“Siết” thị thực nhập cảnh, cư trú, lao động với người nước ngoài?
Với những ý kiến đề xuất về điều kiện cấp thị thực nhập cảnh, cư trú, lao động… của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phải thông thoáng, không thể “giữ cửa, mở cửa theo ý mình”.
Ngày 10/9, UB Thường vụ QH thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ những điểm bất cập về thủ tục, quy định liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế đã xuất hiện tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật, gây phức tạp về trật tự xã hội, phương hại an ninh quốc gia như hoạt động trái mục đích nhập cảnh (thu mua nông lâm hải sản, nuôi cá bè, kết hôn..); cư trú trái phép, cướp giật, buôn bán ma túy, tìm đường đi nước thứ 3; xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, hoạt động có tổ chức, có sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm như tội phạm ma túy, rửa tiền, đầu cơ cổ phiếu, trộm cước viễn thông, sử dụng thẻ tín dụng, giấy tờ giả để rút tiền ngân hàng, môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài trái pháp luật, đưa phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài lấy chồng, bán dâm, sử dụng công nghệ thông tin để hoạt động lừa đảo…
Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động trong đó có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu. Chính phủ nhận định, đây là vấn đề phức tạp mà các bộ, ngành, địa phương đang phải phối hợp giải quyết.
Theo dự thảo luật, người nước ngoài chỉ được cấp thị thực lao động sau khi xin được giấy phép lao động tại Việt Nam.
Cơ quan soạn thảo dự luật – Bộ Công an, đặt vấn đề cần yêu cầu người nước ngoài vào làm việc có thu nhập tại Việt Nam phải có giấy phép lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước khi nhập cảnh. Theo đó, quy định người nước ngoài không được chuyển đổi mục đích nhập cảnh cũng đã được bổ sung.
Video đang HOT
Về vấn đề cư trú, Bộ Công an đề xuất mở rộng đối tượng cho thường trú là người nước ngoài không có giấy tờ chứng minh quốc tịch đang tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000. Việc cấp thẻ thường trú cho số này ngoài việc phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng còn tạo tiền đề cho những người này xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch, hạn chế tình trạng người không quốc tịch ở nước ta.
Tuy nhiên, người nước ngoài được xem xét cho thường trú phải có chỗ ở hợp pháp, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam, tránh tình trạng người nước ngoài thường trú là gánh nặng cho xã hội, trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, đông dân.
Theo quy định trong dự thảo luật, Bộ trưởng Công an có thẩm quyền quyết định cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Thẩm tra những nội dung này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị nghiên cứu, xem xét các quy định có liên quan trong Nghị định 21/2001/NĐ-CP đã và đang được thực hiện ổn định, có hiệu quả để đưa vào dự luật như các quy định về đăng ký, khai báo tạm trú, thường trú; cấp thẻ tạm trú, cấp thẻ thường trú…; điều kiện đi lại, tạm trú, thường trú của người nước ngoài tại khu vực biên giới, khu công nghiệp, khu chế xuất; các hoạt động của tổ chức NGO; việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài trong trường hợp cần thiết để xử lý những công việc khẩn cấp; quản lý người nước ngoài bị trục xuất trong thời gian chờ giải quyết thủ tục trục xuất…, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thường trực UB cũng yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện kèm theo để được cấp thị thực thuộc nhóm dễ phát sinh những vấn đề phức tạp như du lịch, lao động, những người được cấp thị thực ký hiệu D theo Pháp lệnh hiện hành (có thể thông qua việc chứng minh về tài chính, vé máy bay khứ hồi)…
Bác bỏ những e ngại điều kiện chặt chẽ hơn có thể làm ảnh hưởng đến ngành du lịch, ông Khoa cho biết, Singapore áp dụng điều kiện khách du lịch cá nhân phải có ít nhất 500 USD, gia đình phải có ít nhất 2.000 USD. Tương tự Thái Lan quy định lần lượt là 10.000 và 20.000 bath, có vé khứ hồi trong phạm vi thời hạn thị thực còn giá trị. Mặc dù quy định như vậy, nhưng lượng khách du lịch đến các quốc gia này đều lên đến hàng chục triệu lượt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc, nguyên tắc khi hội nhập quốc tế nói chung là phải tạo điều kiện cho thông thương, tuân thủ thông lệ quốc tế. “Nếu cứ giữ cửa của ta, mở đóng thế nào theo ý ta thì… không thuận” – Chủ tịch Quốc hội nhắc lại yêu cầu mở cửa và tạo điều kiện thay vì xây dựng luật xuất phát từ góc độ này, quan điểm kia của cơ quan quản lý.
Nêu nhiều băn khoăn về việc “siết” điều kiện cấp thị thực nhập cảnh, cư trú, làm việc…, Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu, quy định sao để mỗi người nước ngoài cũng chỉ phải làm 1 loại giấy tờ, không cần phải chạy nhiều loại giấy phép khác nhau.
P.Thảo
Theo Dantri
Hoãn trình Luật Đầu tư công
Luật Đầu tư công được chờ đợi tại phiên họp của UB Thường vụ cũng như kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc, cuối cùng không qua được vòng... thủ tục. Bộ KH-ĐT chính thức xin rút dự án luật này khỏi chương trình làm luật năm 2012.
Phiên họp thứ 12 của UB Thường vụ QH.
Buổi làm việc chiều qua, xét tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, UB Thường vụ Quốc hội đã thống nhất rút dự án Luật Đầu tư công, mua sắm công khỏi chương trình kỳ họp thứ 4 (bắt đầu cuối tháng 10) để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị vì đến nay, cơ quan soạn thảo vẫn chưa kịp trình Thường vụ xem xét, thẩm tra, trong khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là khai mạc kỳ họp.
Bộ KH-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật phân trần, quá trình soạn thảo dự án Luật này gặp nhiều khó khăn do có sự khác biệt lớn giữa lĩnh vực đầu tư công và lĩnh vực mua sắm công. Chính phủ cho rằng, việc ghép dự án Luật đầu tư công và dự án Luật mua sắm công với nhau chỉ có thể là ghép một cách cơ học, khó có thể lồng nội dung vào nhau để tạo thành một luật thống nhất cả phạm vi điều chỉnh và bố cục. Việc soạn thảo nghị định hướng dẫn sau này cũng sẽ gặp khó khăn vì phạm vi cần quy định chi tiết thi hành rất rộng.
Cơ quan soạn thảo đề xuất tách nội dung đầu tư công để xây dựng Luật đầu tư công tách nội dung mua sắm công để xây dựng Luật đấu thầu (sửa đổi). Việc tách và đổi tên Luật mua sắm công là Luật đấu thầu (sửa đổi) để phù hợp với thực tế là quy định về mua sắm công trong dự thảo Luật này thực chất là nội dung được thiết kế trên cơ sở sửa đổi Luật đấu thầu (sửa đổi) hiện hành.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh lập luận, đầu tư công chỉ là các hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn ngân sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không nhằm mục đích kinh doanh, không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Mua sắm công có phạm vi rộng hơn, bao gồm toàn bộ hoạt động mua sắm có sử dụng vốn nhà nước không phân biệt mục đích lợi nhuận và không lợi nhuận và điều chỉnh cả hoạt động mua sắm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Do đó, khó có thể lồng nội dung hai luật vào nhau.
Dự kiến ban đầu, dự án Luật Đầu tư công, mua sắm công nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, 2013, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013).
Cùng với đề xuất này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đồng thời đề nghị được trình ngay dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi tại kỳ họp tới vì đã chuẩn bị cẩn thận, nghiêm túc. Ông Vinh cho rằng đây cũng đang là vấn đề nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, UB Thường vụ chưa quyết định nội dung này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị UB Thường vụ cho phép bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vào Chương trình chính thức năm 2012 để xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, bổ sung dự án Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (sửa đổi) vào Chương trình chính thức khóa XIII để xem xét, thông qua vào năm 2014....và một số nội dung khác.
Như vậy, ngay trước thềm kỳ họp thứ 4, liên tiếp 2 dự án luật đã được rút khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội, ngoài Luật Đầu tư công, mua sắm công còn có Luật Việc làm.
Theo Dantri
Đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Nghị định 96/2013 sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2009 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành hôm qua, chính thức thay đổi tên gọi Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Cảnh sát biển Việt Nam mới được trang bị thêm một dàn...