Siêu bão Mangkhut đổ bộ, Hà Nội cần tính toán cấm lưu thông qua một số cây cầu
Dự kiến, khoảng trưa thứ Hai tuần sau (17/9), siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ với cường độ giảm xuống còn khoảng cấp 9-10, gió giật cấp 11-12. Thời điểm bão đổ bộ, Hà Nội sẽ có gió giật cấp 7-8. Các chuyên gia khuyến cáo, Hà Nội cần tính toán có thể phải cấm lưu thông qua một số cây cầu.
Chiều nay (13/9), Tổng cục Khí tượng thủy văn ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về diễn biến cơn siêu bão Mangkhut sắp vào Biển Đông trong những ngày tới.
Ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin, lúc 17h chiều nay (13/9), siêu bão Mangkhut đang ở cấp 16-17 (rất mạnh). Siêu bão Mangkhut đang hướng vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Ông Lê Thanh Hải.
“Hi vọng khi siêu bão Mangkhut khi vượt qua bán đảo Lôi Châu đi vào Biển Đông sẽ bị ma sát và cộng với vòng đời của bão khi lên đến đỉnh điểm sẽ giảm xuống nên khi vào Biển Đông vào sáng sớm ngày 15/9 sẽ giảm cấp, còn cấp 14-15, nhưng gió giật vẫn rất mạnh cấp 16-17″ – ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, hiện nay các trung tâm dự báo quốc tế và Việt Nam đều dự báo đường đi của siêu bão Mangkhut sẽ vào Vịnh Bắc Bộ rồi đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Bắc của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện dự báo cường độ siêu bão vẫn là bài toán khó. Dự báo, khi vào Vịnh Bắc Bộ, siêu bão Mangkhut sẽ giảm xuống còn cấp 10-11, gió giật cấp 13-14; vùng gió mạnh sẽ bao kín khu vực Vịnh Bắc Bộ từ sáng sớm ngày 16/9 kéo dài đến sáng sớm ngày 17/9.
“Theo tính toán của chúng tôi, khả năng trưa ngày 17/9, bão Mangkhut sẽ vào đất liền các tỉnh ven biển miền Bắc. Thời điểm bão vào đúng lúc thủy triều lên, do đó, nước dâng do bão có thể lên tới 4m. Chính vì vậy, các tuyến đê biển từ Móng Cái – Quảng Ninh đến Nghệ An phải hết sức lưu ý. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, du lịch trên các đảo ở khu vực Vịnh Bắc Bộ cũng cần hết sức lưu ý để tránh thiệt hại” – ông Hải cảnh báo.
Video đang HOT
Nói về kịch bản hướng đi của bão Mangkhut, ông Hải cho biết, hiện nay có 2 kịch bản: Bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (60%) và đi vào giữa Vịnh Bắc Bộ (40%). Do đó, rìa phía Nam của vùng trung tâm bão có thể ảnh hưởng gió mạnh tới tỉnh Quảng Trị.
Mắt của siêu bão Mangkhut.
Cuối cùng, ông Hải đặc biệt lưu ý, khoảng chiều 17/9, miền Bắc sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của bão Mangkhut, mưa dồn dập từ ngày 17-19/9, lượng mưa cả đợt khoảng 300-400mm. Thời điểm này là cuối mùa mưa, các hồ chứa ở Bắc Bộ đều có dung tích nước rất lớn, do đó, các đơn vị liên quan cần tính toán trước để phương án đối phó với đợt mưa này.
Cũng liên quan đến cơn bão Mangkhut, ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cảnh báo, khi bão đổ bộ, khu vực Hà Nội sẽ có gió giật cấp 7-8, do đó, Hà Nội cần phối hợp với cơ quan chuyên môn, căn cứ vào tình hình thực tế có thể phải cấm người, phương tiện lưu thông qua các cây cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Tuy,…thời điểm đó.
Tổng cục Khí tượng thủy văn đang theo dõi sát siêu bão Mangkhut.
Còn theo bà Trịnh Thu Phương – Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ, nếu kịch bản xấu nhất như nói ở trên, miền Bắc sẽ hứng chịu một đợt mưa lớn khi bão Mangkhut đổ bộ thì khả năng cao xuất hiện lũ trên các sông ở Bắc Bộ như sông Thao, sông Đà, sông Bưởi, sông Bùi ở mức báo động 3.
“Một số tỉnh như Sơn La, Hòa Bình trong thời gian qua liên tiếp có mưa lớn, vài ngày tới có mưa lớn cộng với thủy điện Hòa Bình xả lũ thì rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng bị ảnh hưởng mưa trong đợt này, chính vì thế khu vực này cũng cần hết sức chú ý” – bà Phương lưu ý.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Tại sao có bão Sơn Tinh mà không có bão Thủy Tinh?
Dư luận băn khoăn, liệu có nên lấy tên vị Tản Viên Sơn Thánh của Việt Nam để đề xuất quốc tế đặt tên bão. Tại sao lại là bão Sơn Tinh mà không phải bão Thủy Tinh?
Ảnh minh họa
Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Trước đây, việc đặt tên cho các cơn bão do Cơ quan Khí tượng Mỹ thực hiện. Ban đầu, người ta đánh số cho từng cơn bão trong từng mùa mưa bão theo nguyên tắc lấy ngày cơn bão xuất hiện để đặt tên cho nó. Sau đó, Khí tượng Mỹ có sáng kiến lấy tên Thánh của ngày xuất hiện cơn bão để đặt tên. Một thời gian sau, nước Mỹ đề xuất có danh sách tên đề cử gửi cho Tổ chức khí tượng thế giới sử dụng theo thứ tự từ A đến Z.
Trong một số ngôn ngữ Châu Âu, bão là danh từ thuộc giống cái nên trước đây người ta đã sử dụng tên phụ nữ để đặt tên bão. Sau đó, để ủng hộ phong trào nữ quyền nên không lấy tên phái nữ để đặt tên các cơn bão nữa. Tổ chức Khí tượng Thế giới quyết định dùng một tên nam giới và một tên nữ giới đặt tên cho các cơn bão xen kẽ nhau. Tên này do các nước thành viên tiến cử cho Tổ chức Khí tượng Thế giới lựa chọn.
Trên thế giới có 7 vùng bão, trong đó khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là ổ bão lớn nhất. Mỗi ổ bão khác nhau lại có những quy định khác nhau. Ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, có 14 nước tham gia Ủy ban Bão của khu vực đã họp lại, bàn thảo và đưa ra quyết định: Các nước sẽ đóng góp danh sách các tên bão, Việt Nam đã đề cử 10 tên các cơn bão để đưa vào danh sách đặt tên của Tổ chức Khí tượng Thế giới.
Ông Lê Thanh Hải cho biết: "Tôi có tham gia từ đầu việc đóng góp tên bão, chúng tôi có đề cử 20 đến 25 tên khác nhau. Và trước khi gửi danh sách tên đề xuất, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Viện Ngôn ngữ học. Viện Ngôn ngữ Việt Nam thẩm định và khẳng định đó là những cái tên thuần túy Việt Nam. Hồi đó, chúng tôi đề xuất cả một cặp tên Sơn Tinh - Thủy Tinh, một vị thần gây ra bão lụt, một vị thần chống chọi lại bão lụt.
Chắc hẳn ai cũng ngạc nhiên vì có thể nói nhắc đến Sơn Tinh là phải nói đến Thủy Tinh. Tại sao lại có bão Sơn Tinh, không có bão Thủy Tinh? Lý do là vì khi các nước đề xuất tên những cơn bão thì theo quy định, khi gửi các tên đề cử, các nước thành viên phải đọc rõ cách phát âm và giải thích ý nghĩa của những cái tên đó.
Đồng nghiệp của chúng tôi khi đó đọc đến tên bão Thủy Tinh thì bất ngờ mọi người cười ồ lên. Mọi người liền không đồng ý vì do cách phát âm của từ Thủy Tinh trong tiếng nước bạn biến thành một từ gây cười và thậm chí gây hiểu nhầm trên các khía cạnh văn hóa. Vì thế, Ủy ban bão của khu vực chỉ chọn 10 tên do chúng ta đề cử, trong đó có: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco" - ông Hải lý giải.
Về băn khoăn của dư luận: Liêụ có nên lấy tên vị thần cao quý đặt tên cho thiên tai? Trao đổi với Lao Động, ông Hải cho rằng: Ủy ban Bão họp thường kỳ, việc đề cử tên mới, loại tên cũ ra khỏi danh sách cũng được bàn thảo và đi đến quyết định cuối cùng.
Trên thực tế, có những cơn bão khốc liệt, nhiều nước đề xuất phải lãng quên nó đi như bão Saomai, Chanchu đã được chấp thuận xóa tên khỏi danh sách. Tạm thời đến thời điểm này, bão Sơn Tinh đã xuất hiện lần thứ 2, lần thứ nhất vào năm 2012 nhưng chưa thấy ai đề xuất. Nếu có đề xuất chúng tôi sẽ có thủ tục chính thức để kiến nghị Ủy ban Bão. Nhưng chắc chắn một điều không thể thay bằng tên Thủy Tinh".
Theo Laodong
Băng tuyết xuất hiện đầu tháng 4 là hiện tượng hiếm gặp Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (KTTV) - đánh giá, việc xuất hiện băng tuyết trên khu vực đỉnh Fansipan (Sa Pa - Lào Cai) vào đêm qua và sáng nay (7/4) là hiện tượng thời hiếm gặp. Hiện tượng băng tuyết vào đầu tháng 4 là rất hiếm gặp. Cũng theo ông Hải,...