Siêu bão Haiyan giữ nguyên sức tàn phá khi vào bờ
Khoảng 16h chiều mai (10/11), vị trí tâm bão đi vào vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 giật cấp 15, cấp 16. Dự báo miền Bắc mưa lớn.
Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết đến 16h chiều nay (9/11) vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 – 35km. Đến 16h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 – 30km. Đến 4h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt – Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Siêu bão giật cấp 16 khi vào vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Hà Tĩnh. (Ảnh: NCHMF)
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10 – 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 – 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ đêm nay (9/11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 – 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay (9/11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 12 – 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 – 9.
Từ đêm nay (9/11) ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi – Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 – 5,5m. Sóng biển 3 – 6m, vùng gần tâm bão 8 – 10m.
Theo nhận định của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn TƯ , trong chiều và đêm nay (9/10), bão sẽ di chuyển theo hướng tây bắc, tây tây bắc và tiếp cận bờ biển từ Quảng Ngãi cho đến Quảng Nam, Đà Nẵng. Sau đó bão có bẻ hướng đi vào bờ biển các tỉnh Trung Bộ từ Đà Nẵng tới Quảng Trị vào khoảng sáng đến trưa 10/11 sau đó chạy dọc bờ biển các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Lúc này tâm bão đã đi vào đất liền với sức gió giật cấp 11, cấp 12
Sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, siêu bão sẽ gây mưa lớn khắp miền Trung và lan rộng ra miền Bắc. Dự báo khu vực Đồng bằng Bắc bộ trong đó có Hà Nội cũng diễn ra mưa to đến rất to.
Để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão, chiều 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Hội An (Quảng Nam) thăm bà con vùng ven biển đang sơ tán tránh bão tại các trường học, các nơi cư trú kiên cố trên địa bàn.
Tại điểm trường THCS Nguyễn Du (phường Cẩm Châu, TP Hội An), Phó Thủ tướng đã hỏi thăm, động viên hàng trăm người dân ở các hộ ven biển Cửa Đại và các nhà ở không an toàn đang tránh bão tại đây. Phó Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương đặc biệt đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm, không để bà con thiếu đói khi có bão xảy ra.
Đến trưa 9/11, toàn TP Hội An đã di dời 5000 hộ dân ở vùng ven biển, các nhà ở không kiên cố, không đảm bảo an toàn khi có bão đổ vào. Đồng thời, chính quyền địa phương và các chủ doanh nghiệp cũng đã chủ động di tản hơn 1.000 du khách đang lưu trú tại các resort, khách sạn ven biển về các khách sạn an toàn phía trong thành phố.
Cùng 5.000 hộ dân, hơn 1.000 du khách lưu trú tại các resort ven biển ở Hội An cũng đã được di tản đến các điểm lưu trú an toàn sâu trong thành phố (Ảnh: Khánh Hiền)
Theo ghi nhận của PV Dân trí tại Quảng Nam, đến 18h tối 9/11, trời đã bắt đầu có mưa to. Ở khu vực ven sông Hoài, TP Hội An, khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, chưa ghi nhận nước lũ dâng sau thông tin các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đang xả lũ dần.
Video đang HOT
Chiều tối ngày 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp để bàn các biện pháp ứng phó với bão Haiyan ở sở chỉ huy tiền phương được đặt tại QK5 – Đà Nẵng. Tại đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không được chủ quan, coi thường; tỉnh thành, bộ ngành nào chủ quan gây thiệt hại nặng phải xử lý nghiêm. Tinh thần là như vậy để quán triệt”.
Trong cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhận định bắt đầu từ sáng ngày 10/11, bão sẽ men theo bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị. Đêm 10/11, bão Haiyan sẽ đi vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Lúc này bão đã đổ bộ vào đất liền.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số gia đình di dời bão tại Hội An
Theo ông Trần Hồng Hà, ngày hôm nay (9/11), bão Haiyan đã có một số diễn biến khác như ít có khả năng đổ bộ vào đất liền ngay mà đi song song với bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị. Mặc dù suy yếu so với ban đầu nhưng bão vẫn rất mạnh. Các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão có mưa to đến rất to…
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Văn Hữu Chiến cho biết đã quyết định thành lập 3 lực lượng gồm cứu hộ trên sông, cứu hộ sập đổ công trình và đội ứng cứu khẩn cấp trong bão.
Trong đó, đội cứu hộ trên sông do Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng chỉ huy gồm 9 phương tiện và 45 người. Đội cứu hộ sập đổ công trình do Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC chỉ huy gồm nhiều xe máy và xe chuyên dụng. Ngoài ra là đội ứng cứu khẩn cấp trong bão gồm 2 xe thiết giáp và lực lượng gồm 10 người.
Bộ đội Đà Nẵng giúp dân dồn cát vào bao chằng chống nhà cửa (Ảnh: Công Bính)
Nhiệm vụ của các lực lượng này là khi có yêu cầu sẽ tham gia ứng cứu trong mọi tình huống theo chức năng nhiệm vụ được giao. Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng cho biết, lãnh đạo TP đã yêu cầu tất cả ngư dân phải rời tàu lên bờ, nếu không sẽ cưỡng chế.
Trung tướng Lê Chiêm – Tư lệnh QK5 cho rằng, các vùng trọng điểm của Đà Nẵng như quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) hay TP Hội An (Quảng Nam) thì sinh viên, công nhân còn ở trong các nhà cấp 4, nhà tạm rất nhiều.
Các tàu cá đã vào neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng)
Trong đó, một số người dân, sinh viên, công nhân còn đóng cửa cố thủ bên trong nên đề nghị phải bắt buộc di dời. Ngoài ra, người dân vùng hạ lưu thủy điện đang rất lo việc xả lũ, do đó Trung tướng Lê Chiêm đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc xả lũ.
Về công tác sơ tán dân, theo Ban chỉ đạo tiền phương cho biết, các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Bình đã có kế hoạch sơ tán gần 185 ngàn dân với gần 684 ngàn nhân khẩu. Tính đến chiều ngày 9/11, đã có gần 70 ngàn hộ với gần 270 ngàn người đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Ngư dân các tỉnh đã lên bờ an toàn
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh các cấp ủy, chính quyền, các Bộ Công an, Quốc phòng, QK5, hệ thống chính trị các tỉnh thành đã chỉ đạo quyết liệt, đưa người dân đến nơi an toàn, đưa hết tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn, chằng chống nhà cửa, bảo vệ công trình…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng xung yếu trước 19h ngày 9/11, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đúng quy định và cương quyết đưa hết ngư dân ra khỏi tàu thuyền….
Ngoài ra, tiếp tục chằng chống nhà cửa, kho tàng ở các tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên. Phó Thủ tướng cũng cho biết, sở chỉ huy tiền phương được đặt tại QK5 để chỉ huy công tác ứng phó với bão Haiyan.
Một điểm người dân được sơ tán đến trú bão tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng
Theo Phó Thủ tướng, tinh thần 4 tại chỗ là chính nhưng các lực lượng như Hải quân, Biên phòng, thanh niên, công an… luôn sẵn sàng ứng cứu khi tình hình xấu, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân; tiếp tục thông tin đến người dân.
Thường sau bão là lũ, Phó Thủ tướng đề nghị cần phải quản lý chặt chẽ việc xả lũ theo đúng quy trình và phối hợp với địa phương. Các lực lượng chức năng phải có phương án khắc phục hậu quả sau bão như điện, nước, thông tin liên lạc.
“Bão đang vào đất liền, việc thường xuyên kiểm tra xử lý thông tin cần kịp thời từ tỉnh xuống địa phương phải được thường xuyên. Tinh thần là chúng ta không được chủ quan”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Theo Dantri
Chiều mai, siêu bão Haiyan sẽ tiếp cận Hà Nội
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, diễn biến siêu bão Haiyan có nhiều thay đổi so với những dự báo ban đầu.
Đi dọc miền Trung, tiến vào Hà Nội
Haiyan sẽ tiếp cận rất gần chứ không đổ bộ thẳng vào miền Trung. Sau khi vào vùng biển từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị, bão sẽ chạy dọc ven biển lên phía Bắc. Sức gió hủy diệt của bão (giật trên cấp 17) sẽ suy yếu đáng kể khi đổ bộ.
Theo đó, trong 24 giờ tới, bão đi theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 30-35km/giờ. Đến sáng mai, ngày 10/11, tâm bão sẽ tiếp cận vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi - Quảng Trị với sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, 16.
Đường đi của bão theo trang dự báo khí tượng của Nhật Bản.
Sau khi tiếp cận vùng biển này, bão Haiyan đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, men dọc ven biển các tỉnh Đà Nẵng đến Quảng Trị và suy yếu thêm.
"Những thông tin dự báo ở thời điểm hiện tại cho thấy khoảng chiều mai, vùng tâm bão sẽ tiếp cận các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Khi cập bờ cường độ bão khoảng cấp 9 đến cấp 12, giật cấp 13-14. Nhiều khả năng khi di chuyển đến Hà Tĩnh, Nghệ An thì tâm bão thực sự mới nằm trên đất liền, còn trước đó (khi tiếp cận vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị) thì vùng tâm bão chỉ kịp liếm vào đất liền rồi bão sẽ đổi hướng.
Sau khi vào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, bão sẽ tiếp tục đi lên phía Bắc, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ vào ngày 11/11, ông Tăng cho biết.
Siêu bão Haiyan sau khi tiếp cận vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị sẽ đổi hướng chạy dọc miền Trung lên miền Bắc. Thời điểm tâm bão đổ bộ, bão còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13, 14. Bão càng men dài lên phía Bắc thì càng suy yếu.
Do vùng tâm không đổ trực tiếp vào Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng nên cường độ bão hủy diệt lúc đổ bộ không xảy ra (cấp 14, đầu cấp 15, giật hết cấp 17 như ban đầu), gió trên bờ có mạnh nhưng không còn mạnh bằng cấp gió hủy diệt. Dự báo khi đổ bộ bão mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Gió giật cấp 6 trở lên từ Phú Yên đến hết miền Bắc
Tuy nhiên ông Tăng lưu ý, nói thế không có nghĩa là bão Haiyan không còn nguy hiểm. Tuy bão không vào bờ lúc nó đang mạnh nhất nhưng tâm của bão đi rất sát bờ, cường độ bão vẫn rất mạnh nên toàn bộ các tỉnh từ Phú Yên trở ra hết miền Bắc đều cảm nhận gió giật cấp 6 trở lên. Thời gian ảnh hưởng kéo dài, mưa lớn ở 2 miền.
Hình ảnh bão Haiyan tàn phá Philippin.
Theo ông Tăng, do bão ít có khả năng đổ bộ thẳng góc vào các tỉnh miền Trung nên khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mở rộng nhiều ra phía Bắc, thậm chí các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ cũng có thể chịu ảnh hưởng của gió bão. Do di chuyển lên phía Bắc, bị ma sát với đường bờ và vùng nước có nhiệt độ thấp hơn nên cường độ bão suy giảm, mức độ hủy hoại của gió bão cũng đỡ hơn (nếu đổ bộ thẳng vào Trung Bộ khi cường độ bão còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 15-16 thì sức hủy hoại sẽ rất lớn). Tuy nhiên, thời gian ảnh hưởng sẽ kéo dài hơn.
Ông Tăng lưu ý mặc dù có suy yếu so với nhận định ban đầu nhưng đây là cơn bão rất mạnh nên khi di chuyển dọc theo ven biển và khi đổ bộ, gió bão vẫn có thể mạnh tương đương, thậm chí mạnh hơn chút ít so với cơn bão số 10 và 11 vừa đổ bộ vào miền Trung vừa qua.
Bão Haiyan sẽ khiến khu vực Nam Trung Bộ, Phú Yên, Thừa Thiên Huế mưa từ tối nay, sau đó khu vực mưa lan rộng, kéo dài ra Bắc Bộ (từ chiều và tối mai), lượng mưa khá lớn (nơi mưa ít khoảng 100-200mm, nơi mưa nhiều khoảng 400-500mm), thời gian mưa kéo dài từ 1-2 ngày.
Các tỉnh Bắc Bộ (kể cả Hà Nội) dự báo sẽ có mưa lớn, khả năng gây ra ngập úng. Do có bán kính lớn, cường độ mạnh, lại chạy dọc các tỉnh miền Trung nên toàn bộ các tỉnh từ Phú Yên trở ra khu vực nam đồng băng châu thổ sông Hồng sẽ có gió mạnh trên cấp 6, vùng dự báo có gió mạnh nhất là Quảng Trị - Hà Tĩnh với cấp gió mạnh cấp 10-13, giật cấp 14-15. Khu vực Phú Yên - Quảng Ngãi (trong đó có đảo Lý Sơn) là nơi sớm ghi nhận được gió mạnh nhất.
Theo ông Tăng, các đài khí tượng quốc tế hiện cũng đưa ra những dự báo khác nhau về hướng đi, thời điểm cũng như khu vực đổ bộ của siêu bão Haiyan. Đài khí tượng thủy văn Hoa Kỳ lúc 7h tối qua dự báo bão sẽ vào giữa Huế và Đà Nẵng nhưng đến sáng nay đã điều chỉnh tới Quảng Ngãi. Đài khí tượng Nhật Bản dự báo tâm bão vào Thanh Hóa - Nghệ An (thời điểm sáng nay). Các đài khí tượng Trung Quốc và Hồng Kông đều dự báo bão sẽ vào khu vực Bắc Trung Bộ và nam Đồng bằng Bắc Bộ.
Diễn biến bão sẽ còn thay đổi, Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của cơn bão này.
Theo VNE
Siêu bão Hải Yến chỉ còn cách Trường Sa 240 km Lúc 14 giờ 30 ngày 9/11 Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ đã phát đi thông báo mới nhất về siêu bão Hải Yến. Hiện siêu chỉ còn cách Trường Sa 240 km. Siêu bão Hải Yến - 1 tron 4 siêu bão khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại Hồi 13h ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5...