Siêu bão “tín dụng đen” bùng phát dữ dội
Vì sao loại hình tội phạm này lại bùng phát, và vì sao dù đã có cảnh báo, nhưng “tín dụng đen” vẫn như những cơn siêu bão đổ ập xuống, làm đau đầu cơ quan chức năng?
Ảnh minh họa
Năm 2011, dư luận lần đầu tiên biết đến khái niệm về sự càn quét của “tín dụng đen” khi hàng loạt các vụ vay nợ kiểu này bung ra, được phát hiện. UBND thành phố Hà Nội cũng đã phải có công văn gửi Công an Hà Nội và các đơn vị liên quan về việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thận trọng với hoạt động huy động vốn sau hàng loạt các vụ vỡ nợ xảy ra trên địa bàn.
Trong những đợt tổng kết, triển khai kế hoạch hành động từ năm 2011 đến nay ngành công an cũng đã đưa loại hình tội phạm “tín dụng đen” vào loại hình tội phạm phức tạp, khó ngăn ngừa.
Video đang HOT
Vì sao loại hình tội phạm này lại bùng phát, và vì sao dù đã có cảnh báo, nhưng “tín dụng đen” vẫn như những cơn siêu bão đổ ập xuống một số người dân, làm đau đầu cơ quan chức năng?
“Bão” đến từ đâu?
Cuối năm 2011, cơ quan CSĐT công an Hà Nội đã khởi tố hình sự 4 vụ vỡ nợ xảy ra tại Đan Phượng, Hà Đông, Phú Xuyên và Cầu Giấy. Thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Tạ Việt Quang, chủ nợ ở Đan Phượng. 14 xe ôtô đã bị tạm giữ niêm phong, kê biên 4 ngôi nhà, yêu cầu cơ quan chức năng ngừng việc thực hiện sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu với 2 ngôi nhà, 3 thửa đất của các chủ nợ. Với chủ nợ Nguyễn Thị Cúc ở Phú Xuyên, ngày 24/10, Cúc đã ra đầu thú.
Còn Phạm Thị Chinh ở Cầu Giấy, ngày 27/10, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh truy nã Chinh để phục vụ công tác điều tra theo đúng tiến độ, đáp ứng đòi hỏi của tình hình.
Sau sự bùng phát về các vụ vỡ nợ Hà Nội, Bắc Ninh cũng đã xảy ra vụ vỡ nợ tín dụng đen lên đến vài trăm tỷ đồng. Không đứng ngoài vòng xoáy này, TP.Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Hà Tĩnh… cũng bùng phát những vụ “tín dụng đen”. Sau những “choáng váng” của dư luận, sau những biện pháp mạnh tay của cơ quan chức năng cũng như sự tuyên truyền vận động của cơ quan chức năng, báo chí… những tưởng các vụ vay nợ “tín dụng đen” không còn nữa. Bên cạnh đó, theo nhận định, sở dĩ có các vụ vay nợ tín dụng đen với lãi suất “khủng” là bởi sự sôi động của thị trường bất động sản, vàng. Nhưng, từ năm 2011 đến nay, những “mặt hàng” kinh doanh này đang chết. Khi thị trường không hoạt động, những tưởng đã dập tắt “tín dụng đen”. Nhưng, chuyện vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng vẫn diễn ra như tại Lạng Sơn, Hà Nội hay Hải Phòng gần đây nhất.
Cách nào ngăn bão?
Tín dụng đen và các loại tội phạm liên quan đến nó đang là vấn đề nóng được lực lượng công an tập trung điều tra làm rõ. Đây cũng là loại hình tội phạm phức tạp, có khó khăn trong việc ngăn ngừa, điều tra. Bởi lẽ, các vụ vay nợ tín dụng đen đều là thỏa thuận dân sự, không có hợp đồng, cơ quan chức năng chỉ phát hiện ra khi để đòi nợ các đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo cơ quan công an, thủ đoạn chung của các “con nợ” đều giống nhau. Đa số họ đều tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có, thừa tiền, kinh doanh phát tài phát lộc để người cho vay tin rằng họ sẽ không bao giờ mất khả năng chi trả. Cùng với đó, các đối tượng này đã đánh trúng vào lòng tham của phần đông dân chúng là trả lãi suất rất cao, gấp nhiều lần lãi suất huy động của các ngân hàng. Chính vì điều này, nên dù có thể biết mười mươi về các vụ vỡ nợ tín dụng đen, nhưng người dân vẫn đưa tiền cho vay vì trông mong vào khoản lãi suất “khủng”.
Trao đổi với VnMedia, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) từng cho rằng chính bởi “kẽ hở” luật pháp khiến cho càng ngày càng xuất hiện nhiều cái tên lừa đảo tiền tỷ.
Theo phân tích của luật sư Triển, hình thức huy động tín dụng đen phải mang tội danh lừa đảo và phải bị kết án tử hình để mang tính răn đe trước pháp luật. Tuy nhiên, vừa qua Quốc hội sửa đổi khung hình phạt cho tội danh này. Theo đó, khung hình phạt cao nhất cho tội danh lừa đảo chỉ là án chung thân. Chính vì vậy, các đối tượng có mưu đồ lừa đảo người khác tự lường trước không bị tử hình, nếu chẳng may bị bắt thì “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” theo kiểu đã có một cuộc sống xa hoa, tranh thủ “tuồn” tài sản cho con cái, họ hàng… chỉ bị kết án tù chung thân nhưng nhờ các chính sách khoan hồng của pháp luật chỉ ngồi tù với mức thời gian nhất định là được tự do thì vẫn … sung sướng.
Bên cạnh đó, luật sư Triển cho rằng, đồng tiền mất giá, không ổn định cũng là cơ hội cho tín dụng đen có đất phát triển.
Theo phân tích của luật sư Triển, nếu người dân có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, phần tiền lãi suất năm nay mua được xe máy, nhưng sang năm chỉ mua được xe đạp. Trong khi đó, tâm lý của người dân là muốn tìm cơ hội kinh doanh. Với lãi suất được chào mời quá lớn, việc người dân “móc hầu bao” cũng là điều dễ hiểu!
Một lý do khác về sự ra đời của tín dụng đen là ở chỗ thủ tục của ngân hàng cho nhân dân vay vốn còn khó khăn, khiến người đi vay nản và nghĩ cách xoay sở để có tiền làm ăn bằng cách giật nóng lẫn nhau và trả lãi suất cao.
“Nếu không giáo dục cho cộng đồng tốt về pháp luật và cải thiện việc vay mượn giữa tư nhân với các ngân hàng thì càng ngày sẽ càng có nhiều vụ tín dụng đen bị vỡ. Việc này khó ngăn chặn trong thực tế”, luật sư Triển nói.
Trúc Dân
Theo Dantri