“Siêu trộm” gây án tại 14 căn hộ chung cư cao cấp chỉ bằng 1 chiếc tuốc-nơ-vít
Cửa chính, cửa sổ đều không có dấu hiệu bị cạy phá nhưng điều đáng kinh ngạc là 14 căn hộ ở một chung cư cao cấp đã bị mất tài sản có tổng giá trị lên tới 2 tỷ đồng. Một tháng sau khi vụ trộm thứ 14 xảy ra, lực lượng hình sự CAQ Nam Từ Liêm, CATP Hà Nội đã bắt giữ được “siêu trộm” gây án chỉ bằng một chiếc… tuốc-nơ-vít.
Đối tượng Mai Xuân Hải và tang vật trộm cắp được
Bị trộm ghé thăm, hàng loạt căn hộ sạch trơn dấu vết
Từ tháng 7 đến tháng 11-2016, CAQ Nam Từ Liêm liên tục nhận được đơn trình báo của người dân tại Khu đô thị Sudico và The Garden thuộc phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội về việc bị trộm đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản. Đáng chú ý trong số này có nhà chị Nguyễn Thanh Tâm ở CT1, 2 lần bị trộm ghé thăm trong vòng 1 tháng. Lần đầu tiên vào ngày 17-7, nhà chị bị trộm một máy vi tính nhãn hiệu Dell. Ngày 20-8, nhà chị Tâm lại tiếp tục bị trộm số tiền 20 triệu đồng và một máy ảnh Canon 550D. Tổng giá trị tài sản theo chị Tâm cho biết là 50 triệu đồng.
Ở một căn hộ khác của anh Nguyễn Quốc Vinh cũng trong tòa nhà CT1, khi anh Vinh về nhà, phát hiện chiếc két sắt cá nhân vẫn ở vị trí cũ nhưng đã bị đập phá, tiền bị mất hết nhưng giấy tờ cá nhân vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong nhà lại không hề có dấu vết những mẩu sắt của chiếc két. Phải chăng tên trộm đã vào nhà anh đến 2 lần, lần đầu để lấy trộm két mang đi đập ra lấy tiền và lần thứ hai mang… trả lại két? Trước sự táo tợn của “siêu trộm” này, Ban chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm đã yêu cầu lực lượng hình sự xác lập chuyên án để đấu tranh.
Thiếu tá Đặng Mạnh Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Nam Từ Liêm cho biết, quá trình điều tra vụ án khá khó khăn vì hầu hết các vụ việc đều xảy ra vào ban ngày, không có nhân chứng chứng kiến sự việc. Camera an ninh tại các tầng không được lắp đặt, camera dưới tầng 1 của khu đô thị không có thẻ nhớ nên không lưu giữ được hình ảnh. Còn lực lượng bảo vệ của tòa nhà gần như chỉ có trách nhiệm trông giữ phương tiện, hơn nữa lại trông chờ vào hệ thống camera an ninh nên gần như không cung cấp được thông tin nào cho lực lượng công an. Chưa kể, nhiều người dân khi xảy ra mất trộm đã cho rằng “số đen phải chịu, có báo cũng không tìm được” nên cũng không ra trình báo cơ quan công an.
Dù có rất ít manh mối, nhưng sau một thời gian dài dày công rà soát, phán đoán, lực lượng hình sự CAQ Nam Từ Liêm đã phát hiện ra mấu chốt của vấn đề.
Tổng số tiền trong tài khoản ngân hàng của Mai Xuân Hải cho đến ngày bị phát hiện lên tới 750 triệu đồng
Dấu vết lạ từ cửa sổ mở ra hành lang
Video đang HOT
Với hàng loạt vụ trộm này, chỉ huy lực lượng Cảnh sát hình sự CAQ Nam Từ Liêm đã yêu cầu nghiêm túc thực hiện lại việc khám nghiệm hiện trường. Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện ra rằng, tất cả các căn hộ mà đối tượng trộm đột nhập đều có cửa sổ mở ra hành lang và tại đây đã phát hiện dấu vết chờn ren của các đinh ốc do có sự tác động của con người cũng như mạt sắt rơi đầy xung quanh. Do đó lực lượng công an đã nhận định đây chính là hướng đột nhập của “siêu trộm”.
Tại sao kẻ trộm lại có thể liên tiếp đột nhập vào khu đô thị trong khi tại đây lại bố trí lực lượng khá dày? Phải chăng hắn là người quá quen thuộc tại đây?… Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra dẫn đến hướng điều tra đầu tiên của Ban chuyên án tập trung vào các đối tượng đã từng là bảo vệ tại các tòa nhà chung cư trong khu đô thị. Cùng với đó, các đối tượng kinh doanh gas, lắp đặt nội thất trong khu đô thị cũng bị đưa vào tầm ngắm.
Với sự phối hợp giúp đỡ của người dân, quá trình điều tra, rà soát đã xác định được đối tượng gây ra hàng chục vụ trộm tại Khu đô thị Sudico và The Garden là Mai Xuân Hải (SN 1989), trú tại Hà Trung, Thanh Hóa – là thợ lắp giàn phơi thông minh, hiện đang tạm trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cơ quan công an đã thu giữ trong người Mai Xuân Hải một chiếc điện thoại Samsung Galaxy A7 là tang vật trong vụ trộm cắp tài sản xảy ra vào ngày 13-10 tại Khu đô thị Mỹ Đình – Sông Đà. Không lý giải được nguồn gốc chiếc điện thoại, Mai Xuân Hải đã phải thừa nhận hành vi gây ra 14 vụ trộm tại Khu đô thị Sudico và The Garden.
Thiếu tá Đặng Mạnh Cường nhớ lại, trong số 14 vụ trộm xảy ra tại Khu đô thị Sudico, hầu hết đều có hình ảnh Mai Xuân Hải tại hiện trường. Truy xét tài khoản ngân hàng của Mai Xuân Hải, cơ quan công an còn phát hiện nhiều điều bất minh, đó là đều đặn hàng tháng, vào thời điểm sau khi vụ trộm xảy ra khoảng 1 tuần, có một số tiền lớn chuyển vào tài khoản bằng hình thức gửi tiết kiệm. Trong khi đó, Mai Xuân Hải chỉ là một công nhân lắp đặt giàn phơi, lương chỉ đủ chi dùng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tổng số tiền trong tài khoản của Mai Xuân Hải cho đến ngày bị phát hiện đã lên tới 750 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, Mai Xuân Hải thừa nhận do khi đi lắp đặt giàn phơi, phát hiện thấy ốc vít lắp ở khung cửa sổ khá sơ sài liền tháo thử khá dễ dàng. Sau đó, Hải điều tra nắm rõ quy luật sinh hoạt của người dân tại đây và thấy hầu hết đều đi làm vào ban ngày. Vì thế, trong vai một người bình thường, Hải đi vào các chung cư cao cấp này. Đứng trước các căn hộ, bấm chuông nhiều lần, nếu không thấy nhà ai mở cửa, Hải sẽ dùng tuốc-nơ-vít vặn ốc, tháo khung cửa sổ và chui vào nhà “thu dọn” đồ đạc rồi đi ra cũng bằng đường cửa sổ, tất nhiên hắn lắp lại cửa sổ như bình thường rồi mới bỏ đi.
Trộm quay trở lại hiện trường, trả giấy tờ
Trong quá trình điều tra về Mai Xuân Hải, lực lượng Cảnh sát hình sự CAQ Nam Từ Liêm còn phát hiện một chi tiết khá thú vị về đối tượng. Đó là khi đột nhập vào nhà anh Nguyễn Quốc Vinh ở tòa nhà CT1, Hải phát hiện trong nhà có 1 chiếc két sắt cá nhân. Hải đã về lại nhà trọ, lấy thùng carton, cho két sắt vào rồi mới mang về nhà trọ.
Tại đây, Hải đã phá két sắt và phát hiện ngoài tiền còn có khá nhiều giấy tờ cá nhân của anh Vinh và gia đình. Hải đã lấy tiền, mang két sắt còn nguyên giấy tờ trả lại cho anh Vinh vẫn bằng… con đường cũ. Khi các điều tra viên hỏi Hải tại sao lại trả lại giấy tờ, vì có thể sẽ bị phát hiện bắt giữ, Hải đã trả lời, số giấy tờ này không có giá trị gì với Hải nhưng với anh Vinh và người thân nếu bị mất thì phải mất nhiều thời gian mới làm được nên Hải đã “quyết tâm” mang… trả lại.
Hải cũng thừa nhận, chính sau 2 lần đột nhập vào nhà chị Tâm thấy quá dễ dàng, số tiền lấy được lớn nên Hải nảy sinh ý định trộm cắp và gửi tiết kiệm để xây nhà ở quê. Gần 2 tháng sau lần đột nhập vào nhà chị Tâm, Hải quyết định “càn quét” các chung cư quanh khu vực này. Cứ khoảng từ 3 đến 6 ngày, Hải lại đột nhập một lần.
Trong số này, phi vụ Hải lấy trộm được nhiều nhất là vào ngày 8-11-2016, tại nhà anh Nguyễn Văn G. Tại đây, Hải đã lấy được 100 triệu đồng tiền mặt ở ngăn kéo bàn làm việc cùng 1 chiếc va-li có 2 kiềng vàng, 2 lắc vàng và 6 chiếc nhẫn vàng. Chỉ 3 ngày trước ngày bị bắt, Hải đột nhập vào nhà một người Hàn Quốc lấy một máy tính xách tay nhãn hiệu LG và 2.800 USD. Đây cũng là số tiền cuối cùng mà Hải gom góp để gửi vào quyển số tiết kiệm có giá trị lớn nhất – 200 triệu đồng.
“Trong số 14 vụ trộm xảy ra tại Khu đô thị Sudico, hầu hết đều có hình ảnh Mai Xuân Hải tại hiện trường. Truy xét tài khoản ngân hàng của Mai Xuân Hải, cơ quan công an còn phát hiện nhiều điều bất minh, đó là đều đặn hàng tháng, vào thời điểm sau khi vụ trộm xảy ra khoảng 1 tuần, có một số tiền lớn chuyển vào tài khoản bằng hình thức gửi tiết kiệm”.
Thiếu tá Đặng Mạnh Cường (Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Theo Yên Hưng
An ninh thủ đô
Tự rước họa vì "cầm" phải giấy tờ tùy thân giả
Liên tiếp trong thời gian gần đây, CATP Hà Nội khám phá nhiều vụ sử dụng Thẻ sinh viên, Chứng minh nhân dân giả để đặt vào hiệu cầm đồ. Theo quy định pháp luật, đây là loại tài sản không được cầm cố.
Đối tượng và những tang vật các vụ án giấy tờ giả bị Công an Hà Nội phát hiện
"Mặt hàng" dễ cầm cố?
Như Báo ANTĐ thông tin, mới đây, CAQ Đống Đa, Hà Nội đã khám phá vụ án đối tượng sử dụng Thẻ sinh viên giả đi cầm đồ. Vụ việc xảy ra vào ngày 19-10-2015, một nam thanh niên đã mang Thẻ sinh viên đến cửa hàng của anh Nguyễn Văn H. "cầm" số tiền 3 triệu đồng. Bẵng đi một thời gian, khi đối chiếu sổ sách, anh H. phát hiện phiếu cầm đồ quá hạn mà người đặt không đến lấy, đồng thời chiếc Thẻ sinh viên trông... khang khác, nên đã đến trình báo tại CAP Láng Hạ. Kết quả giám định cho thấy chiếc thẻ trên là giả.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã xác định, bắt giữ Nguyễn Văn Mạnh (SN 1993), quê quán Thuận Thành, Bắc Ninh, là đối tượng sử dụng Thẻ sinh viên giả để cầm đồ. Khai thác mở rộng, cơ quan Công an làm rõ anh H. không phải là nạn nhân duy nhất của Nguyễn Văn Mạnh.
Một ngày sau khi kiếm được 3 triệu đồng của anh H., cũng với thủ đoạn tương tự, Mạnh đã lừa một chủ hiệu cầm đồ ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, chiếm đoạt được 3,5 triệu đồng. Ngoài các vụ việc trên, năm 2014, Mạnh cũng đã làm giả Thẻ sinh viên trường Đại học Thương mại để lừa đảo một chủ hiệu cầm đồ ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chiếm đoạt 3,5 triệu đồng.
Cuối tháng 3-2016, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã bóc gỡ một ổ nhóm chuyên làm giả Thẻ sinh viên và Chứng minh nhân dân để mang đi cầm đồ. Các đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Tiến Việt (SN 1993, trú tại thị trấn Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Văn Cường (SN 1996, trú tại quận Dương Kinh, Hải Phòng); Đoàn Duy Thắng (SN 1996, trú tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) và Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1991, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).
Từ tháng 12-2015 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã mang Thẻ sinh viên giả đi nhiều nơi để cầm cố, chiếm đoạt được 10 triệu đồng ở hiệu cầm đồ do anh Nguyễn Thành Trung (ở phố Tân Triều, quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm chủ; và lừa lấy được 4,5 triệu đồng của một hiệu cầm đồ khác tại quận Bắc Từ Liêm. Trong quá trình tiếp tục sử dụng thủ đoạn này tại cửa hiệu của anh Nguyễn Quang C. trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm để "kiếm" 3 triệu đồng, các đối tượng đã bị anh C nghi ngờ, giữ lại rồi thông tin đến cơ quan Công an.
Đừng ham lợi nhỏ
Theo quy định về hoạt động kinh doanh cầm đồ tại Nghị định 72/2009 và Thông tư 33/2010, tài sản cầm cố phải là tài sản có xác định sở hữu như nhà cửa, máy tính, điện thoại, xe máy, ô tô... Riêng đối với giấy tờ xác định sở hữu như "sổ đỏ", "sổ hồng", nếu người mang đến hiệu cầm đồ nhưng không đứng tên, thì phải có giấy ủy quyền.
Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: theo quy định, các loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Thẻ sinh viên không thuộc diện được phép cầm cố. Nhưng vì chiều khách, thậm chí, có cả tâm lý vụ lợi, cho rằng với mỗi cá nhân, chiếc Thẻ sinh viên, Chứng minh nhân dân có giá trị quan trọng, nên nhiều chủ hiệu cầm đồ vẫn nhận "cầm" loại giấy tờ này.
Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng Thẻ sinh viên hay giấy tờ tùy thân giả để thế chấp. Lại có đối tượng đặt giấy tờ tùy thân thật, những lần đầu đến lấy và trả tiền đúng hẹn. Sau khi có được lòng tin của chủ hiệu cầm đồ, đối tượng sử dụng giấy tờ giả, xin vay số tiền lớn rồi... biến mất.
Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo các chủ hiệu cầm đồ cần tuân thủ quy định của Nhà nước, không nên nhận những giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Thẻ sinh viên, để tránh nguy cơ mắc bẫy lừa. "Trường hợp phát hiện những người đến cầm cố giấy tờ tùy thân, cần cảnh giác, từ chối và thông tin ngay đến cơ quan Công an. Bởi không loại trừ trong số ấy có kẻ xấu", đại diện CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo.
Khó xác định giấy tờ giả bằng mắt thường
Theo đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội, thủ đoạn làm giả giấy tờ thường có 3 dạng: đối tượng sử dụng phôi thật rồi dùng hóa chất tẩy xóa, từ đó điền nội dung mới, hoặc sử dụng một mặt của giấy tờ thật, mặt sau là giấy tờ giả.
Thậm chí, đối tượng áp dụng kỹ thuật đồ họa kết hợp sử dụng thiết bị in ấn công nghệ cao để làm giả hoàn toàn. Chính vì vậy, bằng mắt thường, thậm chí bằng kính lúp, rất khó để xác định được giấy tờ là giả hay không, mà phải thông qua các thiết bị điện tử hiện đại.
Việc nhận "cầm" giấy tờ tùy thân, nguy cơ không chỉ đến với chủ hiệu cầm đồ, mà cả với xã hội. Hiệu cầm đồ chính là những "địa chỉ" mà tội phạm thường tìm đến để khai thác "nguyên liệu" Thẻ sinh viên, Chứng minh nhân dân, để phục vụ ý đồ xấu. Với những loại giấy tờ này, chúng sẽ sử dụng để phục vụ các giao dịch mua bán xe máy, ô tô, bất động sản...
Lực lượng Công an cơ sở cần thường xuyên tiến hành kiểm soát, tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh cầm đồ, không nhận cầm cố, thế chấp hoặc mua bán các loại giấy tờ tùy thân, tránh bị tội phạm lợi dụng.
Theo_An ninh thủ đô
Làm giấy chuyển tuyến giả quay lại tống tiền Giám đốc bệnh viện Được nhờ làm giấy chuyển tuyến giả, Trần Thị Thảo trú tại Sơn La đã giữ lại bản sao, quay lại tống tiền Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn nhằm chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng. Ngày 9-9, Cơ quan ANĐT CATP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với...