Siêu lừa chiếm đoạt trên 10 tỉ đồng bao “bồ nhí”
Thuê khách du lịch người Nhật Bản đến các lớp đào tạo lao động để tạo niềm tin, Chu Đình Huy còn thuê người làm giả visa, thẻ lưu trú để lừa đảo người lao động. Trên 10 tỉ đồng chiếm đoạt được từ giấc mơ đổi đời của gần 200 người lao động đã bị kẻ lừa đảo sử dụng để ăn chơi, thuê nhà bao “bồ nhí”…
Ngày 14/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an Hà Nội cho biết, đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Selaco – Chi nhánh Hưng Yên”. Đây là vụ lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng với số người bị hại và số tiền thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản.
Theo khai nhận của “siêu lừa” Chu Đình Huy (SN 1984) ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, năm 2006, anh ta đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Năm 2011, Huy về Việt Nam. Thất nghiệp, Huy mày mò tìm những công ty có chức năng xuất khẩu lao động để thực hiện kế hoạch lừa đảo.
Tháng 10/2012, Huy gặp Nguyễn Trí Năng (SN 1972), Giám đốc Chi nhánh Hưng Yên – Công ty CP Xuất khẩu lao động và Vận tải thủy miền Nam (Selaco). Nghe Huy khoe có quen biết nhiều nghiệp đoàn lao động Nhật Bản có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam sang làm việc, ông Năng đã mời Huy về công ty làm công tác đối ngoại, tìm kiếm các đối tác Nhật Bản để Công ty Selaco ký kết hợp đồng cung ứng lao động.
Trên thực tế, Chi nhánh Hưng Yên chỉ có chức năng tiếp nhận hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động để tổ chức các lớp đào tạo nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài; không được phép ký hợp đồng và thu tiền dịch vụ của người lao động. Tuy nhiên, từ khi “tuyển” được Chu Đình Huy về chi nhánh làm việc, với hy vọng sẽ dựa vào Huy để tìm kiếm các đối tác, nghiệp đoàn Nhật Bản, Nguyễn Trí Năng đã tự ý thành lập 2 văn phòng của Chi nhánh Hưng Yên tại Đông Anh (Hà Nội) và Thái Bình, bổ nhiệm Lê Văn Diệp, Vũ Văn Hứng làm đại diện để thu hồ sơ của người có nhu cầu xuất khẩu lao động.
Có “đất dụng võ” rồi, bước tiếp theo là để Nguyễn Trí Năng tin tưởng, Huy tìm một số khách du lịch người Nhật Bản sang Việt Nam, đưa họ đến Chi nhánh Hưng Yên giới thiệu đó là đối tác Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường lao động Việt Nam. Thấy Huy trao đổi với các “đối tác” bằng tiếng Nhật có vẻ rất thông thạo, Nguyễn Trí Năng hoàn toàn tin Huy sẽ mang về cho công ty những hợp đồng lao động tiềm năng. Từ đây, dựa vào giấy phép xuất khẩu lao động của Công ty Selaco và quyển phiếu thu tiền của chi nhánh Hưng Yên, Chu Đình Huy đã dễ dàng thực hiện kế hoạch lừa đảo người lao động.
Huy thông báo cho Nguyễn Trí Năng về chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản với chi phí 6.500 USD/lao động, trong đó “hoa hồng” trích cho người môi giới từ 300-500 USD/lao động và cam kết sẽ lo thủ tục cho lao động đi làm việc đúng thời hạn.
Tin tưởng ở Huy, phần khác với phần “hoa hồng” khá hấp dẫn, mặc dù chi nhánh Hưng Yên không được phép thu tiền nhưng Nguyễn Trí Năng cùng 2 văn phòng Đông Anh và Thái Bình đã tiến hành thu hồ sơ và tiền của người lao động chuyển cho Chu Đình Huy để Huy lo thủ tục, tiếp đối tác người Nhật Bản. Năng còn đưa cho Huy 2 quyển hóa đơn có đóng dấu treo của Công ty Selaco – Chi nhánh Hưng Yên cho Huy thu tiền của người lao động.
Để thu hút nhiều người lao động tìm đến nộp tiền, thi thoảng, Huy lại thuê khách du lịch người Nhật Bản đến “tham quan” các lớp đào tạo lao động của Công ty Selaco – Chi nhánh Hưng Yên và mời Nguyễn Trí Năng đi “tiếp khách” cùng. Bản thân Năng không biết tiếng Nhật nên trong các buổi “làm việc” với đối tác, Năng chỉ biết ngồi nghe Huy nói chuyện mà chẳng hiểu nội dung gì.
Sau mỗi buổi tiếp khách như vậy, nghe Huy thông báo chương trình hợp tác lao động rất khả quan, đối tác Nhật rất hài lòng và tăng chỉ tiêu tuyển dụng cho công ty, ông Năng khấp khởi mừng về một viễn cảnh do “siêu lừa” vẽ ra. Về phía người lao động, thấy Huy dẫn các “ông chủ” tuyển dụng nhân công trực tiếp đến lớp học thăm hỏi tình hình, hứa hẹn sẽ lo cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Nhật trong thời gian sớm nhất nên ai cũng tin chương trình đi lao động là có thật, tin tưởng nộp tiền cho Chu Đình Huy cũng như Nguyễn Trí Năng.
Video đang HOT
Chu Đình Huy và số giấy tờ, visa, thẻ cư trú giả hắn sử dụng để lừa đảo.
Theo Cơ quan điều tra, trực tiếp Chu Đình Huy đã sử dụng hóa đơn có dấu treo của Chi nhánh Hưng Yên thu của 15 người lao động với số tiền gần 1,2 tỉ đồng. Ngoài ra, Huy còn nhận của Nguyễn Trí Năng và 4 đầu mối thu gom lao động khác, với tổng số tiền đã chiếm đoạt là gần 10,2 tỉ đồng.
Để đối phó với người lao động, Huy thuê các đối tượng làm giả thẻ lưu trú, visa cho người lao động. Gần đến thời hạn được “bay” như Huy hứa hẹn nhưng không thấy Chi nhánh Hưng Yên có động tĩnh gì, người lao động chất vấn thì Huy đưa số giấy tờ giả này ra trấn an, lấy lý do nghiệp đoàn Nhật Bản đề nghị lùi thời hạn tiếp nhận lao động. Sau một thời gian viện ra đủ lý do để trì hoãn việc đưa người lao động đi Nhật làm việc, Chu Đình Huy bỏ trốn. Bị Huy “bỏ bom”, bản thân Nguyễn Trí Năng và các đầu mối thu gom phải trả lại khoản tiền hưởng chênh lệch cho người lao động, đồng thời truy lùng “siêu lừa”. Sau nhiều ngày “mai phục”, sáng 25/10/2013, phát hiện Chu Đình Huy xuất hiện trên phố Tràng Tiền, ông Năng đã giữ Huy, đưa đến Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội.
Tiến hành khám xét nơi ở của Chu Đình Huy tại khu chung cư đô thị Bắc Linh Đàm, Hà Nội, Cơ quan Công an đã thu giữ 29 quyển hộ chiếu và 28 thị thực Nhật Bản giả cùng danh sách hàng trăm lao động đã nộp tiền. Cơ quan điều tra cho biết, thực tế sau khi nhận hơn 10 tỉ đồng, Huy sử dụng ăn tiêu cá nhân. Mặc dù đã có vợ và 2 con gái ở Đông Anh nhưng Huy thuê một căn hộ chung cư tại khu đô thị Bắc Linh Đàm ăn ở với bồ nhí. Khi khám xét nơi ở này, Cơ quan Công an đã thu được cả bộ đồ “đập đá” của siêu lừa ăn chơi thác loạn cùng người tình.
Theo Cơ quan điều tra, mặc dù Nguyễn Trí Năng là người đã đưa Chu Đình Huy đến Cơ quan Công an và tố cáo hành vi lừa đảo của Huy, tuy nhiên trong vụ án này, ông Năng đã có nhiều sai phạm khiến Huy có cơ hội lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội như: Năng là người đưa quyển hóa đơn có đóng dấu của Chi nhánh Hưng Yên để Chu Đình Huy lợi dụng trực tiếp thu tiền, chiếm đoạt của người lao động.
Mặc dù Chi nhánh Hưng Yên không được phép thu tiền nhưng ông Năng vẫn tiến hành thu tiền của người lao động để chuyển cho Huy, mục đích để được hưởng phí quản lý lao động từ 500.000 đến 800.000 đồng/người nếu lao động được xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản. Tổng số tiền ông Năng đã nhận của người lao động là gần 5,2 tỉ đồng, trong đó đã chuyển cho Huy gần 3,3 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch gần 1,9 tỉ đồng đã được ông Năng trả lại một phần cho người lao động.
Với những sai phạm của Nguyễn Trí Năng, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra cũng cho rằng, do tin tưởng Nguyễn Trí Năng nên ông Bùi Xuân Năm, Giám đốc Công ty Selaco đã không kiểm tra, giám sát hoạt động của Chi nhánh Hưng Yên. Tuy vậy Cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự mà có văn bản kiến nghị Công ty Selaco xem xét xử lý hành chính nghiêm khắc đối với ông Năm.
Đối với Chu Đình Huy, Cơ quan điều tra xác định trong tổng số gần 10,2 tỉ đồng đã chiếm đoạt của gần 200 người lao động, Huy mới chỉ trả được 350 triệu đồng, đến nay không có khả năng khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố Chu Đình Huy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Theo An ninh Thế giới
Vợ chồng cựu Chủ tịch Tập đoàn Vina Megastar hầu tòa
Cựu chủ tịch Tập đoàn Vina Megastar hầu tòa vì bị cáo buộc tội lừa đảo của Ngân hàng Seabank số tiền gần 30 tỷ đồng.
Ngày 22/4, TAND Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Hoàng Long - cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar cùng 6 đồng phạm ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng phạm của Nguyễn Hoàng Long là vợ và các lãnh đạo công ty con thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar.
Ngoài ra, 5 can phạm trong vụ án này là cựu lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng Seabank - chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng phải hầu tòa để xem xét về tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bị cáo Nguyễn Hoàng Long và đồng phạm tại phiên tòa
Theo cáo buộc, khoảng tháng 8 đến tháng 12/2011, do cần tiền để sử dụng kinh doanh và trả nợ, lãi suất cho ngân hàng nên bị cáo Nguyễn Hoàng Long đã móc nối giám đốc của các công ty thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar và thông đồng với Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc Seabank - Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng một số cán bộ, nhân viên Seabank - chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội thực hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội là làm giả các hợp đồng mua bán sắt thép, hợp đồng thuê kho ba bên, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản... để ký 7 hợp đồng tín dụng vay của Seabank - chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội số tiền gần 30 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp hơn 5 triệu kg sắt các loại, tài sản hình thành từ vay vốn, nhằm chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng.
Đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Long, cáo buộc của VKS cho biết, đã có hành vi gian dối trực tiếp ký 1 hợp đồng tín dụng khống vay 6,5 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 690 tấn thép cuộn.
Ngoài ra, Nguyễn Hoàng Long đã chỉ đạo các công ty thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar lập hồ sơ mua bán hàng hóa khống, không có tài sản thế chấp là thép cuộn, vay tiền của Seabank - Chi nhánh Hai Bà Trưng với tổng số tiền là gần 30 tỷ đồng để chiếm đoạt, sử dụng và trả nợ cho các món vay Seabank - Chi nhánh Hai Bà Trưng từ trước của các công ty thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar.
Cáo trạng truy tố cũng cho hay, Nguyễn Trang Nhung - Phó giám đốc Seabank - Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội đã duyệt ký 1 hợp đồng cho vay tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản khi không có tài sản thế chấp đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền gần 27 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hầu tòa còn có bị cáo Lê Quỳnh Anh - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí và Xây dựng Megastar. Bị cáo Lê Quỳnh Anh là vợ của bị cáo Nguyễn Hoàng Long.
Bị cáo Anh đã thực hiện hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng mua bán 407 tấn thép cuộn, để tạo điều kiện cho bị cáo khác lập hồ sơ tín dụng khống để chiếm đoạt số tiền 3,9 tỷ đồng của Seabank - Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngoài ra, Lê Quỳnh Anh còn ký hợp đồng mua bán hóa đơn khống với số lượng là 737 tấn thép cuộn nhằm lập hồ sơ tín dụng khống chiếm đoạt số tiền 7 tỷ đồng của Seabank - Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Giám đốc Seabank - chi nhánh Hai Bà Trưng tiếp tục bị truy nã
Cáo trạng cũng thể hiện, đối với Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc Seabank - Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội, sau khi thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về cho vạy trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đã xuất cảnh ra nước ngoài ngày 28/6/2012 hiện chưa quay về Việt Nam nên cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, quyết định truy nã đối với bị can.
Đối với bị can Lê Anh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc, sau khi thực hiện can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã xuất cảnh ngày 3/11/2013, hiện chưa quay về Việt Nam nên cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, quyết định truy nã, tách rút tài liệu về tội lừa đảo của bị can để khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa sáng 22/4, HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo. Tại phần làm thủ tục đưa phiên tòa ra xét xử, do thiếu một số người tham gia tranh tụng tại tòa, và một bị cáo có đơn xin vắng mặt, HĐXX đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa./.
Việt Đức
Theo_VOV
Hàng trăm người sập bẫy chiêu lừa mới từ mạng Zalo Ngày 8/3, chị N.T.N.D. (29 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận 12, TP Hồ Chí Minh) nhận được tin nhắn từ mạng Zalo với nội dung: "Bạn đã trúng được giải nhất của chương trình tri ân khách hàng, giải thưởng gồm 1 xe SH125i và 1 phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng". Chiều tối 14/4, Đội 8 - Phòng...