Shark Tank Việt Nam: Các Shark nói gì về mô hình kinh doanh “quá ngách”?
Shark Louis nhận định chỉ giao thuốc ngày đêm không đủ cạnh tranh, Shark Hưng gợi ý startup Medigo nên đưa vào hệ thống y tế khám chữa bệnh từ xa.
Startup tiếp theo đến với Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ tập 15 là Hồ Sĩ Duy, Nhà đồng sáng lập ứng dụng Medigo. Anh đến để gọi đầu tư 1,85 tỷ cho 1% cổ phần.
Theo giới thiệu của Hồ Sĩ Duy, Medigo là một nền tảng kết nối nhiều dịch vụ y tế với nhau, là đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiện nay cho phép đặt thuốc xuyên đêm và giao hàng siêu tốc.
Hoạt động từ năm 2019, đến nay, Medigo đã có hơn 150.000 người sử dụng, nhận được hơn 2.500 đánh giá trên các kho ứng dụng với điểm số trung bình là 4,9 sao. Từ 2 nhà thuốc ban đầu, hiện tại nền tảng này đang hợp tác với hơn 150 nhà thuốc và một chuỗi nhà thuốc lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Medigo cũng đang hợp tác với 2 đơn vị vận chuyển để giao hàng.
Medigo đã trải qua 2 vòng gọi vốn với tổng số tiền đầu tư là hơn 300.000 USD, số cổ phần còn lại của các nhà sáng lập là 88%. Vòng đầu tiên định giá post-money (giá trị công ty sau khi gọi vốn) của công ty là 9 tỷ đồng, vòng thứ 2 là 40 tỷ, nếu đạt KPI sẽ được đầu tư tiếp 800.000 USD với định giá công ty là 115 tỷ.
Shark Hưng thắc mắc “Nền tảng của bạn là app (ứng dụng) thôi, cần đầu tư gì lắm tiền thế?”
Hồ Sĩ Duy cho biết startup có nhiều hướng đi và cần chi phí phát triển đội ngũ, mở rộng ứng dụng trên các thành phố và chi phí marketing.
Đại diện Medigo cũng cho biết mỗi tháng nền tảng này “đốt” 280 triệu. GMV (tổng lượng giá trị giao dịch) hàng tháng tính cả tiền bán thuốc và tiền ship là khoảng 800 triệu. Doanh thu của Medigo đến từ việc thu 5 – 10% tiền commission (hoa hồng) với nhà thuốc và dự kiến tháng 9, tháng 10 năm nay sẽ break even (hòa vốn).
Hồ Sĩ Duy chia sẻ thêm rằng nhà sáng lập của ứng dụng có con nhỏ từng bị sốt lúc 2-3h sáng nhưng không tìm được nhà thuốc nào trên mạng vào thời điểm đó. Đó là câu chuyện khơi lên niềm cảm hứng để Medigo ra đời.
Shark Liên đánh giá: “Đứa trẻ khi bị bệnh mà không có bác sĩ kê toa, đi ra tự động mua cực kỳ nguy hiểm. Chở con đến bệnh viện là phương án hay nhất”.
Shark Hưng chỉ ra rằng mô hình kinh doanh của startup quá ngách vì nhu cầu mua thuốc sau 11h đêm quá bé, trong khi đó thuốc không kê đơn là những loại thuốc không quá cấp bách. Nhận định vai trò của Medigo trong hệ thống là làm nền tảng order hộ, Shark Hưng gợi ý: “Bạn có thể kết hợp với bác sĩ kê đơn, hay khám chẩn đoán lâm sàng cấp thuốc, kết hợp giữa bán thuốc, nhà thuốc với hệ thống bác sĩ” và “Cái này phát triển được nếu bạn đưa vào hệ thống y tế khám chữa bệnh từ xa (telemedicine)”.
Video đang HOT
Ngoài ra, Shark Hưng cũng cho rằng round 2 của Medigo định giá 115 tỷ nếu đạt KPI nhưng KPI chưa đạt được mà startup đã gọi vốn với định giá 185 tỷ là điều phi lý cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, Shark Hưng quyết định không đầu tư.
Shark Liên, Shark Phú cũng lần lượt từ chối đầu tư vì không thuộc lĩnh vực sở trường.
Shark Louis băn khoăn: “Nếu mà bạn làm giao hàng đêm và ban ngày về dược không thôi, tôi cảm thấy thị trường không đủ sức cạnh tranh. Nếu mà một công ty dược lớn mở một chi nhánh là có thể nuốt bạn liền”.
Đáp lại, Sĩ Duy nhận định: “Theo em được biết, để một nhà thuốc hoạt động được cả đêm lẫn ngày, thường nếu chỉ dựa vào lượng user (người dùng) xung quanh nhà thuốc là không đủ để nhà thuốc đó hoạt động, chắc chắn nó sẽ lỗ. Vì vậy cần công cụ hỗ trợ như ứng dụng để tăng bán kính phục vụ của nhà thuốc đó lên về đêm. Em nghĩ đó là một lượng đánh đổi cũng phải cân nhắc rất nhiều”.
Shark Louis tiếp tục đặt ra câu hỏi về quy mô thị trường nhưng đại diện startup không nhớ con số chính xác.
Dù rất thích ngành này nhưng cảm thấy không đủ sức thuyết phục nên Shark Louis từ chối đầu tư và đưa ra lời khuyên: “Các bạn startup sau lên đây trình bày thì phải mạnh mẽ hơn, phải biết câu hỏi này sẽ giúp các Shark quyết định quyết liệt”.
Shark Bình nhận định: “Mô hình kinh doanh của em bản chất là sàn thương mại điện tử nhưng chuyên bán thuốc… Với sàn thương mại điện tử, điều bắt buộc là phải scale (mở rộng) nhanh. Nhưng anh thấy startup của em hoạt động được 1,5 năm mà scale đến bây giờ, sau 18 tháng GMV mới được 8 trăm triệu 1 tháng là quá nhỏ…”.
“Cá mập” công nghệ cho biết thêm: “Hệ số định giá một công ty ecommerce (thương mại điện tử) dựa trên GMV thông thường là 1 lần GMV năm… Giá trị startup của em theo công thức định giá theo GMV thì chỉ đáng khoảng 10 tỷ đồng thôi. Mà em chào các Shark 185 tỷ là cao hơn 18,5 lần so với giá trị thực theo đúng công thức định giá của ngành”.
Shark Bình cũng phân tích, thị trường mà startup đang nhắm đến là “ngách của ngách của ngách” và nhận định: “Đi vào thị trường quá ngách như vậy thì dù mình có là số một, không ai làm giống mình vì người ta không thèm làm”. Do đó, Shark Bình từ chối đầu tư và khuyên startup nên xem lại mô hình kinh doanh.
Quý vị đón xem các tập tiếp theo của Shark Tank Việt Nam mùa 4 vào lúc 20h00 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3!
Shark Tank Việt Nam: Startup bất ngờ từ chối 30 tỷ của Shark Hưng để chọn Shark Liên
Nhà sáng lập Cuccu.vn đã từ chối đề nghị đầu tư 30 tỷ đồng của Shark Hưng và chọn về đội Shark Liên.
Shark Tank Việt Nam mùa 4 tập 8 tiếp tục chào đón 3 startup với ba mô hình: cho thuê kho cá nhân, nền tảng cộng tác viên bán hàng online và đồ uống tốt cho sức khỏe. Trong đó, Đỗ Xuân Thắng, nhà sáng lập và điều hành công ty cổ phần công nghệ Cuccu.vn - nền tảng bán hàng cộng tác viên bán hàng tiên phong tại Việt Nam gọi vốn 3 tỷ cho 8% cổ phần của công ty.
Cuccu.vn là nền tảng trung gian giữa nhà cung cấp và cộng tác viên. Livestreamer sử dụng Cuccu.vn bán hàng sẽ không cần phải lo việc nhập hàng, giao hàng, tồn kho, công nợ. "Họ chỉ cần livestream, đơn hàng giao thành công họ rút tiền về luôn", Xuân Thắng cho biết.
Trả lời câu hỏi của Shark Louis và Shark Hưng về nguyên lý hoạt động, định giá công ty, số lượng cộng tác viên, cách thu tiền..., Xuân Thắng cho biết Cuccu.vn bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2020 và mới chạy rốt-đa (thử nghiệm) trong khoảng 3 tháng vừa rồi, mỗi tháng được khoảng 1.000 đơn. GMV (tổng khối lượng hàng hóa bán ra) khoảng 200 triệu. Cuccu.vn cũng đã gọi vốn 2,5 tỷ cho 10% cổ phần cho vòng đầu tiên vào tháng 11/2020 với định giá công ty khoảng 25 tỷ.
Hiện tại, Cuccu.vn có khoảng 40.000 lượt tải và gần 300 cộng tác viên bán hàng mỗi tháng. Doanh thu của Cuccu.vn đến từ việc thu 3% giá trị đơn hàng thành công từ các nhà cung cấp, thu chiết khấu từ các đơn vị hỗ trợ như đơn vị giao hàng, đơn vị thanh toán... và thu tiền từ chiến dịch quảng cáo tập trung cho một nhóm sản phẩm nào đó.
Shark Bình phân tích về mô hình hoạt động của startup: "Đây là "chiến tranh nhân dân" trong phân phối hàng hóa. Ví dụ trước đây mỗi nhãn hàng muốn bán lẻ phải tiêu rất nhiều tiền quảng cáo cho Google, Facebook để bán hàng online. Thay vì tiêu tiền đó cho Google, Facebook thì chúng ta chia lại hoa hồng, chiết khấu cho các cá nhân để họ bán cho những mối quan hệ của họ".
Khi Shark Hưng và Shark Louis liên tiếp đặt câu hỏi để tìm hiểu về lý do gọi vốn 3 tỷ, bức tranh tài chính, số tiền đã đầu tư, dự kiến doanh thu, lợi nhuận..., Đỗ Xuân Thắng bình tĩnh trả lời. Anh chia sẻ đã đầu tư 1 tỷ, gọi vốn vòng đầu tiên 2,5 tỷ cho 10% cổ phần và đã sử dụng gần hết 3 tỷ.
Nói về kế hoạch phát triển ứng dụng nếu gọi vốn thành công 3 tỷ, Xuân Thắng cho biết Cuccu.vn sẽ triển khai theo chiến lược "chiến tranh nhân dân". "Từng cộng tác viên, từng leader (trưởng nhóm) đi kiếm và có commission (hoa hồng) từ nó, mỡ nó rán nó... 3 tỷ có thể triển khai trong ít nhất 1 năm", anh nói.
Đỗ Xuân Thắng chia sẻ thêm: "Trung bình mỗi đơn hàng 250.000Đ, 3% thì sẽ có 7.500Đ/đơn. 10.000 đơn chúng ta có khoảng 75 triệu. 100.000 đơn chúng ta đạt khoảng 750 triệu. Chỉ cần đạt mục tiêu 100.000 đơn thì có tiền scale (mở rộng) tiếp rồi".
Shark Phú đặt ra câu hỏi về đối thủ cạnh tranh, thế mạnh của sản phẩm, Xuân Thắng cho biết, hiện tại có khoảng 5 app (ứng dụng) tương tự. Điểm khác biệt là duy nhất Cuccu.vn tạo cho cộng tác viên website tự động. Thứ hai là rút tiền trực tiếp. Toàn bộ đơn hàng liên kết với nhà cung cấp và khi hoàn thành đơn hàng là có thể rút tiền ngay. Trong khi đó, các đối thủ lại rút tiền theo tuần hoặc tháng.
Shark Liên là người đầu tiên ra deal. Shark nhận xét: "Khi bạn nói ra ý tưởng của bạn, tôi rất thích. COVID-19 càn quét rất khủng khiếp luôn, mất việc làm và đẩy người ta vào stress rất lớn. Thực sự chị cũng đang muốn giải pháp gì đó cho người mất việc làm". Nhận định startup "có sẵn nền tảng để chúng tôi bán hàng thì ai cũng thích" và với nguyên tắc không exit, Shark Liên đề nghị 3 tỷ cho 15% cổ phần.
Shark Hưng nhận xét: "Đây là ý tưởng tốt, hợp xu hướng". và chia sẻ "Hiện nay chúng tôi đang phát triển hướng tương tự thế này, Cenhomes.vn. Chúng tôi có hàng trăm ngàn bất động sản đang chào bán trên nền tảng đó. Các bạn cũng lấy hàng đi chào bán bình thường, giống như các bạn vậy. tôi rất thích. Tôi hiểu ngay cách các bạn lấy tiền ở đâu. Nhưng cái tôi gặp phải cũng là cái các bạn gặp phải, đó là việc vượt qua con gà quả trứng".
Shark Hưng đề nghị tối thiểu 3 tỷ cho 25% cổ phần và nếu startup đạt KPI như đã nói, Shark sẽ đầu tư tối đa 30 tỷ cho 45% cổ phần .
Xuân Thắng cho biết mong muốn valuation (định giá) bằng các nhà đầu tư trước, ít nhất là 3 tỷ cho 12% cổ phần và các Shark lần lượt thuyết phục nhà sáng lập Cuccu.vn.
Shark Liên phân tích: "Shark Phú out (từ chối đầu tư) em vì không tin tưởng em có được cộng tác viên. Còn chị có sẵn cho em luôn, 36 triệu user (người dùng) của chị".
Shark Hưng nhận xét: "Tôi không quan tâm đến nền tảng có người dùng nhưng tôi hiểu về nền tảng này và bí quyết làm sao để vượt qua con gà quả trứng. Tất cả mô hình kinh doanh mà cứ phải con gà quả trứng rất là nguy hiểm. Rất khó vượt qua được vũ môn".
Xuân Thắng nhận định: "Nếu có thể hỗ trợ được các chị em phụ nữ thì đó là mục tiêu, sứ mệnh của Cuccu.vn. Và nó rất fit (phù hợp) với những gì Shark Liên đang làm". Do đó, anh đề nghị con số 3 tỷ cho 12% cổ phần và được Shark Liên đồng ý.
Quý vị đón xem các tập tiếp theo của Shark Tank Việt Nam mùa 4 vào lúc 20h00 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3!
Shark Tank Việt Nam: 3 Shark "đổ xô" đề nghị đầu tư vào mô hình cho thuê kho cá nhân Mang mô hình cho thuê kho cá nhân lên gọi vốn, nhà sáng lập người Mỹ khiến Shark Phú, Shark Hưng và Shark Louis cùng đề nghị đầu tư. Xuất hiện trong đầu tập 8 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 4, Aric Austin - nhà sáng lập và điều hành công ty cổ phần Austin Labs kêu gọi...