Shark Tank Việt Nam: Shark Bình khuyên startup để “đỡ phí tuổi thanh xuân và tiền của các Shark”
Startup ứng dụng tài chính cá nhân được Shark Bình đánh giá, nhận xét cặn kẽ và khuyên dừng lại để “đỡ phí tuổi thanh xuân và tiền của các Shark”.
Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ tập 15 đón chào sự xuất hiện của 4 startup ứng dụng công nghệ cho các thị trường khá ngách: quản lý tài chính cá nhân; công nghệ y tế MedTech; bán và đấu giá tranh nghệ thuật.
Startup đầu tiên đến với Shark Tank tuần này là Trần Thu Hằng – Nhà sáng lập công ty cổ phần iAI – Ứng dụng MoneyBot và Nguyễn Đức Giang – đồng sáng lập.
Theo chia sẻ của nhà đồng sáng lập, MoneyBot là ứng dụng đầu tiên và duy nhất trên thị trường hiện nay có tính năng chatbot và áp dụng AI để hỗ trợ người dùng nhập thông tin chi tiêu dưới 3 dạng: tin nhắn văn bản, tin nhắn âm thanh và chụp các hóa đơn. Ngoài ra, MoneyBot còn phân tích thói quen chi tiêu của người dùng để đưa ra lời khuyên, giúp người dùng cải thiện chi tiêu. Định hướng tiếp theo của MoneyBot là tích hợp với ví, ngân hàng và bảo hiểm để ứng dụng này trở thành đơn vị phân phối sản phẩm và dịch vụ trực tiếp của ngân hàng và bảo hiểm.
Đội ngũ của MoneyBot cũng dự tính năm đầu tiên chi phí sẽ là 3,8 tỷ và doanh thu 6,3 tỷ, điểm rơi lợi nhuận sẽ đến sau 1-3 năm. Với những con số đưa ra, Thu Hằng và Đức Giang đến đây Shark Tank để tìm kiếm cơ hội đầu tư 1,5 tỷ cho 10% cổ phần .
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về nguồn doanh thu, Thu Hằng cho biết doanh thu của MoneyBot đến từ lượt tải trên CH Play và Appstore, bán tài khoản premium và quảng cáo. Đây là ứng dụng miễn phí, tháng 6 chính thức ra mắt trên Appstore. Ở thời điểm ghi hình Shark Tank , MoneyBot vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.
Shark Hưng đặt ra nhiều câu hỏi sâu hơn về giá của gói premium, doanh thu quảng cáo dự kiến, phần trăm hoa hồng từ bảo hiểm và ngân hàng,…
Thu Hằng trả lời, gói premium sẽ được bán với giá 19.000Đ/ tháng và 89.000Đ/ năm. Doanh thu từ quảng cáo sẽ chiếm phần lớn, tuy nhiên cô chưa đưa ra được con số cụ thể. Còn việc tích hợp với bảo hiểm và ngân hàng sẽ là giai đoạn sau khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Shark Bình lên tiếng, MoneyBot bản chất là app ghi sổ, ghi và thống kê các hạng mục chi tiêu. Shark cũng nhận thấy “trên Appstore có hàng nghìn app miễn phí cho việc ghi sổ này rồi”.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của Shark Linh về điểm đặc biệt của app này, nhà đồng sáng lập cho biết, điểm độc nhất của MoneyBot là vấn đề về nhập liệu. Nếu các app khác phải nhập thời gian, danh mục chi tiêu, nhập số tiền thì với MoneyBot, người dùng chỉ cần nhập tin nhắn như messenger thì AI sẽ tự phân tích ra thời gian, danh mục, số tiền.
Là một vị “cá mập” công nghệ, Shark Bình phân tích, hiện nay có 3 cách để nhập chi tiêu: nhập thông qua ngân hàng, số dư tài khoản; qua thẻ và phương pháp phổ biến nhất hiện nay là nhập tay. Shark Bình nhận xét, các tính năng chatbot, chat trong app, đưa chatbot vào phân tích,… của MoneyBot hiện nay không có gì mới hay phức tạp. Về mặt kỹ thuật, MoneyBot không có gì đặc biệt hay bí quyết. Bên cạnh đó, MoneyBot còn ra mắt tương đối muộn, cơ hội thị trường đã qua mất nên Shark Bình khuyên đội ngũ MoneyBot không nên đi theo hướng này nữa. “Chúng ta không nên sáng chế lại cái bánh xe” – Shark Bình nói.
Ngược quan điểm với Shark Bình, Shark Hưng cho rằng startup vẫn có thể đi theo hướng này nhưng phải nghĩ theo mô hình khác.
Lúc này, Nguyễn Thị Tú Sương – Đồng sáng lập công ty cổ phần iAI – Ứng dụng MoneyBot xuất hiện tại trường quay và chia sẻ thêm về kế hoạch đạt được 1 triệu người dùng ứng dụng. Với những app đã có trên thị trường và những thành tích mà họ đạt được, MoneyBot “kỳ vọng là 5 năm sẽ đạt 1 triệu người dùng”.
“Kỳ vọng viển vông… Bởi vì hiện nay đang có rất nhiều lựa chọn sẵn có trên thị trường và người ta đã phát triển hàng chục năm nay rồi” – Shark Bình nhận định.
Shark Bình một lần nữa khẳng định, các tính năng của MoneyBot là bình thường tại trình độ công nghệ hiện nay. Nhiều ứng dụng hiện nay còn miễn phí hoàn toàn và kiếm tiền từ quảng cáo chứ không chỉ miễn phí 6 tháng như Moneybot. Bên cạnh đó, vì ra đời muộn nên chắc chắn phải mất gấp 3 lần chi phí để giành khách hàng từ tay đối thủ đi trước (CAC). “Chính vì thế anh khuyên các em suy nghĩ lại, đỡ phí tuổi thanh xuân và tiền của các Shark”.
“Tôi khuyên các bạn nên dừng lại, dùng năng lực của mình để làm thứ mới thì mới thuyết phục được nhà đầu tư hơn nhiều. Với tình trạng hiện tại, tôi không đầu tư”- Shark Bình kết luận.
Không khuyên MoneyBot dừng lại nhưng Shark Hưng mong startup nên thay đổi mô hình. Shark cũng nhận thấy MoneyBot “khá chơi vơi” vì startup không có năng lực cạnh tranh cốt lõi.
Giống như Shark Hưng, Shark Liên cũng không khuyên startup dừng lại “vì làm gì cũng phải yêu thích và yêu thích thì chúng ta phải đi tới cùng”. Thế nhưng, Shark Liên cũng cho rằng MoneyBot nên chuyển mô hình khác đi. “Tôi không đầu tư nhưng tôi sẽ là khách hàng của các bạn” – Shark Liên kết luận.
Shark Phú là vị “cá mập” tiếp theo từ chối đầu tư và khuyên MoneyBot nên tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần thì phù hợp hơn với giai đoạn hiện tại của startup.
Shark Linh nhận định, MoneyBot đã bắt đầu đúng bằng việc phát triển ứng dụng dựa trên “nỗi đau” trong trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên Shark Linh lo rằng startup chưa phân tích đủ các hướng kế tiếp. Công ty này cũng còn hơi trẻ với Shark. Vì vậy, Shark Linh cũng kết luận không đầu tư.
Quý vị đón xem các tập tiếp theo của Shark Tank Việt Nam mùa 4 vào lúc 20h00 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3!
Shark Tank: Startup nhanh nhạy giữa mùa dịch, nhận đầu từ từ Shark Linh
Kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh giữa mùa dịch, ứng dụng gia sư công nghệ nhận được đầu tư từ Shark Linh.
Startup thứ hai đến Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ tập 14 là Nguyễn Hà Minh Thông, Nhà sáng lập và điều hành dự án Edubox. Anh đại diện cho Edubox đến kêu gọi 4 tỷ cho 25% cổ phần của công ty.
Theo chia sẻ của nhà sáng lập, Edubox là một ứng dụng công nghệ mang đến giải pháp gia sư cho các học sinh. Giải thích thêm về dự án của mình, Minh Thông cho biết, phụ huynh thường khó đưa ra được câu trả lời cho một số câu hỏi trong bài tập về nhà của các em học sinh vì nhiều lý do. Chính vì vậy, Edubox đã mang đến một giải pháp: khi các em học sinh đặt câu hỏi khó trên ứng dụng, sẽ có các giáo viên đối tác trả lời. Trong lúc trả lời, giáo viên sẽ "bắt mạch" được học sinh đó yếu kiến thức chỗ nào, từ đó, gửi cho phụ huynh thông tin và đưa ra giải pháp nên học thêm bao nhiêu để lấy lại kiến thức.
Trả lời câu hỏi của Shark Linh về số lượng khách hàng của dự án, Minh Thông cho biết Edubox hiện có 18.000 người dùng, trong đó học sinh chiếm 3.000, còn lại là các đối tác.
Minh Thông cũng chia sẻ thêm, dự án của mình ra mắt vào tháng 7/2019, tiền thân là một ứng dụng đặt giáo viên về nhà dạy offline. Edubox có kế hoạch đạt 50.000 user (người dùng) mới chuyển sang mô hình online. Thế nhưng, COVID-19 xảy ra, mảng offline đứng lại.
"Thế là tụi em phải nghĩ ra một cách nào đó để cứu mình. Việc dạy online thông qua Zoom quá phổ biến. tại sao mình không làm phần đặt câu hỏi này, rồi tìm được lỗ hổng, chỉ cần học 3 buổi, thuê giáo viên dạy 3 buổi là có thể lấy lại được kiến thức này. Thì tụi em chuyển đổi mô hình" - Minh Thông nói.
Chia sẻ về doanh thu của Edubox, Minh Thông cho biết GMV (Tổng giá trị giao dịch) của doanh nghiệp rơi vào khoảng 4.000 USD và thu phí 30%/ giao dịch. Edubox sẽ thu phí của phụ huynh và trả ngược lại cho gia sư.
Minh Thông cũng tiết lộ, đội ngũ đã bỏ vào 1 tỷ cho dự án này, một nhà đầu tư thiên thần ngay thời điểm mới ra ý tưởng, đầu tư 200 triệu cho 5% cổ phần.
Shark Linh nhận định, gia sư khác với giáo sư nên uy tín không được thể hiện qua bằng cấp. Startup có thể dùng cộng đồng sinh viên và học sinh để đánh giá gia sư. Quan trọng nhất với Edubox bây giờ là tìm khách hàng. Đang ở trong giai đoạn còn trẻ nên Shark Linh cho rằng, startup nên tập trung phát triển công nghệ và cần tìm một người giúp mình thu hút được khách hàng. "Chị nghĩ chị có thể là người đó để giúp em vì chị rất quan tâm đến giáo dục" - Shark Linh chia sẻ. Chính vì vậy, Shark Linh đưa ra đề nghị 4 tỷ cho 40% cổ phần .
Nhận thấy có thể giúp được startup trong tất cả các vấn đề như công nghệ, tài chính, thị trường, tuyển dụng,... Shark Bình quyết định đầu tư theo mô hình Venture Builder với con số 4 tỷ cho 70% . "Chúng ta chỉ cần một phần nhỏ trong một miếng bánh lớn, chứ không cần một miếng bánh lớn của một startup bé tí chưa biết sống chết như thế nào hiện nay" - Shark Bình chiêu dụ startup.
Shark Linh liền lập tức lên tiếng, nếu chỉ giữ 30% cổ phần thì startup sẽ không có đủ động lực để phát triển. Chị cũng tiết lộ chị đang là đại diện của một quỹ đầu tư trị giá 430 tỷ USD bên Singapore nên chị có thể hỗ trợ nhiều cho startup, kể cả về công nghệ. "Em đã xây dựng nền tảng rồi và bây giờ phát triển mạnh, chúng ta có thể gọi thêm vốn cho em tăng trưởng ra khỏi Việt Nam và có thể đi được toàn cầu" - Shark Linh nói.
Vì con số 70% quá cao nên startup mong Shark Bình có thể offer mức phần trăm thấp hơn nhưng Shark Bình không đồng ý.
Minh Thông liền hỏi Shark Linh có thể thương lượng cho lại đội ngũ một ít cổ phần nếu đạt được KPI đề ra.
"Theo KPI thưởng lại 5% trong vòng 1-2 năm tới" - Shark Linh cho biết
"Nếu em đạt được mục tiêu hòa vốn trong 1 năm thì anh tặng lại 20%. Với startup, đạt điểm hòa vốn là một cột mốc rất quan trọng" - Shark Bình quyết liệt theo đuổi.
Sau khi suy nghĩ, Minh Thông đồng ý với đề nghị đầu tư từ Shark Linh.
Quý vị đón xem các tập tiếp theo của Shark Tank Việt Nam mùa 4 vào lúc 20h00 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3!
Shark Tank Việt Nam: 3 Shark "đổ xô" đề nghị đầu tư vào mô hình cho thuê kho cá nhân Mang mô hình cho thuê kho cá nhân lên gọi vốn, nhà sáng lập người Mỹ khiến Shark Phú, Shark Hưng và Shark Louis cùng đề nghị đầu tư. Xuất hiện trong đầu tập 8 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 4, Aric Austin - nhà sáng lập và điều hành công ty cổ phần Austin Labs kêu gọi...