Siết quản lý văn bằng, chứng chỉ
Bộ GDĐT mới đây đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, có biện pháp hiệu quả khắc phục tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ và mua bán văn bằng, chứng chỉ.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại văn bản hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019-2020 do Bộ ban hành.
Ảnh minh họa
Trên thực tế thời gian qua, tình trạng báo nháo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, văn bằng 2 là có thật. Âu cũng bởi xuất phát từ “cầu” dẫn tới “cung”, nhiều người nhằm hoàn thiện việc làm đẹp hồ sơ cán bộ, hoặc để đối phó với yêu cầu của các nhà tuyển dụng khi xin việc hoặc thi tuyển công chức, viên chức…đã chọn các loại hình đào tạo học liên kết để lấy chứng chỉ, văn bằng nhanh. Song điều này cũng nảy sinh nhiều hệ lụy.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2018 có 2 đại học (ĐH) vùng, 50 trường ĐH, học viện báo cáo có hoạt động liên kết đào tạo hoặc đào tạo ngoài trụ sở chính mà không có hoặc không có đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; một số trường có nhiều lớp liên kết đào tạo, dù chưa được Bộ cấp phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ GDĐT đã phát hiện 8 cơ sở giáo dục ĐH chủ trì tổ chức liên kết đào tạo chưa đúng quy định. Ngoài các nguyên nhân đã được chỉ ra ở trên, theo phân tích của một số chuyên gia, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) không phân biệt văn bằng ĐH theo hình thức đào tạo cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu về văn bằng 2, bằng tốt nghiệp ĐH tại chức, liên thông… Trong bối cảnh vẫn còn chờ hướng dẫn thi hành Luật, nhiều cơ sở đào tạo đã lợi dụng việc quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo để làm ăn.
Sau những sai phạm mới đây nhất của Trường ĐH Đông Đô, nhằm tránh sự phân tán, nhiều đầu mối trong quản lý văn bằng, chứng chỉ, ngày 20/9/2019, Bộ GDĐT đã ký quyết định chuyển giao nhiệm vụ cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng – đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì việc quản lý văn bằng, chứng chỉ từ trước tới nay. Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định mẫu về văn bằng, chứng chỉ; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ và dán tem bảo hiểm chống giả vào các phôi văn bằng, chứng chỉ… Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu, xác minh văn bằng, chứng chỉ, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn trong đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ hiện nay đồng thời bảo đảm sự công bằng, lợi ích cho các cơ sở đào tạo, các học viên nghiêm túc. Hiện tại Bộ cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt đối với vi phạm liên quan đến văn bằng, chứng chỉ.
Tình trạng làm đẹp hồ sơ với tấm bằng tin học, ngoại ngữ được cấp một cách dễ dãi, không đúng năng lực thực sự đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng rõ ràng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Câu chuyện này cũng làm nóng nghị trường khi câu chuyện “chuẩn hóa” chức danh nghề nghiệp cho viên chức, công chức nói chung, trong đó có giáo viên đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo quy định để được chuẩn hóa viên chức, nhất là giáo viên, muốn được thăng hạng, đồng nghĩa với tăng bậc lương thì phải có nhiều điều kiện, như hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục và không thể thiếu 3 loại chứng chỉ: Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, tin học và ngoại ngữ.
Video đang HOT
Đa số các ý kiến cho rằng, quy định về chứng chỉ trong nâng ngạch, thăng hạng bị áp đặt rất rập khuôn, máy móc, khiến đội ngũ công chức, viên chức có những tâm tư, ức chế không đáng có. Do đó, đã đến lúc dẹp những chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, để dẹp vấn nạn học giả, chứng chỉ thật…
Vi Cầm
Theo daidoanket
Loạn chứng chỉ hành công chức, viên chức: Cần loại bỏ một kiểu 'giấy phép con'
Đề cập tình trạng loạn chứng chỉ "hành" công chức, viên chức, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, cơ quan đang thẩm tra Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức liên tưởng đến các loại "giấy phép con" hành doanh nghiệp, cần phải sớm dẹp bỏ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật
Đã lỗi thời, cần xóa bỏ
Tình trạng loạn chứng chỉ trong bổ nhiệm, xét tuyển không chỉ hành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn gây tốn kém, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, vì đa phần họ phải vừa học vừa làm. Ông đánh giá gì về thực trạng này?
Trong xét tuyển hoặc thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức, quy định hiện hành đã đưa ra những văn bằng, chứng chỉ rất cụ thể và cần thiết. Bên cơ quan Đảng thì theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, còn bên Nhà nước thì theo quy định của Bộ Nội vụ. Với ba loại bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là rất cần thiết để chuẩn hóa công tác cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, nhiều cử tri, công chức, viên chức còn phản ánh, ngoài 3 loại bằng chứng chỉ này còn "đẻ" thêm rất nhiều chứng chỉ "trên trời" khác. Về việc này, theo tôi cần phải tùy từng trường hợp, đối tượng cụ thể mà có những quy định cho phù hợp. Không thể tất tần tật công chức, viên chức khi xét tuyển phải có đầy đủ các loại văn bằng, chứng chỉ. Tôi ví dụ thi công chức chỉ cần quy định phải có bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính, thế là đủ!
Nếu cứ quy định vô vàn các loại chứng chỉ cho "đẹp" hồ sơ cũng chỉ làm khổ công chức, viên chức. Nơi nào "đẻ" thêm các loại chứng chỉ, hành công chức, viên chức thì nơi đó làm trái quy định. Thi tuyển hay xét tuyển công chức, viên chức cần phải theo quy định chung, chứ mỗi tỉnh, thành, mỗi bộ, ngành lại quy định một khác là trái luật.
Một bất cập nhận được nhiều ý kiến phản ánh là tình trạng phải đi học để có văn bằng chứng chỉ theo quy định, nhưng chỉ toàn học lại kiến thức cũ, rất hình thức. Theo ông, có cần xem xét, hủy bỏ nếu quy định hiện nay không còn phù hợp?
Quả là như vậy. Nếu chỉ dạy những cái người ta đã học rồi thì chỉ làm mất thời gian, tốn tiền của công chức, viên chức. Quy định về văn bằng, chứng chỉ hiện nay phải theo quy định của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương, chứ không được "đẻ" thêm các loại văn bằng, chứng chỉ khác ngoài quy định.
Thậm chí ngay cả đối với quy định của Ban Tổ chức Trung ương, hay của Bộ Nội vụ cũng cần phải xem những quy định đó bây giờ còn phù hợp với thực tiễn hay không? Có cần thiết nữa không hay đã lỗi thời? Tôi cho là đã lỗi thời và nên xóa bỏ. Cần phải làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đỡ tốn kém nhất và hiệu quả nhất cho việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức.
Bổ nhiệm, xét tuyển với cơ man các loại văn bằng, chứng chỉ như vậy có cần thiết không? Bổ nhiệm một ông trưởng phòng, phó phòng, phó giám đốc sao lại cần nhiều chứng chỉ thế? Các loại chứng chỉ ấy có chứng minh anh ta là người tài không, hay cũng chỉ mang tính hình thức, cho đẹp hồ sơ?
Nhân tài đâu phải nhiều chứng chỉ
Nhiều người cho rằng các loại văn bằng chứng chỉ chỉ là một loại "giấy phép con" cần phải loại bỏ?
Đúng vậy! Tôi nghĩ cần phải loại bỏ. Ví dụ thi công chức, viên chức, chỉ cần có bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính, chỉ như thế là đủ điều kiện, không cần đòi hỏi thêm chứng chỉ nào khác nữa. Như ở tỉnh Đồng Tháp chúng tôi, thi tuyển hay xét tuyển công chức, viên chức cũng chỉ cần có mấy loại văn bằng, chứng chỉ trên là đủ.
Với những người có chức vụ, chẳng hạn như trưởng phòng phải là chuyên viên, giám đốc, phó giám đốc sở phải là chuyên viên chính. Quy định này cần thiết phải có để nâng cao trình độ, năng lực của người có chức vụ. Nhưng với công chức, viên chức không nhất thiết phải có quá nhiều chứng chỉ, văn bằng. Thậm chí trong các loại văn bằng chứng chỉ ấy còn có yếu tố lợi ích nhóm trong đó nữa.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm về việc này, thưa ông?
Như tôi đã nói là phải căn cứ vào quy định của Ban Tổ chức Trung ương và của Bộ Nội vụ, nơi nào làm sai, nơi đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Song điều quan trọng nhất là phải làm sao giảm đến mức thấp nhất thủ tục giấy tờ như trong đăng ký kinh doanh, những loại "giấy phép con" cần phải dẹp bỏ. Tất nhiên đối với những quy định "cứng" thì phải có, còn những quy định "mềm" cần phải xem xét, loại bỏ.
Theo ông, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có nên vào cuộc, giám sát tình trạng loạn chứng chỉ văn bằng hiện nay?
Việc này không nhất thiết phải Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay các Ủy ban của Quốc hội vào cuộc giám sát, hay tổ chức giải trình mà nên để thanh tra công vụ vào cuộc. Ở đây có thể là thanh tra chuyên ngành của các Bộ, hoặc Thanh tra Bộ Nội vụ thực hiện, trên cơ sở đó xem xét, loại bỏ "giấy phép con" không cần thiết.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ Công chức và Luật Viên chức đang được Ủy ban Pháp luật thẩm tra và Quốc hội cho ý kiến. Vấn đề này có cần phải được quan tâm trong lần sửa đổi này không, thưa ông?
Theo tôi, với những việc cụ thể này nên để cho Nghị định của Chính phủ quy định và ban hành, còn những nội dung đưa vào luật thì phải mang tính bao quát. Tôi ví dụ về tuyển chọn nhân tài, chúng ta đã nói rất nhiều đến khái niệm thế nào là nhân tài? Trọng bằng cấp, học hàm học vị hay năng lực thực sự? Nhưng nhân tài đâu nhất thiết phải có nhiều loại văn bằng, chứng chỉ?
Do vậy, để thu hút được người tài tham gia vào bộ máy, tham gia vào đội ngũ công chức, viên chức thì phải giảm bớt tối đa các loại văn bằng chứng chỉ không cần thiết, đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện.
Cảm ơn ông.
"Ngay cả đối với quy định của Ban Tổ chức Trung ương, hay của Bộ Nội vụ cũng cần phải xem những quy định đó bây giờ còn phù hợp với thực tiễn hay không? Có cần thiết nữa không hay đã lỗi thời? Tôi cho là đã lỗi thời và nên xóa bỏ. Cần phải làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đỡ tốn kém nhất và hiệu quả nhất cho việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức". Đại biểu Phạm Văn Hòa
Theo Tiền phong
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cam kết sửa quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ "Tôi thấy rất phiền hà. Xin hứa với Quốc hội, chúng tôi sẽ sửa quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ". Là một trong những đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, sáng 7/11, bà Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng...