Siêu tên lửa Ấn Độ “kì phùng địch thủ” của HQ-9 Trung Quốc
Ấn Độ đã thử thành công tên lửa siêu thanh do chính nước này chế tạo, tên lửa này được cho là đối thủ nặng kí của HQ-9 của Trung Quốc.
Tân Hoa xã ngày 23/4 đưa tin, không quân Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa siêu thanh Akash tại bãi thử Chandipur trong một căn cứ quân sự ở bang Odisha, miền đông nước này.
Đây là loại tên lửa đất đối không do tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển. Tên lửa Akash nặng 720kg, có tầm bắn 27km và có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân 60kg với tốc độ lên tới 2,5 Mach, được trang bị radar giám sát 3D Rajendra có thể theo dõi 64 mục tiêu cùng lúc. Vì vậy tên lửa này có khả năng đánh chặn các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa không đối đất.
Siêu tên lửa Akash của Ấn Độ
Việc chế tạo và thử nghiệm thành công siêu tên lửa này của Ấn Độ có thể sẽ đưa Ấn Độ trở thành một trong số ít những nước trên thế sở hữu công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại này.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã sản xuất được hệ thống phòng không tầm xa thế hệ mới HQ-9. Hệ thống phòng không này cũng đã đưa tên tuổi của Trung Quốc vào một trong số ít những nước trên thế giới sở hữu công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại.
HQ-9 được coi là niềm tự hào của quân đội Trung Quốc, bởi trên thế giới không nhiều nước có thể tự sản xuất được hệ thống phòng không tầm xa như vậy. HQ-9 làm tăng đáng kể sức mạnh phòng không của Bắc Kinh.
Hệ thống phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc.
Đáng chú ý, các chuyên gia vũ khí của Trung Quốc đã phát triển HQ-9 có thể kết hợp được với hệ thống S-300 của Nga. Có nghĩa là HQ-9 hoàn toàn có thể bắn được tên lửa của Nga.
Mỗi tổ hợp HQ-9 gồm 4 bệ phóng với 16 tên lửa và 1 Radar điều khiển hỏa lực HT-233. Tầm bắn của tên lửa của hệ thống HQ-9 vào khoảng 150 km. HQ-9 sử dụng công nghệ phóng thẳng đứng, giúp tên lửa có thể thay đổi phương hướng 360 độ. Cùng lúc có thể diệt được 8 mục tiêu trên không.
Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, HQ-9 ngoài việc bắn máy bay còn có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo giống với S-300 của Nga (có tính năng phòng thủ tên lửa).
Theo Báo Đất Việt