‘Showbiz Việt thật nhiều người man trá’
“Làm sao nghệ thuật có thể phát triển khi trong máu những người làm nghệ thuật sự ích kỷ nhiều hơn bèo hoa dâu”, nam diễn viên gạo cội Trung Dân chia sể.
Ngượng khi xem mình trên phim
- Anh đã có một vai phụ rất ấn tượng trong phim “Đường đua”, để nói về vai diễn này, anh sẽ nói gì?
- Tôi nhận vai này cũng bình thường như những vai diễn khác. Hồng Ánh gọi và mời tôi. Khi diễn, Ánh chỉ nói với tôi một câu: “Anh cứ thật đời vào giùm em”. Tôi cũng không ngờ vai diễn đó lại được mọi người đánh giá cao. Thú thật với bạn là tôi chưa xem Đường đua, tôi cũng chẳng biết tôi đã làm gì trong đó để được đánh giá cao như vậy.
- Tại sao anh không xem?
- Ngay cả Bìm bịp kêu chiều, bộ phim truyền hình đầu tay tôi làm từ kịch bản, đạo diễn đến sản xuất mà tôi cũng không xem. Tôi ngượng khi nhìn thấy mình trên phim. Tôi thường không xem lại những bộ phim tôi đã đóng.
Nghệ sĩ Trung Dân.
- Tôi nhớ là trong buổi lễ ra mắt phim, Hồng Ánh có gọi tên anh nhiều lần khi nói về quá trình làm phim, tuy không thấy anh lên sân khấu nhưng chắc hẳn anh có mặt ở đó?
- Tôi đã đến dự lễ ra mắt nhưng chẳng lên sân khấu. Tôi đến đó vì Hồng Ánh mời nhiệt tình quá, nhưng đến tôi xuống ngay phía sau nói chuyện với mấy anh âm thanh, ánh sáng rồi đi về. Cảm giác của tôi ngay lúc đó là nếu được mời đến những nơi như thế lần nữa, tôi sẽ từ chối.
- Tại sao vậy?
- Đi về tôi khó ngủ lắm. Tôi nhìn thấy ở hầu hết mọi người đến đó sự tò mò, ánh mắt ganh tỵ, nụ cười giả tạo. Nhìn vào đó tôi càng hiểu một điều, làm sao nghệ thuật có thể phát triển khi trong máu những người làm nghệ thuật sự ích kỷ nhiều hơn bèo hoa dâu, còn sự công bằng, trung thực là cái gai, cục gạch cho sự thẳng tiến của nhiều người.
Từng bị vu là ăn cắp, đánh người
- Anh nói điều này có phải vì anh đã “trầy vi tróc vẩy” với bộ phim đầu tay “Bìm bịp kêu chiều” như anh từng chia sẻ thoáng qua khi hoàn thành bộ phim này?
Video đang HOT
- Tôi học hết trường sân khấu điện ảnh từ ngành diễn viên sang đến đạo diễn nhưng trường không dạy cho tôi những cái tôi sẽ vấp phải khi làm nghề. Ở xứ mình, làm phim trước hết để phục vụ khán giả trong nước, sau đó mới là ngoài nước, điều này đáng ra cần phải được khuyến khích. Sự thất bại của điện ảnh Việt Nam theo tôi có phần lớn lỗi của cơ chế, cơ chế đã làm cho người Việt thường có sự tính toán, ích kỷ. Sự tính toán, ích kỷ ấy như cái phanh, nó hãm giá trị nghệ thuật của một tác phẩm và làm hại ngân sách của người sản xuất.
Nam nghệ sĩ chia sẻ, anh sẽ đưa những biến cố mình gặp phải vào kịch bản riêng.
- Anh có thể nói cụ thể hơn không?
- Khi làm Bìm bịp kêu chiều, tôi đã gặp một vài kẻ tham là diễn viên và phó đạo diễn. Họ thật man trá. Nhân thân của gia đình họ rất tốt, có vị trí trong xã hội nhưng khi làm việc tôi mới phát hiện họ không trung thực. Chẳng sao đối với tôi, vì tôi được biết trong cuộc sống chuyện tình cảm và công việc của họ rất chợ búa. Thôi, năm xui tháng hạn nên gặp phải những kẻ như thế.
Anh phó đạo diễn cấu kết với các tổ khác vẽ ra kinh phí. Khi phát hiện, tôi đã cố gắng cho qua để làm cho xong bộ phim với cái tình như người xưa đã nói “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Ai dè tôi đã sai. Đáng ra tôi phải học Tề Thiên Đại Thánh trong Tây du ký, diệt yêu quái phải diệt tận gốc. Anh ta tiếp tục làm việc nhưng đã chơi cho tôi một vố rất nặng.
Phim quay xong khi mang về dựng, coi những cảnh trung và cận mới thấy anh ta liệng đồ vào để phim bị sai raccord rồi còn xúi diễn viên làm bậy. Một thời gian sau, anh ta tự nhiên bị đánh, tôi nghĩ chắc do đã làm bậy với các đoàn phim nên người ta trả thù. Vậy mà tôi cũng bị vu khống đã đánh anh ta. Sau này anh ta tham gia vài đoàn phim khác và cũng giở thủ đoạn y như vậy, tôi được biết ít nhất có 2 phim đã bị anh ta làm cho “te tua” là Chuyện tình mắt bão và Vết dầu loang.
Tôi nghĩ đời có vay có trả. Anh ta đã bị nhiều người từ chối làm việc. Còn những diễn viên kia, đến thiên chức làm mẹ, làm vợ còn không tròn được, những chuyện khác sẽ khó mà làm cho tử tế.
- Đó có phải lý do sau gần 3 năm, công ty riêng của anh vẫn chưa làm thêm bộ phim nào mới?
- Không hẳn thế. Hiện tại, tôi quá bận với việc làm đạo diễn chương trình tiểu phẩm hài Từ quê ra thành cho VTV Cần Thơ, mỗi năm hơn 200 số. Sau khi làm xong bộ phim đầu tay, tôi đã có được một tác phẩm đưa đến cho khán giả. Tuy không thể làm ra một tác phẩm tốt hơn, nhưng tôi có một bài học rất tốt. Tôi cần cảm ơn những người đã chơi xấu tôi vì họ đã cho tôi những chất liệu để viết kịch bản và làm phim. Sau này, tôi sẽ làm một trang web riêng đăng hết những kịch bản, truyện ngắn tôi đã viết cho mọi người đọc miễn phí và sau đó là xem những bộ phim mà tôi làm với những kịch bản đó. Đó là cách trả lời tốt nhất của tôi với những kẻ man trá.
- Anh đã rời khỏi Sân khấu kịch Idecaf, nơi anh đã gắn bó suốt 10 năm và gần như không còn xuất hiện trên sân khấu kịch nữa. Anh đã chán kịch?
- Tôi rời khỏi Idecaf không phải vì tôi đã chán kịch mà vì một biến cố rất lớn đã xảy ra ở đó mà người trong làng kịch hầu như ai cũng biết. Có một sự hiểu lầm rất lớn, tôi không liên quan trực tiếp nhưng tôi bị cuốn theo sự hấp dẫn của câu chuyện về việc báo ân, báo oán. Một người thầy từng cưu mang học trò và sau đó bị chính người học trò đó tố cáo, bị khai trừ khỏi Đảng và đuổi ra khỏi trường. Rất nhiều người đã bị cuốn vào chuyện này, bị hành hạ tinh thần bởi những cú điện thoại nặc danh và tôi đã bị vu khống là người gọi, đến mức công an phải vào cuộc. Rất may sự việc đã dừng lại mà không xảy ra điều tồi tệ nhất. Tôi sẽ làm phim về chuyện đã xảy ra với tôi, những câu chuyện tôi không tiện nói với truyền thông. Kịch bản đó tôi đang hoàn tất, tên là Chuột ở thánh đường.
Còn sự buồn chán, tôi đã quên đi để tiếp tục sống, làm việc. Đến đức Phật, chúa Jesus còn bị hàm oan, huống hồ là mình. Thôi mình cứ đeo cái mạng che mắt như con ngựa kéo xe chỉ nhìn thẳng và lao về phía trước, phía sau roi càng quất mình càng lao nhanh. Ở đời có gieo thì có gặt. Tôi thương hại những người đã làm tôi đau đớn.
Điện ảnh cần được bảo hộ
- Trở lại với câu chuyện của “Đường đua”, anh không xem phim nhưng chắc có nghe thông tin về phim?
- Tôi có nghe Hồng Ánh gọi điện thoại nói Đường đua lỗ mấy tỷ đồng. Tôi rất buồn nhưng biết làm sao được. Mới đây, tôi đưa mấy đứa con gái đến rạp mua vé xem phim Biển quái vật (tên tiếng Anh là Percy Jackson) mà 4 lần đều không thể mua được, hết vé. Trong khi đó, nhìn sang phim Việt Nam Lửa Phật phát hành cùng thời điểm thấy ít người mua vé xem.
- Anh và các con anh có xem “Lửa Phật” không?
- Không, tụi nhỏ nhà tôi thích xem thể loại phim thần thoại. Bây giờ người trẻ đến rạp nhiều hơn người lớn tuổi. Giới trẻ giờ rất giỏi công nghệ, tiếp thu văn hóa ngoại lai nhanh nhưng không có niềm tin với những bộ phim nội nghiêm túc, chỉ muốn giải trí, không muốn tiếp cận với những bài học khi xem phim. Điều đó thể hiện mặt bằng giáo dục hiện nay.
Nghịch lý là phim giải trí, hài nhảm lại cho doanh thu rất cao, nên nếu nghĩ làm phim cho khán giả mà đi ngược lại nhu cầu của họ cũng không được. Sự thật đáng buồn cho điện ảnh Việt là đôi lúc sự chỉn chu lại không có doanh thu. Tôi cho rằng, người làm phim Việt cũng cần khó tính hơn một chút, đừng dễ dãi và lấy lý do là khán giả cần như thế. Như vậy sẽ kéo điện ảnh đi thụt lùi.
Trung Dân không có thói quen xem lại phim mình đã đóng.
- Với vị trí một người cha tham gia làm nghệ thuật, anh sẽ làm thế nào để các con mình biết thưởng thức những sản phẩm nghiêm túc?
- Mấy đứa con tôi chỉ thích xem phim hoạt hình mà phải là hoạt hình của Walt Disney và Dream Work, vì theo chúng chỉ có phim của 2 hãng này mới vẽ đẹp, phim xấu là chúng không xem. Mới đây, tôi vào tiệm sách mua cho chúng mấy tập Truyện cổ Grim, nhiều chữ và ít tranh, tranh thì không mấy đẹp nhưng chúng lại đọc say sưa và không chê tiếng nào. Từ đó tôi nghĩ nên hướng trẻ con tới văn hóa đọc trước khi cho chúng xem phim, để nuôi dưỡng trong chúng sự tò mò, ham thích tìm hiểu trước khi tiếp xúc với phim ảnh.
Điều lớn hơn, quan trọng hơn là Nhà nước phải có chính sách bảo hộ cho điện ảnh. Cụ thể là đừng để tình trạng phim Việt đụng độ với bom tấn nước ngoài. Hãy tránh phát hành song song phim Việt với phim bom tấn nước ngoài vì thực ra một năm chúng ta có không bao nhiêu phim, làm như vậy là tự triệt đường phát triển cho điện ảnh trong nước.
Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Phim Việt: Khi doanh thu che mờ chất lượng
Để điện ảnh phát triển hơn, chúng ta cần làm nhiều thứ hơn so với những gì đã có ở thời điểm hiện tại.
Những năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Bằng chứng cho thấy là hàng năm, số lượng những bộ phim điện ảnh ra rạp ngày một nhiều hơn, với đủ các thể loại khác nhau từ hài, hành động, kinh dị, tình cảm... Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn thực hiện những thể loại phim mới, lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, số lượng đôi khi lại không đi cùng với chất lượng khi mà nhiều nhà sản xuất phim chú trọng tới lợi nhuận cho bộ phim của họ mà quên đi chất lượng. Từ đó, những tính từ "nhảm", "nhạt" là không còn quá xa lạ với phim Việt.
"Nhảm" nhưng vẫn phá kỷ lục về doanh thu
Trong vài năm qua, công thức tạo ra doanh thu khủng cho phim Việt là hài và nhảm, càng nhảm thì doanh thu càng lớn. Cũng vì doanh thu, người ta tìm mọi cách để lôi kéo khán giả đến rạp xem phim. Từ đó, những chiêu trò đa dạng cũng ra đời để kích thích sự hiếu kỳ của khán giả, từ bỏ tiền mời những diễn viên được khán giả yêu mến, cho vào các cảnh nóng, cho tới phóng đại quá mức nội dung phim...
Thực tế cho thấy, những bộ phim nhảm, nội dung thiếu logic vẫn đứng đầu danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất của diện ảnh Việt. Phim Công chúa teen và ngũ hổ tướng (2010) thu về 25 tỉ đồng, trở thành phim có doanh thu cao nhất vào thời điểm công chiếu; Phim 3D Bóng ma học đường với chủ đề tuổi học trò nhưng lại có những màn khoe thân táo bạo của dàn diễn viên trẻ đẹp cũng mang lại 22 tỉ đồng; Hello cô Ba, bộ phim "quên" đi nội dung mà chủ yếu tập trung gây cười cho khán giả cũng mang lại doanh thu gần 26 tỉ đồng; gần đây nhất là Mỹ nhân kế tuy rằng có nhận xét giá tốt hơn nhưng vẫn không thoát khỏi bị đánh giá nhảm, phim chỉ xoay quanh các cô gái xinh đẹp đánh đấm và trả thù với doanh thu 59 tỉ đồng, trở thành bộ phim Việt có doanh thu cao nhất cho tới thời điểm này.
Doanh thu luôn là vấn đề được lên hàng đầu với những nhà sản xuất phim. Sản xuất một bộ phim nhưng không có người xem cũng coi như là một thất bại của những người làm phim. Thế nhưng, cũng không thể vì tìm kiếm lợi nhuận mà quên đi nội dung và ý nghĩa của bộ phim muốn đem tới cho khán giả.
Doanh thu là chính, chất lượng nghệ thuật là phụ
Khác với những hãng phim nhà nước, được đầu tư từ đầu tới cuối để ra một sản phẩm điện ảnh mà không cần quá quan tâm đến số tiền mà bộ phim thu được sau khi ra rạp, các hãng phim tư nhân sản xuất phim là để bán, và khách hàng ở đây chính là những khán giả đến rạp xem phim. Nếu khán giả chối bỏ và phim không bán được vé thì nhà sản xuất sẽ lỗ, đồng nghĩa với việc không còn tiền để tái đầu tư sản xuất những bộ phim mới. Vậy nên, khó khăn về doanh thu trở thành nỗi lo, lớn hơn cả chất lượng nghệ thuật của bộ phim.
Khi các nhà làm phim chỉ tập trung vào một số đề tài giật gân câu khách như chân dài, cảnh nóng..., điện ảnh Việt dần tạo ra những lối mòn xấu xí trong tư duy. Chính vì việc làm phim đề cao tính giải trí, thương mại mà quên đi tính nghệ thuật của phim nên mỗi khi một bộ phim ra đời, những bộ phim này đều bị các nhà phê bình và giới truyền thông đánh giá thấp. Hậu quả nhãn tiền là trong Liên hoan phim quốc gia năm 2013, nhiều bộ phim bị đánh giá là "thảm họa" đã trình hồ sơ liên hoan tham dự giải, kể đến như: Nhà có 5 nàng tiên, Cát nóng, Cưới ngay kẻo lỡ, Nàng men chàng bóng...
Đã đến lúc làm hài hoà giữa giải trí và nghệ thuật
So sánh điện ảnh Việt với Hollywood thì quả là khập khiễng. Thế nhưng, phải nhìn nhận rằng các nhà làm phim của điện ảnh Mỹ luôn biết cách cân bằng giữa giải trí và nghệ thuật. Hollywood vẫn những có bộ phim đạt giải thưởng lớn, có chất lượng tốt về nội dung, tất nhiên doanh thu phòng vé cũng ở mức cao. Các nhà làm phim Việt nên bắt đầu nghĩ tới làm phim mà khán giả vẫn mua vé đến xem mà vẫn được các nhà chuyên môn đánh giá tốt.
Các nhà sản xuất phim cũng cần có sự thay đổi tư duy giữa phim giải trí và phim nghệ thuật. Không phải cứ làm phim nghệ thuật là chỉ để đi thi tại các liên hoan phim và ngược lại, mục đích của phim giải trí chỉ là lấy doanh thu.
Với kiểu làm phim như hiện nay, điện ảnh Việt Nam sẽ cần một thời gian rất dài nữa mới có thể vươn ra ngoài biên giới để đến với các quốc gia khác. Những bộ phim như Dòng máu anh hùng, hay gần đây nhất là Lửa Phật vẫn sẽ là những hiện tượng cá biệt khi được các thị trường khác mua bản quyền chiếu. Để điện ảnh phát triển hơn, chúng ta cần làm nhiều thứ hơn so với những gì đã có ở thời điểm hiện tại.
Theo Baodatviet.vn
Những chiếc xế độc trong phim Việt Từ xe máy bình dân tới những loại mô tô phân khối "khủng" hay những chiếc xe đạp bình dị, hoặc lại là xe ba gác của dân lao động... tất cả đều tạo nên một bức tranh đầy sắc màu cho phim Việt hiện đại. Không có kinh phí khủng để đầu tư xe cộ "cực ngầu" trong phim như Hollywood hay...