Siết chặt quản lý, nâng hiệu quả sử dụng ngân sách
Báo cáo mới công bố của Chính phủ cho thấy, nợ công đã ở mức 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với con số 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011. Nợ Chính phủ trên thực tế cũng đã vượt 0,3% ngưỡng cho phép.
Áp lực gia tăng nợ công đã khiến Bộ Tài chính phải tính toán nhiều phương án nhằm bù đắp nguồn thu, trong đó có việc điều chỉnh tăng một số loại thuế, như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Mức thuế môn bài cũng sẽ điều chỉnh tăng thêm nhằm phù hợp với tốc độ tăng lương cơ bản.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng một số khoản thuế không nhằm mục đích tận thu ngân sách, mà mục tiêu chính là cơ cấu lại mức thu cho phù hợp với thực tế. Song, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn khó khăn, “ sức khỏe” của cộng đồng DN vẫn chưa phục hồi, thì việc điều chỉnh tăng thuế, phí sẽ tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo phản ánh của nhiều DN, gánh nặng thuế, phí, nhất là các khoản chi phí “ngoài luồng” đã trở thành mối lo của nhiều DN. Kết quả công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2015) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác vừa công bố tại Hà Nội cũng cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra khá phổ biến. Người dân, DN phải chung chi, “bồi dưỡng” khi đi khám chữa bệnh, xin giấy phép xây dựng và xin học cho con…
Thực tế này cho thấy, gánh nặng thuế, phí, chi phí “ngoài luồng” đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, “sức khỏe” của cộng đồng DN. Tuy nhiên, người dân vẫn sẵn sàng đóng góp vào ngân sách nếu nguồn tiền này được quản lý chặt chẽ, hiệu quả và sử dụng đúng mục đích. Cùng với việc điều chỉnh tăng thu các khoản thuế, phí vốn đã rất dày đặc hiện nay, việc siết chặt quản lý các khoản chi ngân sách là đòi hỏi chính đáng của những người đang đóng góp trực tiếp vào ngân sách.
Khi ngân sách được điều tiết hợp lý cho các mục tiêu phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, người dân và cộng đồng DN sẽ không ngần ngại đóng góp tích cực tiền thuế vào ngân sách. Bởi, lúc này chính họ sẽ là những người được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua việc xây dựng hạ tầng cơ sở, điện, đường, trường, trạm và chế độ an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục được cải thiện. Thay vì tăng thu ngân sách, cần siết chặt kỷ luật chi tiêu công để có được sự đồng thuận cao từ phía người dân và cộng đồng DN.
Siết chặt quản lý thay vì tăng thu Báo cáo mới công bố của Chính phủ cho thấy, nợ công đã ở mức 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với con số 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011.
Nguyên Anh
Theo_Hà Nội Mới
Video đang HOT
Tượng đài, trung tâm hành chính, rồi gì nữa?
Tái cơ cấu đầu tư công, sau 4 năm siết chặt và cắt giảm thì &'căn bệnh' kém hiệu quả &'vẫn đâu vào đấy', khó chữa và khó kiểm soát.
Giảm đầu tư công vì... hết tiền
"Sau tượng đài, trung tâm hành chính, không biết người ta còn nghĩ ra gì mới nữa không?", TS Vũ Đình Ánh than thở tại hội thảo tái cơ cấu đầu tư công do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) tổ chức hôm 24/11.
TS Ánh phân tích: "Thời điểm cao nhất, đầu tư công chiếm 20% GDP, hiện chỉ còn khoảng 10% GDP. Tuy nhiên, không phải do chúng ta chủ động thay đổi quy mô đầu tư từ khu vực Nhà nước mà chẳng qua vì chúng ta hết tiền, bị động, không thể tăng được nữa. Cùng đó là khu vực ngoài nhà nước lại chủ động tăng đầu tư lên".
Ông Ánh cũng cập nhật, nguồn lực từ ngân sách vẫn đang chiếm tới 45% tổng vốn đầu tư công. Nếu đầu tư công chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì sẽ tiếp tục đẩy áp lực căng thẳng lên túi tiền ngân sách.
Mô tả
Theo ông, năm 2011, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 1792 về cắt giảm, siết chặt đầu tư công, dẹp bỏ các dự án đầu tư công thiếu nguyên tắc, không cân đối được vốn. Nhưng đến nay, sau 4 năm thì những dự án như trung tâm hành chính 10.000 tỷ đồng vẫn đề xuất đầu tư.
Bà Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô - Ciem đánh giá, nhìn vào 8 bước trong quy trình quản lý đầu tư công thì thấy rất nhiều vấn đề.
Chẳng hạn như quy trình thẩm định đề xuất đầu tư công chưa thực chất, thời gian thẩm định ngắn, cơ quan quản lý không đủ năng lực thẩm định hiệu quả kinh tế xã hội để làm căn cứ quyết định cấp phép dự án. Các quy định pháp luật hiện nay vẫn chưa tạo áp lực buộc chủ đầu tư và nhà thầu phải tối thiểu hoá chi phí. Đó cũng là lý do mà chi phí đầu tư công thường bị đẩy lên cao và là mảnh đất màu mở để trục lợi...
"Với cơ chế quản lý đầu tư công như hiện nay thì nguy cơ nợ công tăng cao. Tỷ trọng vay nợ trong tổng đầu tư công ngày càng tăng, trong khi cơ chế cho vay lại, phân bổ vốn đi vay cho đầu tư công vẫn mang cơ chế hành chính", bà Tú Anh cảnh báo.
"Nửa dơi, nửa chuột'
Một trong những lý do trực tiếp nhất cho căn bệnh dàn trải, kém hiệu quả ở đầu tư công vẫn là "không gắn với sự thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Tư duy của chúng ta vẫn là nhà nước làm tất, quên mất rằng, nhà nước phải điều tiết nền kinh tế bằng chính sách. Chúng ta vẫn đề cao vai trò DNNN", theo TS Ánh nói.
TS Đặng Đức Đạm, nguyên Phó Ban nghiên cứu của Thủ tướng khẳng định: rất khó để tái cơ cấu đầu tư công nếu các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay vẫn làm chủ các dự án đầu tư công. Ở đây có sự không rõ ràng và cần phải tách biệt việc kinh doanh tiền bạc khỏi các cơ quan nhà nước.
Tổng kết quá trình đầu tư công 10 năm qua cho thấy, cả nước có 34.000 dự án đầu tư bằng vốn nhà nước do 10.000 ban quản lý dự án, các PMU quản lý. Các PMU có tư cách pháp nhân rất hạn chế nhưng các tổng giám đốc và phó tổng giám đốc các PMU lại được trao nhiều quyền lực. Chức năng các PMU là thay mặt các chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, họ có tài khoản riêng nhưng không có mã số thuế.
"Đó là thứ "nửa rơi, nửa chuột", không phải DN, không phải cơ quan hành chính nhà nước nên rất khó quản lý, khó giải trình", TS Đạm nói.
Ông lo lắng: "10 năm qua PMU vẫn yên lành thực hiện chức năng của mình, tiếc là vừa rồi nó nằm trong Luật Xây dựng. Nếu cứ như thế này, các cơ quan hành chính cứ sử dụng PMU, quản lý dự án vốn ngân sách Nhà nước thì đầu tư công vô phương cứu chữa".
Các vị chuyên gia kinh tế đã thống kê, trong 5 năm qua, đã có nhiều cơ chế chính sách siết chặt kỷ luật đầu tư công như 5 chỉ thị của Thủ tướng, luật hoá đầu tư công, rồi áp dụng đấu thầu... Nội dung cốt lõi của hệ thống giải pháp này đều rất hay, như khắc phục nợ đọng cơ bản, hạn chế dự án chưa có nguồn vốn, gắn trách nhiệm quyết định dự án công với các cá nhân.
Tuy nhiên, theo nhiêu chuyên gia thì các giải pháp đó vẫn chưa được các đơn vị thực thị một cách hiệu quả nên "chưa kiểm soát được hiệu quả đầu tư công".
Dẫn chứng cho tính kỷ luật lỏng lẻo ở lĩnh vực này, TS Tú Anh cho biết, đó là tình trạng dự án chưa bố trí vốn, nhưng vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và để nhà thầu ứng vốn thi công, gây phát sinh thêm nợ đọng hàng trăm tỷ.
Chẳng hạn như ở Bến Tre, có 14 dự án xuất hiện nợ đọng với số tiền 127 tỷ đồng, Kiên Giang có 31 dự án với số tiền nợ đọng là 31 tỷ đồng, Lào Cai có 58 dự án với số tiền nợ đọng 193,6 tỷ đồng. Đặc biệt, Ninh Bình tính đến cuối năm 2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở, với số vốn còn thiếu là 9.147 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng...
Và khi xảy ra nhiều yếu kém như vậy thì "mọi người đều trốn trách nhiệm cả", TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận.
Bởi theo ông, công khai thông tin về đầu tư công mà không đi kèm với trách nhiệm giải trình thì sẽ không mang lại hiệu quả. Và ở ta trách nhiệm giải trình có thể chỉ là ở việc giải thích đúng quy trình là xong.
Phạm Huyền
Theo_VietNamNet
Vay nước ngoài: Chính phủ bảo lãnh, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm Các khoản vay nước ngoài mà doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh thì doanh nghiệp tự chịu mọi rủi ro, chịu trách nhiệm trả nợ đúng hạn. Báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, tổng số nợ...