Shinobido Con đường trở thành một nhẫn giả ‘thế thiên hành đạo’
Shinobido có lẽ là một trong những “Hidden Gem” của làng game thế giới về đề tài nhẫn giả, hãy cùng Game4V tìm hiểu một chút về tựa game độc đáo này nhé.
Mỗi khi nhắc về những tựa game nổi bật về đề tài nhẫn giả trong làng game thế giới, chúng ta thường chỉ nhắc về các cái tên quen thuộc như Tenchu, Kagero,… hay gần nhất là SEKIRO: Shadows Die Twice, nhưng liệu có mấy ai từng đụng vào viên ngọc quý từng làm mưa làm gió trên PlayStation 2 và xuất hiện hậu bản trên PlayStation Vita mang tên “Shinobido”. Đặc biệt đây là tựa game dành cho những ai đam mê trường phái di chuyển lén lút, hành động ẩn nấp, có thể ám sát và tước đi mạng sống của kẻ địch chỉ bằng một đòn hạ độc thủ cực kì “ngầu”. Shinobido: Way of the Ninja sẽ chính là tựa game thỏa mong muốn trở thành một Ninja nhẫn giả thứ thiệt.
Được phát triển bởi Acquire cho hệ máy PlayStation 2, Shinobido: Way of the Ninja là tựa game thuộc thể loại hành động lén lút, thực hiện các nhiệm vụ tuyệt mật được giao trong game. Phiên bản gốc của nó tại thị trường tiếng Nhật lấy tên là Shinobido: Imashime – Nhẫn Đạo Giới từng được phát hành vào năm 2005. Riêng Way of the Ninja thì lại ra mắt vào năm 2006 lần đầu tiên tại thị trường Châu Âu.
Trong vai một Ninja bị mất đi trí nhớ và không rõ lai lịch của mình xuất thân từ đâu, Goh anh tỉnh dậy bên bờ suối đây cũng là địa điểm thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của anh, tiến vào thành Utakata để tìm lãnh chúa Ichijo, đồng thời cũng truy tìm thêm manh mối về thân thế thật sự của anh thông qua vị lãnh chúa này. Suốt cả quá trình chơi, bạn sẽ có cơ hội được đụng độ với rất nhiều nhân vật Ninja nổi trội khác thuộc các trường phái nhẫn giả khác nhau, thậm chí chạm trán với rất nhiều binh sĩ trong kinh thành cùng với các Samurai hầu cận bảo vệ lãnh chúa. Hãy chuẩn bị tinh thần cho con đường đầy chông gai của một nhẫn giả, nó chẳng hề dễ dàng gì đâu.
Cốt truyện
Vào cuối thời kì Muromachi (cuối thế kỉ 16), quyền lực của chính phủ Ashikaga đã nằm bên bờ vực thẳm sau cuộc nội chiến Onin. Hậu quả của cuộc nội chiến này cực kì nặng nề, nó lan rộng đến cả vùng đất Utakata thanh bình mà tộc Ichijo đã cai trị suốt bấy lâu. Phò tá gia tộc Ichijo là tộc ninja Asuka, khi nhắc đến cái tên này thì tất cả các tộc đối thủ khác đều phải run lên vì khiếp sợ. Tuy nhiên, trong một đêm mưa gió nọ… tộc Asuka đã bị tàn sát và chỉ có 3 người duy nhất còn sống sót là Goh, Kinu, và Zaji.
Các lãnh chúa ở các vùng khác lập tức tận dụng cơ hội ngàn vàng này để tấn công vào thành Utakata, họ là Kagetora Akame ở tỉnh Fudo và Sadame đứng đầu giáo phái Amurita. Dưới trướng của hai vị lãnh chúa này ngoài quân đội của họ ra thì còn có các tộc ninja khác. Trong vai Goh, bạn sẽ phải thực hiện nhiệm vụ của các vị lãnh chúa này để đi tìm lại kí ức đã mất… và cũng là chuyến hành trình mà bạn sẽ khám phá ra gã hung thủ, kẻ đã tàn sát cả gia tộc nhà Asuka năm xưa.
Cốt truyện chính của game sẽ dẫn dắt bạn gặp gỡ qua 3 vị lãnh chúa khét tiếng của vùng đất, bạn có thể tùy chọn cho mình những hướng đi sau trong việc trải nghiệm trò chơi:
- Chọn theo hầu một vị lãnh chúa từ đầu đến cuối game để rồi chống lại 2 vị lãnh chúa còn lại trong mọi cuộc chiến, đồng nghĩa với việc ám sát họ.
- Buộc phải thực hiện các nhiệm vụ của 3 vị lãnh chúa thay phiên nhau, làm lần lượt từng người nếu không thì sẽ bị phát hiện và giảm điểm uy tín.
- Thông thường thì bạn sẽ làm nhiệm vụ của lãnh chúa giao, những nhiệm vụ này có nhiều dạng khác nhau như: ám sát một nhân vật nào đó, trộm cắp đồ từ kho đồ của đối thủ, hộ tống đoàn vận chuyển đồ, bảo vệ một nhân vật nào đó, bắt cóc đối tượng được chỉ định, thoải mái tàn sát quân sĩ của đối thủ. Sau khi thực hiện những nhiệm vụ thông thường, nếu bạn thấy nhiệm vụ có phần mô tả là đi tìm một viên đá phát sáng thì hãy làm nốt vì nhiệm vụ đó sẽ mở khóa cốt truyện về kí ức bị mất của Goh.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ NPC Onji – một con mèo biết nói và nắm rõ về thân thế của Goh trong quá khứ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của các vị lãnh chúa, bạn sẽ nhận được một khoản tiền thưởng nhất định và bạn có thể dùng khoản tiền đó để mua các món đồ hỗ trợ bản thân như vật phẩm tăng máu, tăng tốc độ, phi tiêu, gai nhọn, bom,… Ngoài những món đồ bạn mua được bằng tiền ra, bạn có thể thu thập chúng trong lúc đang làm nhiệm vụ. Những món đồ này sẽ được tân dụng để bào chế ra nhiều thứ có công dụng mạnh hơn những món đồ được bày bán trong shop, chẳng hạn như bom khói tăng 300 sức mạnh thay vì bom khói tăng 30 sức mạnh trong tiệm. Như đã nói ở trên, nếu bạn chỉ chăm chăm làm nhiệm vụ của một lãnh chúa thì bạn sẽ làm phật lòng 2 lãnh chúa còn lại. Chọn cách duy trì cả 3 hoặc lần lượt diệt từng người 1 là quyền của bạn.
Bạn sẽ có dịp tham quan qua những màn chơi được xây dựng rất đa dạng về bối cảnh trong game, Utakata là một khu vực rộng lớn nên nó sẽ có những màn chơi sau đây và bạn sẽ phải thường xuyên đi qua đi lại những nơi này.
Thị trấn Sengen.
Chợ cá Ryonin.
Vực Dandala.
Thung lũng Rokudo.
Rừng ma ám.
Điền trang Honcho Shimoyashiki.
Điền trang Negishi.
Thành Fudo của lãnh chúa Akame.
Tháp Sotai của lãnh chúa Sadame.
Thành Utakata của lãnh chúa Ichijo.
Làng Asuka (chỉ có thể vào đây thông qua một vài nhiệm vụ bắt buộc, không có sẵn).
Phải chơi như thế nào mới đúng chất một Ninja?
Shinobido tập trung vào yếu tố ám sát, lén lút, bất ngờ nên việc nhảy xổ vào một đám binh lính đang canh gác là điều cực kì tồi tệ mà bạn có thể tưởng tượng ra. Nhẹ thì chúng sẽ đánh trả lại bạn, nặng thì chúng sẽ hú hét và kêu gọi thêm đồng bọn để diệt bạn cho bằng được. Lúc này bạn có 2 cách: hoặc là đứng lại và diệt từng tên một (nguy cơ thất bại là cực kì cao vì chúng đông hơn bạn), hoặc là bỏ chạy và sau đó quay lại rỉa từng tên một.
Cơ chế phát hiện người chơi của kẻ địch trong Shinobido có phần giống với Tenchu (một tên tuổi khác ra đời trước cả Shinobido và cũng lấy chủ đề Ninja), tuy nhiên Tenchu sử dụng hệ thống số để xác định khoảng cách giữa người chơi và kẻ địch trong khi Shinobido dùng hệ thống màu sắc để phân biệt với một hình chữ nhật có con mắt ở giữa. Nếu con mắt này có màu xám thì bạn chưa bị phát hiện, nếu con mắt này chuyển sang màu tím thì kẻ địch đang nghi ngờ chỗ bạn ẩn nấp và sẽ tiến tới tìm kiếm, nếu con mắt chuyển sang màu đỏ thì có nghĩa là bạn đã bị phát hiện. Ngoài 3 màu này ra còn một màu khác nữa là màu cam và ý nghĩa của nó là kẻ địch đã mất dấu bạn nhưng chúng vẫn lùng sục quanh khu vực mà chúng phát hiện ra bạn lúc đầu.
Yếu tố ám sát được đề cao trong game. Bạn có thể tận dụng địa hình của màn chơi như các bụi cây, vách núi, cục đá to, tường nhà, mái nhà để ẩn thân. Bạn có thể đu dây lên mái nhà, nép người vào vách và di chuyển nhẹ nhàng như một con mèo tới sau lưng kẻ địch và… phập, bạn rút kiếm ra cắt cổ họng đối thủ hoặc “xiên que” chúng bằng một động tác lạnh lùng đầy dứt khoát.
Chưa hết, bạn còn có thể phi thân trên tường nhưng không ảo diệu như chúng ta hay xem trong các bộ film đâu nhé. Sau khi làm xong các nhiệm vụ được giao, thỉnh thoảng bạn sẽ phải nhận nhiệm vụ bảo vệ nơi bạn ở vì có kẻ địch xâm nhập. Khi có thông báo nhiệm vụ này hiện lên thì bạn không thể từ chối chúng và bắt buộc phải làm, trong quá trình chiến đấu bảo vệ nơi ở nếu bạn mất mạng hoặc kẻ địch đột nhập thành công thì chúng sẽ cuỗm đồ của bạn rồi chạy mất hút.
Những kẻ địch bạn sẽ gặp trong game, tất nhiên rồi, dù có chọn hướng đi nào hay đi theo nhiệm vụ nào thì những con boss này bạn sẽ không thể tránh né được, chúng sẽ là:
- 3 tên lãnh chúa đã kể tên ở trên cùng đám binh sĩ của mình.
- Ninja của phái Mosu. Phái này chỉ có nữ, còn hai kẻ đứng đầu thì có khả năng phân thân.
- Ninja của phái Taraba. Phái này được trang bị những bộ giáp cứng nên bạn không thể đả thương bằng phi tiêu. Chúng còn có khả năng bắn đạn sắt từ khẩu pháo mang trên lưng, sát thương khá cao.
- Ninja của phái Kenobi. Phái này chiến đấu bình thường, tuy nhiên tốc độ của chúng khá nhanh.
- Những tên Yojimbo mặc kimono xanh lục, mang guốc gỗ và đeo katana bên hông trái. Đây có thể coi là binh sĩ có lượng sát thương khủng nhất vì chúng rất thông minh, biết né đòn và ra đòn cực kì điêu luyện. Khi giáp lá cà với chúng thì nên đánh nhanh diệt gọn chứ đừng dây dưa, càng lâu thì càng bất lợi.
- Có một điểm cực kì hài hước về những kẻ địch bạn gặp trong game là bạn sẽ thường xuyên thấy chúng ở các vị trí cũ. – - Nói cho dễ hiểu thì bạn làm nhiệm vụ đầu ở điền trang Honcho, sau đó xong tiếp một nhiệm vụ ở vực Dandala và tiếp tục nhận nhiệm vụ khác ở điền trang Honcho thì điều ngạc nhiên sẽ đến. Vị trí của các tên lính vẫn được giữ nguyên như lúc đầu, kì lạ không?
- Thật sự không biết đây là ý đồ của hãng sản xuất hay là lỗi game. Nếu thuộc lòng vị trí của chúng thì bạn cứ mặc sức mà chém hoặc dùng chiêu trò để đoạt mạng chúng, rất đơn giản.
- Chính yếu tố lặp đi lặp lại này có thể gây nhàm chán cho bạn và đó cũng là điểm yếu của tựa game.
Shinobido: Way of the Ninja thực sự đáng chơi nếu bạn mê thể loại hành động lén lút hơn là thể loại hack-n-slash thông thường, dù trải qua ngần ấy năm nhưng có lẽ tựa game vẫn chưa tìm ra hậu duệ tương xứng, và Acquire có lẽ vẫn chưa hề có động thái gì cho việc phát triển phiên bản kế nhiệm 2 tựa game trước. Bản thân người viết cảm thấy rất tiếc khi mà tựa game chững lại sau 2 phiên bản. Trong khi chúng ta đã chứng kiến sự thành công của SEKIRO: Shadows Die Twice thể hiện rất tốt, mặc dù yếu tố ám sát trong SEKIRO là rất nhỏ, nếu so với TENCHU hay SHINOBIDO thì có thể sẽ không bằng. Vì vậy trong vài năm tới, hy vọng rằng Acquire sẽ công bố dự án mới của họ liên quan về tựa game siêu hay về đề tài nhẫn giả này. Bạn đã từng chơi qua tựa game nhẫn giả nào chưa, đừng quên gợi ý cho chúng tôi những tựa game hay về đề tài này nhé.
Theo Game4V
Điểm qua những tựa game hay nhất năm được vinh danh trong lịch sử The Game Award "Oscar" của giới Gaming
Giải "Oscar" của giới gaming The Game Award chắc chắn là giải thưởng danh giá nhất mà bất kỳ nhà phát triển nào cũng muốn được chạm tay vào.
Danh hiệu tựa game của năm của The Game Award sẽ là sự khẳng định mạnh mẽ nhất của tựa game đạt được danh hiệu này. Và những tựa game này thường sẽ trở thành tượng đài của làng gaming và đi vào lịch sử là tựa game hay nhất của năm. Và để anh em trải nghiệm những tựa game đình đám này thì hôm nay mình sẽ lên danh sách những tựa game đã từng đạt danh hiệu Tựa Game của Năm của The Game Award nhé.
MADDEN NFL 2004 (2003)
EA Tiburon sẽ là nhà phát hành đầu tiên đạt được danh hiệu này khi nó lần đầu được tổ chức vào năm 2003. Tựa game bóng bầu dục của EA đến nay vẫn là một thương hiệu không thể thay thế của anh em đam mê bộ môn này. Sau 4 năm ra mắt thì tựa game này đã chính thức bước lên bục vinh quang với những cải tiến vượt bậc về gameplay cũng như đồ họa. Điều đáng nói là Madden NFL 2004 là tựa game thể thao đầu tiên và duy nhất đạt được danh hiệu này, những tựa game thể thao thường không chiếm được qua nhiều thị phần trong thị trường gaming. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của Madden NFL 2004 là lớn như thế nào.
GRAND THEFT AUTO: SAN ANDREAS (2004)
Cái tên GTA có thể sẽ xuất hiện vài lần trong danh sách này đấy anh em ạ, vì ngay từ đầu thì ý tưởng của tựa game này là quá tốt. Đối với mình GTA như một phiên bản The Sim nhưng với cốt truyện và có phần thực tế hơn rất nhiều. Trong khi The Sim mang đến một cuộc sống có phần màu hồng thì GTA lại là tựa game mang tính thực tế về những góc tối của xã hội. San Andreas mang đến trải nghiệm văn hóa của người da màu ở Mỹ, những băng đảng bè phái và cả lối sống "Thug Life" được mô phỏng cực kỳ thực tế khiến người chơi cảm thấy cực kỳ ấn tượng. Một chiến thắng xứng đáng của GTA: San Andreas và cũng là chiến thắng đầu tay của Rockstar.
RESIDENT EVIL 4 (2005)
Một trong những tựa game kinh dị hay nhất mọi thời đại thì chắc chắn sẽ phải có mặt trong danh sách này rồi phải không anh em. Vì những phiên bản trước được ra mắt khi mà Game Award chưa được tổ chức nên những phiên bản đó sẽ không được nhắc đến ở đây, thế nhưng khi Resident Evil 4 được phát hành thì tựa game ngay lập tức thống trị và giành luôn danh hiệu Tựa Game của Năm 2005. Tuy vậy đây là lần duy nhất RE được lên ngôi vô địch trong suốt 16 lần tổ chức của The Game Award, thế nhưng mình tin rằng tựa game này sẽ trở lại là tựa game hay nhất năm rất sớm thôi.
THE ELDER SCROLL IV: OBLIVION (2006)
Vượt qua rất nhiều những đối thủ nặng ký, The Elder Scroll IV đã dành lấy ngôi vị quán quân năm 2006 với danh hiệu Tựa Game RPG hay nhất năm và tất nhiên là cả Tựa Game của Năm nữa. Cá nhân mình cho rằng bên cạnh The Witcher thì The Elder Scroll là tựa game RPG hay nhất mọi thời đại. Chiến thắng năm 2006 là một chiến thắng xứng đáng cho nhà Bethesda và đây không phải là lần duy nhất là tựa game này lên ngôi vô địch.
BIOSHOCK (2007)
Ngay từ phiên bản đầu tiên thì BioShock đã đạt được những thành công vang dội và cuỗm ngay luôn danh hiệu Tựa Game của Năm. Ở phiên bản đầu tiên, người ta được chứng kiến một BioShock với đồ họa đỉnh cao và cốt truyện hay đến bất ngờ, bởi người ta nghĩ BioShock đơn thuần là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất bình thường. Thế nhưng trải nghiệm mà BioShock mang lại cho người chơi có lẽ sẽ khiến người ta phải nhớ về tựa game này. Tuy đây chỉ là lần hiếm hoi mà BioShock bước lên bục nhận danh hiệu tựa game của năm, nhưng những phiên bản sau này vẫn đạt được rất nhiều thành công, chỉ sau những tựa game đình đám sau đây.
GRAND THEFT AUTO IV (2008)
Tưởng chừng như mỗi khi GTA ra mắt thì tựa game này lại giành giải vậy, Grand Theft Auto IV có lẽ không nổi bật bằng San Andreas hay V nhưng chắc chắn vẫn là một trong những tựa game hay nhất. Ở năm 2008 thì có hàng loạt những tựa game cực kỳ nặng ký là đối thủ của GTA IV như God of War, Metal Gear Solid hay Fallout,.. Thế nhưng GTA IV đã xuất sắc vượt qua những đối thủ này và một lần nữa khẳng định vị thế của Rockstar.
UNCHARTED 2: AMONG THIEVES (2009)
Năm 2019 là một năm huy hoàng của ngành công nghiệp game, đánh dấu sự ra đời của Liên Minh Huyền Thoại, Borderlands sử trở lại của Assassin's Creed, Call of Duty. Nhưng tất cả đều không thể sánh bằng sự trở lại của Uncharted 2:Among Thieves. Một trong những series đình đám và có thể nói là hay nhất mọi thời đại của hệ máy Playstation. Uncharted chắc chắn đã chiếm trọn rất nhiều con tim của anh em game thủ, những năm 2009 mới là nằm của tựa game này với một chiến thắng thuyết phục. Đây cũng là lần duy nhất tựa game này được bước lên bục nhận giải tính đến thời điểm hiện tại, nhưng những phiên bản khác đều bị đánh bại bởi những tựa game đã đi vào huyền thoại vĩ đại nhất của thế giới gaming.
RED DEAD REDEMPTION (2010)
Với mình thì khi tựa game Red Dead Redemption ra mắt thì mình cũng không ấn tượng lắm mặc dù tựa game này được quảng cáo rất rầm rộ. Nhưng vì không ấn tượng với bối cảnh miền tây cao bồi nên mình đã không chú ý đến tựa game này. Nhưng đó là sai lầm của mình anh em ạ, RDR đã đi vào huyền thoại với danh hiệu Tựa Game của Năm và Rockstar một lần nữa cho người ta thấy rằng họ không chỉ có một siêu phẩm là GTA mà những dự án khác của họ cũng mang lại ảnh hưởng rất lớn. Một tựa game xuất sắc về mọi mặt, cốt truyện, đồ họa và cả gameplay, RDR 2 cũng gây được những tiếng vang lớn nhưng chưa thể sánh bằng sự thành công của RDR.
THE ELDER SCROLL V: SKYRIM (2011)
Sau khi phần IV của tựa game này giành chức vô địch vào năm 2006 thì 5 năm sau, The Elder Scroll V: Skyrim được ra mắt và cũng chiếm luôn ngôi vị đầu bảng. Tính đến thời điểm này thì The Elder Scroll vẫn đang thống trị thế giới RPG. Vì chưa có tựa game nào từng lên ngôi 2 lần với hai phiên bản liên tiếp trong lịch sử của The Game Award. Điều đó cho thấy sau thành công của Oblivion thì người ta đã mong đợi Skyrim đến như thế nào. Và kết quả đã cho thấy Bethesda đã không làm người hâm mộ thất vọng.
THE WALKING DEAD (2012)
Lấy cảm hứng từ series phim cùng tên hay nhất mọi thời đại, The Walking Dead không mang đồ họa đỉnh cao hay những màn rượt đuổi và chiến đấu với lũ zombie hoành tráng. Tất cả được gói gọn vào lối kể chuyện của tựa game này, Telltale Games là một hãng game thiên về cốt truyện như cái tên của họ. Tuy đây là lần duy nhất tựa game này cũng như Telltale giành được danh hiệu này, nhưng nó cũng là một thành công quá lớn cho một hãng game có phần lép vế hơn những hãng game đình đám khác.
GRAND THEFT AUTO V (2013)
Sang bằng kỉ lục tựa game đạt được hai giải Tựa Game của Năm với hai phiên bản liên tiếp của Elder Scroll, Grand Theft Auto V là một ứng cử viên "chắc xuất" nhất từng xuất hiện trong danh sách để cử. Đánh bại những tựa game rất rất nặng ký khác một cách thuyết phục trong đó có tựa game hay nhất mọi thời đại của PS4 The Last of Us. Không biết khi nào thì tựa game này mới hết thống trị The Game Award nhưng có lẽ những tựa game AAA khác chắc chắn chẳng muốn ra mắt cùng năm với GTA VI đâu.
DRAGON AGE: INQUISITION (2014)
BioWare, một trong những hãng phát triển game RPG đình đám nhất đã cho ra mắt phiên bản mới nhất của Dragon Age. Tựa game đã nhanh chóng được nhiều người đón nhận và hãng game này cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Chiến thắng của Dragon Age: Inquisition có lẽ cũng đã khiến nhiều người hài lòng nhưng cũng có một vài tranh cãi. Nhưng dù sao thì Dragon Age vẫn là một tựa game đỉnh cao và chắc chắn bất cứ tựa game nào trong danh sách đề cử năm đó (Dark Souls 2, Bayonetta 2, Hearthstone, Middle-Earth) dành chiến thắng thì cũng đều xứng đáng.
THE WITCHER 3: WILD HUNT (2015)
Tựa game RPG đình đám với chiến thắng đầu tiên sau 3 phiên bản được ra mắt, nếu so về thành công sự The Witcher vẫn chưa thể so sánh với The Elder Scroll, nhưng nếu so với cảm nhận khi chơi thì điều đó vẫn đang được bỏ ngỏ. Cá nhân mình cho rằng The Witcher 3 là tựa game RPG hay nhất mọi thời đại, tất nhiên đó chỉ là ý kiến của một cá nhân, còn với anh em thì sao? Hãy bình luận bên dưới để anh em mình cùng thảo luận nhé. The Witcher 3 đem đến một trải nghiệm đồ họa đỉnh cao ở thời điểm vừa ra mắt và đến nay vẫn sẽ gây ấn tượng với bất kỳ ai chơi lần đầu, cốt truyện dài, lôi cuốn và hấp dẫn. Thế giới được xây dựng chi tiết, tỉ mỉ. Một chiến thắng xứng đáng và là một năm thành công của tựa game từng được đem ra làm thước đo cấu hình.
OVERWATCH (2016)
Tựa game eSport đầu tiên giành được danh hiệu Tựa Game của Năm, Overwatch ở thời điểm đó chính là viên ngọc quý của Blizzard. Với một gameplay cực kỳ sáng tạo kết hợp giữa FPS và Moba, Overwatch đem lại một trải nghiệm chưa từng có ở một tựa game nào trước đây. Ở thời điểm tựa game này ra mắt thì có lẽ ai ai cũng biết đến cái tên này, và nếu mình không lầm thì đây là tựa game đã khiến anh em Việt Nam tiếp cận với văn hóa mua game đầu tiên. Khi những hàng net dần dần xuất hiện Overwatch càng nhiều hơn và mình cũng đã thấy những anh bạn bỏ một số tiền không nhỏ ra để mua tựa game. Chắc chắn là một bước tiến không nhỏ cho làng gaming Việt Nam và cả nhiều nơi khác trên thế giới.
THE LEGEND OF ZELDA: BREATH OF THE WILD (2017)
Tựa game độc quyền của Nintendo đã xuất sắc vượt qua những cái tên khá khủng như Super Mario Odyssey, PUBG, Horizon Zero Dawn và cả Persona 5. Series The Legend of Zelda vốn đã rất nổi tiếng trên hệ máy này, nhưng chắc chắn phiên bản Breath of the Wild chính là tựa game đã khiến nhiều anh em bỏ tiền ra mua hệ máy này. Với gameplay xuất sắc và đồ họa đẹp mắt, cốt truyện lôi cuốn, tất cả những điều mà khi anh em chơi mới có thể cảm nhận thật sự, đã khiến tựa game này bước lên bục nhận giải một cách cực kỳ xứng đáng.
GOD OF WAR (2018)
Sau nhiều năm im lặng thì anh Kratos của chúng ta đã trở lại với một bộ mặt chững chạc và già giơ hơn rất nhiều. Cùng với người con trai anh vượt qua những nguy hiểm để đưa hài cốt của người vợ quá cố lên đỉnh núi xa xăm. Tựa game đã gây ấn tượng với đồ họa đỉnh cao và gameplay chặt chém với góc nhìn thứ ba theo kiểu hiện đại lần đầu xuất hiên trên Series này. Chiến thắng của God of War là một chiến thắng khá suýt sao bởi bên cạnh tựa game này thì các ứng cử viên khác cũng đều rất xứng đáng với danh hiệu này, đặc biệt là với Red Dead Redemption 2 và cả Assassin's Creed Odyssey. Tuy nhiên thì với sự xuất sắc của mình, SIE Santa Monica Studio và cả Sony xứng đáng có được danh hiệu tựa game của năm 2018.
SEKIRO: SHADOWS DIE TWICE (2019)
Là tựa game mới nhất nhận được giải thưởng Tựa Game của Năm tại The Game Award, chiến thắng của Sekiro có lẽ đã được nhiều người dự đoán. bên cạnh giải thưởng Tựa Game của Năm thì Sekiro còn đạt được danh hiệu tựa game hành động hay nhất năm. Điều đó cho thấy sự xứng đáng của tựa game này khi những đối thủ canh Sekiro cũng khá sừng sỏ, đặc biệt là sự trở lại của Hideo Kojima với Death Stranding. From Software xứng đáng với danh hiệu đầu tiên của họ khi đã bỏ lỡ khá nhiều lần với series Dark Souls, cùng chúc mừng Sekiro với một chiến thắng xứng đáng nhé anh em.
17 năm cùng 17 tựa game được ra mắt và trở thành huyền thoại, tính đến nay The Game Award đã rất thành công và trở thành giải "Oscar" hay "Quả Bóng Vàng" của làng gaming. Chắc chắn năm sau sẽ còn hấp dẫn và gây cấn hơn nhiều với nhiều tựa game sắp được ra mắt. Anh em cùng mình hóng những tựa game sắp tới và dự đoán xem đâu là tựa game sẽ dành chiến thắng nhé.
Theo gearvn
Game hay nhất thế giới năm 2019 đang khuyến mại cực lớn trên Steam, không mua thì quá phí Kế thừa và phát huy đầy đủ tinh hoa của dòng Dark Souls huyền thoại, Sekiro: Shadows Die Twice thực sự đã tạo nên một bước ngoặt mới cho thể loại hành động, nhập vai. Như các bạn đã biết, vào trung tuần tháng 12 vừa qua, sự kiện lớn nhất trong năm của làng game thế giới - The Game Awards 2019...