Siêu bão Hagibis tàn phá Nhật Bản: Đã cướp đi những gì?
Siêu bão Hagibis là một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất trong năm 2019. Siêu bão Hagibis kèm theo lượng mưa lớn chưa từng thấy trong lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề tại Nhật Bản.
Tính đến hết ngày 13.10, siêu bão Hagibis đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, 16 người mất tích, hơn 100 người bị thương.
Khu trung tâm của thành phố Nagano chìm trong biển nước. Ảnh: Kyodo.
Các nhà chức trách ban hành khuyến cáo và ra lệnh sơ tán cho hơn 6 triệu người trên khắp Nhật Bản khi siêu bão Hagibis “đem đến” mưa to và gió giật mạnh nhất trong nhiều năm. Hơn 430.000 hộ dân bị mất điện.
Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, có ít nhất 48 điểm sạt lở, ngập trong bùn sình và 9 con sông bị vỡ bờ.
Hầu hết các công ty điện thoại đều bị gián đoạn dịch vụ ở khu vực trung tâm, đông và đông bắc trong sáng 13.10.
Bộ quốc phòng Nhật Bản đã điều khoảng 27.000 binh lính tham gia các hoạt động cứu hộ ở khu vực trung, đông và đông bắc Nhật Bản, những nơi ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão Hagibis.
Tối 12.10, siêu bão Hagibis đã đổ bộ và tàn phá nhiều khu vực ở Nhật Bản. Bán đảo Izu ( tỉnh Shizuoka) là địa điểm siêu bão đổ bộ.
Các nhà chức trách đã dỡ bỏ cảnh báo mưa và lũ lụt cho vùng Kanto và xung quanh một Tokyo bị tàn phá trước bình minh ngày 13.10, nhưng vẫn duy trì cảnh báo với các khu vực xa hơn về phía bắc sau khi cơn bão Hagibis quét qua thủ đô.
Nhật Bản là quốc gia phải hứng chịu nhiều bão thứ 3 ở Châu Á. Theo thống kê, mỗi năm, Nhật Bản phải hứng chịu 13 cơn bão. Trong đó, 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực đất liền của quốc gia này.
Theo Lao động
Cụ bà rơi trực thăng thiệt mạng khi được giải cứu sau bão Hagibis
Tai nạn hy hữu xảy ra khi một cụ bà rơi từ độ cao 40 m xuống đất và qua đời vì các nhân viên cứu hộ đã không buộc bà vào dây đúng cách khi đưa đi bằng trực thăng.
Theo Kyodo, cụ bà 77 tuổi bị rơi sau khi được giải cứu từ ngôi nhà bị cô lập vì lũ sau bão Hagibis ở tỉnh Fukushima hôm 13/10. Cụ bà qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện.
"Chúng tôi vô cùng hối tiếc vì đã thực hiện sai quy trình" trong lúc giải cứu, ông Hirofumi Shimizu, thuộc Sở Cứu hỏa Tokyo, nói với báo giới.
Thảm kịch trong chiến dịch giải cứu nạn nhân bão Hagibis
Theo các đại diện của sở này, hai nhân viên đã tham gia vào nhiệm vụ cứu hộ; trong đó cụ bà được đặt vào một tấm vải bọc hình cái túi và máy bay trực thăng dùng dây kéo lên. Một trong các nhân viên cứu hộ đã làm rơi cụ bà khi anh đưa bà lên trực thăng vì bà đã không được buộc vào dây đúng cách.
Quan chức Sở Cứu hỏa Tokyo giải thích về vụ việc. Ảnh: Kyodo.
Hai nhân viên cứu hộ thực hiện nhiệm vụ trước nhà của nạn nhân, nơi bị ngập nửa mét.
Hàng chục nghìn người đã tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ xuyên đêm 13/10 để giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt vì sạt lở và lũ lụt, sau cơn bão lớn nhất tại Nhật Bản trong nhiều thập kỷ khiến ít nhất 35 người thiệt mạng.
Bão Hagibis (Nhật gọi là bão số 19) đã quét qua một vùng rộng lớn trên đảo Honshu, hòn đảo đông dân nhất Nhật Bản, vào tối 12/10 và đầu ngày 13/10, với sức gió khi đổ bộ đạt 144 km/h.
Tính đến cuối ngày 13/10, bão đã làm 35 người chết và 17 người mất tích, theo Kyodo. NHK đưa tin 166 người bị thương.
"Nước tràn vào nhà, cao lút đầu tôi", Hajime Tokuda, một người làm trong lĩnh vực tài chính, sống ở Kawasaki gần Tokyo, nói với AFP.
Anh đã chuyển đến nhà cha mẹ anh gần đó nhưng ngôi nhà này cũng bị ngập và họ đã được giải cứu bằng thuyền.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy lũ lụt ở mức độ như vậy"
Tại thành phố Higashimatsuyama thuộc tỉnh Saitama, nông dân trồng lúa và hoa đang tính toán thiệt hại, sau khi nước tràn vào các nhà kho chứa sản phẩm vừa mới thu hoạch.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy lũ lụt ở mức độ như vậy ở nơi này, một nông dân giấu tên nói. "Tôi không biết phải bắt đầu dọn dẹp đống lộn xộn này từ đâu".
Kenichi Nakajima, một nông dân 58 tuổi, đã lái xe đi xem tình hình ngập ở gần nhà một người bạn.
"Họ không thể ra khỏi nhà; thật đáng tiếc", ông nói với New York Times. "Chúng tôi không có siêu thị ở đây. Chúng tôi phải đi xa để đến một siêu thị lớn. Nhưng không có xe hơi, chúng tôi không thể đi mua sắm, vì xe bị ngập nước hết rồi".
Mức độ thiệt hại là "không bình thường", ông Nakajima nói, cho rằng sự nóng lên toàn cầu có liên quan.
"Gần đây, một cô bé đã phát biểu về sự nóng lên toàn cầu, và cô bé vừa khóc vừa nói, 'Chúng ta không có tương lai'", ông nói, đề cập đến nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi Greta Thunberg.
"Cô bé hoàn toàn đúng".
Hơn 100.000 người tham gia cứu hộ, bao gồm 31.000 binh sĩ, đã tìm kiếm trong đống đổ nát để giải cứu người mắc kẹt sau khi mưa lớn gây sạt lở và khiến nước sông tràn bờ. Tại nhiều nơi như tỉnh Nagano, nước ngập đến tầng hai nhà dân vì vỡ đê.
Lực lượng cứu hộ giải cứu nạn nhân mắc kẹt sau bão Hagibis. Ảnh: Reuters.
Trực thăng của quân đội và lực lượng chữa cháy đã đưa người mắc kẹt trên mái nhà và ban công đến nơi an toàn tại một số khu vực. Ở những nơi khác như Kawagoe, tây bắc Tokyo, đội ngũ cứu hộ đã mất nhiều giờ để sơ tán hàng trăm người ở một viện dưỡng lão bị ngập đến nóc nhà.
Trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận trước khi bão đổ bộ, khi gió mạnh làm lật xe và giết chết tài xế bên trong. Sạt lở và lũ lụt làm gia tăng số người chết trong ngày 13/10, khi mức độ tàn phá của bão bắt đầu được nhìn thấy rõ ràng.
Thi thể nạn nhân được tìm thấy từ những ngôi nhà và phương tiện bị ngập nước, từ những con sông nước chảy xiết và từ những tòa nhà bị chôn vùi do sạt lở. Người chết bao gồm 5 thủy thủ nước ngoài trên một tàu chở hàng của Panama bị chìm ở vịnh Tokyo.
Giải cứu các nạn nhân sau bão Hagibis bằng trực thăng. Ảnh: Kyodo.
Hơn 110.000 ngôi nhà vẫn chưa có điện vào tối 13/10, trong khi nhiều người không có nước sạch.
Hơn 7 triệu người đã được đưa vào diện sơ tán không bắt buộc. Trước bão, người dân đã đổ xô đến các siêu thị để mua thực phẩm dự trữ, nước... khiến các kệ hàng trống trơn nhanh chóng, cảnh tượng chưa từng thấy kể từ thảm họa động đất, sóng thần năm 2011, theo Japan Times.
Dù lực lượng chức năng Nhật Bản đã tỏ ra chuyên nghiệp trong việc ứng phó với thiên tai, vẫn có những ý kiến trên mạng xã hội chỉ trích việc thiếu thông tin được cung cấp bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật.
"Chúng tôi phải chật vật để tìm thông tin", Lezel Boyd, một công dân Australia đang ở Nhật cùng chồng, Richard, để xem các trận rugby cup thế giới.
"Hơi sợ một chút khi ở một nơi mà mắt bão dự kiến đi qua".
Họ ở trên tầng 18 một khách sạn ở Shinjuku, Tokyo. Điện thoại của họ thi thoảng có tin nhắn cảnh báo mới về việc sơ tán, nhưng lại bằng tiếng Nhật.
"Dĩ nhiên là chúng tôi hoàn toàn không hiểu tin nhắn nói gì", Richard nói. "Chúng tôi biết ngoài kia có thông tin dành cho những người như chúng tôi, chúng tôi chỉ không biết tìm ở đâu".
Thực tế, chính quyền Tokyo có cung cấp thông tin về bão xuyên suốt trong ngày bằng một số ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật, dù được dịch bằng công cụ và thường sai tên riêng. Theo Japan Times, việc này có thể là kinh nghiệm cho Nhật Bản về hỗ trợ đa ngôn ngữ khi họ tổ chức thế vận hội vào năm tới, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9, đúng mùa mưa bão.
Tàu cao tốc Shinkanshen chìm trong biển nước vì siêu bão Hagibis
Vỡ đê ở Nagano sau siêu bão Hagibis khiến nhà ga chìm trong biển nước. Ước tính mỗi tàu cao tốc Shinkanshen với 12 toa bị ngập có giá trị tới 3,2 tỷ yen (29,5 triệu USD).
Đông Phong
Theo Zing.vn
Thủ tướng gửi điện thăm hỏi Nhật Bản sau siêu bão Hagibis Được tin cơn bão Hagibis gây tổn thất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 13/10 gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Abe Shinzo và nhân dân Nhật Bản. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu. Hơn 20 người...