Sĩ quan người Việt kể chuyện làm nhiệm vụ ở Trung Phi
Ba sĩ quan đầu tiên của VN được cử đến làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Trung Phi, sau chuyến đi thành công của hai sĩ quan người Việt tiên phong làm nhiệm vụ ở Nam Sudan.
Từ trái qua: Trung tá Thành, thiếu tá Kiên và thiếu tá Hiệp cùng trẻ em Trung Phi – Ảnh: H.T.K.
Trở về sau thời gian làm nhiệm vụ, nhiều câu chuyện vui buồn còn đọng lại mãi trong đời quân ngũ của ba cán bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình VN (Bộ Quốc phòng): trung tá Nguyễn Xuân Thành, thiếu tá Vũ Văn Hiệp (làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu đào tạo) và đại úy Hoàng Trung Kiên (làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu quân sự về trang bị – qua Trung Phi 1 tháng, anh Kiên được Bộ Quốc phòng quyết định thăng quân hàm thiếu tá trước niên hạn).
Lịch sử chiến tranh VN, nhất là các trận đánh lớn trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ, được đưa vào tài liệu giảng dạy quân sự của nhiều quốc gia. Có nhiều người rất hiểu biết về các vị tướng nổi tiếng của VN, đặc biệt là đại tướng Võ Nguyên Giáp Thiếu tá HOÀNG TRUNG KIÊN
Đến đất nước bất ổn và xung đột
Thiếu tá Kiên kể Trung Phi như vùng rừng núi VN những năm 1960. Sân bay quốc tế Bangui M’Poko như ga tàu hỏa ở huyện miền núi. Xung quanh sân bay là các trại tị nạn của LHQ với những chiếc lều làm bằng nilông, tường đắp đất.
Nhiệm vụ của sĩ quan tham mưu quân sự về trang bị là chịu trách nhiệm về tình hình hoạt động trang thiết bị của các nước cử quân đến phái bộ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ kể từ lúc họ chuyển thiết bị đến phái bộ. Tại Trung Phi có ba bệnh viện dã chiến cấp 2 với rất nhiều trang thiết bị liên quan đến y tế và thiết bị tự phục vụ. Đó là chưa kể trang thiết bị của gần 40 đơn vị đóng quân ở các phân khu. Mỗi đơn vị có 100 – 200 trang thiết bị.
Thiếu tá Kiên cho hay: “Điều khó nhất là mình phải biết mỗi trang thiết bị như thế nào là hoạt động tốt, thế nào là hỏng. Tôi có 2-3 tháng đầu đi theo những người trong bộ phận dân sự đã làm nhiều năm để học việc, cẩn thận ghi chép tiêu chuẩn từng trang thiết bị rồi nhớ. Sau 3-4 tháng mình đã có thể là người chủ trì, người mới lại theo mình học việc. Có những lỗi người ta cố giấu đi. Mình là người của LHQ phải tìm ra” – thiếu tá Kiên nhớ lại.
Một quý, sĩ quan tham mưu quân sự về trang bị phải đi kiểm tra một lần ở gần 40 đơn vị. “Chúng tôi không đi được bằng ôtô vì đường rất xấu. Tất cả di chuyển bằng trực thăng. Các trực thăng của LHQ ở Trung Phi thường bị hỏng máy điều hòa. Thời tiết rất thất thường, khu vực sân bay toàn ở đồi núi, bãi cát nên rủi ro về tai nạn hàng không luôn rình rập. Vì thế, hằng ngày, hằng tuần các đơn vị cử quân đến Trung Phi đều có báo cáo về tai nạn, thương vong”.
Thiếu tá Hoàng Trung Kiên cho biết các đơn vị của gần 40 quốc gia đến từ ba châu lục: châu Á, châu Phi, châu Âu.
Thiếu tá Hoàng Trung Kiên cho hay: “Vui nhất là gặp mấy bạn Campuchia, toàn nói tiếng Việt với mình. Mình kiểm tra thấy các trang thiết bị của Campuchia mang qua toàn “Made in Vietnam”. Mấy bạn khoe với mình là học ở Lục quân, từng sống ở TP.HCM một thời gian. Lịch sử chiến tranh VN, nhất là các trận đánh lớn trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ, được đưa vào tài liệu giảng dạy quân sự của nhiều quốc gia. Có nhiều người rất hiểu biết về các vị tướng nổi tiếng của VN, đặc biệt là đại tướng Võ Nguyên Giáp” – thiếu tá Kiên tự hào.
Tình hình an ninh ở Trung Phi rất phức tạp. Nhân viên LHQ được khuyến cáo “rất hạn chế đi ra ngoài khi không có lực lượng bảo vệ đi cùng”. Có hôm đạn bắn vèo vèo ngoài cổng, sáng đi làm anh em thấy đầu đạn, vỏ đạn lăn lóc trong sân, thiếu tá Kiên kể thêm.
Ba sĩ quan VN cùng một nhân viên Liên Hiệp Quốc bên vườn rau tự trồng – Ảnh: H.T.K.
Ngày Quốc khánh VN ở Trung Phi
Video đang HOT
Thiếu tá Vũ Văn Hiệp – một trong hai người làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu đào tạo tại Trung Phi – cho biết phòng đào tạo nằm trong Sở Chỉ huy của phái bộ. Phòng có bốn người đến từ bốn quốc gia: Bangladesh, Pakistan, VN và trưởng phòng người Serbia. Nhiệm vụ của phòng là đào tạo khóa huấn luyện tổng hợp cho những sĩ quan, quân nhân mới đến phái bộ về nội quy, chính sách, sứ mệnh của phái bộ, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan bộ phận trong phái bộ, tổ chức các khóa huấn luyện bảo vệ trẻ em, dân thường, bình đẳng giới…
Kỷ niệm đặc biệt nhất là lần ba anh em tổ chức Quốc khánh 2-9. “Chúng tôi tổ chức buổi lễ hoành tráng ở Sở Chỉ huy phái bộ và không ngờ rất nhiều người dự – thiếu tá Vũ Văn Hiệp kể – Mình mời 100 người nhưng hôm ấy có gần 170 người dự, chật kín hội trường. Nhìn quốc kỳ VN được kéo ngang cờ LHQ, nghe quốc ca vang lên giữa hàng trăm bạn bè quốc tế, lúc đó mình xúc động lắm. Ba anh em hát quốc ca trên nhạc nền trước gần 170 con người, cảm giác thật thiêng liêng. Đó là lần đầu tiên có lá cờ VN được kéo lên ở một phái bộ LHQ. Sở Chỉ huy phái bộ có 50 quốc gia thì hôm đó có đại diện của 43 quốc gia tham dự. Bảy quốc gia còn lại bận công tác xa”.
Anh hào hứng cho biết: “Bạn bè quốc tế ngạc nhiên, họ nói không hình dung mình chỉ có ba người mà tổ chức được như vậy vì những quốc gia trước nếu ít người thì chỉ làm đơn giản. Có quốc gia đi mấy chục sĩ quan, có mấy trăm quân ở Sở Chỉ huy phái bộ mà còn không tổ chức được như vậy.
Thiếu tá Hiệp cho biết để chuẩn bị tổ chức lễ Quốc khánh, ngoài giờ làm, anh em tranh thủ chuẩn bị mọi thứ: thuê hội trường, loa đài, chuẩn bị bảng trình chiếu giới thiệu đất nước, con người, quân đội nhân dân VN. Có cả sách báo, tài liệu và biểu tượng mặt trống đồng, chùa Một Cột, 70 áo phông có chữ “Hello Vietnam” hoặc in cờ VN làm quà tặng.
Ba anh em thức đêm làm nem cuốn, cơm rang. Mấy món đó và món lạc rang húng lìu hết sạch. Nhiều người ở lại trò chuyện từ 16g đến tận 20g. Họ rất cảm kích, cùng uống bia, chia sẻ và bày tỏ sự ngưỡng mộ. “Sau hôm đó tôi đi công tác ở phân khu Đông, một số sĩ quan chỉ huy của các quốc gia ở phân khu bảo “nghe kể hôm trước ngày Quốc khánh VN các anh tổ chức hoành tráng lắm” – thật sự mình cảm thấy tự hào vì ít nhiều anh em cũng làm cho nhiều người biết về sự hiện diện của VN ở đó, biết về ngày quốc khánh của đất nước mình” – thiếu tá Hiệp tâm sự.
Theo Tuổi Trẻ
TTK Ban Ki-Moon: Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam!
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon: "Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan Việt Nam đã đi một chặng đường dài tới tận Nam Sudan và CH Trung Phi để giúp đỡ những người khốn khổ".
TTK LHQ Ban Ki-moon: Lực lượng gìn giữ hòa bình VN tuyệt vời!
QĐNDVN vươn ra biển lớn
Sau hai năm kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động (27/05/2014), Trung tâm Gìn giữ hòa bình VN đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, QĐNDVN giờ đây không chỉ mang trong mình nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân mà còn vươn ra biển lớn, góp phần đảm bảo an ninh, duy trì hòa bình thế giới, thể hiện mạnh mẽ và rõ nét các cam kết, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) được Liên Hiệp Quốc (LHQ) được xác định là "một biện pháp hữu hiệu giúp các nước bị tàn phá do xung đột nhằm kiến tạo hoà bình". Đây là hoạt động đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với các cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo thống kê của LHQ, hiện đang có khoảng hơn 100.000 người tham gia các sứ mệnh GGHB của LHQ, trong đó bao gồm 90.000 binh lính và 13.500 sĩ quan cảnh sát từ 122 nước trên thế giới. Các nước có thể gửi lực lượng quân đội, cảnh sát hoặc dân sự tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân hoặc đơn vị.
Lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng và Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan.
Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ quá trình và lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ của QĐNDVN; đồng thời triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng trong lĩnh vực GGHB LHQ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: "Việc Việt Nam cử cán bộ quân đội đi làm nhiệm vụ quốc tế tại các phái bộ của LHQ thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, thành viên có trách nhiệm của LHQ, nói đi đôi với làm. Chúng ta hội nhập một cách đầy đủ, thực sự không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động thiết thực.
Việc cử người đi làm nhiệm vụ GGHB quốc tế sẽ tạo điều kiện để sĩ quan QĐND Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị cho các bước đi sau - khi Việt Nam gửi đi quân số lớn".
Cùng nhìn lại việc tham gia hoạt động GGHB của Việt Nam; mặc dù, đến năm 2014, Việt Nam mới tuyên bố gia nhập lực lượng GGHB của LHQ, nhưng trên thực tế, vấn đề này đã từng được đặt ra từ năm 1993 nhân chuyến thăm của Tổng thư ký LHQ, Boutrous-Ghali đến Hà Nội.
Giải thích về quá trình này, Đại tá Hoàng Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam đã chia sẻ rằng: "Đây là hoạt động chứng tỏ năng lực, cam kết mở rộng toàn diện quan hệ với quốc tế của Việt Nam và mong muốn hội nhập cả những lĩnh vực mà trước đây chúng ta chưa làm.
Có thể đánh giá rằng, việc tham gia hoạt động GGHB của LHQ là một vấn đề nhạy cảm, các hoạt động chúng ta tham gia là những hoạt động quân sự đặc biệt và mang tính đặc thù của nó. Việc tiếp cận, nghiên cứu cho đến quyết định tham gia là một quá trình dài nhưng thực sự là nhu cầu cần thiết.
Chúng ta cần phải có những bước đi thận trọng và nghiên cứu tỉ mỉ để tránh những sai sót khi đưa lực lượng, trang bị và thậm chí là những trang bị vũ khí quân sự ra bên ngoài".
Đại tá Hoàng Kim Phụng cùng trao đổi kinh nghiệm với các đối tác Nhật Bản.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon: Tuyệt vời! Xin ngả mũ!
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị đánh giá kết quả một năm Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ (23/05/2015) đã khẳng định: "Đối với kết quả mà các sĩ quan Việt Nam đã làm trong lĩnh vực tham gia hoạt động GGHB LHQ, thì tôi chỉ có một từ để nói, đó là "Tuyệt vời".
Trong bài diễn văn quan trọng tại Quốc hội (22/05/2015), ông một lần nữa đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trên lĩnh vực này: "Tôi cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan Việt Nam đã đi một chặng đường dài tới tận Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để giúp đỡ những người khốn khổ".
Hiện nay, với 5 sĩ quan QĐND Việt Nam đang tham gia lực lượng GGHB tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; Trung tâm đang chủ trương tiếp tục triển khai các suất cá nhân, dự kiến trong thời gian tới sẽ nghiên cứu địa bàn Ma-li và đã tập hợp lực lượng gồm 70 người chuẩn bị cho một Bệnh viện dã chiến cấp 2.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định thành lập và Tổng Tham Mưu trưởng ký Quyết định về Biểu biên chế tổ chức, trang bị (lấy Bệnh viện 175 ở Thành phố Hồ Chí Minh làm nòng cốt), số cán bộ sĩ quan này hiện đang huấn luyện nghiệp vụ và tiếng Anh. Sau đó sẽ phải huấn luyện thêm 3 tháng tiền triển khai theo tiêu chuẩn LHQ.
Vì lực lượng của chúng ta đi đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi, theo tiêu chuẩn của LHQ. Cũng trong thời gian tới, chúng ta sẽ cử một đơn vị công binh, gồm 268 người, phấn đấu đến cuối năm 2016 có thể sẵn sàng tham gia các phái bộ GGHB của LHQ.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp tham mưu và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, triển khai các hoạt động trao đổi đoàn với Tùy viên quốc phòng các nước; tham gia các cơ chế, diễn đàn song phương và đa phương về GGHB; phục vụ lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đi khảo sát thực địa ở Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi để làm cơ sở triển khai lực lượng.
Năm 2015, Trung tâm đã ký 5 văn bản về hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực GGHB với quân đội 5 nước (Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Các nước này đều đánh giá rằng, trong quan hệ quốc phòng với Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực GGHB là một trong những mũi nhọn.
Đồng thời, phía ta đã cử nhiều lượt sỹ quan tham dự các khóa tập huấn về GGHB LHQ do các nước và LHQ tổ chức và tài trợ, phối hợp đồng chủ trì các hội thảo quốc tế về GGHB, qua đó chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết và chuẩn bị kỹ năng cần thiết cho lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Việt Nam đã tổ chức nhiều khóa tiếng Anh GGHB do Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh tài trợ cho lực lượng Quân y và Công binh chuẩn bị tham gia hoạt động trong thời gian tới.
Đây là những nỗ lực trong việc xây dựng lực lượng giúp nâng cao năng lực chuẩn bị huấn luyện, đào tạo sẵn sàng tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong sứ mệnh GGHB.
Mặc dù năng lực có nhưng chúng ta gặp phải khá nhiều thách thức như: những khó khăn về kinh nghiệm, khả năng ngoại ngữ, ít kinh nghiệm trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa và những tính chất hoạt động theo quy chuẩn mới khi để đảm bảo uy tín quốc gia khi tham gia lực lượng chung.
Việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB của LHQ đánh dấu bước phát triển mới của Đối ngoại về Quốc phòng. Chính vì vậy, Việt Nam luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm của các nước để hoạt động này phát huy tính hiệu quả cao.
Ngoài việc thể hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động, có trách nhiệm, Việt Nam còn có những lợi ích khác. Khi cử lực lượng tham gia ở bên ngoài, sẽ tạo điều kiện để nắm bắt thêm thông tin về các đối tác.
Đây là một kênh rất quan trọng để Việt Nam học hỏi được các kinh nghiệm về tác chiến, vận hành trang thiết bị, về kỹ, chiến thuật; học hỏi được kinh nghiệm phối hợp, hiệp đồng tác chiến ở trên thực địa trong môi trường đa quốc gia cùng với các nước có lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.
Đây cũng là dịp để Việt Nam vận dụng các kinh nghiệm về chiến dịch, chiến thuật trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước trước đây vào nhiệm vụ mới, được Đảng và quân đội giao cho.
Thời gian tới, dự báo tình hình khu vực, thế giới tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra cho nhiệm vụ GGHB LHQ của nước ta, mà trực tiếp là Trung tâm những yêu cầu mới cao hơn.
Để hoàn thành tốt trọng trách được giao, cùng với tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Trung tâm coi trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa công tác này đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam
Trên thực tế, các lãnh đạo LHQ, nhất là Chỉ huy Phái bộ Nam Sudan cũng đánh giá cao trình độ, tính kỷ luật và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của hai sĩ quan GGHB đầu tiên của Việt Nam; đồng thời, mong muốn chúng ta cử thêm nhiều sĩ quan và đơn vị đến các phái bộ LHQ. Chính quyền nước sở tại cũng đã hết lời ca ngợi sự đóng góp của Việt Nam.
Theo họ, ở một số quốc gia, khi cử lực lượng tham gia các phái bộ LHQ, ngoài hoạt động GGHB, đều có những mục đích riêng (về chính trị, kinh tế và quân sự...), nhưng đối với các bạn Việt Nam thì hoàn toàn vô tư, trong sáng, hết mình đóng góp cho củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới.
Đây là một trong những điểm sáng nổi bật về đối ngoại và hợp tác quốc tế về Quốc phòng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Mặc dù công việc ở phía trước là rất nặng nề, nhưng Trung tâm GGHB Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đáng kể, đạt được những kết quả, được Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đánh giá rất tốt; bước đầu xây dựng được uy tín với một số lực lượng tham gia GGHB bên ngoài; các nước Lào, Mianmar rất mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam.
Chúng ta cùng tin tưởng, trong thời gian tới, Trung tâm GGHB Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều hơn nữa những thành công to lớn về mặt đối ngoại quốc phòng cho Việt Nam.
Theo Soha News
Nga đưa vũ khí hiện đại diễn tập "Hội huynh đệ không thể phá vỡ - 2016" Tại cuộc diễn tập "hội huynh đệ không thể phá vỡ - 2016" tại Belarus, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sử dụng công nghệ quân sự mới nhất. Các khí tài hiện đại của Nga đang khiến Mỹ e dè. Theo Tass, tại các cuộc diễn tập "hội huynh đệ không thể phá vỡ - 2016" cùng với các nước...