Siết chặt điều kiện kinh doanh bất động sản
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) đang hoàn thiện, Bộ Xây dựng đề xuất quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS, cũng như điều kiện của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh BĐS (sau đây gọi chung là doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh lĩnh vực này phải công khai thông tin về doanh nghiệp, bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật và số điện thoại liên lạc và các thông tin liên quan đến BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Luật Kinh doanh BĐS trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và nơi có BĐS đưa vào kinh doanh.
Siết chặt điều kiện kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân chỉ kinh doanh các BĐS có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh BĐS.
Đối với trường hợp là chủ đầu tư dự án BĐS thì phải có các điều kiện quy định trên và có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Việc xác định vốn chủ sở hữu được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp (được thực hiện trong năm tham gia đầu tư kinh doanh hoặc năm trước liền kề năm tham gia đầu tư kinh doanh BĐS).
Video đang HOT
Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên, dự thảo nêu rõ, các trường hợp kinh doanh BĐS không bắt buộc phải có các điều kiện trên, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, kinh doanh BĐS quy mô nhỏ được xác định trong trường hợp bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất dưới mức diện tích đất, diện tích sàn xây dựng nhà ở, công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định.
Cụ thể, kinh doanh BĐS không thường xuyên bao gồm các trường hợp: Bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách theo quy định của pháp luật; bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS thuộc sở hữu Nhà nước khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện bán nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án đang bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định pháp luật; bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định của Tòa án, của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp, nhưng dưới mức diện tích đất, diện tích sàn xây dựng nhà ở, công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định.
Nhiều 'đòn bẩy' chính sách cho thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định.
Trong đó, phải kể đến nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường.
Ảnh minh họa: Vân Sơn/Báo Tin tức
Do đó, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng "đóng băng" hay "sốt nóng". Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. Các hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được chấn chỉnh kịp thời.
Theo Bộ Xây dựng, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản; trong đó, các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng được triển khai khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân vay mua nhà.
Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Tại nghị định này quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư xây dựng và hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Theo ông Vũ Thế Hưng, Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, sơ bộ tác động môi trường là một bước rất cần thiết để xem xét, cân nhắc trước khi có quyết định đầu tư, hoặc cấp phép đầu tư của một dự án. Nghị định 54/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về đầu tư - môi trường. Từ đó, giúp nhận định sớm vấn đề môi trường từ các dự án phát triển, đảm bảo nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm và mục tiêu chung về phát triển bền vững.
Thêm một chính sách mới được cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương chờ đợi là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/7/2021 quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 tới. Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc diện quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở, bao gồm: việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về quy hoạch đối với khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP đã quy định rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người được tái định cư; quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc di dời, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và một số cơ chế trong việc thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư... Nghị định này với nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc trong thời gian qua để giúp việc cải tạo chung cư cũ thoát khỏi tình trạng "rùa bò" bởi chính "rào cản" chính sách.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng ghi nhận "trợ lực" từ chính sách. Chương trình phát triển nhà ở xã hội luôn được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp có nhà ở để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.
Mới đây, Nghị định 49/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 1/4/2021 thay thế cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo "cú hích" quan trọng cho phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, giải quyết căn bản nhu cầu về nhà ở cho đối tượng chính sách trong lĩnh vực nhà ở với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nhiều tổ chức tín dụng khác bên cạnh Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 697/QĐ-NHNN ngày 22/4/2021, về mức lãi suất vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm. Các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng được triển khai khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân vay mua nhà...
Các chuyên gia nhận định, nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ cũng như quyết định, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan ban hành từ đầu năm 2021 hứa hẹn sẽ mang lại "trợ lực" cho thị trường bất động sản.
Liên tiếp từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 lần tái bùng phát dịch COVID-19, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với tình hình phát triển kinh tế; trong đó, thị trường bất động sản không phải ngoại lệ với hàng nghìn giao dịch bị ngừng lại. Hàng loạt dự án án chậm hoặc phải dừng triển khai do vướng mắc khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại thoái vốn khỏi thị trường. Hàng trăm doanh nghiệp bất động sản lần lượt tuyên bố giải thể, dừng hoạt động,...
Tuy nhiên, trước thách thức của dịch bệnh, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị...; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng chủ động đưa ra nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch... Từ đó, giúp thị trường bất động sản duy trì trạng thái thăng bằng.
Lấy ý kiến xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 31/12/2020 là...