Siêu bão mạnh nhất 12 năm thách thức sống còn với chính quyền Trump
Cách Tổng thống Mỹ phản ứng trước siêu bão Harvey sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín cũng như hình ảnh của chính quyền ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.
Khi siêu bão Harvey đổ bộ bang Texas, đe dọa tính mạng hàng triệu người với mưa lớn gây lũ lụt kinh hoàng và gió giật với vận tốc lên tới 210 km/h, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên mạng xã hội Twitter để tường thuật trực tiếp diễn biến cơn bão, theo Washington Post.
“Wow, các chuyên gia gọi Harvey là trận lụt 500 năm mới có một lần”, ông Trump sáng 27/8 tweet. “Rất nhiều người nói đây là cơn bão tồi tệ nhất mà họ từng chứng kiến”.
“Thậm chí cả giới chuyên gia cũng nói họ chưa bao giờ nhìn thấy cơn bão nào như thế!”, Tổng thống Mỹ viết trong một dòng tweet khác.
Với nỗ lực nhằm thể hiện sự tham gia tích cực của bản thân, ông Trump liên tục tung ra hàng loạt thông điệp trên trang mạng xã hội quen thuộc sau khi bão Harvey làm sạt lở đất ở bờ biển Texas và được xếp bão cấp 4 trong thang 5 cấp ở Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi “khả năng phối hợp tuyệt vời” giữa chính quyền liên bang và giới chức địa phương, đồng thời dành lời khen tặng “những cá nhân tài năng ngoài hiện trường”.
Trong khi đó, các cơ quan dự báo cho rằng lượng mưa do bão Harvey còn tiếp tục tăng. Tính tới chiều 27/8, tại nhiều khu vực ở bang Texas, nước lũ đã dâng cao hơn 4 m. Cơn bão đến nay khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Theo Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ, bão Harvey gây ra “lũ lụt thảm khốc” ở thành phố Houston và tình trạng nhiều khả năng “còn trầm trọng hơn nữa”.
Giám đốc Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) Brock Long cho hay chính quyền đang lên kế hoạch ứng phó trên diện rộng và công tác khắc phục hậu quả có thể mất nhiều năm. Thiệt hại do bão Harvey gây ra với bang Texas được đánh giá là ngang cơn bão Katrina hồi năm 2005, thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Mỹ.
Cách Tổng thống Trump phản ứng làm dấy lên câu hỏi liệu có quá sớm không khi ông khẳng định công tác đối phó với cơn bão đã thành công giữa lúc hàng trăm người đang phải đối mặt với nguy hiểm và giai đoạn tồi tệ nhất của cơn bão vẫn chưa đi qua.
“Chẳng có gì là hấp tấp nếu bạn làm đúng cách”, cố vấn an ninh nội địa Mỹ Tom Bossert nói với kênh CBS. “Ông Long từ FEMA, tôi và Tổng thống đã ngồi lại với nhau để đánh giá cẩn thận vấn đề rồi đi đến quyết định hôm 25/8 ban hành tuyên bố thảm họa trước khi trận lở đất xảy ra”. “Nó giúp giải phóng tài nguyên liên bang”, ông Bossert cho biết thêm.
Ông Trump theo dõi cơn bão từ Trại David, khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ ở Maryland, cách Nhà Trắng khoảng 112 km. Tại Washington, Phó tổng thống Mike Pence, Bossert và các cố vấn khác cùng quan sát diễn biến với ông chủ Nhà Trắng qua một cuộc họp trực tuyến.
Video đang HOT
“Những gì tổng thống Mỹ làm trước một thảm họa lớn phản ánh khả năng lãnh đạo của ông ấy đối với các nhân viên liên bang, những người trực tiếp liên quan, và kể cả công chúng, nhằm khiến tất cả cùng chung tay cũng như trấn an dân chúng”, Leo Bosner, chuyên gia về quản lý tình trạng khẩn cấp từng công tác tại FEMA 29 năm, nhận xét. “Ông ấy chủ yếu lên tiếng để trấn an và làm mọi người yên tâm, đồng thời cập nhật tình hình”.
“Nhưng Tổng thống Trump không nên cố làm công việc của giám đốc FEMA”, ông Bosner nói.
Một nhà dưỡng lão tại thành phố Dickinson bị ngập nước. Những người già sau đó được sơ tán.
Theo cây bút Abby Phillip từ Washington Post, cách Tổng thống Trump xử lý cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ được theo dõi sát sao. Thời điểm trước khi các thông tin xấu về cơn bão Harvey xuất hiện, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Iowa Charles Grassley đã công khai cảnh báo Trump về những rủi ro mà ông có khả năng gặp phải nếu phản ứng không phù hợp trước siêu bão.
“Hãy đặt bão Harvey lên hàng đầu”, ông Grassley viết, kêu gọi Tổng thống Trump không lặp lại sai lầm của cựu tổng thống George W. Bush khi phản ứng với cơn bão Katrina hồi tháng 8/2005.
Dù cảm ơn lời cảnh báo từ thượng nghị sĩ Grassley, Tổng thống Trump có lẽ vẫn không để tâm tới nó.
Sáng 27/8, thông điệp đầu tiên ông Trump đưa ra không phải về thông tin mực nước dâng cao do lũ đang đe dọa nhấn chìm thành phố lớn thứ 4 nước Mỹ. Thay vào đó, ông đề cập tới một cuốn sách do cảnh sát trưởng Milwaukee David Clarke viết. 15 phút sau ông mới thông báo chính quyền đang xử lý “những cơn mưa lớn và lũ quét”, đồng thời nhắc lại cam kết sẽ tới Texas khi có thể. Đến cuối buổi, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đang lên kế hoạch đến Texas vào ngày 29/8.
Trong lúc các cố vấn và đại diện của ông xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để phản ứng trước cơn bão, Trump lại tiếp tục thay đổi chủ đề, thông báo về kế hoạch xuất hiện ở Missouri, nhấn mạnh ông đã chiến thắng “lớn” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và truyền đi một thông điệp cảnh báo tới thượng nghị sĩ Dân chủ bang Missouri.
“Chúa ơi”, thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut đáp lại thông điệp trên Twitter mà Tổng thống Trump đăng tải. “Giữa lúc người dân đang đối mặt với cái chết vì thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của ông ấy thì Tổng thống lại công kích đảng Dân chủ”.
Phủ nhận nhưng ý kiến nói ông Trump chưa hành động thực sự quyết liệt để đối phó với bão Harvey, cố vấn an ninh nội địa Bossert cho hay Tổng thống Mỹ đã tham gia một cuộc họp kéo dài hai tiếng hôm 26/8 thảo luận về cơn bão, đồng thời bàn bạc sơ bộ qua điện thoại sáng 27/8. Bossert thêm rằng Tổng thống và Phó tổng thống còn gọi điện “hàng chục lần” cho ông cũng như các quan chức khác để cập nhật tình hình.
“Tổng thống chủ động tham gia và muốn đảm bảo rằng các chiến dịch cứu trợ, cứu hộ được phối hợp thực hiện chặt chẽ”, Bossert nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Greg Abbott ca ngợi nỗ lực của chính quyền liên bang trong việc ứng cứu thảm họa. “Chúng ta không thể đánh giá cao hơn những gì chính quyền liên bang đã làm, từ Tổng thống trở xuống”, ông Abbott nói. “Bởi tất cả những thứ chúng ta yêu cầu, họ đều đáp ứng”.
Lũ lụt nhấn chìm thành phố Houston, bang Texas, tối 27/8.
Theo VnExpress)
Hỗn loạn khi bão Harvey trút 34 tỷ m3 nước xuống Texas
Trên miếng gỗ ướt đóng vội lên cửa sổ tầng trệt của ngôi nhà màu trắng, người ta thấy dòng chữ nguệch ngoạc "Xin chúa hãy cứu giúp chúng con".
Một người đàn ông, vác theo đồ đạc, lội qua đoạn nước ngập trên phố Telephone, Houston, bang Texas vào ngày 27/8. Ảnh: AFP.
Siêu bão Harvey, cơn bão lớn nhất đổ bổ vào nước Mỹ trong hơn một thập kỷ qua đã giật đổ các ngôi nhà, thổi tung xe cộ và làm cây cối gãy đổ ở thành phố Victoria, bang phía nam Texas, AFP đưa tin ngày 28/8.
Brock Long, lãnh đạo cơ quan cứu hộ liên bang, cho biết công tác cứu hộ ở Texas sẽ mất "hàng năm trời" để giải quyết hậu quả của siêu bão Harvey.
Trong khi đó, hơn 67.000 người ở thành phố Victoria, bang Texas chỉ đang cố gắng chống chọi qua ngày.
"Chúng tôi không có nước uống", John Moraida, một cư dân chuyển đến sống ở thành phố cách đây 13 năm, nhớ lại vào tháng 7/2003, bão Claudette đã khiến 90% hộ gia đình ở Victoria bị mất điện nhưng sức tàn phá của cơn bão đó không là gì so với siêu bão Harvey vừa đi qua.
"Tôi ngồi trong nhà và chứng kiến sức tàn phá của bão, mọi mái nhà bị bật tung, cây cối đổ rạp. Cảnh tượng thật tồi tệ", anh Moraida cho biết.
Theo ước tính của cơ quan khí tượng, siêu bão Harvey đã trút khoảng 34 tỷ m3 nước mưa xuống bang Texas. Lượng nước này gấp đôi lượng nước ở hồ lớn thứ sáu nước Mỹ và thứ tám thế giới Salt Lake, ở thành phố Salt Lake, bang Utah; hoặc tương đương với lượng nước đổ từ sông Mississippi vào thành phố Houston trong suốt 9 ngày liên tục.
Theo dự báo, đến ngày 30/8, thêm 38 tỷ m3 nữa sẽ đổ xuống bang này.
Trước khi bão đổ bộ vào ngày 25/8, hơn 5,8 triệu người dân sống dọc theo bờ biển phía nam Texas, từ Corpus Christi đến Galveston, đã phải đi sơ tán và các trường học buộc phải đóng cửa.
Ngày 24/8, các công ty năng lượng đã đóng cửa các nhà máy lọc dầu ven biển, di tản công nhân khỏi dàn khoan dầu ngoài khơi Vịnh Mexico và ngừng hoạt động khoan trên đất liền ở nam Texas. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, việc khai thác khoảng 10% sản lượng dầu thô ngoài khơi của Vịnh Mexico và gần 15% sản lượng khí đốt tự nhiên đã bị tạm ngưng.
Với sức gió gần 210 km/h, bão Harvey được phân loại vào siêu bão cấp 4, cấp bão cao nhất ở Mỹ là cấp 5. Tính đến nay đã có 5 người thiệt mạng. Cơ quan chức năng chưa thể thống kê số người bị thương và mức độ thiệt hại về vật chất.
Texas ban bố tình trạng thảm họa, cho phép sử dụng các nguồn lực của bang để ứng phó với cơn bão. Theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, Harvey di chuyển chậm ở Texas, kéo dài ở bang này trong nhiều ngày.
Một nhà dưỡng lão tại thành phố Dickinson bị ngập nước. Những người già sau đó được sơ tán. Ảnh: Twitter.
Nhiều nơi ở thành phố lớn thứ tư nước Mỹ Houston ngập trong nước, chính quyền địa phương đang tập trung nguồn lực, huy động thuyền bè và các phương tiện gầm cao để cứu người dân còn mắc kẹt trước khi đêm xuống, theoNew York Times.
Xe cộ nằm ngổn ngang trên cao tốc dẫn vào Houston. Mưa lớn vẫn tiếp tục rơi và nước lũ dâng lên nhanh biến các nhiều con đường trong khu vực nội độ thành sông. Người dân phải dùng đến thuyền phao để di chuyển. Các nhân viên cứu hộ kêu gọi những người có thuyền giúp sức giải cứu các nạn nhân còn mắc kẹt. Cảnh tượng giống như trận siêu bão Katrina tàn phá bang Louisiana vào năm 2005, khi đó, người dân đã phải đục mái nhà và trèo lên chờ trực thăng cứu hộ tới cẩu đi.
Tại bệnh viện Ben Taub, trung tâm y tế cấp một của bang Texas, y tá và bác sĩ đang sơ tán 350 bệnh nhân, trong đó có 18 người phải thở máy. Ông McLeod, lãnh đạo bệnh viện, cho biết nước đã tràn vào tầng hầm của bệnh viện, hệ thống xả thải đã vỡ. Khu vực nhà ăn, hiệu thuốc và một số phòng chức năng khác ngừng hoạt động.
"Có những khu vực, nước vẫn ngập đến thắt lưng", ông McLeod nói.
Sáng ngày chủ nhật, thị trưởng Sylvester Turner công bố "hầu hết các tuyến đường lớn và các đường nhánh" giờ không thể đi được. Ông kêu gọi những ai chưa gặp nguy hiểm đến tính mạng hãy kiềm chế gọi đến số khẩn cấp 911 vốn đã quá tải. Ông cho biết tính tới sáng chủ nhật, giới chức đã nhận được hơn 2.000 cuộc gọi cầu cứu.
Một số người tuyệt vọng đã đăng địa chỉ nhà ngập của mình lên Twitter và Facebook, kèm theo ảnh đồ đạc trong nhà bị ngập một nửa hoặc các gia đình mắc kẹt trên mái nhà tìm cách gây sự chú ý của cứu hộ.
Maya Wadler, 17 tuổi, nhớ lại khoảnh khắc trước khi được cứu khỏi nhà vào khoảng 4h sáng chủ nhật. Nước "tràn vào từ cửa chính, ngấm qua các sổ", cô cho biết. "Quay đằng nào cũng thấy dòng nước mới chảy vào. Nước cứ tràn vào, tràn vào, dâng qua các ổ điện. Tôi đã rất sợ. Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra. Và chúng tôi không gọi được ai."
Tại khu trung tâm của Houston, nơi tập trung nhiều cửa hàng, đường phố vắng bóng người. Gloria Maria Quintanilla, 60 tuổi, là nhân viên giặt là tại một khách sạn trên đại lộ South Rice, lội qua đoạn đường nước ngập ngang bụng để đến chỗ làm.
"Hôm nay là ngày làm việc của tôi", Quintanilla nói, "Tôi không biết là tình hình lại tệ như thế này".
An Hồng
Theo VNE
Sinh con khi siêu bão đổ bộ, mẹ Mỹ đặt tên con trai là Harvey Một phụ nữ ở bang Texas đã đặt tên con trai mới sinh theo tên của siêu bão mạnh nhất tại Mỹ trong hơn một thập kỷ qua. Bé trai Harvey chào đời vào tối muộn ngày 25/8 khi siêu bão Harvey cách Corpus Christi, bang Texas khoảng 50 km về hướng đông bắc. Ảnh: Washington Post. Irma Rodriguez, sống ở thành phố...