thanh toán tích hợp trong WeChat. Trên đường đi, anh đọc tin tức cũng trên đó. Ở văn phòng, anh phần lớn thời gian trong ngày làm việc để trao đổi qua phiên bản dành cho máy tính của WeChat.
Thời gian rảnh, Chen nghe nhạc, chia sẻ hình ảnh hay những meme nổi tiếng trên mạng với bạn bè. Khi đói bụng, anh lại dùng WeChat để đặt đồ ăn và thanh toán. Có thể nói, WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi khía cạnh công việc và cuộc sống của Chen nói riêng và rất nhiều người Trung Quốc nói chung.
Theo thống kê, tính đến quý IV/2021, WeChat có 1,27 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Mỗi ngày, có hơn 120 triệu người dùng đăng bài, 360 triệu người đọc báo trên các tài khoản chính thức và 500 triệu người truy cập tiểu ứng dụng (những ứng dụng dung lượng nhỏ chạy bên trong một ứng dụng khác) của WeChat hàng ngày.
Một nghiên cứu năm 2021 của nhà cung cấp dữ liệu China Internet Watch cho thấy người dùng dành trung bình 77 phút mỗi ngày trên WeChat. Có thể nói, siêu ứng dụng này cung cấp dịch vụ hiệu quả tương đương WhatsApp, Instagram, Google, Facebook và PayPal. Theo QuestMobile, WeChat chiếm 21,5% tổng thời gian của người dùng Trung Quốc trên Internet di động tính đến tháng 9 năm 2020.
Có lẽ không quá lời khi nói rằng WeChat đã thay đổi sâu sắc cách người Trung Quốc tương tác với nhau và với thế giới trực tuyến. Thành công của WeChat cũng đã giúp Tencent trở thành công ty lớn bậc nhất ở châu Á. Thời điểm hiện tại, Tencent có mức vốn hóa thị trường hơn 441 tỷ USD (tăng từ 47 tỷ vào năm 2011).
Một chuyên gia nhận định: "WeChat chắc chắn là sản phẩm Internet thành công nhất ở Trung Quốc trong thập kỷ qua. Nó đã tạo ra phép màu khi tăng trưởng từ 0 lên hơn 1 tỷ người dùng. Giá trị của WeChat đã vượt ra ngoài những con số bởi ứng dụng này đã giúp mọi người kết nối với nhau đồng thời cung cấp một loạt dịch vụ thay đổi cuộc sống".
Năm 2011, một nhóm nhỏ của Tencent đã phát triển phiên bản WeChat đầu tiên trong vòng chưa đầy 70 ngày, đánh bại hai nhóm nội bộ khác cũng đang cố gắng đạt mục tiêu tương tự.
Phiên bản ban đầu của WeChat chỉ cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản và ảnh. Bước ngoặt đối với WeChat đến vào tháng 5/2011 khi ứng dụng được cập nhật tính năng nhắn tin thoại, cho phép điện thoại của người dùng hoạt động giống như một bộ đàm.
Sau một thập kỷ tối ưu hóa, ứng dụng này vẫn đang phát triển. Tencent đã xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ xung quanh WeChat. Đây là những ứng dụng nhỏ hơn 10 megabyte có thể chạy ngay lập tức trên giao diện của ứng dụng chính. Thiết kế trên đã cho phép WeChat trở thành một nền tảng phổ biến và cập nhật xu hướng.
Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công của WeChat, bao gồm China's Great Firewall, công cụ chặn các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài như WhatsApp, Instagram, Google và Facebook. Về phần mình, WeChat đã đi đúng hướng vào đúng thời điểm. Thiết kế đơn giản, thú vị của ứng dụng cũng là một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công.
Mặc dù vậy, Tencent và WeChat đang phải đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên, việc kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng đang gặp khó khăn cả ở trong lẫn ngoài nước bởi ngày càng có nhiều tài khoản truyền bá nội dung không phù hợp hoặc bất hợp pháp.
Thứ hai, dù không phải lo lắng về sự cạnh tranh từ nước ngoài nhưng WeChat đang đối diện với cuộc chiến khốc liệt từ các đối thủ trong nước mới nổi như ByteDance sở hữu ứng dụng video ngắn Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok) cực kỳ nổi tiếng.
Theo báo cáo của QuestMobile vào tháng 10/2020, người Trung Quốc đang dành nhiều hơn 6 giờ mỗi tháng trên điện thoại di động so với 2019. Tuy nhiên, chủ yếu họ dành thời gian đó cho những ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou do Tencent hậu thuẫn.
Trong khi đó, WeChat - cùng công cụ tìm kiếm của Baidu hay Taobao, Tmall và Alipay của Alibaba, đã không tăng trưởng hoặc thậm chí tăng trưởng âm về tỷ lệ thời gian sử dụng. Ngoài ra, Tencent còn bị chỉ trích vì vấn đề độc quyền. Tuy nhiên, công ty cho biết họ kinh doanh công bằng.
Một nhà phân tích nhận định: "Có một điều chắc chắn là WeChat sẽ phải đối mặt với tương lai nhiều thách thức với các quy định chặt chẽ hơn, cạnh tranh gay gắt hơn cùng với những thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng".
Cuộc chiến WeChat - Douyin đang nóng lên ở Trung Quốc
Thời điểm hiện tại, Tencent đang nỗ lực để thu hút người dùng đến với ứng dụng video ngắn Channels trên nền tảng WeChat. Đây là động thái nhằm cạnh tranh với Douyin và Kuaishou.
Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, Tencent cho biết tổng số lượt xem video và thời gian xem trên Channels đã tăng mạnh nhờ vào thuật toán và các chương trình giải trí.
Ngoài việc ưu ái cho Channels trên WeChat, Tencent còn tổ chức các sự kiện âm nhạc trực tuyến với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ăn khách để thu hút người xem. Một hãng phân tích cho biết mảng video của Tencent đã phát triển nhanh chóng trong nửa năm qua nhờ nội dung giải trí và âm nhạc. Chiến lược này giúp Tencent thu hẹp khoảng cách với các đối thủ trong thị trường video ngắn.
Chuyên gia nhận định rằng sự phát triển ngày một tăng của Channels có thể làm xáo trộn thị trường video ngắn ở Trung Quốc, vốn dĩ đang do Douyin thống trị. Ứng dụng này hiện có hơn 600 triệu người dùng trong nước.
Chiến lược cạnh tranh mới của Tencent đã khiến Douyin có động thái đáp trả. Cách đây không lâu, Douyin cũng tổ chức một buổi biểu diễn trực tiếp, thu hút hơn 200 triệu lượt xem.
Theo ông Zhang Yi - CEO của một công ty nghiên cứu, hai sự kiện biểu diễn trên mới chỉ là khởi đầu cho cuộc chiến khốc liệt giữa hai nền tảng. Ông nhận định rằng Tencent đang tấn công còn Douyin phòng thủ. "Dựa trên số liệu hiện tại, WeChat đang phần nào có ưu thế hơn nhờ sáng tạo ra 'quân át chủ bài' là các buổi biểu diễn".
Đâu là siêu ứng dụng đứng đầu Việt Nam và Đông Nam Á? Các tên tuổi như Grab, Shopee, Lazada có vị trí thế nào tại Việt Nam và Đông Nam Á khi xét về tiêu chí siêu ứng dụng? Đông Nam Á chứng kiến sự gia tăng của các "siêu ứng dụng" trong vài năm qua. Điều này được thúc đẩy một phần bởi đại dịch khiến người dùng tham gia vào nhiều hoạt động...