Siêu thị ‘chạy đua’ khuyến mãi, giảm giá dịp 2/9
Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, nhiều siêu thị áp dụng các chương trình giảm giá, thậm chí bán hàng không lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng.
Nhiều siêu thị tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn dịp nghỉ lễ 2/9.
Thời điểm này, nhiều siêu thị đã khởi động chương trình khuyến mãi lễ 2/9, dự kiến kéo dài đến giữa tháng 9. Điểm đáng chú ý là năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ đầu tư kinh phí lớn hơn, tung nhiều hoạt động hấp dẫn hơn mọi năm nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng một cách thiết thực.
Bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart cho biết, dự báo nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sẽ tăng cao trong 4 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, hệ thống WinMart/WinMart đã có kế hoạch chủ động nguồn cung đầy đủ, dồi dào hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức chương trình khuyến mại áp dụng cho hàng trăm mặt hàng với mức giảm giá lên đến 40%.
Cụ thể, từ ngày 1/9, hệ thống WinMart/WinMart ra mắt chương trình “Hàng Tươi – Giá Tốt” với 4 sản phẩm chủ đạo giá rất tốt như gạo tẻ trắng Ngọc Nương 750g có giá 10.000 đồng/ túi, táo Braeburn NewZealand có giá 49.900 đồng/kg, thịt MeatDeli có giá 99.900 đồng/kg, O’lala trứng gà sạch hộp 10 quả có giá 29.500 đồng/ hộp. Theo hệ thống này, đây là những mặt hàng thiết yếu có mức giá rất tốt so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.
Còn từ 1 – 14/9, hệ thống siêu thị Central Retail triển khai chương trình “Bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” trên toàn bộ hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market. Chương trình áp dụng với khoảng 160 mã hàng của gam thịt lợn tươi – chủ lực tập trung vào các sản phẩm thường dùng cho mâm cơm gia đình như: Thịt đùi, thịt vai, cốt lết, nạc dăm, ba chỉ. Central Retail dự kiến, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tươi trong thời gian áp dụng chương trình “bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” khoảng 135-140 tấn.
“Gần đây, giá thịt lợn hơi trong nước lại tiếp tục tăng trở lại. Chúng tôi triển khai chương trình bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, cam kết lợi nhuận bằng 0%, nhằm chung tay bình ổn giá thịt lợn. Hành động này cũng thể hiện sự đồng hành của doanh nghiệp đối với Chính phủ”, Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail cho biết.
Còn từ nay đến giữa tháng 9/2022, Aeon Việt Nam áp dụng nhiều ưu đãi khi mua sắm tại hệ thống với các sản phẩm thịt cá, rau củ quả; sản phẩm tiêu dùng nhanh giảm từ 20-50%; đồ gia dụng – điện máy giảm đến 50% từ các thương hiệu Tefal, Energizer, Toshiba, Sony… sản phẩm bánh trung thu có mức chiết khấu tốt để khách hàng lựa chọn.
Theo bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng Điều tiết cung cầu ( Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), thị trường hàng hóa tháng 8 khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm thực phẩm tăng mạnh trong các dịp rằm tháng 7 và chuẩn bị cho dịp rằm Trung thu. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Mặt hàng thịt lợn sau thời gian có biến động tăng giá, sang tháng 8 đã ổn định trở lại.
Theo đại diện Tổ điều hành thi trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường hàng hóa vào giai đoạn cuối năm sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cơ bản hồi phục sau dịch bệnh COVID-19 cùng với sự giám sát, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa sẽ bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá một số loại hàng hóa có thể có biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.
Video đang HOT
Chính vì vậy, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Thị trường nông sản tuần qua: Lo ngại nguồn cung đẩy giá gạo Ấn Độ tăng
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 365-371 USD/tấn, tăng so với mức 360-366 USD/tấn trong tuần trước.
Thị trường gạo châu Á:
Một công nhân thu gom gạo đã xử lý để sấy khô tại một nhà máy gạo ở ngoại ô Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: reuters.com
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng trong tuần này trong bối cảnh diện tích trồng lúa giảm làm dấy lên lo ngại về nguồn cung của vụ mùa mới, trong khi đó giá gạo Việt Nam giảm so với các nước khác.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 365-371 USD/tấn, tăng so với mức 360-366 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết thời tiết không ủng hộ mùa màng ở miền Đông và miền Bắc Ấn Độ. Các thương nhân đã bắt đầu báo giá lúa cao hơn khi dự kiến sản lượng của vụ mùa mới thấp hơn.
Nước láng giềng Bangladesh sẽ bắt đầu bán gạo với giá rẻ hơn cho 5 triệu gia đình nghèo và mở rộng chương trình bán gạo rẻ từ tháng 9/2022, nhằm kiềm chế giá trong nước tăng cao, sau khi chính phủ tăng giá dầu trong nước.
Bộ trưởng Lương thực Bangladesh Sadhan Chandra Majumder bày tỏ hy vọng thị trường gạo trong nước sẽ ổn định sau khi bắt đầu mở bán, đồng thời cho biết thêm rằng nước này có đủ nguồn dự trữ.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức 390-393 USD/tấn trong phiên 18/8.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo Thái Lan do nhu cầu yếu và nguồn cung lớn từ vụ thu hoạch Hè - Thu.
Theo thương nhân này, hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc và Philippines đã giảm lượng mua, trong đó người mua từ Philippines quan tâm nhiều đến gạo giá thấp.
Các thương lái cho biết thêm giá gạo giảm một phần do chất lượng gạo từ vụ thu hoạch Hè-Thu không tốt hơn so với gạo của các đối thủ cạnh tranh.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 416 - 420 USD/tấn so với mức 420 - 428 USD/tấn. Mặc dù chi phí vận chuyển giảm nhưng vẫn chưa có đơn đặt hàng lớn.
Một thương nhân khác cho biết đã có hoạt động giao thương giữa Trung Đông và châu Âu thông qua Thái Lan, và thời tiết thuận lợi, có mưa giúp cây lúa phát triển tốt.
Thị trường nông sản Mỹ:
Giá các loại nông sản Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong khi giá ngô và lúa mỳ tăng thì giá đậu tương lại đi xuống.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 7,5 xu Mỹ (1,22%) lên 6,2325 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 cũng tiến 22 xu Mỹ (2,94%) lên 7,71 USD/bushel. Tuy nhiên, giá đậu tương giao tháng 11/2022 lại giảm 1,25 xu Mỹ (0,09%) xuống 14,04 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Các nhà quản lý quỹ đang mua lúa mỳ mới, nhưng nhu cầu xuất khẩu mới đang thiếu. Trong bối cảnh sản lượng vụ đậu tương năm 2022 của Mỹ cao kỷ lục, nguyên nhân khiến giá đậu tương trên sàn CBOT cao hơn là do nhu cầu.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự kiến khối lượng giao dịch nông sản trên sàn CBOT sẽ giảm vào cuối mùa Hè, nhưng xu hướng tăng giá vẫn duy trì trong thời gian dài hơn.
Giá chào bán lúa mỳ/ngô FOB (giá tại cửa khẩu bên người bán) của Ukraine đã giảm mạnh do thị trường khuyến khích các nhà nhập khẩu mạo hiểm gửi tàu vào Biển Đen để bốc hàng.
Thị trường cà phê thế giới:
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London điều chỉnh tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 tăng 11 USD, lên 2.226 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 tăng 8 USD lên 2.226 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng tăng. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tăng 1,25 xu Mỹ lên 215,95 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 tăng 1,50 xu Mỹ lên 213,35 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 - 200 đồng, lên dao dộng trong khung 47.700 - 48.200 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn điều chỉnh tăng phiên cuối tuần do các giới đầu cơ cân đối tất toán sổ sách kinh doanh trong tuần.
Giá cà phê suy yếu trong cả tuần còn do chỉ số đồng USD tăng 1,84% khiến các tiền tệ mới nổi mất giá làm giảm sức mua và lo ngại rủi ro tăng cao. Tâm trạng tồi tệ này đã góp phần cùng với các yếu tố như lo ngại về lãi suất ở Mỹ, sự suy thoái kinh tế Trung Quốc, lạm phát ở châu Âu và giá cả hàng hóa sụt giảm.
Tuy vậy, giá cà phê hai sàn tăng phiên cuối tuần còn do báo cáo tồn kho tại sàn ICE Europe - London tiếp tục sụt giảm và sau khi nhà tư vấn hàng đầu HedgePoint Global Market đưa ra dự báo ước tính niên vụ 2022/2023 tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 1,9% và do đó, toàn cầu chỉ dư thừa 0,3 triệu bao, thay vì dư thừa gần 7 triệu bao theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), do sản lượng giảm ở Việt Nam, Colombia, Honduras đã hỗ trợ.
Hàng hóa chỉ tăng mà không giảm: Nguy hiểm thế nào? Theo chuyên gia, nếu giá hàng hóa leo thang, thiết lập mặt bằng mới và không chịu giảm trở lại sẽ để lại nhiều hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Viện dẫn việc giá hàng hóa không chịu giảm sau nhiều ngày giá xăng dầu đi xuống, các chuyên gia nhận xét, đó là thực trạng chưa được kiểm soát và giải quyết...