Sĩ diện vì lấy chồng “mác thành phố”, vợ tôi chi tiền mừng tuổi không tiếc tay
Vợ tôi quê tỉnh lẻ, gia cảnh không khá giả nhưng cũng không đến nỗi quá nghèo.
Còn nhà tôi tuy ở thành phố nhưng cũng chỉ là “cái mác” bởi bố mẹ tôi là công nhân nhà máy bình thường, còn tôi – cũng chỉ thợ sửa chữa cho một doanh nghiệp vận tải. So với mặt bằng chung của thành phố, kinh tế nhà tôi chắc thuộc hộ nghèo.
Ngày tết là để gặp gỡ vui vầy chứ đâu phải là dịp để “phát chẩn” bạc tiền không nghĩ ngợi. Ảnh: HT.
Vợ tôi là nhân viên bán thuốc cho một công ty dược, thu nhập không cao. Hai vợ chồng lấy nhau, ở chung với bố mẹ, cố gắng tằn tiện chi tiêu thì cũng có dư chút “của để dành” để lo cho tương lai con cái.
Đây là năm đầu tiên tôi làm rể, cũng là năm đầu tiên tôi cùng vợ đi chúc tết anh em bà con với tư cách thành viên mới ở quê ngoại. Trước khi về quê, vợ tôi nói ở quê ai cũng nói vợ tôi may mắn, có phúc khi lấy được chồng thành phố. Bản thân bố mẹ cũng luôn tự hào vì con gái lấy được chồng tốt chồng ngoan. Cô ấy nói “năm đầu về quê, để đẹp mặt bố mẹ, đẹp mặt vợ chồng mình, có lẽ sẽ hơi tốn kém một chút, anh nhé”. Tôi nghĩ, tết nhất tốn kém hơn ngày thường một chút là chuyện đương nhiên nên bảo vợ cứ tùy ý chi tiêu cho hợp lý là được.
Video đang HOT
Tôi không ngờ nhà vợ ở quê lại đông anh em bà con như vậy. Đi đâu cũng nghe giới thiệu anh em, qua ngõ nhà nào cũng nói có bà con thân thích. Người ở quê cũng dễ gần tình cảm, có người tôi chưa gặp lần nào nhưng họ cũng nắm tay hỏi han như con cháu ở xa mới về.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu vợ tôi không vì sĩ diện “lấy chồng thành phố” mà chi tiền không tiếc tay. Mừng tuổi bố mẹ, cháu chắt ruột thịt trong nhà thì tôi không nói. Đằng này đủ các thể loại cháu chắt cô ấy đều hào phóng mừng tuổi, đứa thì năm mươi ngàn, đứa thì một trăm ngàn. Gặp trẻ con hàng xóm cô ấy cũng hào phóng y như vậy. Mà anh em bà con, làng xóm thì đông, nhà nào cũng ba bốn đứa con nít thấy khách đến là đứng lượn lờ trước mặt chờ mừng tuổi.
Chỉ một vòng đi chúc tết, tôi nhẩm tính vợ tôi phải chi hết gần chục triệu. Tôi thực sự cảm thấy “ nóng mặt” vì sự quá đà của vợ. Biết là không hay nhưng cuối cùng tôi vẫn phải lên tiếng nhắc nhở: “Anh thấy người ta mừng tuổi trẻ con chỉ mười nghìn, hai mươi nghìn, coi như chút lộc thôi, sao em lì xì bọn trẻ nhiều thế?”. Vợ tôi nghe xong liền phân trần: “Mọi người ở quê khác, mình ở thành phố về nó khác chứ anh. Mình mừng tuổi ít họ lại cho mình keo kiệt bủn xỉn không mặn mà tình cảm, vì họ đâu biết kinh tế nhà mình thực hư thế nào đâu. Thôi chịu khó một chút cho mát mặt mày cũng được anh ạ”. Trước cách nghĩ của vợ tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Không chỉ riêng vợ tôi, bố mẹ tôi cũng mang tư tưởng như vậy, ai đến nhà mẹ vợ cũng thì thầm với vợ tôi: “Bà kia hay bệnh tật, ông kia nghèo khổ…con biếu ông biếu bà dăm chục nhé”. Vợ tôi vâng vâng dạ dạ và tiền cứ thế lặng lẽ ra đi.
Ba ngày tết ở quê, vợ tôi chi hết gần 20 triệu đồng tiền mừng tuổi. Đó là toàn bộ số tiền thưởng tết của cả hai vợ chồng. Càng nghĩ tôi càng xót ruột, đến nỗi hôm quay trở lại thành phố, trong túi tôi chỉ vỏn vẹn đủ tiền xe.
Tôi không biết tất cả mọi miền quê đều như thế hay chỉ quê vợ tôi là cá biệt, là coi trọng tình cảm ít nhiều qua số tiền mừng tuổi. Thiết nghĩ ngày tết là để gặp gỡ vui vầy chứ đâu phải là dịp để “phát chẩn” bạc tiền không nghĩ ngợi như vậy. Dù ở thành phố hay ở quê thì cũng phải vất vả tằn tiện mới có được đồng tiền chứ có cướp bóc được đâu. Trên đường về nhà, tôi nghĩ từ nay chắc phải vài năm mới về quê ngoại một lần chứ như thế này thì xem chừng không ổn.
Hoàng
Theo dantri.com.vn
Vợ chồng mất Tết vì mua quà biếu sếp
Kinh tế có hạn nhưng năm nào vợ chồng Hà cũng phải dành ra một khoản để mua quà Tết biếu sếp. Tưởng là đơn giản nhưng năm nay chỉ vì vấn đề này mà vợ chồng Hà cãi nhau nảy lửa, vợ chồng hậm hực "đuổi chó, đánh mèo".
Từ lúc yêu đến kết hôn, Hà không tiếc Tuấn một cái gì. Ngày còn yêu nhau, dịp nào đến nhà Tuấn, Hà cũng quà cáp chu đáo cho bố mẹ chồng và anh em nhà chồng tương lai. Khi thì giỏ hoa quả, lúc là lọ thực phẩm chức năng, lúc khác lại là mảnh vải lụa, cái khăn đẹp... Lấy nhau về, Hà tằn tiện mọi chi tiêu, không dám sắm sửa quần áo, váy vóc hàng hiệu như thời con gái để chăm lo, vun vén cho gia đình.
Hai vợ chồng Hà đều là cán bộ nhà nước, thu nhập cả hai vợ chồng được 20 triệu/tháng. Từng đó tiền để chi tiêu ở thủ đô, chưa kể đóng tiền học cho con, thi thoảng biếu nội ngoại hai bên khiến Hà phải dè xẻn. Điều này không phải Tuấn không biết, thế nhưng lúc nào anh cũng thích xài sang khiến không ít lần vợ chồng cãi nhau vì chuyện tiền bạc lúc túng thiếu.
Cuối tuần vừa rồi, trong khi cơ quan chưa có tiền thưởng Tết, Tuấn đã bàn bạc với Hà về chuyện mua quà biếu sếp. "Em này, anh đang tính xem mua cái gì vừa sang vừa độc đáo để sếp ấn tượng. Năm tới cơ quan có thể thay đổi nhiều về nhân sự, anh muốn sếp lưu ý đến mình, tạo thuận lợi cho công việc. Các cụ nói không sai đâu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, biếu sớm thì mới có giá trị chứ" - Tuấn mở lời.
Hà nghe vậy, biết tính cầu toàn của chồng, cô đưa ra ý kiến: "Mua gì thì cũng phải xét tới các khả năng của mình và giá trị sử dụng anh ạ. Em thấy nhiều người mua quà to nhưng các sếp chẳng thích bằng những món quà quê, vừa sạch vừa hữu dụng".
Vợ vừa dứt lời, Tuấn đã sồn sồn mắng Hà: "Em đúng là ki bo, không biết nghĩ cho chồng. Năm hết Tết đến, vợ người ta thì lo quà cáp biếu xén cho sếp để mong chồng được cất nhắc còn vợ mình thì chỉ nghĩ được quanh quẩn giữ tiền. Càng nghĩ càng thấy sao em hèn thế", nói rồi Tuấn đi ra khỏi nhà.
Hà im lặng, hai hàng nước mắt cô rơi lã chã. Tối đó, Tuấn không về nhà. Đêm Hà mất ngủ, càng nghĩ cô càng buồn, chẳng nhẽ chỉ vì mỗi chuyện biếu sếp quà gì mà vợ chồng cô mất hết cả Tết!
Ngân Khánh
Theo dantri.com.vn
Mùng 1 gái ế cùng mẹ sang chúc Tết hàng xóm, bất ngờ cô nhận được lì xì độc đáo kèm tin nhắn sốc Chưa để mẹ Thương nói hết câu Trường đã làm cả nhà ngạc nhiên tột độ. Anh nhìn hai vị khách trả lời... Thương tung tẩy tận hưởng một mùa xuân ngập màu tự do. Mặc kệ ai hỏi chuyện chồng con, mặc kệ người ta bảo mẹ cô nhà vô phúc, cô cứ ở nhà làm gái ế đấy, thì có ảnh...