Sex và tình báo Xô Viết (Phần 3)
Trước khi đào ngũ sang phương Tây giữa thập niên 1960, Anatoly Sorokin làm việc trong phân ban “C” của Tổng hành dinh thứ nhất KGB. Ông hồi tưởng lại những thành phố mô hình gợi nhớ đến những bộ phim hơn là những thành phố thật.
Ảnh minh họa
Trường phim tình báo
Thành phố đó có con đường chính với những tòa nhà bằng gạch ở hai bên dài khoảng 200 mét. Có nhiều cửa hàng, rạp chiếu phim, siêu thị, ngân hàng… Trong thời gian diễn ra giờ học, con đường sẽ đầy những “diễn viên quần chúng”, ăn mặc giống với cư dân của quốc gia được mô phỏng.
Video đang HOT
Trong thành phố bản sao của nước Anh, sẽ có các “diễn viên” đóng vai cảnh sát, người đưa thư, anh hàng thịt… Xe buýt sẽ có người soát vé để các học viên có thể thực hành hỏi giá vé, điểm đến. Trong bưu điện có thể mua được tem thư, mẫu giấy chuyển tiền… Bên cạnh là mô hình của vùng quê nước Anh với quán rượu và nhà kho.
Theo lời kể của những điệp viên đào ngũ từng học tại thành phố Gatchina – Leningrad, “phương Tây” ảo được chia thành 4 phân khu, mỗi phân khu được bao bọc bởi hàng rào thép gai, có vùng đệm và tuần tra nghiêm ngặt. Mỗi nơi có các huấn luyện viên, mô hình thành phố và vùng quê đặc trưng. Hai phân khu phía Bắc đào tạo các điệp viên hoạt động tại Mỹ, Canada và Anh. Hai phân khu phía Nam mô phỏng Úc, New Zealand và Nam Phi.
Các điệp viên hoạt động tại Đức, Áo, Thụy Sĩ và các nước thuộc bán đảo Scandinavia sẽ trải qua kỳ huấn luyện cuối cùng tại trường tình báo nằm ở Prakhov, cách thủ đô Minsk của Belarus 70 dặm về phía Đông Bắc.
Quá trình học tập được các chuyên gia giám sát đến từng chi tiết nhỏ nhất ví dụ như trò chuyện chỉ được nói bằng tiếng nước ngoài. Nhiều “cư dân” trong các thành phố mô hình này xuất thân từ chính quốc gia đó và họ phải mô phỏng lại chính xác những gì đã từng sống. Tất cả hàng hóa trong các cửa hàng được nhập khẩu trực tiếp, chúng là những thứ như sách báo, tạp chí, vé xe buýt, tem thư, tờ quảng cáo…
Các sản phẩm văn hóa nước ngoài như phim ảnh, chương trình radio… được nhân viên KGB ở các đại sứ quán của Liên Xô thu thập bằng cách ghi vào các cuộn phim rồi sau đó gửi về nhà qua đường thư tín ngoại giao. Qua đó, những điệp viên đang thực tập có thể làm quen với cuộc sống, tâm tư tình cảm của nhiều giai tầng xã hội khác nhau của một quốc gia xa lạ.
Tương tự, giá cả hàng hóa, sản phẩm luôn được cập nhật liên tục. Hàng tuần, các nhân viên KGB nước ngoài phải chạy đi khắp các cửa hàng ở nhiều thành phố lớn nhỏ, ghi nhận sự thay đổi về giá và chuyển thông tin đó về. Các thành phố mô hình vì thế luôn là bức tranh thu nhỏ chính xác với thực tế.
Trong thời gian huấn luyện, các điệp viên sẽ nhận lương hàng tuần tương ứng với mức chi trả ở quốc gia mà họ sẽ đến, và họ phải xoay sở sinh sống với số tiền đó. Họ được học cách gọi món ăn trong nhà hàng, mua vé xem phim, gọi taxi… Các giáo viên thường xuyên tổ chức các buổi ăn nhậu, và trong trạng thái say xỉn, các học viên vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu vô tình ai trong số họ buộc miệng nói sang ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ phải chịu hình phạt rất nặng và có thể bị đuổi khỏi trường. Trải qua nhiều giai đoạn huấn luyện và tuyển lựa, chỉ có những cá nhân xuất sắc nhất được giữ lại.
Nhà văn Benard Hitton, cựu ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Tiệp Khắc sau này mô tả lại những gì ông được chứng kiến. Theo đó, chương trình đào tạo được bắt đầu bằng khóa học giáo dục chính trị dài 4 tháng đi kèm với vòng sơ tuyển tại trường Macxit gần Matxcơva. Hầu hết những học viên nam nữ bước qua cánh cổng canh gác nghiêm ngặt của trường đều không ngờ rằng họ sẽ được chọn lựa đào tạo thành điệp viên. Họ nghĩ đơn giản rằng việc kiểm tra quá khứ, nhân thân, quan điểm chính trị… trước khi vào học chỉ là mối quan tâm của KGB về việc làm trong sạch Đảng.
Một ngày làm việc bắt đầu bằng bữa sáng lúc 7 giờ và kết thúc bằng bài giảng chung lúc 10 giờ tối. Có hai khoảng thời gian giải lao chính dành cho hai bữa ăn trưa và chiều cộng với hai lần nghỉ 15 phút thư giãn. Các tiết học hầu như vắt kiệt sức các công dân trẻ, chủ đích khiến họ không thể phát sinh tình cảm trai gái dù được bố trí sống chung kí túc xá. Mỗi lứa sinh viên chỉ có vài người được chọn ra bước tiếp vào cấp đào tạo cao hơn tại Trường kỹ thuật Lenin.
Trong ngôi trường mới này, kỷ luật hà khắc không thua gì trong quân đội người Spartan. Vật dụng cá nhân của các học viên bị hạn chế đến mức tối thiểu, họ ngủ trên những chiếc giường sắt san sát nhau trong một căn phòng lớn ngăn cách bởi những chiếc tủ hẹp. Mục đích đào tạo của trường Lenin là phát triển trí lực và thể lực của các học viên, chuẩn bị cho công việc tình báo tương lai.
Một buổi sáng bình thường bắt đầu bằng quãng đường dài chạy maraton trong khu tập luyện. Các môn học thể lực rất đa dạng, từ nhảy dù cho đến lái xe tốc độ cao, và tất nhiên quan trọng nhất là môn võ cận chiến hướng dẫn bởi các chuyên gia KGB…
(còn tiếp)
Theo Một Thế Giới