“Siết” điều kiện nhập khẩu vào quận nội thành
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cư trú trình Quốc hội sáng 23/5 “nới” đôi chút thời hạn tạm trú khi muốn nhập khẩu vào thành phố trực thuộc TƯ. Nhập vào các huyện chỉ cần tạm trú 1 năm. Nhập vào quận nội thành phải tạm trú 2 năm.
Quy định này được đánh giá là đã “nới lỏng” chút ít so với bản dự thảo được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ trước đó. Cụ thể, bản dự thảo trước đây đề xuất quy định công dân được nhập cư vào các thành phố lớn trực thuộc TƯ nếu có một trong các điều kiện: Có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình; có chỗ ở hợp pháp mà không phải là nhà ở thuộc sở hữu của mình và tạm trú liên tục từ 2 năm trở lên…
Điều kiện tạm trú 2 năm này chặt chẽ hơn so với thời hạn tạm trú 1 năm trong luật Cư trú hiện hành.
Hạ tầng Hà Nội và nhiều đô thị lớn đang quá tải so với lượng dân nhập cư.
Lần này, trình ra Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh lại, quy định thời hạn tạm trú theo 2 nhóm đối tượng khác nhau: giữ thời hạn 1 năm như quy định hiện hành với trường hợp người muốn nhập khẩu vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc TƯ và tăng gấp đôi thời hạn này với trường hợp người muốn nhập khẩu vào các quận của thành phố.
Video đang HOT
Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Thẩm tra nội dung này, UB Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm, giữ nguyên thời hạn tạm trú 1 năm với người chỉ xin nhập khẩu vào các huyện ngoại thành là phù hợp bởi sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Do đó, việc hạn chế bớt số lượng người thường trú tại các quận nội thành thì có thể nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của dự thảo Luật cũng hợp lý.
Quy định này cũng được đánh giá là thống nhất với nội dung của luật Thủ đô sắp có hiệu lực (từ 1/7/2013) – chỉ quy định các điều kiện chặt chẽ hơn khi đăng ký nhập khẩu vào các quận nội thành của thành phố.
Tuy nhiên trong thường trực UB cũng có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các thành phố trực thuộc TƯ như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành. Bởi lẽ, người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành. Hướng quan điểm này đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế – xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các thành phố lớn trực thuộc TƯ.
Về quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý tán thành hướng giao cho HĐND thành phố quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Quy định này cũng tương tự như Luật Thủ đô, giao cho HĐND Hà Nội quyết định về mức diện tích tối thiểu (5 m2/người).
Về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức cần phải có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản lại có 2 hướng ý kiến khác nhau.
Nhóm ý kiến thứ nhất đồng ý với đề xuất này để đảm bảo sự chặt chẽ, tránh việc tùy tiện, thiếu trung thực trong việc khai điều kiện đăng ký thường trú. Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị quy định rõ trong luật là giao cho UBND cấp xã xác nhận về diện tích bình quân, chứ không nên quy định là giao cho chính quyền địa phương.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định xác nhận của chính quyền địa phương và cho rằng việc xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu.
UB Pháp luật cũng tán thành với việc bổ sung các trường hợp này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ mà cha mẹ đã ly hôn và đã kết hôn với người khác, nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.
Theo Dantri
Đề nghị trục xuất người di cư bất hợp pháp
"Chính phủ cũng cho rằng sẽ giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp bằng giải pháp kinh tế xã hội mà không giải quyết bằng luật cư trú để hợp pháp hóa" - Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ phát biểu trong phiên họp của Ủy ban TVQH chiều qua (21/3).
Theo ông Ngọ, điều này là "không thể chấp nhận được", và biện pháp mà ông đưa ra là "trục xuất chẳng hạn".
Không thể chấp nhận được
Dù Luật Cư trú không có quy định đối với những trường hợp di cư bất hợp pháp, tuy nhiên, cả Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã đề cập đến thực trạng này. Nói mình là người "thường xuyên đi miền núi", ông Ksor Phước phản ánh tình trạng có huyện có tới 4,5 vạn dân cư do nhập cư bất hợp pháp, do di cư tự do đến, do đó "Cần nghiên cứu kỹ để xử lý tình huống này", bởi "Giờ cơ hội điều chỉnh thì chúng ta lại không làm".
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ khẳng định: Vấn đề di cư tự do đến ở bất hợp pháp thì không thể cấp hộ khẩu.
Chính phủ sẽ giải quyết tình trạng di cư tự do và nhập cư bất hợp pháp bằng giải pháp kinh tế xã hội. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Nhắc lại quan điểm của Chính phủ "Giải quyết (di cư tự do và nhập cư bất hợp pháp) bằng giải pháp KTXH mà không giải quyết bằng Luật Cư trú để hợp pháp hóa", ông Ngọ cho rằng tình trạng này là không thể chấp nhận được, và biện pháp đưa ra là "trục xuất chẳng hạn".
Con cháu không được nhập khẩu về với ông bà
So với Luật Cư trú cũ, Luật sửa đổi bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc "giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi".
Trả lời chất vấn của Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai về vấn đề trục lợi, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nêu hàng loạt dẫn chứng. Theo đó, thậm chí còn những trường hợp lệnh truy nã, trường hợp bỏ trốn khỏi địa phương được cho tạm trú nhằm thu tiền mà không ở. Hay tình trạng "Hiện có trên 1.000 xe của Việt kiều hồi hương, nhưng không về nước, nhưng qua việc nhập hộ khẩu đăng ký xe để bán nhằm trục lợi, trốn thuế ".
Xung quanh các quy định xác nhận phải có công chứng, cấm cháu nhập hộ khẩu về với ông bà, nhiều ĐBQH tỏ ý băn khoăn. Trưởng ban Công tác đại biểu QH Trần Thị Nương cho rằng: Pháp luật không thể gây khó khăn cho công dân, phải để con cháu về ở với ông bà nếu họ có nhu cầu, kể cả bố mẹ vẫn còn tình trạng hôn nhân tốt.
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nói nếu bỏ quy định này "sẽ ảnh hưởng rất lớn". Chẳng hạn vấn đề đáp ứng nhu cầu học hành, giáo dục sẽ không đủ với những người có hộ khẩu ở các quận nội thành...
Hôm nay (22/3), phiên họp thứ 16 của UBTVQH sẽ bế mạc sau khi tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT và Chánh án TAND Tối cao.
Theo 24h
Dự luật cư trú thiên về cấm đoán Những quy định liên quan tới việc cấm, xóa đăng ký thường trú trong dự luật cư trú đã vấp phải phản đối trong buổi làm việc của Thường vụ Quốc hội sáng 26/2. Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự luật là nhằm tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự...