Siết cấm vận Iran: Lựa chọn thay chiến tranh?
Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cố tránh lao vào một cuộc chiến với Iran trong năm bầu cử thì các đối thủ của ông lại làm hài lòng đám đông bằng các phiên bản “Đánh bom Iran” mà Thượng nghị sĩ John McCain phóng tác từ bài hát của nhóm nhạc Beach Boys năm xưa.
Một nhân viên bảo vệ tuần tra nhà máy hóa dầu Marun ngày 28/9/2011 ở Mahshahr, miền nam Iran. (Ảnh: Getty)
Và khi họ tham gia vào một diễn đàn do Liên minh Do Thái Cộng hòa (RJC) tổ chức hôm 7/12, các ứng viên Tổng thống thuộc phe này đã tự do đe dọa gây chiến tranh tưởng tượng nhằm vào Iran (Nếu tôi là Tổng thống…) mà không sợ rủi ro hay hậu quả. Họ cũng quy kết ông Obama vô trách nhiệm khi đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ chương trình hạt nhân của Tehran. (Tình báo Mỹ có một sự đồng thuận gây chút hoang mang rằng Iran vẫn chưa đưa ra, chứ đừng nói đến thực thi, một quyết định chế tạo các vũ khí hạt nhân, mặc dù đang nhanh chóng tích lũy tiềm lực để làm điều đó).
Tại diễn đàn, hai ứng viên có triển vọng nhất của phe Cộng hòa, Newt Gingrich và Mitt Romney, cam kết theo đuổi các chính sách mà sẽ thực sự đẩy Mỹ vào chiến tranh với Iran. Cả hai nhấn mạnh rằng sự thay đổi chế độ ở Tehran sẽ là mục tiêu trong chính sách ngoại giao của mình. Họ cũng tỏ rõ sự sẵn sàng sử dụng vũ lực để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.
Khi phóng viên CNN Wolf Blitzer hỏi Gingrich sau đó rằng ông sẽ phản ứng thế nào nếu có một cuộc gọi từ Nhà Trắng lúc 3h sáng thông báo Israel đã đánh bom các cơ sở hạt nhân Iran, ông này trả lời rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó, bởi vì ông đã định ra một chiến dịch quân sự chung với Israel thay vì đặt nước này vào một vị trí mà họ cảm thấy buộc phải hành động một mình. Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch Hạ viện còn nói rằng Israel sẽ không bao giờ có bất ngờ đó cho ông; họ biết ông là một đồng minh và sẵn sàng giúp đỡ.
Video đang HOT
Hứng chịu những cáo buộc từ phe Cộng hòa rằng ông không yêu mến đủ đối với Israel – “Tôi thân thiết với Netanyahu”, Gingrich nói với Blitzer; mọi người đều biết rằng Obama khó có thể nói tương tự, hôm 15/12, Tổng thống Mỹ đã biện hộ cho nỗ lực Iran của mình, nói rằng Tehran đang chịu các lệnh cấm vận gắt gao chưa từng có, và ông cũng đang đặt mọi lựa chọn lên bàn thảo luận”.
Cả Israel và Iran dường như không xem xét một cách nghiêm túc khả năng Mỹ hành động quân sự – một “lựa chọn” đã được đặt “trên bàn” trong suốt 5 năm qua, khoảng thời gian mà Iran đã tiến bộ lên rất nhiều – và sự hoài nghi của họ càng được củng cố bởi những cảnh báo công khai liên tục từ Lầu Năm Góc về một sự điên rồ chiến lược nếu thực thi “lựa chọn quân sự”.
Khi nói về Iraq và Afghanistan, lập trường mặc định của các ứng viên Cộng hòa là khẳng định họ sẽ nhận tín hiệu từ các tướng Mỹ. Tuy nhiên, khi nói về Iran, họ dường như không quan tâm lắm đến sự đồng thuận trong nhóm cấp cao này rằng đánh bom Iran sẽ là cách tốt nhất để làm chậm tiến bộ của Iran thêm đôi năm nữa, nhưng với cái giá gây chiến là những hậu quả thảm khốc khắp Trung Đông, và đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, làm chậm xung lượng hướng tới đối đầu với Iran sẽ không mang lại cho các ứng viên nhiều sự ủng hộ chính trị – hoặc quyên tặng cho chiến dịch – trong mùa bầu cử này. Thậm chí các đối thủ thuộc phe cộng hòa đã cố gắng vượt qua nhau trong các màn trình diễn công khai về sự yêu mến dành cho Israel và sự thù địch nhằm vào Iran.
Theo hãng tin AP, Ủy ban Các vấn đề công Mỹ – Israel (AIPAC) đã “chuyển bóng” về phía Obama trên đồi Capitol. AIPAC là một tổ chức vận động hành lang Israel, và đóng góp nỗ lực chính trị lớn vào các diễn đàn của tổ chức này từ lâu đã là một nghi thức trao đổi cần thiết đối với các chính trị gia muốn tìm kiếm một văn phòng thường trực, đặc biệt là bởi vì khả năng của nhóm này có thể gây ảnh hưởng tới rất nhiều các nhà hảo tâm yêu thích Đảng Dân chủ về các vấn đề trong nước nhưng lại có quan điểm diều hâu về Israel.
Tuần trước, theo AP, tổ chức này đã gửi một lá thư tới các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi họ thông qua một gói các lệnh cấm vận khốc liệt nhằm vào nền kinh tế Iran, bất chấp những phản đối từ chính quyền Obama về một số các điều khoản pháp luật.
Một dự luật có liên quan được thông qua với số phiếu 100/0 ở Thượng viện tuần trước, bất chấp những e dè của chính quyền, và sẽ cần được điều chỉnh lại tại Ủy ban pháp luật của Hạ viện.
Chính quyền Obama đã nỗ lực làm dịu tác động của các biện pháp mới, kêu gọi nới rộng thời gian ân hạn trước khi những biện pháp như vậy có hiệu lực, đồng thời tìm cách dỡ bỏ điều khoản cho phép các lệnh cấm vận chống lại bất kỳ một ngân hàng nước ngoài nào tham gia giao dịch dầu lửa với Ngân hàng Trung ương Iran. Dự luật này cho phép Tổng thống Obama khước từ thực thi ở nơi mà an ninh quốc gia Mỹ bị ảnh hưởng, mặc dù về thời hạn trong bản hiện hành, ông sẽ phải từ chối ba lần trước ngày bầu cử để một lệnh cấm vận dầu lửa nhằm vào Iran khỏi có hiệu lực.
Chính quyền Obama cảnh báo rằng, việc sử dụng hệ thống ngân hàng để ngăn Iran bán dầu có thể gây ra một sự leo thang nhanh chóng về giá dầu thế giới, đe dọa đến Mỹ và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu – ngay cả khi không có các biện pháp đó thì căng thẳng với Iran đã đẩy giá dầu lên cao rồi.
Và trước đó, Iran cảnh báo rằng họ sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào ngăn chặn khả năng bán dầu của mình là một hành động chiến tranh.
Mỹ và các đối tác có quan hệ kinh tế rất ít với nước Cộng hòa Hồi giáo ngày nay; mục tiêu của các biện pháp mới sẽ là trừng phạt những ai làm như vậy. Các cường quốc phương Tây đã không thể thuyết phục được nhiều đối tác thương mại then chốt của Iran – Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cùng một số nước khác – ủng hộ các lệnh cấm vận mới một cách tự nguyện, điều mà họ tin rằng vừa không có lý do chính đáng vừa không thể tạo ra một kết quả tích cực.
Các biện pháp mới mà Quốc hội hình dung sử dụng tính trung tâm của hệ thống ngân hàng Mỹ trong nền kinh tế thế giới để ép các đối tác miễn cưỡng tuân theo các lệnh cấm vận phương Tây. Các quan chức chính quyền cảnh báo rằng, những biện pháp như vậy có thể phá vỡ sự đồng thuận về các lệnh cấm vận hiện thời của Liên Hợp Quốc, và có thể đáp ứng mục đích của Iran bằng cách chia rẽ các đối tác chính trong cộng đồng quốc tế. Nhưng phe diều hâu ở Iran có thể dễ dàng chỉ ra rằng, các lệnh cấm vận hiện thời rõ ràng là không có tác dụng trong việc thay đổi hành vi của nước này.
Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào ngành năng lượng của Iran trong 3 năm qua, và có thể ngần ngại khi bị một nước nợ mình hơn 1 nghìn tỷ USD chỉ bảo có thể làm ăn với những ai.
Cũng có nhiều lo ngại sâu hơn khó nói thành lời, đằng sau sự lưỡng lự của chính quyền Obama về việc đặt nền kinh tế Iran vào thế tắc nghẽn vào thời điểm này: nó có thể là một bước đảo ngược không dễ dàng trên con đường hướng tới đối đầu. Những lệnh cấm vận như vậy nếu được thông qua như một lựa chọn thay thế cho chiến tranh thì sự thất bại (nhiều khả năng) của chúng nhằm áp chế Iran sẽ làm cho xung đột vũ trang là không thể tránh khỏi.
Sự leo thang có thể sẽ xảy ra tương đối nhanh chóng. Hầu hết các nước sẽ coi một lệnh cấm vận kinh tế hiệu quả gây “nỗi đau không thể chịu đựng nổi” như một hành động chiến tranh, hai bên có thể nhanh chóng thấy mình bị kẹt chặt trong một cuộc chiến thảm khốc tiềm ẩn. Tuy nhiên, động lực chính trị trong nước cả ở Washington và Tehran sẽ tăng thiệt hại cho các lãnh đạo ở cả hai bên khi cố gắng kiềm chế xung lượng hướng tới đối đầu.
Iran cũng đang vào mùa bầu cử, với một cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội vào tháng 3 tới và một cuộc bầu chọn Tổng thống vào năm 2013 – và lên tiếng cứng rắn khi đối mặt với đe dọa từ Mỹ và Israel là điều phổ biến trong hệ chống chính trị Iran chẳng khác gì cam kết thay đổi chế độ ở nước này tại Ủy ban Do Thái Cộng hòa. Trong dân chúng Iran, có một suy nghĩ định mệnh ngày càng tăng về việc chắc chắn sẽ xảy ra chiến tranh, và có rất nhiều sự ủng hộ dành cho các quan điểm dân tộc chủ nghĩa tham chiến.
Tuy nhiên, chính quyền Obama đang rơi vào bế tắc: Họ khẳng định, một cách đúng đắn, rằng đã tập hợp được một mức độ cấm vận chưa từng có tiền lệ chống lại Iran, nhưng họ không thể chứng tỏ những nỗ lực đó có thể thay đổi cục diện. Những người chỉ trích hiếu chiến cho rằng, kim đồng hồ vẫn đang chạy, và hầu hết các nhà phân tích về Iran tin rằng các lệnh cấm vận hiện thời không thể tạo ra một bước đột phá về ngoại giao.
Chính ý kiến về một sự “tan băng song phương” với Tehran xuất hiện giữa một cuộc chiến ngầm lại trở nên lố bịch – các nhà lãnh đạo Iran nói với Tổng thống Obama ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông rằng có thể không có chuyện nối lại quan hệ hữu nghị nếu các lệnh cấm vận vẫn còn đó; Họ khó mà có thể mềm lòng với những chiếc máy bay không người lái lượn trên bầu trời và các tài sản chủ chốt bị thổi tung.
Rõ ràng, các nhà lãnh đạo ở hai nước sẽ rất bận rộn trong năm tới chỉ đơn giản để tránh một cú lao nhanh tới một cuộc chiến mà họ muốn tránh, bởi vì các yêu cầu của chính trị nội địa đang buộc họ phải hướng tới xung đột.
Theo VietNamNet