Siêu tàu sân bay Mỹ hỏng máy phóng điện từ
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford phải giảm bớt hoạt động bay trong đợt thử nghiệm trên biển sau khi máy phóng điện từ ngừng hoạt động 5 ngày.
Hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) trên siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford bị hỏng hôm 2/6, trước khi chiến hạm này bắt đầu đợt nghiệm thu trên Đại Tây Dương. Đây là đợt kiểm tra quan trọng, đánh dấu lần đầu USS Gerald R. Ford tiếp nhận một không đoàn trên hạm với 1.000 phi công và nhân viên kỹ thuật.
Mãi tới ngày 7/6, hệ thống EMALS mới được khắc phục, khiến tàu sân bay Ford phải giảm bớt nhiều hoạt động bay, nhưng hải quân Mỹ khẳng định chiến hạm và không đoàn trên hạm vẫn hoàn tất nhiều mục tiêu thử nghiệm theo kế hoạch.
USS Gerald R. Ford di chuyển trên Đại Tây Dương hôm 4/6. Ảnh: US Navy.
“Chuyến thử nghiệm của Không đoàn trên hạm số 8 là thời khắc lịch sử với tàu Ford. Đơn vị này đã hoàn thành hàng trăm lượt cất hạ cánh, trong đó 50 học viên và phi công được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trên tàu sân bay”, hạm trưởng J.J. Cummings nói hôm 1/6.
Video đang HOT
“Sự cố dường như xảy ra khi hệ thống điều phối năng lượng được khởi động lại bằng cách thủ công. Nó không uy hiếp an toàn bay, chúng tôi đang xem xét quy trình vận hành và ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của tàu”, phát ngôn viên hải quân Mỹ Danny Hernandez hôm qua cho biết.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford sử dụng năng lượng điện để vận hành máy phóng và cáp hãm đà, thay thế hệ thống chạy bằng hơi nước trên tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay. Quan chức hải quân Mỹ cho rằng công nghệ điện từ giúp đơn giản hóa việc bảo dưỡng thiết bị, giúp máy bay tăng tốc trơn tru và giảm hư hại khung thân.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phê phán hệ thống EMALS, cho rằng nó “không có tác dụng” và yêu cầu hải quân Mỹ “quay trở lại với thiết bị hơi nước”. Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ cho biết Lầu Năm Góc phải chật vật để chứng minh độ tin cậy của các hệ thống then chốt trên USS Gerald R. Ford, trong đó có EMALS.
Tiêm kích F/A-18F cất cánh sau khi hệ thống EMALS được sửa chữa hôm 7/6. Ảnh: US Navy.
Là mẫu tàu sân bay được thiết kế mới đầu tiên của Mỹ trong 40 năm qua, lớp Ford được trang bị nhiều công nghệ và các hệ thống vận hành mới, giúp tàu có thể tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa.
Sở hữu lượng giãn nước đầy tải 100.000 tấn và chi phí chế tạo 13 tỷ USD, USS Gerald R. Ford cũng là tàu sân bay lớn và đắt tiền nhất thế giới. Tuy nhiên, hàng loạt lỗi kỹ thuật đã khiến siêu tàu sân bay này chưa thể hoàn thiện để đưa vào vận hành. Một số quan chức Mỹ cảnh báo nó chỉ có thể đạt khả năng chiến đấu đầy đủ vào năm 2024.
Iran hoàn thiện mô hình tàu sân bay Mỹ để tập bắn
Mô hình tàu sân bay lớp Nimitz được Iran hoàn thiện và sẵn sàng rời cảng, trở thành mục tiêu cho một đợt diễn tập bắn đạn thật.
Ảnh vệ tinh được công ty Maxar công bố hôm qua cho thấy mô hình tàu sân bay lớp Nimitz được Iran chế tạo đã tách khỏi cầu tàu ở cảng Bandar Abbas, trên sàn đáp còn có 15 mô hình tiêm kích Mỹ. Mô hình dài khoảng 200 m và rộng 50 m, có kích thước bằng hai phần ba tàu sân bay lớp Nimitz thật.
Tehran không xác nhận thông tin liên quan tới mô hình, nhưng giới chuyên gia nhận định Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có thể dùng nó cho các đợt diễn tập bắn đạn thật trong năm nay nhằm hoàn thiện năng lực tiến công tàu sân bay Mỹ.
Hạm đội 5 hải quân Mỹ, đơn vị đặc trách các vùng biển tại Trung Đông, chưa bình luận về thông tin này.
Mô hình tàu sân bay tại cảng Bandar Abbas hôm 7/6. Ảnh: Maxar.
Mô hình tàu sân bay Mỹ được phát hiện lần đầu hồi tháng 1 năm nay, có vẻ ngoài tương tự mục tiêu nổi được Iran sử dụng trong cuộc tập trận "Nhà tiên tri Vĩ đại 9" năm 2015. Hải quân Iran và IRGC khi đó sử dụng lượng lớn xuồng cao tốc để bắn phá mục tiêu bằng súng máy và rocket, trước khi tên lửa chống hạm phá hủy mô hình.
"Hàng không mẫu hạm có kích thước rất lớn. Tên lửa hành trình phải đánh chính xác vào những vị trí hiểm yếu trên tàu. Nếu không tàu sân bay sẽ chỉ chịu thiệt hại không quá nặng và khó lòng bị đánh chìm", Bryan Clark, cựu cố vấn đặc biệt của hải quân Mỹ, nhận xét.
Clark cho rằng Iran có thể tháo đầu dò tên lửa diệt hạm, lắp đầu dò lên tiêm kích và bay xung quanh con tàu nhằm nghiên cứu khả năng bám bắt mục tiêu của tên lửa. Các phi cơ cũng có thể tiếp cận mô hình theo quỹ đạo của tên lửa hành trình để xây dựng đường bay và kế hoạch tác chiến.
Đợt tập trận năm 2015 diễn ra trong bối cảnh Iran và các cường quốc vẫn đang đàm phán về thỏa thuận hạt nhân. Quan hệ giữa Tehran và Washington trở nên căng thẳng từ khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran hồi năm 2018.
Nguy cơ xung đột lên đến đỉnh điểm hồi tháng 1 khi Mỹ dùng máy bay không người lái hạ sát tướng đặc nhiệm Iran Qassem Soleimani ở Iraq. Iran sau đó phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào các căn cứ có lực lượng Mỹ ở Iraq để trả đũa.
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Iran gần đây bắt đầu có một số dấu hiệu tích cực. Washington đầu tháng 5 rút bớt lá chắn phòng không Patriot khỏi Trung Đông, cho rằng mối đe dọa từ Tehran đã giảm bớt.
Iran hôm 5/6 phóng thích Michael White, cựu lính hải quân Mỹ bị bắt từ năm 2018, để đổi lấy việc Washington cho phép nhà vật lý Majid Taheri tới Iran để thăm gia đình. Taheri mang quốc tịch Mỹ và Iran, bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó lên tiếng cảm ơn Tehran, cho rằng hai nước có thể cải thiện quan hệ.
Phục hồi sau COVID-19, 2 tàu sân bay Mỹ đến Thái Bình Dương Hôm 8/6, tàu USS Ronald Reagan và USS Nimitz bắt đầu di chuyển đến Thái Bình Dương sau thời gian cách ly, ngăn lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Hạm đội 7 của Mỹ cho biết, tàu USS Ronald Reagan hôm 8/6 rời cảng Yokosuka, Nhật Bản, để bắt đầu đợt tuần tra cùng các tàu sân bay khác của Mỹ. Trước khi thực hiện...