Siem Reap ngày trở lại
Tôi trở lại Siem Reap sau bảy năm với phương tiện di chuyển dễ dàng hơn từ thủ đô Phnom Penh. Thành phố sầm uất hơn với nhiều mảng xanh, khách sạn mọc lên như nấm, và giá vẫn không thay đổi do sự cạnh tranh gay gắt.
Phương tiện di chuyển bằng xe tuk tuk có nhích lên chút ít nhưng không nhiều. Người Hàn Quốc đến đầu tư và kéo theo lượng khách du lịch lớn thay cho người Nhật trước đây. Người dân sử dụng tiếng Anh nhiều hơn và biết cách phục vụ hơn để hài lòng du khách. Nhà nước đưa vào khai thác dịch vụ du lịch bằng khinh khí cầu hay bay trực thăng để ngắm tổng thể cụm đền Angkor. Khu chợ đêm Angkor mới mở cho du khách chọn lựa những món quà lưu niệm đích thực của người Campuchia như lụa, gỗ, khăn choàng, xà rông…
Ngôi làng nổi bên hồ Tonle Sap
Anh Phirun – tiếp tân khách sạn – khuyên tôi đi thăm ngôi làng nổi Kampong Phluk. Anh Phirun cười nói: “Đây là ngôi làng chỉ có người Khmer sinh sống theo lối cổ truyền bên bờ hồ Tonle Sap, rất khác biệt so với những ngôi làng nổi mà bạn từng biết trước đây ở Thái Lan hay Brunei”.
Video đang HOT
“Ngôi làng gần như nằm cách biệt với bên ngoài bởi bao quanh nó là những rừng đước ngập mặn nối với hồ Tonle Sap. Phương tiện di chuyển của người dân chủ yếu là ghe nhỏ chèo bằng tay, khá giả hơn thì sử dụng ghe máy. Ngôi làng là hình ảnh còn sót lại về phương thức sinh sống của người Khmer cổ trên vùng sông nước Mekong khi chảy qua địa phận Campuchia”. Anh Munny, hướng dẫn viên giới thiệu cho tôi về làng Kampong Phluk khi tàu chạy được một đoạn.
Du lịch sinh thái trong lành tại rừng đước cổ thụ
Làng hiện ra với những ngôi nhà sàn cao chót vót. Từ mặt nước đến sàn nhà cao khoảng 5 – 8m. Len lỏi qua hệ thống sông ngòi chằng chịt, anh Munny giới thiệu tiếp: “Cách đây mười năm, ngôi làng mang đậm truyền thống của người Khmer khi toàn bộ mái nhà, vách nhà được làm từ rơm rạ và những cột đỡ làm bằng thân tràm”. Tránh hoả hoạn thường xảy ra vào mùa khô, người dân lại chuyển qua làm mái tôn, vách nhà bằng gỗ với những người khá giả, còn nghèo hơn vẫn sử dụng rơm rạ hay lá cây thốt nốt để xây dựng. Nguồn nước ngọt sử dụng hàng ngày trong sinh hoạt từ hồ Tonle Sap. “Trước đây, họ lấy nước từ sông lên trữ lại, chờ lắng cặn và uống. Gần đây, chính phủ khuyến cáo nên sử dụng nước đun sôi và sử dụng hệ thống bồn chứa trong nhà vệ sinh nhằm tránh bệnh tật và ô nhiễm nguồn nước”, Munny nói, cười tươi.
Trải nghiệm trong rừng đước cổ thụ
Cuộc sống của ngôi làng không yên lặng như tôi nghĩ. Rộn rã tiếng cười của nhóm chị em lượm lặt cá phía dưới sàn nhà. Những đứa trẻ trần truồng nô đùa, nhảy ùm dưới sông tắm và những chiếc ghe dọc ngang bán bánh tiêu, bánh cam, chuối… Anh Munny lại tiếp câu chuyện: “Cá ở đây rất dồi dào và nguồn thu nhập chính của những người sinh sống ở đây là đánh bắt”. Mùa nước lên từ tháng 7 – 10 cũng là mùa cao điểm đánh bắt trên hồ Tonle Sap. Sau những tháng này, họ lại quay vào đất liền bằng những chiếc ghe nhỏ để trồng lúa (một vụ/năm) do đất đã đủ nước. Những tháng còn lại, họ vẫn đánh bắt nhưng theo phương thức đơn giản là đặt lờ, giăng lưới… và vào rừng kiếm củi.
Khu chợ đêm mới mở dành cho du khách với những món quà lưu niệm đích thị của người Campuchia
Giữa các dãy nhà, họ lại chọn khoảng đất trống rộng để họp chợ khi mùa lũ đã rút. Chỉ khoảng 20% hộ ở đây thuộc dạng khá giả. Những hộ này biết kinh doanh bằng cách mua cá từ người đánh bắt nhỏ lẻ và đem ra chợ Siem Reap bán lại. Có những năm, đỉnh lũ lên cao (thường rơi vào tháng 10) tràn vào nhà, trong nhà người dân dùng tre kết bè lớn, phủ nhựa lên bè, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên bè, nước lên đến đâu, họ nổi lên đến đó. Munny chân thật rằng, “Ngôi làng không có điện, chỉ sử dụng đèn dầu. Những nhà khá giả hơn mua máy phát điện hay bình ắcquy từ Việt Nam để phục vụ tivi cho nhiều người đến xem vào buổi tối…”
Ở cuối ngôi làng là những rừng đước cổ thụ tuyệt đẹp thông ra hồ Tonle Sap mênh mông sóng nước. Tôi thuê một chiếc xuồng nhỏ giá 5 USD/hai giờ len lỏi qua rừng đước cổ thụ trải nghiệm kiểu du lịch sinh thái. Không khí trong lành, tiếng chim hót trong veo và từng đàn bướm bay la đà, hoà mình bên thiên nhiên xanh tươi. “Một số người chưa đủ tiền để xây nhà thì lại sống theo kiểu sông nước với chiếc tàu lớn là nhà. Qua mùa đánh bắt (nước lũ xuống), những chiếc tàu này lại trở thành quán càphê hay nhà hàng phục vụ du khách”, anh Munny giải thích thêm.
Không có cái vị nhẩn nhẩn và chát chát của bông điên điển khi ăn sống, nhưng hương vị bữa cơm trưa với cá linh chiên giòn chấm mắm me cũng đậm chất sông nước Tonle Sap. Anh Munny luôn nhắc: “Cẩn thận, xương cá linh cuối mùa đã cứng và lớn”. Một chút hối tiếc trong tôi – lại một mùa nước nữa đã qua!
Theo 24h