Siêu tàu sân bay 13 tỷ đô gia nhập hải quân Mỹ vào tháng 9
USS Gerald R. Ford, tàu chiến đắt nhất từng được đóng, dự kiến gia nhập đội tàu hải quân Mỹ vào tháng 9 tới.
USS Gerald R. Ford, tàu đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay mới nhất của hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Sean J. Stackley, trợ lý bộ trưởng hải quân phụ trách các thương vụ, hôm 6/4 đưa ra khung thời gian cho siêu tàu sân bay 100.000 tấn, dài 335 m trong lời điều trần chuẩn bị cho Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Đến tháng ba, tàu Ford hoàn thiện đến 97%, CNN dẫn lời Stackley nói. Tàu bắt đầu được đóng năm 2009. Ông cho biết tàu sân bay dự kiến bắt đầu chạy thử trên biển vào tháng 7 và sẽ được công ty Newport News Shipbuilding chuyển giao cho hải quân sau đó hai tháng.
Tàu được đặt theo tên tổng thống thứ 38 của Mỹ, người qua đời năm 2006. Ông từng làm việc trên tàu sân bay USS Monterey trong Thế chiến II và giải ngũ khỏi hải quân khi làm thiếu tá.
USS John F. Kennedy (CVN 79) và USS Enterprise (CVN 80) là hai tàu sân bay tiếp theo thuộc lớp Ford. Tàu John F. Kennedy đến tháng ba hoàn thành 18% và sẽ được hạ thủy vào năm 2020. Còn tàu Enterprise sẽ bắt đầu được đóng năm 2018.
Khung thời gian cho các tàu chiến lớn nhất của hải quân Mỹ được đưa ra khi ông Stackley yêu cầu các nhà lập pháp xem xét ngân sách hải quân trong vòng 5 năm tới. Hải quân muốn chi 81,3 tỷ USD trong giai đoạn đó để đóng 38 tàu chiến, ông nói. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng một lực lượng tác chiến hải quân gồm 308 tàu, tính đến năm 2021.
Trọng Giáp
Video đang HOT
Theo VNE
Siêu tàu sân bay 13 tỷ USD của Mỹ trang bị pháo laser
Hải quân Mỹ sắp đưa vào hoạt động siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford với các công nghệ và hệ thống vũ khí tân tiến, hứa hẹn giúp Washington giữ thế thượng phong trên biển.
Siêu tàu sân bay Gerald R. Ford. Ảnh: Huntington Ingalls Industries
Đại úy Jesus Uranga từ Văn phòng Thông tin Hải quân Mỹ hồi giữa tháng cho biết siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford, số hiệu CVN78, sẽ được đưa vào biên chế của hải quân Mỹ trong mùa hè này. Đây là tàu sân bay tân tiến và đắt giá nhất thế giới với chi phí hoàn thiện lên đến 13 tỷ USD.
Theo Market Watch, tàu sân bay khổng lồ này có thể chở hơn 4.500 người và có trọng lượng lên đến 90.000 tấn. USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên xuất xưởng trong số các tàu sân bay lớp Ford mà Mỹ đang đóng, dự kiến thay thế một số tàu sân bay lớp Nimitz mà hải quân đang sử dụng.
Thoạt nhìn, cả hai lớp tàu sân bay kể trên có thân tàu giống nhau nhưng thực tế, tàu sân bay lớp Ford sở hữu hàng loạt cải tiến về công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như giảm chi phí vận hành.
Thay vì dùng hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước như trước đây, siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ sử dụng hệ thống phóng điện từ (EMALS) có trọng lượng nhẹ hơn và chiếm ít không gian hơn.
EMALS không cần quá nhiều nhân lực để vận hành, đồng thời có độ tin cậy cao và tiết kiệm năng lượng hơn. Hệ thống này có khả năng phóng một máy bay trong 45 giây, nhanh hơn 25% so với hệ thống phóng bằng hơi nước.
Hệ thống phóng mới chỉ là một chi tiết đổi mới rất nhỏ của siêu tàu sân bay này. Tàu USS Gerald R. Ford còn có một tháp chỉ huy được thiết kế lại và bố trí ở vị trí khác so với các tàu sân bay lớp cũ. Tháp chỉ huy là nơi đặt đài kiểm soát không lưu và đài chỉ huy tác chiến của cả chiếc tàu sân bay.
Tên lửa Evolved SeaSparrow có nhiệm vụ bảo vệ tàu. Ảnh: Raytheon
Tàu có ba thang máy với công suất mạnh hơn nhiều so với 4 thang trên tàu sân bay lớp Nimitz. Ngoài ra, tàu còn được trang bị một hệ thống cứu hộ máy bay tân tiến dùng để nâng và vận chuyển máy bay đi nơi khác khi phương tiện gặp sự cố trên đường băng.
Các thay đổi về thiết kế boong tàu cũng giúp tăng số lần xuất kích của máy bay.
Hệ thống cảm biến trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford cũng được nâng cấp mạnh mẽ, bổ sung radar tìm kiếm và theo dõi mảng pha điện tử chủ động tích hợp (AESA). Hệ thống mới này không bao gồm các bộ phận chuyển động nên góp phần hạn chế nhu cầu bảo trì và giảm thiểu nhân sự vận hành.
Các radar AESA tân tiến còn giúp USS Gerald R. Ford cùng những máy bay trên tàu phát đi các tín hiệu cực mạnh trong khi vẫn duy trì trạng thái tàng hình, giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu trên thực địa.
Năng lực chiến đấu xuất sắc
Súng bắn laser sẽ được triển khai trên siêu tàu sân bay Gerald R. Ford trong tương lai. Ảnh: US Navy
Theo bình luận viên Jurica Dujmovic của Market Watch, năng lực chiến đấu của tàu USS Gerald R. Ford được đánh giá là rất xuất sắc. Tên lửa phòng không Evolved SeaSparrow (ESSM) của USS Gerald R. Ford có nhiệm vụ bảo vệ con tàu khỏi mối đe dọa từ các tên lửa diệt hạm tốc độ cao.
USS Gerald R. Ford còn được bảo vệ khỏi các mối đe dọa nhờ tên lửa phòng không tầm ngắn Rolling Airframe (RAM). Đây là loại tên lửa nhỏ và nhẹ với trọng lượng 73,5 kg, trong đó đầu đạn nặng 11,3 kg. Tên lửa có tầm bắn 9 km và tốc độ trên Mach 2 (khoảng 680 mét/giây). Giá thành mỗi tên lửa RAM lên đến một triệu USD.
Ngoài ra, USS Gerald R. Ford còn được lắp đặt nhiều tháp súng máy và súng nòng xoay Gatling, đồng thời có khả năng mang theo 75 chiến đấu cơ sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.
Với các công nghệ này, USS Gerald R. Ford chỉ cần 2.600 thủy thủ để vận hành, ít hơn 600 người so với tàu sân bay lớp Nimitz. Chỉ tính riêng điều này đã giúp hải quân Mỹ tiết kiệm hơn 4 tỷ USD chi phí sử dụng trong suốt vòng đời 50 năm của con tàu, nếu so sánh với lớp tàu sân bay Nimitz.
Gerald R. Ford cũng sở hữu nguồn năng lượng vô cùng ấn tượng. Hoạt động của con tàu được duy trì bởi năng lượng từ hai lò phản ứng hạt nhân Bechtel A1B. Mỗi lò sản xuất khoảng 300 MW điện, nhiều gấp ba lần công suất của các lò phản ứng hạt nhân trên tàu sân bay lớp Nimitz.
Nguồn năng lượng khổng lồ đi liền với hỏa lực mạnh mẽ. Chỉ phân nửa năng lực sản xuất điện của tàu Gerald R. Ford cũng đủ để vận hành tất cả các hệ thống trên tàu. Vì thế, Gerald R. Ford sẽ có một nguồn dự trữ năng lượng lớn để sử dụng cho nhiều hệ thống và vũ khí tân tiến hơn trong tương lai, ví dụ như vũ khí laser electron tự do hay hệ thống giáp điện bảo vệ tàu. Chi phí cho mỗi phát bắn laser chỉ vào khoảng vài USD nhưng công suất của tia laser có thể lên tới 10 MW.
Với những thay đổi, nâng cấp về công nghệ và vũ khí tối tân như thế, siêu tàu sân bay Gerald R. Ford thực sự mang trong mình một sức mạnh đáng gờm, chắc chắn sẽ giúp Mỹ giữ thế thượng phong trong các cuộc chiến tranh hải quân thế kỷ XXI, Dujmovic kết luận.
Hồng Vân
Theo VNE
Ấn Độ tính đóng siêu tàu sân bay Hải quân Ấn Độ dự kiến hoàn thành thiết kế của một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới vào cuối năm nay với trọng tải 65.000 tấn. Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ INS Vikrant đang được đóng tại thành phố cảng Kochi. Ảnh: The Hindu The Hindu dẫn các nguồn tin hải quân cho hay,...