Shark Liên đã đúng, Divine bán game sai luật sao làm eSports tử tế?
Tham gia Shark Tank với danh nghĩa gọi vốn để cải thiện văn hóa eSports, nhưng chính Divine Corp từng bị tố khai thác các lỗ hổng và vi phạm trực tiếp điều khoản Steam.
Trên sóng Shark Tank tập 3, shark Liên đã tuyên bố việc founder Divine “vừa cày game vừa đạt bằng giỏi chỉ là may mắn”, nhưng ít ai biết founder của công ty này từng gặp nhiều “may mắn” hơn thế.
Cuối tháng 5, Divine Shop – phụ trách mảng mua bán key game của Divine Corp – tuyên bố công khai trên Facebook về việc bị Steam “khóa nhầm” trên 10.000 tài khoản đã bán ra cho khách hàng, gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Hai Co-Founder của Divine Corp tại chương trình Shark Tank. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Divine Shop từng “gặp nạn”, khách trả lại hơn 100 triệu?
Trong bài đăng công khai ngày 31/5 của Divine Shop về việc Steam (nền tảng cung cấp trò chơi điện tử) “khóa nhầm” hơn 10.000 tài khoản, công ty này cho biết họ đã thực hiện nhiều phương pháp khắc phục sự cố.
Theo nội dung bài đăng, Divine Shop đã gửi kháng cáo lên Steam để xin mở khóa lại 10.000 tài khoản. Bên cạnh đó, họ cũng bỏ ra số tiền hơn 176 triệu đồng để đền bù thiệt hại cho khách hàng.
Những tưởng bi kịch xảy đến với Divine Shop, nhưng “điều kỳ diệu” lại nhanh chóng xảy ra sau đó. Cũng theo nội dung bài đăng, công ty này cho biết Steam đã mở khóa lại hơn 10.000 tài khoản “khóa nhầm” ngay sau đó.
May mắn hơn, trong 176 triệu đồng dùng để khắc phục thiệt hại, hơn 100 triệu đồng đã được khách… gửi trả. Số tiền hơn 70 triệu đồng còn lại, Divine Shop tuyên bố… tặng luôn cho khách để cảm ơn.
Sự kiện hy hữu này nhanh chóng được cộng đồng game thủ Việt chú ý, thậm chí còn được mang lên diễn đàn quốc tế Reddit và gây nhiều tranh cãi. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, nhiều người cho rằng bài đăng của Divine Shop không hề có bất kì chứng cứ nào cho thấy thật sự tồn tại câu chuyện trên.
PUBG là tựa game được mua nhiều nhất trên Divine Shop. Ảnh: Getty.
Việc mua bán game, tài khoản… trên nền tảng Steam bằng bất kì hình thức nào từ lâu đã là điều cấm kị. Valve, công ty chủ quản của Steam, cho rằng việc mua bán game và tài khoản trái phép dẫn đến gia tăng tình trạng hack/cheat và sẽ xử lý mạnh tay với hành vi này.
Do đó, Divine Shop vi phạm điều khoản sử dụng của Steam trong suốt thời gian hoạt động của mình. Điều này đồng nghĩa với việc Steam không hề “khóa nhầm” và việc mở khóa lại nhanh chóng đồng loạt 10.000 tài khoản là vô lý.
Câu chuyện của Divine Shop nhanh chóng được nhiều người bóc mẽ và chỉ ra các điểm vô lý, đơn cử: không thể nhanh chóng xác định 10.000 tài khoản bị khóa và đại diện yêu cầu mở khóa cả 10.000 tài khoản đó, không thể thu hồi bồi thường với tỉ lệ thành công cao như đã tuyên bố…
Đến nay, Divine Shop vẫn chưa thể xác thực của câu chuyện kia và cộng đồng game thủ đồn vẫn cho rằng đây là câu chuyện được dựng lên để thu hút tranh cãi.
Muốn định hướng cộng đồng tốt hơn, nhưng lại làm ăn sai lệch?
Dựa trên dữ liệu được cung cấp trên sóng Shark Tank bởi chính founder Divine Corp, ông Vũ Đăng Công, doanh thu của công ty này năm 2018 là 84 tỷ trong đó hơn 83 tỷ đến từ hoạt động mua bán key game.
Ngay lúc này, website chính thức của Divine Shop đang bán key game của nhiều tựa game nổi tiếng như PUBG, Minecraft, GTA V… cho đến tài khoản Netflix.
Divine Shop không những cung cấp tài khoản game, key game, còn bán các gói Steam Wallet qua đó người dùng chỉ cần bỏ ra 999.000 nghìn đồng để nhận được tương đương 1,2 triệu đồng trong tài khoản Steam.
Như đã thông tin ở trên, việc buôn bán tài khoản Steam bằng bất kì hình thức nào đều vi phạm chính sách của nền tảng này. Theo Hợp đồng Thuê bao được xác nhận trước mỗi khi tạo tài khoản, Steam quy định rõ tại mục 1 khoản C:
Bạn không được tiết lộ, chia sẻ hoặc cho phép người khác sử dụng mật khẩu hoặc tài khoản của bạn trừ khi được Valve cho phép cụ thể.
Tài khoản của bạn, bao gồm mọi thông tin liên quan đến nó (ví dụ: thông tin liên hệ, thông tin thanh toán, lịch sử tài khoản và đăng ký…), hoàn toàn mang tính cá nhân. Do đó, bạn không được bán hoặc tính phí cho người khác quyền sử dụng tài khoản của mình hoặc chuyển nhượng tài khoản của bạn, cũng như không thể bán, tính phí cho người khác quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng bất kỳ đăng ký nào khác bên ngoài quy định tại hợp đồng này, hoặc được Valve cho phép cụ thể.
Steam là nền tảng cung cấp trò chơi trên PC lớn nhất trên thế giới, hiện chiếm hơn 70% thị trường này. Nền tảng này cũng có chính sách giá game khác nhau theo từng vùng khác nhau.
Việc mua bán key game không còn quá xa lạ ở Việt Nam và Steam là một trong những nền tảng được các “thương lái key game” khai thác mạnh mẽ nhất. Game thủ dễ dàng mua được tài khoản game với giá rẻ hơn so với niêm yết và không yêu cầu có thẻ thanh toán quốc tế thông qua cách thức này.
Trên thế giới, các “thương lái key game” thường tạo VPN (máy chủ ảo) để mua game ở những vùng có giá thấp, sau đó bán lại ở vùng có giá cao để ăn chênh lệch.
Ngoài cách bán game thông qua bán tài khoản, Divine Shop cũng bán game thông qua tính năng “tặng quà”. Sử dụng tài khoản ở máy chủ có giá game thấp để mua game, sau đó thực hiện chức năng “tặng quà” cho khách hàng.
Điều này tuy không vi phạm chính sách của Steam, nhưng được xem là hành vi “lách luật”. Kể từ sau khi Steam ban hành chính sách hạn chế tặng quà mới năm 2017, hành vi “lách luật” này đã bị hạn chế gần như hoàn toàn.
Do đó, các game trên Divine Shop không còn có giá chênh lệch quá cao nếu mua theo hình thức “tặng quà”, mà chỉ chênh lệch với phương thức mua tài khoản mới, vốn sai luật của Steam.
Divine Shop cũng nổi tiếng cung cấp Steam Wallet với giá rẻ bất ngờ, tuy nhiên, trên website chính thức của Steam, đơn vị này không hề có tên trong danh sách những cửa hàng phân phối.
Tài khoản GTA V có giá giảm sâu trên Divine Shop, được ghi chú “tài khoản nhận được là tài khoản mới 100%”, vi phạm chính sách mua bán tài khoản của Steam.
Trong giới reseller (trung gian) key game trên thế giới, còn nhiều hình thức khác để cung cấp game bản quyền với giá rẻ như: mua game số lượng lớn trong các đợt khuyến mãi hay thậm chí phạm pháp như rửa tiền, chiếm đoạt thẻ tín dụng bị đánh cắp. Đây là những phương án trên lý thuyết.
Bartosz Skwarczek, CEO của G2A (chợ mua bán key và vật phẩm game lớn nhất thế giới) từng đối diện với các cáo buộc liên quan đến rửa tiền và sử dụng thẻ tín dụng bị đánh cắp.
Website mua bán online này cho phép bán những key game giá rẻ không nguồn gốc, nghi vấn liên quan đến hành vi đánh cắp tài khoản, rửa tiền, sử dụng thông tin từ các thẻ tín dụng bị đánh cắp.
Việc sử dụng thông tin từ các thẻ tín dụng bị đánh cắp để đăng kí phiên bản dùng thử của Netflix, sau đó bán lại với giá rẻ cũng đang bùng nổ tại Việt Nam thời gian gần đây.
Minecraft, tựa game quen thuộc với các bậc phụ huynh vào giờ ăn cơm, có giá lên đến 750.000 đồng.
Theo như tuyên bố của Divine Shop trong phần Q&A trên website, công ty này hiện dùng hình thức mua game từ khu vực được trợ giá (cụ thể là Malaysia) và từ các đợt khuyến mãi lớn.
Cả việc bán tài khoản Netflix không rõ nguồn gốc lẫn buôn bán key game trên Steam vi phạm nghiệm trọng điều khoản sử dụng và ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhiều game thủ lo ngại Việt Nam sẽ bị liệt vào danh sách đen của các nền tảng này vì những gian lận tương tự.
Uplay và Epic là hai trong số các nền tảng đã liệt game thủ Việt Nam vào danh sách đen.
Ở phần mô tả trên website của Divine Shop, công ty này cho biết họ đã bán key game từ tháng 12/2015 và được cấp phép bởi Bộ Công Thương vào tháng 7/2016.
Tuy nhiên, thông qua tra cứu mã số thuế trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công ty cổ phần Divine Corp được thành lập ngày 12/06/2018 với người đại diện pháp lý là ông Vũ Đăng Đông.
Trong đó, những ngành nghề đăng kí kinh doanh bao gồm:
Danh sách các ngành nghề đăng kí kinh doanh của Divine Corp theo tra cứu từ cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, website bán key game của Divine Shop cũng không hề có dấu xác nhận của Bộ Công Thương ở cuối như các chợ điện tử Lazada, Tiki, Shopee…
Với đặc thù không sử dụng kho bãi, rất khó có thể kiểm tra nguồn gốc hàng hóa (mà ở đây là key game, vật phẩm game) cũng như kiểm kê số lượng và thống kê nguồn tiền từ những đơn vị cung cấp key game như Divine.
Theo số liệu được cung cấp trên sóng Shark Tank, Divine Corp có doanh thu 84 tỷ đồng, 83 tỷ trong số đó đến từ việc bán key game, lợi nhuận thu được khoảng 11 tỷ đồng. Divine Corp có tham vọng làm eSport, nhưng chưa thể nhận được nguồn vốn khi tham gia Thương vụ bạc tỷ vì bị các shark từ chối.
Theo Zing
Thầy giáo Ba sụp đổ thần tượng Shark Liên sau tuyên bố "dị ứng game"
Anh chàng mới đây đã có những chia sẻ ngay trên clip reaction của mình về "thương vụ bạc tỉ" gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay này.
Mới đây, một chủ đề được đưa ra bàn luận vô cùng sôi nổi trong cộng đồng game thủ Việt khi một startup về eSoprts xuất hiện trong chương trình Thương vụ bạc tỷ. Cụ thể, đến với Shark Tank, các Founder của Công ty cổ phần Divine Corp - đơn vị chủ quản của chuỗi thương hiệu Divine - công ty hàng đầu về Game bản quyền và Thể thao điện tử (eSports) tại Việt Nam đề nghị gọi vốn 3 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty với mong muốn xây dựng và phát triển hệ sinh thái eSports tại Việt Nam. Nổi bật trong màn gọi vốn là một mô hình kinh doanh mới có tính giáo dục. Với mô hình là một môi trường đào tạo quản lý game thủ chuyên nghiệp, hướng các game thủ đến lối chơi game văn minh, chơi đúng cách, tham gia các giải đấu trong nước và quốc tế như một môn thể thao chính thức được công nhận. Phát triển thể thao điện tử bên cạnh việc dung hòa các hoạt động trong cuộc sống, các hình thức giáo dục kỹ năng đi cùng.
Tuy nhiên rất nhiều rào cản đặt ra cho các thành viên Divine. Tất các các shark đều từ chối đầu tư vì quan ngại rằng đây là một hình thức tiếp tay cho giới trẻ chơi game quá đà, chưa có định hướng tốt trong việc giáo dục về cả thể chất, tinh thần và đạo đức cho người chơi. Trong đó, người phản đối có phần quyết liệt nhất chính là shark Liên khi tuyên bố thẳng thừng "Tôi rất dị ứng với việc chơi game, cho nên đây là dự án không nằm trong định hướng của tôi. Chủ đề về game này thực sự là tôi không hứng thú và không thích. Bởi vậy mà tôi sẽ không đầu tư với các bạn". Shark nữ duy nhất trong chương trình cũng chia sẻ: "Tôi cực ghét chơi game và ai mà nướng thời gian trên màn hình là tôi không thích. Bất kể là ai mà tôi nhìn thấy là tôi khó chịu rồi".
Những lời nhận xét có phần gay gắt của shark Liên về những người chơi game khiến cho không ít game thủ phải "tự ái" khi thấy mình bị động chạm. Ngay cả bản thân Thầy giáo Ba, một người vốn thần tượng shark Liên từ đầu mùa chương trình đến giờ cũng không khỏi thất vọng sau khi nghe xong nhận xét trên của thần tượng. Anh chàng mới đây đã có những chia sẻ ngay trên clip reaction của mình về "thương vụ bạc tỉ" gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay này.
Theo Thầy giáo Ba, nguyên nhân khiến cho màn gọi vốn này thất bại do các shark trong chương trình vẫn chưa nắm rõ được eSports bản chất là như thế nào nên đã bỏ phí mất "mỏ vàng" đầy tiềm năng như thế này. Việc các shark quan tâm đến yếu tố con người rất là đáng hoan nghênh, nhưng đã gọi là đầu tư thì việc kiếm ra tiền vẫn là quan trọng nhất. Thứ hai cũng phải kể đến Divine Corp đã sai lầm ngay từ đầu trong việc gọi vốn khi đã không đưa ra được những dẫn chứng cụ thể cho thấy ngành công nghiệp này "hái ra tiền" như thế nào, chẳng hạn như việc Echo Fox bán suất thi đấu ở giải LCS với giá 30.25 triệu USD.
Và cuối cùng, khi nghe đến sharl Liên quyết định không đầu tư và đưa ra lý do rằng dị ứng với chơi game, không thích ai cắm mặt vào game, thầy giáo Ba không khỏi "rưng rưng" mà thốt lên rằng: "Cảm giác bị idol ghét nó đau lắm".
Theo gamehub
Shark Liên khiến cộng đồng game thủ "tự ái" khi tuyên bố dị ứng với chơi game Những lời nhận xét có phần gay gắt của shark Liên về những người chơi game khiến cho không ít game thủ phải "tự ái" khi thấy mình bị động chạm. Mới đây, một chủ đề được đưa ra bàn luận sôi nổi trong cộng đồng game thủ Việt hơn bao giờ hết khi một startup về eSoprts xuất hiện trong chương trình...